Triển lãm Hoa Xuân

Ngày đăng: 8/03/2013 11:05:43 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

 

 Năm 1827, thành phố Philadelphia thuộc Tiểu bang Pennsylvania, vùng đông bắc nước Mỹ, tổ chức triển lãm thực vật dưới chủ đề rau củ cây trái nhà vườn. Trưng bày những thành quả sinh nhai và sự tồn tại vững mạnh suốt quá trình của một xã hội hình thành từ những di dân tay trắng trên vùng đất xa lạ hoang sơ. Đến năm 1929, sau hai lần được tổ chức liên tục, những chuyên gia hoa kiểng cây trồng đổi tên chương trình nầy trở nên Triển lãm Hoa xuân. Lần đầu tiên của cả nước, một mô hình triển lãm cây cỏ hoa kiểng của nước Mỹ dưới tên mới Philadelphia Flower Show. Trong những cuộc triển lãm tiếp nối hàng năm, các hoa thơm, cây cỏ cố cựu cả nước hoặc xuất thân từ du nhập đều được tuyển chọn trưng bày trong nhà kín. Thời điểm tổ chức thường vào tháng Ba, khi mà vùng nầy đang chuẩn bị vào xuân, thời tiết bên ngoài ở vùng nầy những lúc đó trung bình cũng không cao hơn độ đông đá là mấy. 
        Những năm đầu tiên, mặt bằng triển lãm khoảng 500 mét vuông. Bỡi nhu cầu phát triển, nên phải luôn tìm kiếm địa điểm thích ứng trong nội ô thành phố. Khi Hội chợ Hoa xuân bắt đầu được dọn vào trưng bày lần đầu tại Trung tâm Hội nghị của Tiểu bang đặt tại Thành phố nầy năm vào năm 1996. Từ lúc có chỗ ở khang trang đến nay, mọi người công nhận đó là những Hội chợ Hoa xuân “indoor” lớn nhất thế giới. Những năm gần đây có khoảng 250 ngàn khách tham quan trong suốt thời gian mở cửa thường là chỉ 7-8 ngày. Giá vé thưởng lãm show năm nay cho người lớn là 27 đô và 15 đô cho trẻ em trên 2 tuổi. Triển lảm khai mạc ngày 2, bế mạc ngày 10 tháng 3. Ngoài phần triển lãm, chương trình kéo theo hàng chục gian hàng bán hàng lưu niệm, chim cò, nai gấu bằng đồng hay sành sứ, ngư tiều canh mục, ông tiên ông bụt. Hàng chục gian hàng chuyên môn cung cấp hoặc xây dựng greenhouse, suối ao cá cảnh, gạch đá trang trí vườn hoa. Và dĩ nhiên có chỗ bán những chậu hoa, cây cỏ cho khách mua về trồng thử.
        Nhân tiện người viết xin được giới thiệu một vài bông hoa, tuy không rực rỡ sắc màu, nhưng không bao giờ tàn rụi sau những tiệc vui. Những đóa hoa nầy được vun trồng nơi địa phương chủ quản những cuộc triển lãm hoa xuân truyền thống. Tuy không hương sắc nhưng chắc chắn chúng nở mãi trong lương tâm những người tiến bộ khắp nơi. 
        Philadelphia có dân số chừng một triệu rưỡi, nếu kể luôn các vùng phụ cận thì lên đến khoảng 6 triệu người và là thành phố đông dân đứng hàng thứ 5 trên nước Mỹ. Thành phố có những sự kiện đáng chú ý như là chiếc chuông Tự Do được đúc năm 1752, trong hàm ý huyền thoại lấy ra từ một đoạn kinh sách của Leviticus “Công bố tự do trên xứ sở mà dân chúng sống trên đó”  Có lẽ đó là niềm khát khao độc lập tự do của người Mỹ muốn thoát ách cai trị thuộc địa của người Anh. Manh nha cho việc đứng lên dành lấy độc lập 23 năm sau đó. Tuy rằng những tiếng chuông đầu tiên đã làm nó nứt bể, nhưng hình ảnh quả chuông và ý nghĩa của âm thanh huyền dịu được mọi người dân Mỹ công nhận biểu hiệu cho sự giải phóng nô lệ lúc đó và lý tưởng tự do cao quý của con người. 
        Thành phố nầy cũng là chiếc nôi soạn thảo  Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 4 tháng 7 năm 1776, mở màn cuộc chiến tranh cách mạng, đánh đuổi người Anh thực dân đang cai trị. Và cũng là nơi thành hình một văn bản đầy tính khoa học, tiến bộ và nhân bản của quốc gia cộng hòa dưới chính thể tam quyền phân lập đầu tiên trên thế giới. Đó là Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ soạn thảo ngày 17-9-1787. Bản văn từng được nhiều quốc gia non trẻ khác tham khảo và học hỏi sau nầy. 
       Thành phố đó cũng là nơi sinh sống và làm việc của một người đa tài có khuôn mặt bầu bỉnh với chiếc trán mênh mang mà hầu như nhân loại đã từng biết đến, đó là ông Benjamin Franklin  (1706-1790). Ben Franklin là đứa con thứ 15 trong một gia đình có 17 anh em ở Boston, Massachusette.  Năm Ben được 10 tuổi, người cha buộc phải thôi học để theo học nghề in với người anh ruột. Được 17 tuổi anh chàng Ben một mình đến thành phố Philadelphia làm việc sinh nhai. Bởi lòng đam mê học hỏi và đọc sách, nên Ben chiêu mộ nhóm thợ thủ công tranh thủ cải thiện chính mình và cộng đồng bằng cách thành lập thư viện và cho mướn sách. Ở tuổi 24, Ben thành lập được nhà in và tự in báo của mình. Ben dùng tờ báo nầy làm diển đàn kêu gọi mọi người tham gia phát huy sáng kiến thông qua các bài viết. Và cũng nhờ những bình luận và nhận định sắc bén, Ben được hầu hết các tầng lớp dân chúng thành phố nầy cảm phục. Vừa là một người làm công tác văn hóa, công chức, nghiên cứu khoa học và làm chánh trị, ngoại giao. Trong cương vị một nhà khoa học được nhiều người mến mộ, Ben Franklin có ảnh hưởng và công rất lớn trong việc vận động 2 vua Louis XV và Louis XVI của Pháp ủng hộ người Mỹ về chánh trị và quân sự tốn kém trong cuộc chiến tranh cách mạng (1775-1783). Ông cũng là người có khái niệm đầu tiên về dòng điện và sự dẫn điện, là người phát minh ra cột thu lôi và một vài công việc khác. Nhưng ông không bao giờ đăng ký phát minh để thu lợi, bởi vì chính ông quan niệm “Mình đã thụ hưởng biết bao văn minh nhân loại, có dịp thì mình cũng tận tâm đóng góp trả lại cho đời”
         Nhưng đất nước nầy không thể quên Ben Franklin “Công dân đầu tiên của nước Mỹ”, do ý tưởng đề nghị thống nhất 13 thuộc địa đầu tiên của ông, để sau đó trở thành Hiệp chũng quốc Hoa Kỳ năm 1776. Thành phố lấy tên ông đặt cho chiếc cầu treo lớn nhất trong số 4 chiếc bắt qua Tiểu bang New Jersey. Và tên ông cũng danh dự gắn liền cho một quảng trường rộng lớn bắt đầu từ toà Thị chính chạy dài một mile đến Viện bảo tàng Nghệ Thuật, cắt chéo những ô giao lộ vuông tuyệt đẹp trên bản đồ. Benjamin Franklin Parkway có khả năng chứa 5-7 trăm ngàn người người tập họp trong những dịp đình đám lễ hội. Và có một điều tuy nhỏ nhưng cũng rất cảm tình là tấm ảnh chân dung của ông trên tấm giấy “xăng” 100 đô-la, ai ai cũng biết.
  
        Năm nay 2013, ban tổ chức lấy cảm hứng nền văn hóa Ăng-lê, triển lãm kỳ thứ 185 Hội chợ Hoa xuân dưới chủ đề “Rực rỡ”. Khách tham quan bước vào phòng triển lãm là bắt gặp ngay mô hình cổng chánh cung điện Buckingham với quốc huy và chiếc mũ miện của vua, tượng trưng cho vương triều Anh quốc. Cũng như gặp lại chiếc đồng hồ tiêu biểu Big Ben. Rãi rác trên 20 ngàn mét vuông mặt bằng cùng dưới một mái che, kỳ hoa dị thảo xen nhau bên cạnh những mô hình thu nhỏ nền văn hóa Anh.
Cũng như quan khách có dịp thưởng thức một phần sân sau cuộc sống đời thường bình dị của hoàng gia Anh quốc.

Một Lúa

 

2919 Mô hình cổng cung điện Buckingham, dinh thự nầy là nơi ở chính thức của Hoàng gia Anh. Là điểm du lịch nổi tiếng của London. Về mùa xuân hoa nở tràn ngập những công viên phía trước và chung quanh.

2984  Tháp đồng hồ Big Ben thu nhỏ. Tháp đồng hồ 4 mặt lớn nhất thế giới nầy nằm trong cung điện Westminster, London. Người ta mừng 150 tuổi của nó hồi năm 2009.

2993 Mô hình ngai <gỗ> của vương quốc Anh và những vật dụng trang hoàng cho vị nữ hoàng khi ngồi lên đó.

3212 Cảnh dàn dựng lại một bàn tiệc pinic của hoàng gia Anh quốc.

3263 Bàn ăn BBQ ngày thường của hoàng gia
3203 Mô hình thu nhỏ vườn hoa trước nhà một nhà cư dân
     Mấy chữ Hán có lẽ để giải thích cây bonsai nầy3051Hồi xưa khi làm cỏ vườn gặp mấy bụi ráng nầy mọc mé mương chán chết, bây giờ gặp nó đứng những chỗ sang trọng cười tủm tỉm với mình.

3217 Bối cảnh thu nhỏ một vườn hoa sau nhà dân cư
3275 Mô hình rừng nhiệt đới Amazon

Có 4 bình luận về Triển lãm Hoa Xuân

  1. Một Lúa nói:

    Cáo Lỗi Viết Sai

    Trong đoạn nhập đề, xin đọc 1829 thay cho 1929.

    Trong chú thích ảnh cây tùng bonsai, anh SOS bỏ quên bụi ráng quê mùa có mặt trong triển lãm. Mà lại cộng gộp

    chú thích 2 ảnh kế nhau, làm cho cây tùng ở Đà-lạt  xuống mọc mé mương ấp 5, Mỹ Lộc.

    Xin độc giả lượng thứ cho những sai sót. Rất cám ơn.

    Một Lúa

  2. Nguyễntuyết nói:

    Anh Một Luá à , cám ơn anh cho NT và các bạn  hiểu biết 1 cách  khái quát về  Philadelphia và Pennsylvania qua bài Triển Lãm Hoa Xuân , huynh viết  hay quá , nhứt là  có minh hoạ những tấm hình rất đẹp …. cây bon sai rất là ấn tượng  ! NT SNow.

  3. PhiRom 12A 3 ( NK71) nói:

     

     Một Lúa ơi hình ảnh hội hoa xuân rất đẹp và lạ, nhưng giá vé  người lớn 25 đô, trẻ em trên 2 tuổi 15 đô, trẻ em trên 2 tuổi, tính tiền như vậy có quá đáng không? thường ở VN trẻ trên 6 tuổi mới tính tiền vào cổng, có nơi còn đo chiểu cao của trẻ khi mua vé …

     

  4. Một Lúa nói:

    Chào Nguyễn Tuyết và Phi Rom,

    Cám ơn lời BL của hai bạn.

    @Phi Rom, tụi tui mua vé trên mạng, họ nói sao thì mình làm vậy. Muốn dẫn mấy cháu đi chơi chớ biết rằng 2-3 tuổi chắc tụi nó cũng không thu thập gì. Việc đo chiều cao của trẻ ít thấy dùng để mua vé, mà chỉ áp dụng cho khu vực những trò chơi có tính nguy hiểm,  bắt buộc người tham gia phải vừa vặn vào khung an toàn của từng loại trò chơi khác nhau. Quên nói thêm với PR, gởi xe cách đó mấy block thời gian trên 4 tiếng đến 24 tiếng phải trả thêm 27 đô.

    Hồi mùa hè năm rồi chúng tôi có đi đến Longwood Garden, chừng 45 phút xe. Giá vé vô cửa tương đương, trẻ em 5 tuổi mới mua vé. Nhưng ở đó không phải trả tiền đậu xe. Thưởng ngoạn 4km2 công viên hoa cảnh của họ lội bộ rả giò. Chỉ có dân mình mới nhận ra rau nhút và bông so đủa được trồng trong công viên đó.

    Bị mấy vụ lặt vặt quần mãi, chắc lâu lắm mới có khả năng về ăn cái đuôi cá lóc nướng trui và ơ cháo bầu ngư của PR. Ha…ha………ha

     

     

Trả lời PhiRom 12A 3 ( NK71) Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác