Một cánh én không làm nên mùa xuân !

Ngày đăng: 21/03/2013 07:37:33 Sáng/ ý kiến phản hồi (14)

Nguyễn Loan Anh  CHS lớp12D3 (NK79) hiện cư ngụ tại Thụy Sĩ vừa gửi cho trang nhà một bài viết dạng hồi ức. Đọc bài của Loan Anh khiến cho những ai ngồi với mái trường ngày xưa phải bùi ngùi, bởi những chi tiết được tả lại rất rành mạch, người đọc cảm tưởng như mình đang trở về thời quá khứ (SOS)

Niên học 1971-1972, tôi được vào đệ thất của trường Trung học Tống Phước Hiệp, qua đợt tuyển sinh năm này, tôi biết có tất cả 15 lớp được tuyển chọn, trong đó có 10 (mười) lớp dành cho học sinh chọn sinh ngữ Anh và có 5 (năm) lớp chọn sinh ngữ Pháp. 

Lúc này trường Tống Phước Hiệp là chỉ dành cho nữ sinh, bước vào trung học là phải mặc áo dài trắng đi học vì sắp làm người lớn rồi thích thật!

nhưng lại là lớp đàn em, bé tí tẹo nhất trường. Hàng ngày được nhìn các chị lớp lớn hơn tha thướt trong bộ áo dài trắng đẹp nghiêm trang và yểu điệu thục nữ, xinh đẹp vì đã lớn, vì không còn như chúng tôi, vẫn còn cột áo dài, chạy nhảy với bao nhiêu là trò chơi của bọn con gái !

Chương trình lớp đệ thất cũng gồm nhiều môn học đấy chứ ! tôi nhớ là tiếng Pháp chiếm sáu giờ trong tuần, nhưng dường như không đủ cho tôi ngắm nhìn cô giáo, cô giáo tiếng Pháp của lớp tôi đẹp thùy mị và duyên dáng, giọng nói của cô sao êm ái với những bài học tiếng Pháp sơ đẳng trong quyển« Le français élémentaire », cùng những câu chuyện kể và những bài hát thiếu nhi tiếng Pháp như « Alouette », « Frère Jacque », « Savez-vous planter les choux ? » … mà tôi luôn nhớ mãi !

(đính kèm nơi đây Photo 8320 Cô giáo pháp vănTrần Thị Kim Lài (cũng là cô chủ nhiệm đệ thất 10 thân yêu của chúng tôi)

Song song đó, chúng tôi còn học những bài học trong quyển «Cours de Langue et de Civilisation françaises I (G.Mauger)» gồm 15 bài học đầu tiên dành cho lớp đệ thất, qua 15 bài học nầy đã giúp chúng tôi học khá nhiều ngữ vựng với những vật dụng hàng ngày, màu sắc, tuổi tác và giờ giấc …

Trong « Bài học số 13 – Các mùa » (leçon 13 – Les saisons) chúng tôi đã học về thời tiết, giờ giấc ở nước Pháp và tôi cứ luôn thắc mắc vì sao lớp học ở đấy lại bắt đầu lúc 9 giờ sáng và kết thúc lúc 12 giờ trưa (tôi nghĩ sao mà người ta ngủ trưa quá vậy ?) học tiếp về bốn mùa trong năm dựa trên hai động từ « Commencer et Finir » (bắt đầu và kết thúc) cô nói rằng đây là hai động từ ở hai nhóm khác nhau, các em học từ dễ đến khó, đó là căn bản trong học tập và trong cuộc đời cũng vậy, cũng phải cố gắng xây dựng trên một nền tảng mới được đứng vững, còn trong công việc hay bất cứ hành động nào dù là rất nhỏ, nếu đã có lúc « bắt đầu » thì chắc chắn phải có « kết thúc » Cụ thể trong bài học :

 

“Le printemps commence le 21 mars et finit le 21 juin. (Mùa xuân bắt đầu ngày 21 tháng 3 và chấm dứt ngày 21 tháng 6)

L’été commence le 22 juin et finit le 22 septembre. (Mùa hè bắt đầu ngày 22 tháng 6 vàchấm dứt ngày 22 tháng 9)

L’automne commence le 23 septembre et finit le 21 décembre.(Mùa thu bắt đầu ngày 23 tháng 9 và chấm dứt 21 tháng chạp)

L’hiver commence le 22 décembre et finit le 20 mars” (Mùa đông bắt đầu ngày 22 tháng chạp vàchấm dứt ngày 20 tháng 3)

Cô giáo luôn nhắc nhở chúng tôi : nếu các em chăm và học giỏi, sau nầy khi được đến nước Pháp hay một quốc gia nào đó ở Châu Âu, các em sẽ thấy điều kỳ diệu nầy, bốn mùa rỏ rệt theo đúng thời khắc mà các em đã học, và còn hơn thế nửa…

« Au printemps, le ciel est bleu, le soleil brille, il fait beau, les arbres ont des feuilles vertes. Le printemps est la saison des fleurs… »(Vào mùa xuân, bầu trời xanh, mặt trời chiếu sáng, tiết trời đẹp, cây cối đầy lá xanh. Mùa xuân là mùa hoa …)

Cô hỏi cảm nghĩ của chúng tôi về các mùa trong năm. Như mọi trẻ con, khi được nói về mùa xuân nghĩa là mùa được khoe áo mới, có được tiền lì xì, được đi chơi và ăn nhiều quà, được xem múa lân và đốt pháo … và còn biết bao nhiêu điều thú vị trong năm mới, vì thế mà nhiều bạn trong lớp đã trả lời rằng: Mùa Xuân được yêu thích nhất và cũng là mùa đẹp nhất!

Riêng tôi, những lời giảng của cô giáo luôn khắc sâu trong tâm trí, cũng như từng câu, từng chữ trong bài học. Từ đó, tôi bắt đầu chăm chú học tiếng Pháp bằng tất cả sự phấn khích và tò mò của tôi. Tôi cũng không thể biết được rằng một ngày của hơn ba mươi năm sau, tiếng Pháp lại trở thành ngôn ngữ định mệnh trong cuộc đời mình.

Mùa thu năm 2005, tôi theo chồng về xứ lạnh và định cư tại một ngôi làng nhỏ gần thành phố Neuchâtel (đây là vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp) thắm thoát hơn bảy năm qua, với quy luật bốn mùa, tôi hiểu vì sao lớp học bắt đầu từ 9 giờ sáng, vì vào mùa đông, trời sáng muộn và tối sớm (9 giờ sáng đôi lúc trời còn tối như 5 giờ sáng ở Việt Nam) vào mùa hè thì trời sáng sớm, trời tối muộn, do đó giờ giấc phải thay đổi hai lần trong năm.

Giờ đây, ở phương trời Âu những bài học và lời dạy của thầy cô ngày xưa sao nghe thâm thúy quá, nếu ngày xưa tôi được học về thời tiết với quy luật bốn mùa trong năm trên sách vở, thì bây giờ đã hơn bảy năm qua, tôi vẫn còn phải học cách chịu đựng tính khắc nghiệt của mùa đông trên xứ lạnh, tôi muốn kể thêm với cô giáo và các bạn rằng : Hôm nay ngày 21 tháng ba 2003, nơi trời Tây, mùa xuân đã về bên cửa sổ, xuân năm nay,những buổi sáng lại có nhiều gió và tuyết vẫn rơi đầy, mưa buồn và lạnh giá ! nhưng có lẽ, không lạnh lẽo bằng tâm hồn của những đứa con sống tha hương khi nhớ về gia đình, người thân quen, thầy cô và bè bạn.

Dẫu cuộc đời còn lắm gian truân trong bể khổ nhân gian, và cho dù những cánh chim của một thời bảo giông đã phải bay đi và lưu lạc khắp bốn phương trời, nhưng rồi một ngày, theo tiếng gọi của bầy đàn, chắc chắn chúng sẽ quay về tổ ấm, sum hợp bên nhau dưới vòm trời nhân ái.

Tôi chợt hiểu rằng: Mùa xuân của vạn vật và đất trời sẽ là bất tận, là mùa xuân của chính lòng ta chứ không ở đâu khác !

Lời cuối, xin phép mượn lời của chị Lưu Phương để nói lên tình cảm của tôi dành cho tất cả các thầy cô giáo, các anh chị, em của trang TongphuochiepVinhlong (trong và ngoài nước) các bạn khối 79 và lớp 12D3 thân yêu của tôi, cám ơn thật nhiều đến anh Lương Minh, Trần Bình và các bạn 12D3 (vẫn còn nhớ đến Loan Anh). Các bạn ơi! tôi muốn nói với tất cả mọi người: Một cánh én không thể gọi được mùa xuân về !

Ngày 21 tháng 3 năm 2013

Loan Anh Nguyen (Thụy Sĩ) CHS 12D3-NK79

 

chụp năm 79, lớp 12D3)  

(Theo cô Quang và Cô Hạnh chủ nhiệm 12D3, hình này LA chụp bị nghiêng, nên không làm thẻ học sinh thi Đại học được, nên đổi hình khác, (hình chụp ở photo Đức, LA còn giữ làm kỷ niệm !)

 LA và cô Lâm Thị Tòng « cô giáo ngày đầu tiên LA đi học » (lớp năm ngày xưa,bây giờ là lớp một)ở trường tiểu học Thiềng Đức, hình chụp tết 2012, cô Lâm Thị Tòng sau này dạy Anh văn ở trường cấp 3 Lưu văn Liệt những niên khóa từ 1976, 77 và về sau…) 

Các bạn có nhận ra LA  « còn một chút gì dễ nhớ, dễ thương » không ?  sau hơn 33 năm cười, khóc trong giông bảo cuộc đời !

 

Có 14 bình luận về Một cánh én không làm nên mùa xuân !

  1. TRẦN BÌNH nói:

           Qua tâm sự của Loan Anh, Trần Bình cảm thấy mặc dù đang sống ở trời Tây lạnh giá nhưng tâm hồn lúc nào cũng nghĩ đến TRƯỜNG CŨ, TÌNH XƯA THẦY CÔ VÀ BÈ BẠN THÂN THƯƠNG . Thầy cô và các bạn NK79 và lớp 12D3 rất vui mừng MỞ RỘNG VÒNG TAY ĐÓN CON ÉN TRỞ VỀ . Rất mong bạn liên lạc thường xuyên với thầy cô và bạn bè .

  2. Nguyễn Hồng Minh nói:

    Nhầm rồi! Niên khóa 71-72 đâu còn gọi là Đệ Thất nữa mà gọi là lớp 6 chứ!

  3. Loan Anh,
    Nhin hình của Loan Anh là mình nhận ra nhỏ ngay. Tên của nhỏ đứng đầu danh sách lớp 6 /11 Tống Phước Hiệp niên khóa 1972. Lớp chúng mình ở tầng trệt mới xây, gần căn-tin, nhỏ nhớ không? Nhỏ ngồi bàn đầu tiên. Cô Kim Lài dạy Pháp văn, cô Ngọc Lan dạy Quốc văn. Hai môn này chiếm 6 giờ / tuần. Học Toán thầy Đặng Thanh Hoa, Lý Hóa thầy Nguyễn Quang Châu….
    Đầu niên học mới tháng 9/1975 mình theo khối Hóa Sinh, các bạn mỗi người có một định hướng riêng… Tuy nhiên thỉnh thoảng các bạn lớp 6/11 cũ ( sau là 8/10, 9/10 ) gặp nhau vẫn nhắc nhớ tên từng người. Riêng ta vẫn còn nhớ danh sách lớp 6/11 ngày nào.
    Vài hàng thăm nhỏ. Chúc nhỏ luôn vui tươi, hạnh phúc .
    Bạn cũ

  4. LienAnhA2NK79 nói:

          Gởi Nguyễn Loan Anh – 12D3- NK79 !

                Tôi đã đọc rất nhiều lần bài viết của bạn -Một điều chưa từng có trên trang TPH-VL. Lời văn của bạn giản dị, ngắn gọn nhưng chứa đựng cả một chân tình. Tôi xưng “bạn” và “tôi” vì tên viết tắt của hai ta giống nhau. Nếu viết tên thì bạn sẽ không phân biệt được, đâu là bạn, đâu là tôi.

                Trí nhớ của bạn còn rất tốt. Nhớ cả những chi tiết nhỏ nhặt của thời học lớp 6, cái thưở mà tôi chỉ nhớ, khi đến giờ ra chơi, dù là mặc áo dài nhưng cũng cột vắt ngang lưng quần để chơi nhảy cò cò, có khi rách cả vạt áo thì  về sợ mẹ đánh đòn. Đọc bài của bạn, những ngày xưa thân ái lại chợt hiện về trong tôi. Dù hai ta chưa một lần quen biết, nhưng tôi có thể thông cảm nổi buồn của bạn, một người con xa xứ , luôn nhớ về đất mẹ, người thân !

                Nhìn hình bạn chụp voi cô giáo LTT tết 2012, thấy bạn cười rất tưoi. Nhưng câu kết bạn viết “…..sau 33 năm cười, khóc trong giông bão cuộc đời ” thấy có vẻ não lòng nên muốn có một đôi lời cùng bạn. Cuộc đời có lắm lúc phải “lên xe, xuống ngựa”. gặp nhiều trở ngại, gian truân, kể cả đau khổ tột cùng. Chính tôi cũng không ngoại lệ. Hãy nhìn về mặt tích cực của nó và hãy xem tất cả điêu đó chỉ là thử thách của cuộc đời để chúng ta có được  ngày hôm nay .

                Chúc bạn luôn hạnh phúc bên mái ấm gia đình của mình. Hy vọng một ngày rất gần, bạn về thăm lai Việt Nam ,cho tôi được một lần hội ngộ và làm quen bạn. Mến chào !

                                                                                                                                   Ngô Liên Anh, 12A2- Niên khóa 79.

  5. Đức Phạm 80 nói:

    Chào mừng chị Loan Anh về với đại gia đình Tống Phước Hiệp Vĩnh Long. Xa trường lâu rồi mà trí nhớ của chị còn tốt quá. Bài viết của chị làm người đọc nao lòng. Thân chúc chị sức khỏe

  6. Phan Văn Ba CGV Trường LVLVL nói:

    Đọc bài của Loan Anh,Thầy thấy Em có trí nhớ rất tốt dù thời gian đi qua rất lâu .Tâm thức đã gọi về thời niên thiếu sao thân thương thế!Chúc Em ở trời Tây luôn vui và hưởng thời tiết bốn mùa trọn vẹn.Riêng Chị Lâm Thị Tòng có phải là vợ của Anh Ngô Văn Mười Một không?Nếu đúng gửi lời chúc mừng sức khoẻ Anh,Chị trong năm Quý Tỵ.

    • TRẦN BÌNH nói:

             Đúng rồi thầy ơi . Cô Lâm thị Tòng là vợ của bác Ngô văn Mười Một  bạn của ba Trần Bình .Hiện hai bác sống ở P5 -TPVL còn khõe mạnh .

  7. Phong (phường 5 VL) nói:

    Một mùa xuân cũng cần có én

    • Lương Minh nói:

      Ở Chợ lách có một nhân vật độc đáo, những người tại chợ hầu như ai cũng biết : tên Sáng. Anh ta sống lang thang , nhậu nhẹt nhưng sáng tác chữ nghĩa rất độc đáo như nói toàn chữ T, chữ S đến nổi hề Thanh Việt khi diễn tại Chợ lách nghe anh đọc chữ phải đãi Sáng một chầu nhậu để lấy được những câu nói dài lê thê ngộ nghĩnh.

      Anh Sáng đi lang thang trên đường vào dịp Tết nói như vầy, “một con én không làm nên mùa Xuân, năm con én cũng không làm nên mùa xuân, mà phải là năm con ó mới làm nên mùa xuân”.

      Tụi trẻ thắc mắc hỏi, Sáng trả lời năm ó là no ấm. Có no ấm thì mới có mùa Xuân ! ! Tuyệt.

      Viết tới đây tôi chợt nghĩ , làm sao sưu tầm hết những giai thoại về Sáng vì anh đã mất cách nay khoảng 20 năm.

  8. MAI XUAN nói:

    Loan Anh thân mến! Đọc bài viết của Loan Anh MX khâm phục bạn vô cùng , bạn làm MX cảm động và khoé mắt cay cay đây nè!!  Mong  được làm quen với bạn !!!?

     

  9. Đinh Kim Phúc nói:

    Một con én không làm nên mùa Xuân nhưng 2 con én thì làm được một lít! Ông Cả Lần có hưởng ứng không?

  10. Minh Linh 12D3 nói:

    Thân được gặp lại Loan Anh ngày xưa thân ái!

  11. QUI TRAM nói:

    CON EN THA PHUONG ,ROI SE CO NGAY TRO VE ,GAP DUOC LOAN ANH ,NHUNG VAN CON THIEU HO KIEU HANH ,LE THI OANH,MAY DUA NGOI GAN VA CHOI THAN VOI NHAU ..KHONG BIET MAY CON EN KIA CHUNGNAO MOI TIM DUOC BAY CUA NO

Trả lời võ thị thanh thủy Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác