Những tô cháo quan trọng

Ngày đăng: 16/01/2013 05:58:21 Chiều/ ý kiến phản hồi (7)

Khoảng thời gian Lúa tôi còn đang là mạ non, sống dưới sự bảo bọc của cha mẹ. Gia đình Lúa không được khá giả nhưng cũng không quá lo lắng cho việc ăn việc mặc. Thường ngày, tôi có thói quen dùng cơm trong hai bữa trưa chiều, một chất liệu cung cấp năng lượng cần thiết cho sự sống giống như bao nhiêu bà con khác. Và cũng giống như mọi người cùng tiếng nói, cùng hưởng chung nền văn hóa, nói chung là đồng bào chủng tộc. Đôi khi tôi cũng có ăn lẩu chua lẩu ngọt, bánh xèo bánh canh, và các món mà tôi không thể biết đó là quốc hồn quốc tuý hay là bản sao công thức nấu nướng nước ngoài. Tôi cũng thưởng thức lai rai các món mà tự nghĩ rằng chúng nhập cư lâu ngày vào nước mình rồi bị đồng hóa thành tiếng Ta như cà ri dê, bún nước lèo, hủ tíu, vân … vân.     

     

   Cơm cá dinh dưỡng giúp Lúa lớn dần lên. Như chú chim non nhờ trùng dế mẹ mớm mà biết bay chập chững, như chú trống tơ gáy te tét nghèn nghẹt chưa ra vần ra điệu thì Lúa đã rời tổ ấm gia đình. Mình đang ở tuổi đời mà tay còn nắm chặt thơ ngây, còn mắt thì nhìn vào muôn điều lạ lẫm. Lúc đó Lúa tôi mới tự biết lo thân, ban ngày nếu có tiền thì kiếm ăn ở quán, ít tiền thì tự nấu cơm, tệ hơn chút xíu thì nằm yên chống đói. Hoàn cảnh hiện tại đã khác thời mà cứ hể đói bụng là chạy ngay vô bếp, lúc nào cũng còn vài chén cơm nguội sót lại trong nồi như hồi còn lẩn quẩn ở nhà tại chợ quận nhỏ. Còn nơi đây, cái xóm Cầu Xã Đài lụp xụp giữa ruột thành phố Cần Thơ hoa lệ. Căn phòng trọ được chủ nhà làm bằng loại gỗ thông tận dụng từ những thùng chứa đạn của quân đội và bao bọc bằng tôn thiếc sóng tròn, sóng vuông đủ kiểu và cũng có bếp núc hẳn hòi. Cái hộp thiếc nóng hầm hập cả ngày, tên gọi thân mật cho căn nhà chỉ có một phòng không ngăn không vừng trống lổng. Đôi khi có thêm những món lặt vặt trong nhà bắt chước trống lổng theo. Cái khạp đựng gạo có dung tích 10 lít sau khi chõng đáy lên trời, cho dù có quên đậy nắp thì chuột chẳng dám dại dột mà nhảy sa vào, chai dầu hôi sức chứa tương đương với chai bia con cọp nằm lăn lóc không lo ngã đổ. Chiếc nồi cơm lạnh tanh khô queo, chỉ còn vài hạt đóng theo vòng vách thành nồi, từ sáng đến tối vẫn còn nằm lơ chơ trên chiếc bếp dầu cũng nhẹ tênh. Cả hai cùng hiu quạnh xứng đôi, không đứa nào phân bì trên trọng dưới khinh. 
        Tuy là cái cảnh “hàn nho” lâu lâu mới xảy ra, nhưng cũng không dễ chịu khi nhìn cảnh ma đói hành hạ thằng bạn cùng quê đang chia nhau phòng trọ. Gia đình ở quê của thằng bạn quý nầy chuyên nghề thu mua lúa để xay xát rồi gởi ghe chài chở lên bán ở Sài Gòn. Có lẽ vì vậy nó không quen thấy cảnh tượng trong nhà không còn hạt gạo. 
        Trong bối cảnh thăng trầm của nhà bếp, đúng hơn chỉ là chiếc rề sô dầu hôi của căn phòng trọ. Lúa tôi nghe người ta nói đến nhóm từ tâm hồn hay tinh thần ăn uống gì đó. Mới nghe thì chẳng suông tai vì hồi nào tới giờ tôi chỉ nghe người ta nói tâm hồn nghệ sĩ, tinh thần yêu nước, chớ ít ai nói tinh thần yêu cơm cháo bao giờ. Nhưng lần lần tôi nghiệm ra, hổng chừng cái tinh thần ăn uống quả nhiên có thiệt.  Mấy bữa no nê thì đầu óc của Lúa nó cũng căng cứng như cái bao tử nên lười biếng nghĩ đến chuyện đời. Nhưng mấy ngày đói kém thì không biết mắc chứng gì mà hay thả hồn về những chuyện ăn uống hồi xa lơ xa lắc.

        Những năm một chín năm mươi mấy, xóm Chùa chợ quận Tam Bình chưa kiến thiết nên mặt trước các dãy nhà  lô nhô trồi sụt không mấy khang trang. Trước nhà ba má của mình có khoảng sân đất, bề ngang bằng nguyên mặt tiền, cách lề lộ chừng 3 mét. Nghe má Lúa nói, chủ cũ trồng sẵn một cây mai rất lớn. Ba má về ở, trồng thêm hai cây mãng cầu Xiêm và vài cây dâu tằm ăn. Ai hỏi trồng dâu tằm để làm gì, má nói dùng lá non nấu cháo cho con nít ăn nên thuốc. Thật ra thì má của Lúa không nấu đơn giản như vậy. Lâu lâu thấy có người quen xách giỏ đan bằng mây có nhốt một hai chú gà ác đến tận nhà giao cho má. Thế nào hôm sau cũng có nồi cháo đậu xanh gà ác luộc. Gạo và đậu sôi nhừ thì má Lúa vớt gà ra chặt hai xuôi theo đường xương sống. Nửa con dành cho buổi chiều, nửa con kia má xé nhỏ để riêng trên dĩa, tránh một bên có nhúm nhỏ muối tiêu. Má múc cháo nóng vào tô, nhúm một chúm lá dâu tằm má xắc khéo như cọng chỉ, bỏ vào tô cho cháo mau nguội mà lá rau không chín quá. Thằng con nít Một Lúa không biết thế nào là khách sáo, chăm chỉ vớt một hơi sạch dĩa, sạch tô mà chớ hề ngó ngang ngó dọc.
        Giấc mộng cháo gà ác cũng không thể làm cho con người no lên được, trái lại kích động chất dịch vị tiết ra nhiều càng tàn phá chiếc bao tử không có một tí đồng minh. Giữa lúc mình nằm ngồi không yên thì thằng bạn quý trở về. Thấy tướng tá mạnh dạn mặt mày bóng mỡ, chắc mẽm là chàng ta đang no bụng.
        “Từ nay mình khỏi lo, tavừa gặp nhỏ quen, hồi ở quê nó học dưới mình một lớp. Nó đang học trường Đoàn Thị Điểm. Nhưng quan trọng hơn hết là nó phụ việc cho người bà con ở quán cháo gà đêm trong sân trường đó, toàn là gà mái dầu da vàng rơm, ngon hết sẫy mầy ơi”
        
Mới nghe nó nói câu đầu, Lúa cứ tưởng thằng bạn khá hơn mình, khám phá ra được sức thu hút của tình yêu. Đến hết câu Lúa hiểu ra nó cũng như mình, chỉ khác hơn là nó mê con gà mái dầu vàng, còn mình thì thích con ác, da thịt xương đều đen như than đước.
        Dòng đời cuốn trôi hai đứa tẻ hai nơi, nhà cha mẹ của nó gần nhà cha mẹ của mình nhưng hai thằng bạn cũ ít dịp gặp lại nhau. Quê vợ của nó ruộng nhiều, nó tiếp tục ấm no hạnh phúc, nhưng cuộc sống gần như gắn liền cây lúa. Còn mình không có cục đất liệng chim, nên nhiều năm hóp bụng nín thở luyện công.
        Bươi quào thế nào mà mình lọt ra tuốt ra biển đông. Chín ngày đêm, hai chìm tám nổi, may mắn được tàu Na-Uy cứu vớt. Chắc là họ hiểu bài bản cứu người, hoặc là thuỷ thủ toàn là người Phi Luật Tân nên có tập quán giống người mình. Bữa ăn đầu tiên họ đãi những người khách không mời mà đến bằng những tô cháo thịt gà chen lẫn những sợi gừng xắc nhuyễn. Tuy không giống thịt gà ác hay gà mái dầu của năm xưa, nhưng  tô cháo gạo thơm, ức gà không da xắc nhỏ thêm gia vị gừng bầm trên chiếc tàu Na Uy ngày 18 tháng 8 năm 1989,  không bao giờ lạt phai trong tâm trí Lúa.
        Ngày 7 tháng 1 năm nay, Lúa nhận một email của Phi Rom nội dung y chang như vầy 10 g ngày t.bảy 12/1, đợi bên kia cầu Tham Lương, dự tiệc Cháo bầu, cá lóc nướng trui, mừng Huỳnh Hương và Hải Đường… Còn anh Một Lúa khi nào đến được?
        Sài Gòn thì mình có đến một hai lần hồi nhỏ. Còn cây cầu Tham Lương thì cho dù Phi Rom có nói rõ bờ nam hay bờ bắc, mé mặt trời mọc hay phía hoàng hôn thì Lúa tôi cũng điếc ngắc như nhau. Vì vậy nghi vấn 10 g viết trong thư không biết là giờ Tỵ hay giờ Hợi cũng không làm Lúa tôi phân vân lo lắng. Lúa xin tạm được treo tô cháo bầu ngư và khẩu phần cái đuôi cá lóc đồng nướng trui của Phi Rom, gởi nhờ trong tủ gạc-măng-rê của HH. Khi nào Lúa có dịp theo bác Cả đến Sài Gòn thì mang ra hâm lại.
        Thành thật xin lỗi ngài Uy Viễn tướng quân, Một Lúa tôi không thể bắt chước ngài, “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no”. Bởi vì thảo dân chỉ là một người bình thường, hơn nữa thảo dân còn biết chắc rằng, có những bữa thật ngon đang chờ Lúa ở nơi nào đó.

Một Lúa


Năm 1954, Một Lúa theo cha mẹ ra thành lúc mới 2 tuổi. Vì cả gia đình cực khổ khi ở bưng biền nên Lúa ốm còi, ông Táo vùng quê cũng phải bó tay. Nhờ cha mẹ hết lòng săn sóc lúc nhà ở chợ, thường xuyên cho ăn cháo đậu xanh thịt gà ác với lá dâu tằm ăn non xắc nhỏ, Lúa mới có da dẻ như con nít đồng trạng ở xóm giềng.
Một Lúa và đứa em út đứng trước nền nhà <tiêu thổ> của ông bà nội, gần cầu Pa-Ti-Dô (phía Thị Trấn).

Có 7 bình luận về Những tô cháo quan trọng

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Wow ! Xin chào mừng Thế Điển và Út Lượng .

  2. Nguyễntuyết nói:

    Tấm hình hai anh em cuả anh rất là dễ thương,  tấm hình này vô giá nhe anh , nó rất là quí , hồi xưa em cũng có những tấm hình na ná giông giống như hai anh em cuả anh vậy đó , nhưng mà em được chụp với anh hai cuả em , anh cuả em tên là NGỌC QUYẾN , Nguyễn Ngọc Quyến ảnh sinh năm 1952 , hình như tuổi Thìn gì đó . nó là con rồng , , anh trai em thương em lắm , ảnh nhường em mọi thứ , từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ bắt nạt em cả ,  mỗi sáng em đi học là hình như ảnh đi sau canh chừng em và bận về cũng vậy , vì vậy mấy anh bạn con trai lén phén ảnh biết liền và  hỏng hiểu ảnh nói gì mà tụi nó không dám hó hé với em gì hết , anh thấy có vui hong , khi em qua đây sống , em chỉ có 1 ước ao là đem ảnh qua đây du lịch chơi với em , rồi từ từ về thu xếp tính sau , em chờ cho khi em vô quốc tịch mới lảnh được  , không ngở 2 anh em chỉ bàn nhau có 2 tuần lễ , ảnh rất là vui và chờ ngày qua , thì đột xuất ảnh bị bệnh và chết , em cũng không có nhớ kỹ là ảnh chết ngày giờ nào , vì em  nghỉ anh trai em vẫn còn tồn tại sống ở trong em , anh em rất tốt bụng và ảnh đã từng cưú người ta chết và sống lại ,  mỗi ngày sau giờ đi làm về anh em thường đi bôn ba cưú người và gíup người mà không có lấy tiền cuả ai cả, sau khi ảnh chết , mọi người đi đám và họ nói như thế ,  đám tang anh em rất đơn giản , vì gia đình đơn chiếc , nhưng không biết từ đâu , bạn bè cuả ảnh từ khắp các tỉnh thành ở VN mình tự động họ kéo tới , họ ở cho tới khi chôn cất  xong họ mới ra về , họ rất có nghiã khí trong tình bè nghiã bạn , em luôn hảnh diện về anh trai cuả em ,và em vẫn nhớ  và rất thương nhớ , 

  3. Nguyễn Thế Điển nói:

    Chào Nguyễn Tuyết,

    ” Đôi đứa đôi nơi, ngày đầu tiên biết tin nhau là tin cuối”

    Điển chân thành chia buồn muộn màng đến gia đình Nguyễn Tuyết. Nguyện cầu hương linh Nguyễn Ngọc Quyến đời đời bình an chốn vĩnh hằng.

    Mình quen anh chàng dễ mến Quyến ở Cần Thơ. Anh ta có lối nói chuyện rất vui, đôi khi nói nhanh, những tiếng gần như dính lại nhau. Gặp trở laị ở Vĩnh Long, Quyến dẫn mình về nhà, mẹ của NT có đãi một bữa cơm với món lươn kẹp vĩ nướng than, xé thịt lươn trộn gỏi lá rau răm. Mình không được gặp ba của NT, nghe Quyến nói lúc đó ông là Hiệu Trưởng chỗ quê. Hình như Quyến lúc đó và  NT bây giờ có nhiều nét giống mẹ của NT, mình chỉ nhớ mang máng vậy thôi vì chỉ gặp bà bác có một lần.

    Khoảng năm 1984, có người chỉ mình kiếm Quyến nhờ hướng dẫn thủ tục xin lại căn nhà ở Trà Ôn, nhưng không thành công. Từ đó không gặp lại Quyến do mình bận bịu làm ăn nên ít ghé Vĩnh Long.

    Rất cám ơn bữa cơm rất ngon của gia đình Nguyễn Tuyết. Điển kính chúc sức khoẻ ông bà bác.

    Nguyễn Thế Điển

     

    R

     

  4. Nguyễntuyết nói:

    EM rất là ngạc nhiên  duyên cớ nào anh quen anh Quyến và anh lại biết rõ gia đình em dữ vậy  , sao nghe em kể là anh biết liền, uả lúc anh ghé nhà thì em ở đâu, em và anh cha mẹ khác nhau , nhưng  em cảm thấy cái tên anh rất là đặc biệt , vì lót chữ Thế giống chữ lót cuả các em trai cuả em , tự dưng em có  cảm tình  , à sao anh gặp anh trai em ở Cần Thơ , vậy anh có biết ông Thầy Vinh dạy Pháp Văn hong . Em rất mừng vì  quen biết anh qua trang nhà này . Mến nhiều . NT SNow.

    • Nguyễn Thế Điển nói:

      Chào Nguyễn Tuyết,

      Quyến rủ Điển về nhà ba má NT vào khoảng năm 73. Lúc đó chắc là NT còn nhỏ hoặc là được anh Quyến dẫn đi di tản chỗ khác. Mình chỉ gặp mặt má của NT tại nhà mà thôi. Năm 1984, Điển tìm gặp Quyến tại một sạp bán hàng của gia đình Quyến trong nhà lồng chợ Vĩnh Long. Sau đó không có dịp gặp lại. NT có thể cho biết Quyến mất năm nào.

  5. PhiRom nói:

    Bạn Một Lúa ơi! nhớ về quá khứ rất  xót xa, nhưng đối với hiện tại đó là thiên đường, vì muốn trở lại cũng không thể nào tìm được, nhìn hình ảnh hai anh em thật  ngây ngô, lúc còn đi chân đất rất tuyệt, tui cũng có một tấm ảnh hồi còn nhỏ cũng như vậy chụp chung với người chị, tui vẫn còn quý đến bây giờ. Còn món cháo bầu và cá lóc nướng trui …ha ha…vẫn đợi đấy

  6. Nguyễntuyết nói:

    Anh Một Luá  thân mến ,  anh  Quyến cuả NTSNow mất vào muà hè năm 2006 , khoảng năm 73 anh ghé nhà em , lúc đó em đang ở trong nội trú cuả trường ĐHCT .Mến nhiều . NT Snow.

Trả lời Nguyễntuyết Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác