Câu cá lòng tong

Ngày đăng: 23/05/2013 11:34:00 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

Ngọc Vinh là cựu HS Trung học Chợ lách, người bạn vong niên với SOS ở xã Vĩnh Bình Chợ lach. Anh có khiếu viết văn và có được vài tập truyện đã in. Đây là bút ký của anh mới viết gần đây, xin giới thiệu với anh chị em một cây bút mới (SOS)

 

Chớm đông, gió heo may lại lướt thướt kéo về, lục bình chưa kịp trôi đã… nở, phù sa lắng xuống tấp đâu đó bên bãi sông bồi, nước từ đục ngầu rồi chuyển sang trong như được lóng phèn khi mùa mưa chậm dần rồi dứt hẳn. Nước trong leo lẻo đủ để nhìn thấy từng bầy cá lòng tong bơi lượn tìm mồi. Trên bờ, hàng so đủa bắt đầu nhú bông, đám đậu rồng cũng lún phún những nụ màu trắng tím gợi thèm một tô canh chua thơm phức mùi ngò gai, mùi ớt hiểm giầm nước mắm trong và con cá lòng tong cong cong, trắng tươi, béo ngậy. Sự thèm được khơi dậy từ tiềm thức gây nhớ rồi đột nhiên muốn một bước nhảy về tuổi thơ để tìm lại những khoảnh khắc trong trẻo, hồn nhiên của cuộc kiếm sống dân dã, nhọc nhằn nhưng đầy lãng mạn, trong đó có “nghề” câu cá lòng tong.

 

Xưa, ngoại tôi cứ qua lập đông là bà chọn một đọt trúc cong vừa phải trong vườn, chặt, phơi khô và vót cho láng để chuẩn bị cho một mùa câu cá lòng tong. Cá lòng tong mùa nào cũng có nhưng nhiều và ngon nhứt chỉ có ở giai đoạn từ đầu đông cho tới cuối tháng Hai âm lịch. Hồi đó, do tiết kiệm ngoại tôi chỉ mua lưỡi câu, còn nhợ thì được thay thế bằng những cọng chỉ trắng. Riêng mồi câu, ngoại không sử dụng thứ nào ngoài cơm nguội trộn cám. Lúc ngồi câu, một tay ngoại cầm cần câu, tay kia ngoại bóc hột cơm se liên tục cho hột cơm quện với cám xăn lại để móc vào lưởi câu không rã. Câu cá lòng tong, khâu quan trọng là chọn bến và thời điểm, trúng hay thất lệ thuộc rất lớn vào những kinh nghiệm này. Thời điểm thì đơn giản rồi. Dân quê ai cũng biết cá lòng tong thường kéo nhau đi kiếm mồi lúc nước vừa lớn. Thời gian này mà thảy mồi là giựt không kịp! Nhưng bến câu mới là yếu tố quyết định trúng thất trong một ngày vì, chọn đúng bến, người câu sẽ có được nguồn cá dồi dào để mà “khai thác”! Ngược lại, ngồi chưa nóng chỗ đã phải quảy cần câu đi chỗ khác.  

Khi ngoại “về hưu”, tôi “kế thừa sự nghiệp’ câu cá lòng tong của bà trong những ngày nghĩ cuối tuần để cải thiện cho mình những bữa cơm nghèo trước đó. Tôi câu cá không giỏi bằng ngoại nhưng “lì” hơn và “đa dạng hoá” mồi câu nên ngoài kiếm ăn thì có khi còn dư cá để bán lấy tiền đi học. Với tôi, câu cá lòng tong trong cái ý nghĩa đơn thuần là kiếm ăn thì nó còn là một thú tiêu khiển, một cách rèn cho mình sự nhẫn nại, chịu khó. Thuở ấy, có hai địa điểm “ruột” để tôi ngồi câu, đó là cây gừa già gie ra mé sông gần bến đò ngang và cây điều tán rộng trong con khém sau góc vườn nhà ngoại. Chỗ gốc gừa gie ra mé sông, kỉ niệm tuổi thơ tôi ngồn ngộn ở đó. Không chỉ câu cá lòng tong, đó là nơi bọn trẻ chúng tôi tập trung bày những trò chơi dân gian như năm mười, đu bay (nắm rể gừa lấy trớn đu ra ngoài sông rồi buông tay cho rớt ùm xuống. Đứa nào đu xa hơn sẽ thắng.)… Nơi này, tôi đã từng đọc cho mấy thằng bạn nghèo của mình nghe bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh khi học lóm được của người chị bà con học cấp ba:

 

Quê hương tôi có con sông xanh biếc.

Nước gương trong soi tóc những hàng tre.

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè.

Toả nắng xuống những dòng sông lấp loáng…  

 

Nơi này, tôi từng giả bộ ngồi học bài để dòm lén cô gái chèo đò có mái tóc dài quá lưng được kẹp lại gọn gàng, đung đưa theo mỗi nhịp chèo. Nơi này, tôi từng ngồi hút mắt chờ mẹ tôi đi mót lúa ở tận miệt Long An, Đồng Tháp trở về. Nơi này, tôi có những vui buồn hờn giận của đứa trẻ bần hàn, lăn lóc giữa đời như chiếc lon rỗng, thỉnh thoảng được kêu lon ton khi có người đá vào! Và nơi này, tôi thường ngồi ngắm hoàng hôn tắt để hy vọng một bình minh trong lành…

Khác với chỗ gốc gừa, nơi tán điều ở góc vườn trong khém là một không gian hoàn toàn im ắng, vắng lặng đến mức có thể nghe cả tiếng cá đớp mồi, tiếng lá rơi và cả tiếng xế trở chiều! Cây điều vào mùa đông, từng sợi hoa đổ tím xuống mặt nước. Cứ có một đợt gió là có một đợt mưa tím rụng đầy. Đàn cá lòng tong chỉ chờ cơ hội này là “ăn móng”. Ngồi câu mà thưởng thức bức tranh chiều có màu trầm đầy lãng mạn đó rồi mơ hồ một bóng hình thôn nữ thoáng qua trong vườn vắng thì tuyệt vời làm sao! Rồi, trong cái yên ắng đến tịch liêu ấy, những âm thanh thôn dã từng chút, từng chút một rụng vào kí ức: Tiếng bìm bịp kêu xa, tiếng gà cục tác, tiếng mẹ gọi con văng vẳng: Bớ… Tèo… sao mà thương vô cùng!

Câu cá lòng tong nhìn thì thấy đơn giản vậy nhưng không có kỹ thuật thì kiếm ăn cũng khá vất vã. Từ khâu chọn lưỡi câu, cách móc mồi câu cho tới việc nhấp câu, giựt câu phải có một quá trình trải nghiệm mới thuần thục được, nhất là chọn thời điểm giựt câu để cá mắc câu. Cá lòng tong rất háu ăn, thảy mồi vừa tới mặt nước là chúng tranh nhau đớp mồi. Giựt nhanh sẽ duột mồi, giựt chậm cá sẽ nhả mồi do đụng lưỡi câu. Thích hợp nhất là khi cá ngậm mồi lôi đi một khoảng ngắn, nhấp nhẹ cần câu cho vừa đủ để lưỡi câu móc vào miệng cá, lôi lên cá không bị sứt mép mà sẩy mất.

 

Cá lòng tong là thứ dễ chế biến thành… mồi nhậu nhứt! Buổi chiều, muốn lai rai với bạn bè thì trưa đó trèo giựt một mớ bông so đủa và hái vài chục trái đậu rồng để sẵn. Nước nhửn lớn sẽ đi dọc theo hàng rào dăm bụt để tìm ổ sâu. Nước vừa chảy mạnh là ra cầu bến thảy một nắm cam để nhử cá. Và, nếu câu giỏi, chừng hai mươi phút sau sẽ có một nồi canh chua cá lòng tong bông so đủa và đậu rồng bốc khói. Trong lúc chờ nấu canh chua, xách cần câu tới một bến khác ngồi câu “ráng”. Canh chín cũng là lúc có thêm một món mới từ cá lòng tong: cá lòng tong chiên tươi. Ngối nhấm nháp chút rượu đế cùng những người bạn nông dân lam lủ giữa thôn quê yên bình dưới tàn cây mát rượi bóng chiều rồi khề khà những chuyện mùa màng, giá cả; chuyện mưa nắng thất thường; chuyện được mất đời người như gió thoảng, mây bay… Hạnh phúc có khi chỉ đơn giản và nhẹ nhàng như vậy nhưng không dễ tìm trong sự bộn bề tất bật của cuộc kiếm sống hôm nay.

    Ngọc Vinh

                                                         

 

Có 5 bình luận về Câu cá lòng tong

  1. Anh Tuấn nói:

    Anh Ngọc Vinh, xem bài của anh xong mình muốn trở về thời câu cá lòng tong, ngày xưa lúc còn nhỏ cũng hay đi câu cá lòng tong (bắt chước người ta) chứ mình câu không có cá, giựt cá bị rớt xuống sông hoài, cả tiếng chỉ có vài con,đọc bài của anh mới biết câu cá cũng phải có kinh nghiệm khó quá, nhưng vẫn thích đi câu dù câu không có cá hoăc không câu cá, cũng được nhìn cô chèo đò dễ thương, thật lãng mạn…bài viết như một bức tranh miền quê chất phát,đậm nét quê hương. Bây giờ nếu anh còn đi câu, chúc anh câu được nhiều cá hơn lúc còn thơ…và gặp nhiều cô gái đưa đò chứ không phải một cô. 

  2. Phuong Thao nói:

    Tat ca deu “tuyet cu meo”! Loi van,bo cuc, lan cach dien ta nhung mon an nau tu ca long tong cua anh!

    Hoi con o VN, nha ngheo, an ca long tong lien mien nen toi bay gio chang bao gio biet them toi mon an dan da nay. Vay ma nghe anh ta to canh chua ca long tong va chen nuoc mam giam ot hiem, lam toi phai nuot nuoc mieng cai uc! Cam on anh tac gia va anh SOS da goi nho trong toi nhung ky niem cua que nha!

  3. Quang Huynh nói:

    Thèm ăn cơm với cá lòng tong kho khô và chuối già chín quá đi. Mình không biết câu cá, từ hồi nào đến giờ câu không bao giờ dính được 5 con cá lòng tong.

    Tuấn Võ sao không hướng dẫn P.Thảo viết có dấu? 2 đứa bây ở chung nhà mà 1 đứa viết có dấu, 1 đứa không dấu

    Phương Thảo: tiếng Việt viết không dấu, đọc nguy hiểm lắm đó nhen. Mầy vô truyện cười về nhắn tin không dấu xem, có ngày mầy viết 1 đường tụi tao hiểu 1 nẻo đó.laugh

  4. Phuong Thao nói:

    Biet dau Thao lai muon moi nguoi hieu nghia khac?

  5. Nguyễntuyết nói:

    Nồi cá lòng tong kho khô làm cho NT phát thèm , qua đây không có cá lòng tong còn sống  nên không có dịp ăn lại , chỉ có thấy bán khô  , nhưng không  có thích ăn kiểu này ,  NT chỉ thích cái kiểu tươi sống ở dưới quê mình mới ngon , hồi nhỏ  , trưa hè , nước mương hơi cạn , NT có lội xuống bùn , bắt ốc đắng , lấy muổng duà tác nước mương , bắt cá lòng tong và vài con cá khác …. đem lên…bà ngoại làm cá rồi cũng kho khô , bỏ tiêu và vài trái ớt vô nưã , vậy mà ăn cơm cũng ngon lắm  , hồi nhỏ ăn món gì cũng thấy ngon , bây giờ.lâu lắm rồi không còn có dịp ăn nưã… tâm hồn ăn uống cũng chạy mất tiêu rồi !!! vì ăn ngon không phải món ngon , vật lạ … mà là có bạn cũ tâm giao lúc nhỏ hoặc ăn với người có cùng kỷ niệm mới thấy ngon và thấy vui ! Cám ơn bài viết món cá lòng tong cuả bạn  Ngọc Vinh , bạn viết hay và cũng hấp dẫn nưã. NT SNow.

Trả lời Nguyễntuyết Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác