Cây cổ thụ làng âm nhạc Việt Nam đã “nghìn trùng xa cách”

Ngày đăng: 28/01/2013 08:04:49 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

 Nhạc sĩ Phạm Duy (tên thật Phạm Duy Cẩn) sinh ngày 5-10-1921 tại Hà Nội, đã từ trần lúc 14g30 ngày 27-1-2013 (nhằm ngày 16 tháng chạp năm Nhâm Thìn) tại Bệnh viện 115 TP.HCM, thọ 93 tuổi (năm sinh trong giấy tờ nhỏ hơn 2 tuổi). Tang lễ được tổ chức tại tư gia, số 349/126 Lê Đại Hành, P.13, Q.11, TP.HCM. Lễ nhập quan lúc 9 giờ ngày 28-1-2013. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 3-2-2013 (nhằm ngày 23 tháng chạp năm Nhâm Thìn).

Ông được an nghỉ tại hoa viên nghĩa trang Bình Dương. Suốt mấy năm gần đây sức khỏe Phạm Duy ngày càng yếu đi, bởi cả tuổi tác lẫn bệnh tật. Ông từng trải qua một cuộc đại phẫu thuật sinh tử. Phạm Duy không chỉ là một nhạc sĩ sáng tác với gia tài âm nhạc đồ sộ (hơn 1.000 bài hát), mà còn là một nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Người ta mệnh danh ông là một “phù thủy âm nhạc” với chiếc đũa thần hễ chạm tới cái gì là nó đều trở thành âm nhạc. Nhiều tác phẩm của ông đã được hết thế hệ này sang thế hệ khác say mê và ca hát, chúng trở thành bất hủ với thời gian. Sau một thời gian sống và hoạt động âm nhạc ở Mỹ, năm 2005, nhạc sĩ Phạm Duy đã về Việt Nam định cư. Ông là một người tài hoa và đào hoa, đa tài và đa tình – những tính cách đó đi thành từng cặp để tạo nên một Phạm Duy đầy cá tính. Và bởi vậy chẳng có gì phải ngạc nhiên khi cuộc đời ông hào quang cũng lắm mà thị phi cũng nhiều. Nhưng nếu không như vậy thì đâu phải là… Phạm Duy! Cách đây không lâu, nhạc sĩ Phạm Duy đã lâm vào tình cảnh tre già khóc măng xanh khi ông vĩnh viễn mất đi người con trai đầu lòng Duy Quang – một trong những nam ca sĩ hàng đầu của làng nhạc Việt. Ca sĩ Duy Quang qua đời lúc 11 giờ 39 phút giờ địa phương (19:39 GMT) ngày 19-12-2012 (tức 3g39 ngày 20-12-2012, giờ Việt Nam), thọ 62 tuổi, tại bệnh viện Orange Coast Memorial Medical Center ở Fountain Valley (Nam California, Hoa Kỳ) sau khi bị hôn mê sâu vài ngày kể từ khi nhập viện khoảng một tuần trước đó do bệnh ung thư gan. Sinh – bệnh – lão – tử, là một con người, nhạc sĩ Phạm Duy không thể nào thoát khỏi cái vòng đời đó. Xét về tuổi tác, ông đã được đấng Tối cao quá ưu đãi. Nhưng điều quan trọng nhất là ngần ấy thời gian đã được ông sử dụng thiệt xứng đáng, đã để lại cho cuộc đời, cho loài người những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời. Quá khứ, hiện tại hay tương lai, hễ nói về âm nhạc Việt Nam, người ta không thể không nhắc tới tên Phạm Duy – một trong hiếm hoi những cây cổ thụ của làng nhạc Việt. Cổ thụ ở đây không chỉ đơn giản là số tuổi, mà cái chính là gia tài âm nhạc nhiều về số lượng và lớn về chất lượng của nhạc sĩ Phạm Duy. Có những lần nhạc sĩ Phạm Duy nói nửa đùa, nửa thật rằng sau khi ông mất đi, đồng bào yêu nhạc ở Việt Nam sẽ được thưởng thức chính thức thêm rất nhiều, rất nhiều tác phẩm của ông mà vì lẽ này điều nọ vẫn còn có vướng mắc. Nguyện cầu hương hồn của nhạc sĩ Phạm Duy sớm siêu thoát về cõi vĩnh hằng. Tên ông sẽ luôn ở trong tim của những người yêu âm nhạc Việt.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-1-2013)

Có 1 bình luận về Cây cổ thụ làng âm nhạc Việt Nam đã “nghìn trùng xa cách”

  1. Huỳnh Hương nói:

    HH rất thích bài hát “Mùa thu chết” của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Bài hát này được phổ nhạc từ bài thơ “Lời vĩnh biệt” của cố thi sĩ Bùi Giáng chuyển dịch theo nguyên tác gốc là tác phẩm “L’Adieu” của văn hào Apollinaire.

    Đây là bản dịch bài thơ “Lời Vĩnh biệt” của cố thi sĩ Bùi Giáng

     

    Lời vĩnh biệt

     

    Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo

    Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi

    Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa

    Mộng trùng lai không có ở trên đời

    Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi

    Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó

    Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo

    Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi

    Chúng ta sẽ chẳng nhìn nhau trên đất nữa

    Hương thời gian nhành thạch thảo tí hon

    Và nhớ nhé ta đợi chờ em nhé…

     

    Bùi Giáng

     

Trả lời Huỳnh Hương Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác