Thư của học trò dở gửi thầy Huỳnh Hữu Trí.

Ngày đăng: 21/01/2013 05:24:21 Sáng/ ý kiến phản hồi (9)

 

      Hèn lâu, tôi luôn tự hứa sẽ dùng ba tháng hè để viết lại hồi ức về ngôi trường Tống Phước Hiệp thân yêu và những người thầy đáng kính.  Song le, ba tháng hè nầy đi qua, rồi ba tháng hè nọ trôi lại mà hồi ức thì cứ chập chờn trong chiêm bao; tỉnh giấc lại thì  không tài nào tập trung để ghi thành lời.

       Tuần rồi, lúc trả bài thi cho học trò, có một em hỏi sao tôi gạt đi hai nghiệm số ở câu trả lời của nó, tôi đáp là, “Tại vì em không xét dấu nghiệm số để loại ra nghiệm ngoại lai”. Nói xong, bỗng dưng tôi giật mình.  Năm xưa, có ai đó nói với tôi mấy câu tương tự như thế?  Hồi ức tự dưng quay lại, sống động, và rõ mồn một từng chi tiết, nó bắt tôi phải viết lại ngay.
       Tôi là đứa học trò “văn dốt, toán nát”, nhưng nhờ hồng phước tổ tiên, tôi có những sư phụ lỗi lạc:  thầy Ngô Quang Vỹ, cô Dương Vương Thị Tùng, cô Trần Thị Mỹ Trang, thầy Nguyễn Văn Dũng, thầy Thái Sơn Hà, cô Lê thị Tuyết…, xin phép cho dùng những dấu chấm ở đây vì nếu tiếp tục, có lẽ dài đến đôi ba trang giấy.  Người mà tôi muốn đề cập đến trong bài viết nầy là thầy hướng dẫn kính yêu của lớp 11B2 ( niên khoá 74-75), thầy Huỳnh Hữu Trí.
        Tài học làng nhàng của tôi không đủ sức để thầy cô nhớ.  Đạo đức tác phong không tệ nên thầy cô không phải cho vô sổ bìa đen.  Thầy kính mến, hai lý do đó làm em nghĩ thầy không còn nhớ tới  đứa học trò nầy, nhưng em vẫn nhớ mãi những gì em học được nơi thầy.  Tận bên bờ Thái Bình Dương xa xôi nầy, ngày ngày em đến lớp truyền đạt lại những gì em học được ở thầy cô khi xưa,  cho học sinh của em.  Em bất giác nhận ra,  có những câu em nói với học trò tương tự như lời thầy nói với tụi em non 40 năm trước.  Chẳng hạn, “Tôi không hiểu sao các em không xét dấu nghiệm số?”  Học trò của em, cũng như em lúc đó, nghe xong lổ tai nầy truyền qua lổ tai khác , biến mất!
       Thầy kính, thầy là người mà em luôn học tập theo trong nghề dạy học của em. Thầy lúc nào cũng xét và sửa bài tập của tụi em.  Lúc đó, phải nói là…em không mấy thích!  Nhưng do quá…nể nang thầy, nên lúc nào em cũng phải ráng làm xong bài.  Có khi ham chơi, làm ẩu cho xong, em đã từng, “Vái ông Tà ông Địa,  làm cho thầy Trí hư xe hay bị đau bụng, con xin cúng nải chuối.”  Thầy à, không biết mấy lời van vái của học trò dở toán có linh nghiệm không? Nếu có, thì có thể là của đứa khác đó thầy!  Học trò bên Mỹ nầy không tin ông Tà ông Địa, và lại càng không tin là đi học phải làm bài tập.  Do vậy, em ít khi nghỉ bệnh, nhưng thường xuyên đối phó với những cái nhún vai rất ăng lê, những bộ mặt thản nhiên khi trả lời, “không có làm bài” hay “làm rồi nhưng bỏ quên ở nhà”.
       Thầy kính mến,  hè 1997, năm dạy đầu tiên của em bên xứ nầy,  em bỏ việc, do không chịu nỗi “mấy con ngựa chứng trong sân trường”.  Hoàn toàn lạc hướng và thất vọng, em về Việt Nam để khuây khỏa và có đến thăm thầy Vỹ.  Nhắc sơ với thầy vài nhân vật nổi tiếng của 12C4 – Thạo, Nhun, Phương Thanh, Phương Mai, thầy nhớ liền, nhưng không biết em là đứa nào.  Buồn thay, đó là  lần cuối em gặp thầy.
       Cách dây vài năm, các bạn của em  Hà Kim Dung, Kim Cúc, Bé Phương, Phương Mai đến chúc Tết thầy ở Long An.  Tụi nó có gởi hình qua cho em.  Cảm động lẫn bùi ngùi vì tình Thầy Trò vẫn đầy ấp tuy bao nhiêu năm trôi qua, và tóc thầy lẫn trò đều muối nhiêu át hẳn tiêu.  Năm hết Tết đến, em kính chúc thầy cô và gia đình sức khỏe dồi dào, mọi điều như ý.  Xin thầy cho phép em tới thăm thầy trong tương lai, khi em về Việt Nam.

Bài và ảnh Phương Nga

Có 9 bình luận về Thư của học trò dở gửi thầy Huỳnh Hữu Trí.

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Nhớ ơn thầy cũ, viết 1 bài như thế thì đâu gọi là học trò dở được. PN thử chiêm nghiệm trong đám học trò của mình xem có phải ” ngựa hay là ngựa chứng ” không ? Nếu đúng thì theo công thức toán học ta => hình ảnh của mình hồi xưa !

  2. Hoàng Hưng nói:

          Còn bài viết về cô Dương Vương thị Tùng nữa Phương Nga ơi.

  3. huynhhuutri nói:

    Hình như từ dạy tới giờ thầy không có cách phân biệt đẹp,xấu,giỏi,dở trong giao tiếp với học trò ngoài lớp học.Khi biết em cũng là đồng nghiệp của thầy đang dạy toán ở phương trời khác,thầy quá cảm động.Cũng như trò Nhun đã có thời gian dạy cùng thầy chung  mái trường có lúc em là trò.Không quên Phương Nga đâu,lớp 11B2 có mấy đứa cộng thêm ông thầy toán không có người đẹp nào thương thì sao quên được.Phải không em ?Hẹn gặp lại khi em có về VN và có thầy ở đó

  4. PhươngNga nói:

    Anh Cả à, đám học trò của em đã được em đã nghiệm đủ 15 năm trời.  Anh nói, “Ngựa hay là ngựa chứng” – mệnh đề thuận, nhưng mệnh đề đảo, “Ngựa chứng là ngựa hay” hình như sai tét bét nếu ứng dụng cho học trò của em.

  5. Nguyễntuyết nói:

    NT  không tin là 1 học trò nối nghiệp thầy dạy môn Toán mà có thể là học dở cả , đàng này dạy Toán ở tại Mỹ hỏng phải là chuyện dễ , mà theo kinh nghiệm NT thấy  thì người  có khiếu và dạy toán thì thường là viết văn cũng giỏi và nhứt là lý luận rất chặc chẻ và hấp dẫn, thu hút người đọc , phải hong các bạn  , viết tiếp về cô giáo dạy văn ,  NT và các bạn đón đọc  .Mến . NT SNow.

  6. PhươngNga nói:

    Nghe thầy nói em chực nhớ lại, hồi xưa nhà em gần tiệm sách Khai Tâm.  Em lúc nào cũng muốn “ép gả” thầy cho cô Mỹ Lan, chủ tiệm.  Em gọi là cô Sáu.  Cô cứ cười tủm tỉm, “Con nhỏ nầy tầm bậy tầm bạ”.  Đừng cho cô Phi Yến hay nghe thầy, sợ cô “dủa”.

    Năm thầy hướng dẫn  tụi em, 11B2, có nhiều kỷ niệm.  Em và Phương Mai, khi nào rãnh, sẽ song kiếm hợp…tác, viết lại.  Kể trước cho thầy nghe một chuyện.  Có một lần làm bích báo, thầy kêu tụi em tới nhà thầy làm chung với chị Ánh,  học Sư Phạm. Em thấy có bản nhạc “Hương Xưa”, tính “chôm” làm của riêng.  Nhưng hổng dám vì sợ thầy trừ điểm hạnh kiểm.  

    Chị N. Tuyết, nói dân ban toán viết văn có lý luận chặt chẻ.  Trong một chừng mực nào đó, em thấy đúng. Trang nhà mình có những cây viết cừ khôi, xuất thân từ ban toán, sư huynh NHA, thầy Võ Hiệp, anh cả Lần, anh SOS, anh Hoàng Hưng, cả con nhỏ Phương Mai… Em không dám nhận lời khen nầy, nhưng chắc chắn sư phụ Huỳnh Hữu Trí của tụi em không ngoại lệ.  Thầy ơi, thầy ra chiêu đi nghe.

  7. Phirom nói:

    Phương Nga à! trên 40 năm từ đi học và ra đời  làm việc trong ngành giáo dục, chị rất nể những vị học giỏi môn  toán, họ rất thông minh, viết chữ cũng đẹp nữa, chị  thấy đúng như NT nói những người giỏi toán,  đa số viết văn rất hay  rõ ràng và logic, hồi học PT lớp toán đa số là HS nam, rất ít HS nữ, có lớp toàn là nam,  nữ mà theo học lớp toán thì học rất giỏi, khi thấy những cô giáo dạy toán  đứng trên bục giảng chị lại càng nể phục hơn.

  8.  

      Em không có cơ hội học thầy Trí, nhưng tiếng tâm của thầy vang cả khắp nơi, bay đi khắp tĩnh.

        Nhân xét của chị Nguyẽn Tuyết rất giống nhiều người, cả ngay cô Quang dạy sử cũng nói như vậy, cổ còn nói những học sinh giỏi toán làm sử ngắn gọn, nhưng chính xác.

       Chị P Nga có đề cập đến thầy Nguyễn Văn Dũng, có phải là thầy môn hóa học không? 

    • PhươngNga nói:

      Đúng rồi đó Chín.  Thầy Dũng dạy hoá lớp chị năm thầy mới ra trường.  Lũ quỷ phá nhà trai 12C4  của tụi chị chọc thầy đến xẩu mình. Năm đó, cô Trà Mi dạy văn đâu chừng một tháng rồi chuyển qua cho thầy Lộc chồng cô Đông Nghi(?).  Nghe nói thầy cô đã sang Mỹ.  Chị rất muốn liên lạc với thầy. Học toán với thầy Vỹ.  Sinh Vật với cô Oanh.  Sử với thầy Lê Tân, Địa với thầy Thành, Vật lý với thầy Năng, Pháp Văn với cô Sương (định cư ở Đức).  Lớp nầy tụ tập toàn “dân dao búa” không hà.  Phá phách cũng không kém gì lớp 12B3 của anh cả Lần đâu.  Hôm nào rãnh, chị xin viết lại vài kỹ niệm lớp 12C4 thân yêu của tụi chị trên trang nhà.

Trả lời PhươngNga Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác