Hạ cánh trong tình trạng cấp cứu.
Sáng nào cũng như sáng nào, Lúa tui thức rất sớm. Bộ tứ trụ lớn bé xúm xít rất hòa thuận, Một Lúa, laptop, TV và tách cà phê đen nóng ít đường. Trong lúc nhấm nháp chất Starbucks pha từ bột mua ở tiệm, nước sôi nấu tại nhà, Lúa vừa xem tin trên TV, vừa đọc tin trên vi tính. Điện rẻ mà, miễn vui là được, mà cũng ngộ, ít khi gặp tin vui.
Tin nầy mãi bên châu Á, cũng là một tổn thất nhưng không buồn lắm. Người ta đưa tin, ngày 13 tháng 4-2013 một chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Lion Air, Indonesia, chạy ra khỏi cuối đường phi đạo và nhảy tỏm xuống mé biển cạn. Toàn thể 108 người lớn bé có mặt trên máy bay đều an toàn, chỉ vài người xay xát nhỏ. Trong tin còn dẫn chứng một nguồn khác cho rằng máy bay đáp thẳng trên mặt biển. Nhưng dù thế nào thì phi đạo nầy có điều không ổn. Thường là đoạn cuối của tình yêu hay của phi đạo đều phải có một khoảng trống dự phòng, để có ai quá đà mà chưa hết trớn thì có chỗ rớt ịt vào khoảng đệm cho tỉnh hồn tỉnh trí. Trên bờ đất cát thiếu gì, cùng chẳng đã mấy chiếc hàng không mẫu hạm mới không nối dài runway ra được.
Lúa chợt nhớ gần chỗ mình trú ngụ cách nay không lâu lắm. Trên dòng sông Hudson, biên giới tự nhiên giữa New Jersey và New York ngày 15 tháng 1 năm 2009 xảy ra một điều kỳ diệu. Câu chuyện bắt đầu khi chiếc Air Bus A-320 hai động cơ phản lực của hãng US Airways. Chuyến bay mang ký hiệu 1549, cất cánh từ phi trường LaGuardia, New York City, hành trình bay đến Charlotte, North Carolina. Phút đầu tiên sau khi cất cánh máy bay đạt được độ cao 980 mét thì phi công trưởng Sullenberger III, phát hiện cả hai động cơ đều ngừng hoạt động vì những con ngỗng bay đen trời trên đường thiên di, một số lọt vào chẹn cứng các kẻ quạt của động cơ. Ông báo cáo đài Kiểm soát không lưu LaGuardia và họ yêu cầu ông quay trở về. Ông biết máy bay không còn lực đẩy và không đủ độ cao để thực hành thao tác lượn cánh diều. Ông thông báo quyết định hạ cánh trên mặt sông Hudson trước mặt. Ông lợi dụng trớn lướt gió sắp tàn của tàu bay để chọn một góc độ landing tuyệt hảo. Chiếc máy bay trợt trên nước như một tấm ván, đầu hơi ngóc cao như con cá kình rẽ sóng một đường lã lướt đẹp vô cùng. Thân máy bay không bể không gãy, chỉ có hai động cơ bị xốc vào nước quá mạnh nên sút cùi rụng mất. Những cửa cấp cứu có đệm hơi hai hông máy bay mở ra, mọi người ra đứng ken khít trên hai cánh máy bay. Một cảnh tượng chưa từng thấy trong lịch sử hàng không. Chiếc máy bay ba chìm bảy nổi vững vàng giữa khoảng sông có chiều ngang 2 km. Tất cả 155 người sau 6 phút trên không trung và 15 phút trên mặt sông hoàn toàn thoát nạn.
Tài năng và tay lái chính xác của ngài Sullenberger III không thể phủ nhận. Nếu khi đáp, đuôi máy bay chạm nước quá mạnh bị gãy, nước tràn vào khoang trong, hổn loạn xảy ra khi mở cửa thoát hiểm, nhiều người sẽ ra ngoài không kịp hoặc rơi xuống nước và ít ai sống được sau 10 phút ngâm trong khối nước lạnh 5 độ C lúc đó. Và nếu có một cánh máy bay đứt lìa, thì thân sẽ xoay nghiêng, một phía hông bị nằm trong nước, sự cứu cấp gặp khó khăn thập bội.
Trong thuật ngữ hàng không thông thường đại chúng, có lẽ dễ nghe dễ hiểu dễ nói nhất là từ landing. Ai cũng biết land là đất, thì đoán sơ sơ landing nghĩa là sự chạm đất. Nhưng giao kết cho rõ là giò cẳng của máy bay phải bung thẳng gối và chỉ được phép để cho dàn bánh xe máy bay chạm đất thôi nghen. Trong những sự cố kỷ thuật, máy bay bị thọt hay què, chân co chân thẳng, phi công bắt buộc dùng bụng chạm đất. Họ phải chọn cách nào để đem lại an toàn hoặc giảm thấp tổn thất sinh mạng hành khách trên không và ngó luôn cho con người trên mặt đất. Lúa có chứng kiến trực tiếp trên TV, một trường hợp chân giò bánh trái của máy bay có đầy đủ, nhưng người ta phải chọn cách đáp bụng trên mặt ruộng bắp. Thay vì họ có dư giờ và nhiên liệu để đáp trên các bánh xe ở một phi trường lớn có nhiều đường băng với hệ thống kiểm soát không lưu hiện đại, được trang bị đầy đủ các phương tiện cứu cấp, chữa lửa hùng hậu và sẵn sàng trên mặt đất.
Ngày 19 tháng 7 năm 1989 tại phòng khách chỗ cư ngụ của gia đinh Lúa ở Tiểu bang New Jersey. Tụi tui vừa mua được chiếc TV 27 in nên thích ở nhà xem đài hơn là tìm người quen chở dùm đi chỗ này chỗ nọ. Lúa rất ngạc nhiên tại sao một lúc mà nhiều đài địa phương nhưng khác công ty lại cùng chiếu chương trình tiếp vận từ Tiểu bang khác. Trên màn hình một chiếc máy bay phản lực hàng không dân sự cứ bay đảo vòng lớn không nhanh lắm, máy thu hình từ mặt đất cho thấy nó cũng không bay cao, Các người đọc tin lộ vẻ nghiêm trọng nhưng chưa thấy phản ứng khẩn cấp nơi phi trường bên dưới nó. Tin tức cho biết căn cước của nó là chiếc máy bay hành khách DC-10, 3 động cơ phản lực của hãng United Airlines. Chuyến bay mang số 232 xuất phát từ Denver, Colorado đến Philadelphia, lịch trình sẽ ngừng một trạm giữa là phi trường O’Hare, Chicago. Vừa bay trên lãnh thổ Iowa để hướng về Chicago thì động cơ thứ 3 treo trên cánh lái phần đuôi của máy bay bị hư hỏng nặng, kéo theo hệ thống thủy lực điều khiển lái tàu gần như tê liệt. Hệ thống thủy lực điều khiển chỉ còn nhờ vả vào hai động cơ còn khỏe ở hai cánh nhưng áp suất tuột thấp vì sự rò rỉ dầu tại máy thứ ba. Trong số hành khách trên chuyến bay có một chuyên viên huấn luyện về những chiếc DC-10 nầy. Họ dư thì giờ lúc chờ máy bay đốt cạn nhiên liệu bình chứa, để thảo luận giữa những người trên không và mặt đất nhằm tìm ra phương án cứu nguy tốt nhất. Với hệ thống lái bị hư hỏng nặng. Họ chỉ đáp được bằng cách giảm tốc độ cho máy bay rơi xuống và trườn lao tới bằng quán tính, lúc đó dàn bánh xe không chống nỗi sức ịt của máy bay sẽ gãy vụn, và sự chấn động, cọ xát trên đường băng xảy ra rất lớn, Vì vậy họ không thể mạo hiểm dùng trứng mà ném vào khối bê tông đường băng. Và họ chọn cho mình một quyết định bằng cách dùng bụng tàu đáp trên ruộng bắp.
Lực lượng tiếp ứng gồm có số đông quân đội, cảnh sát, cứu thương, cứu hỏa đã sẵn sàng bên dưới. Người ta cũng tìm cho họ môt ruộng bắp bao la và tương đối bằng thẳng và gần lộ xe. Hệ thống truyền thông phát hình, phát thanh cả nước kêu gọi toàn dân Mỹ hãy cầu nguyện cho họ.
Như đại bàng gãy cánh, những thân bắp cao gần 2 mét không thể đở nỗi thân chiếc máy bay khổng lồ. Sự chấn động của việc chạm đất đầu tiên và tiếp theo là những cái tưng nẩy chết người đã bẻ rời thân tàu ra 5 đoạn. Riêng phần khoang lái tàu khi bị gãy cổ, nó lăn long lóc như một quả banh, lột hết da bên ngoài như đầu một con cóc gớm ghiếc. Viên phi công khập khiểng bước ra khỏi rừng bắp như một hồn ma trong tiếng vỗ tay của nhân viên cấp cứu, hai sĩ quan phi hành bị thương nặng, viên phi công phụ bị mấy tấn giây điện che phủ, lính cứu hỏa phải dùng kìm cắt thép moi ông ta ra.
Trong 296 con người trên chuyến tàu định mệnh mang số 232, hồn thiêng 111 hành khách và phi hành đoàn phải nằm lại trên đồng bắp buổi trưa hè rực nắng 19-7-1989, 185 người đồng hành sống sót kia cảm tưởng như được tái sinh. Một kết quả đau buồn, nhưng với những chuyên gia, đó là con số vượt trên lòng mong đợi. Đối với những vị phi công tài ba kia, tất cả lời khen hay huy chương đều không bằng lời cám ơn chân tình của những người sống sót.
Một Lúa
H2
h3
Đọc lại tin , nghe lại tin , xem lại tin thấy rùn mình , đúng là con người có số !!?? chưa chết thì còn may mắn sống sót phải không anh Một Lúa. Đúng là những người còn sống sót là được tái sinh lại ! nhìn cảnh tượng máy bay thấy khiếp vía quá !!??
Việt Nam cũng có những pha “landing” ngoạn mục đến nổi người coi gần như nín thở, và hảng sản xuất phi cơ không tưởng tượng được. Cũng có chuyến đáp bụng an toàn. Ngày xưa phi cơ còn dùng “động cơ nổ”, khi chết một máy, không cho hành khách biết, “xuôi cờ” chóng chóng bên động cơ chết, đáp an toàn nhiều lần. Khi chết cả 2 máy, xe cứu hỏa trải “foam” đáp bụng.
MX đọc bài viết của anh Một Lúa về những tai nạn máy bay và những hành khách may mắn thoát chết trong các tai nạn hàng không ,chứng tỏ anh Một Lúa cũng quan tâm nhiều đến phương tiện này, cho nên MX sau khi xem cảm thấy có cái gì đó nó có Liên quan ít nhiều đến mình ,nhân cơ hội nầy dựa theo anh Một Lúa để có dịp tâm sự cùng các anh chị ,bạn bè gần xa .Số là gia đình của MX có trên mười người hầu như sử dụng phương tiện máy bay là nhiều nhất , ( MX xin lỗi vì MX biết rằng có những người đôi khi cả đời chưa biết đi máy bay là gì ) Nhưng xin mọi người đừng nghĩ là MX chảnh chọe họặc giàu có nhé! Không phải vậy đâu nha ,Chẳng qua là công việc kinh doanh của mình nó đòi hỏi phải sử dụng phương tiện này mà thôi ! ASIANA AIRLINE là hảng Hàng Không mà gia đình MX đang sử dụng , tất cả mọi người đều là member của hảng này : cao nhất là PLATINUM ( ông xả ) còn tất cả đều là DIAMOND member , bởi vì công việc nên hàng tuần phải bay qua lại giữa VN và HQ cho nên thỉnh thoảng đọc báo thấy tai nạn máy bay cũng hơi ớn xương sống , có đôi lúc máy bay gặp thời tiết xấu , hoặc vô vùng nhiểu loạn không khí máy bay rung lắc dữ dội là trong miệng thì thầm đọc kinh cầu nguyện …. Thật sự là mình rất dị ứng mỗi khi đang bay mà nghe giọng tiếp viên nhắc nhở : ” máy bay đang qua vùng thời tiết xấu , xin quý Khách cài chặt dây an toàn hoặc ” mặc dù đèn tín hiệu đã tắt ,nhưng xin quý khách hảy ngồi yên tại chổ và cài dây an toàn”…. Anh Một Lúa thân mến ! So sánh những phương tiện di chuyển thì máy bay có lẽ mang tính an toàn cao nhất phải không anh ? Mỗi người đều có số cả , lá số tử vi của MX là ” Thân cư Thiên di” mà !!!
DTMX ( CHS TPH )