Nồi canh rau choại của Phong Tâm
Thể theo lời Phương Nga mong muốn tìm bài thơ PT vừa nêu ở phản hồi, nếu SOS thấy không trở ngại vì nó dài thì đăng để các bạn trang TPH/VL cùng đọc. Bài thơ Nồi canh rau choại viết vào năm 1973 là 1 trong 3 bài thơ Nhất Chi Mai (1974) và Hẹn (1992) đăng trong Tuyển Tập THƠ Bến Tre (nhều tác giả) xb năm 2000.lấy móc lịch sử (17-1-1960 – 17-1-2000), riêng Nồi canh rau choại (chạy) được tuyển in trong Địa Chí Bến Tre, trang (Phụ lục Văn hóa) NXB KHXH-HN, tái bản năm 2001, trong đó có rất nhiều bài của các nhà thơ tên tuổi viết về Bến Tre,đặc tính của (miền sông nước) như:Giang Nam, Tố Hữu, Lê Anh Xuân,Chim Trắng…Xin trích “NCRC” để tặng các bạn yêu thơ trên trang nhà. ( PT )
Nồi canh rau choại
(Kính dâng Mẹ và Ba)
Thương mẹ theo về trong cõi nhớ
Đưa con đi suốt quãng đời buồn
Những đêm không ngủ trăng vời vợi
Nghe buốt lòng từ những giọt sương
Chiều qua con nấu canh rau choại
Với mớ tép riêu, cá bóng dừa
Màu tím nồi canh thân thiết lắm
Tím màu mực tím tuổi thơ xưa
Khói ngọt ngào quanh ngọn lửa thơm
Nghe từng nỗi nhớ trộn trong cơm
Nhớ lời mẹ nói – canh rau choại
Cơm trắng chan máu tím nhớ nhung
Yêu chồng, mẹ trắng lưng lòng mắt
Hôm sớm vì con nỗi nhọc nhằn
Nắng chợ, mưa đồng thay phấn sáp
Kết se tình mẹ đẹp thôn trang
Ba đi, mẹ sống âm thầm quá
Ấp ủ đàn con, ấp ủ lòng
Lá đổ bao mùa sầu lặng lẽ
Mắt ngời thiếu phụ mãi trông chồng
Đếm đêm thức trắng đợi đêm tàn
Tháo cuộn tơ lòng chỉ rối hoang
Khâu vá chưa liền thân tấm áo
Chợ chiều, chợ sớm, mẹ còn mang
Bạc tiền dành dụm con ăn học
Mẹ có buồn đâu cảnh túng nghèo
Vì nhớ, vì thương, thành bổn phận…
Tóc thời gian nhuộm, mắt chìm sâu
Ba còn nuôi mộng… phong trần mãi
Con biết, người đâu nỡ phụ phàng
Yêu mẹ, nhưng “tình người nghệ sĩ”
Gởi theo sông núi gió mây ngàn…!
Mẹ sống âm thầm bám đất quê
Hái từng cọng chọai lá non se
Nồi canh tím mãi màu thương nhớ
Chốn cũ người chưa hẹn buổi về
Mây tím chiều nay lại tím nhiều
bằng lăng rụng tím đất xanh rêu
Nồi canh rau choại long lanh tím
Cả khói hoàng hôn cũng tím theo…
Tháng 4-1973
Phong Tâm
Đâu đó thấp thoáng bóng dáng của má em, một đời tần tảo vì chồng con. Nhưng có lẽ má em mai mắn hơn vì luôn có ba em bên cạnh để má em vừa chăm sóc vừa cằn nhằn. Anh Phong Tâm, có thể cho em biết rau choại là rau gì mà “long lanh tím” như “khói hoàng hôn”? Khói hoàng hôn cũng làm mắt em cay cay thương cho bà mẹ vọng phu.
Mới nghe từ rau choại lần đầu ! Nhờ xem phần giới thiệu của bạn già cùng tấm ảnh nhỏ xíu, mới hình dung ra đó là rau chạy. Chắc tại mỗi vùng miền trên đất nước gọi 1 tên khác. Cảm ơn anh bạn già đã cho đọc bài thơ hay, cảm động và cho biết thêm tên mới của rau chạy !
Cả Lần có ăn nấm mối nấu canh chung với (rau chạy) chưa? Ăn rồi muốn chạy đi tìm ăn nữa, ngon lắm Cả ơi !
Trong văn học, thực vật học và trong sách thảo dược (hình như có trong cuốn Nhũng cây thuốc và vị thuốc VN) của GS Đỗ Tất Lợi, gọi là cây (dây) Choại, dân gian gọi là dây Chạy hay rau chạy, đọt lá đem luộc hoặc nấu canh rất ngon, có nhiều ở vùng sông nước đồng bằng SCL,đặc biệt ở rừng U Minh và đảo Phú Quốc rất nhiều. Dây chạy (choại) lớn hơn đầu đũa ăn cơm,mọc bò luồn trong cỏ, leo trùm lên các bụi cây, để phát triển tự nhiên không biết dây dài tới bao nhiêu,người miền Tây sông nước Nam bộ thuở xưa thường lấy dây phơi khô dùng bện đăng, rộng, lọp, lờ,dụng cụ để bắt và giữ cá vì dây choại rất chắc, rất dai chịu được nước ẩm, nắng khô. Lá tương tự cây rán bụi mọc bờ mương,đọt non tím đỏ,nấu canh lá tiết ra có màu tím như canh mùng (mồng) tơi,tô canh nóng xao động qua ánh sáng sẽ thấy long lanh tím. màu tím buồn của canh rau choại, người buồn nhìn khói hoàng hôn cũng tím theo đó Phương Nga ơi ! Tạm thời nhìn trong bức ảnh nhỏ để tưởng tượng ra. PT
Chào sư phụ đại huynh,
Đệ tử em có tinh thần ăn uống nên muốn hỏi canh rau choại ngon như canh rau gì. Nấu chung với sườn heo, lòng gà, tôm càng hay cá trê vàng v…v.
Lúc em còn nhỏ, hay xách giỏ đi chợ. Em thấy trong một tiệm sắt kế bên chợ cá Vĩnh Long, chỗ bán chài lưới, thúng mủn, dầu chai lấp vò. Trong tiệm có treo mấy bó dây choại khô màu nâu đỏ. Dù gấp lại ngay giữa, bó dây treo thẳng đứng kéo sát trần nhà. Chủ tiệm nói đó là dây <trại> dùng để bện đăng. Em thử bóc vỏ một đầu dây, thấy bên trong có những chỉ đen nhỏ, chạy dọc theo thân dây, chỉ dẽo dai như cước nylon trong vỏ xe.
Em cũng vừa xem trong sách, người ta nói đọt và lá non dây choại nấu nước uống có tánh giải nhiệt. Cũng đọt và lá choại non tươi vã nát, đắp bên ngoài mí mắt trị chứng nhức mắt do hỏa vọng.
Từ choại ít thấy trong Việt ngữ. Sư phụ có thể cho đệ tử em biết, choại là tiếng Việt xưa có nghĩa như cột bện, hay mượn từ ngôn ngữ khác. Nhưng em chắc chắn là sư phụ biết canh rau choại ngon cở nào.
Đệ tử hàm thụ ( remote ), Một Lúa
Huynh Phong Tâm ơi! đọc bài thơ này làm cho NT chảy nước mắt đó, nhớ rất nhớ về ba và về mẹ, nồi canh quả là kỷ niệm đeo mang mãi cả đời phải hong anh? người mẹ quá tuyệt vời, hy sinh, hy sinh và mãi hy sinh chiụ đựng cả 1 đời! em nghỉ chỉ có người mẹ ngày xưa mới tuyệt vời như thế mà thôi, cảm ơn anh đã cho NT đọc được bài thơ hay mang nhiều ý nghiã về mẹ ….
Nguyễn Tuyết thân mến ! Hình tượng người Mẹ trong hầu hết chúng ta chắc chắn không thể phai mờ, nhất là những người con có nhiều suy nghĩ về chính người mẹ của mình, bởi người phụ nữ VN nói riêng và nói chung phụ nữ Châu Á hầu như đều có đức tính chung là hy sinh cho chồng con, cho dù ở thời đai văn minh người đàn bà đứng ngang vai chồng bươn chải thì cũng vì gia đình, ở nông thôn người vợ vẫn còn nhiều thiệt thòi, nói chi những bà mẹ xưa như NT vừa đề cập. Anh viết bài thơ nầy vì luôn khắc khoải nhớ thương mẹ, người mẹ mồ côi từ nhỏ phải sống nhờ người chú ruột bảo bọc,có gia đình và 1 bầy con nghèo khổ cùng cực thời 45 về sau, mẹ lại mất sớm trước khi con cái có sự nghiệp vì vậy mà anh rất trân trọng những bà mẹ hiền lành như hình tượng người mẹ mình.NT đọc lại bài ” Ký ức bây giờ” trong tập thơ “Lá nắng” sẽ nhận diện rõ hơn .
Anh Phong Tâm ơi, anh tả rõ về rau choại, tôi cũng không biết loại rau này. Một người bạn ở Việt Nam kể lại, những loại rau hoang dã ngày xưa, bây giờ trở thành những món ăn”cung đình”. Như vậy bây giờ ở Việt Nam không còn một miếng đất hoang nào cho những loại rau hoang dã mọc?
Trước khi trò chuyện với Hoàng Hưng xin đính chính: bài “Ký ức bây giờ” trong tập thơ (Bến) chớ không phải trong (Lá nắng), xin lỗi Nguyễn Tuyết.
Hoàng Hưng thuở nhỏ chắc không để ý vì ít có gia đình ăn loại lá nầy,gọi rau do nó ăn được, thường người ta lấy dây dùng vào việc khác, theo tôi biết dân Bến Tre không lạ với nó. Các loại rau vườn thuộc loài hoang dại nhất đang “lên ngôi” vì hiện nay các nhà hàng quán nhậu luôn tìm kiếm món mới để kích thích dân thành thị bằng cách đưa ra nhiều “”đặc sản” khắp vùng miền, các loai rau vườn ruộng trên bàn ăn bây giờ gần như đều được trồng
sư huynh kính mến. đọc bài rau choại có đoạn[ba còn mộng mị phong trần mải] và bài nhìn lại có câu[cho ta chạm đất,vén trời tạ ơn]kính phục anh,dù mang tâm hồn nghệ sỉ nhưng luôn hướng về gia đình,
Phủ Hiền bạn ! Theo chủ quan tôi biết, đàn ông dù lãng mạn phóng túng đến đâu đa số vẫn giữ nghĩa tình,dù họ có cuộc đời phiêu bạt ra sao, một mái ấm vẫn là khao khát cuối cùng của họ, Không biết suy nghĩ của tôi có phần nào đúng không nữa.
Đọc xong bài thơ HH thấy mắt mình nghe cay. Công ơn của người mẹ cả đời tần tảo, hy sinh cho con, cho gia đình có lẽ không giấy bút nào tả hết!
“Tình mẹ yêu con đến ngút trời
Núi cao chất ngất sánh được sao
Nghìn trùng biển rộng nào so được
Công ơn của mẹ chẳng bến bờ!”
Tình cha mẹ đối với con cái là vô bến bờ không bút mực nào tả hết được chỉ cần con cái hiểu được điều nầy coi như đã có 1 phần đền đáp. Cám ơn Huỳnh Hương tham gia phản hồi và nói lên được lời nầy.
Anh Một Luá ơi, nồi canh rau choại cách tân cuả huynh nấu với tôm càng và nhiều thứ hấp dẫn khác đúng là đã biến hoá theo xứ Mỹ rồi, đọc là biết huynh khoái tôm càng, NT nhớ là ở thôn quê mình chỉ có ngày tết đi dở đặp mới có tôm càng và cá lóc lớn, hồi NT ở VL quê mình, lúc còn nhỏ NT nhớ là về quê Phú Phụng bất tử thì má NT chạy ù ra sau vườn lặt hái cũng đủ thứ rau, có cả rau cải trời nưã, má nấu canh chỉ với tép rong thôi mà ngon đáo để , hoặc vài con cá lóc nhỏ bằng ngón chân cái mà thôi, hoặc vài con cá bóng dưà, kèm theo kho khô quẹt với vài khưá cá bóng thơm lừng, đôi khi má chỉ nấu 1 nồi canh chua với rau muống ruộng và cũng cá rô đông thôi, rồi ngò tây, rau om, rau cần…. thơm lừng mà cũng ngon nhứt, đối với NT đó là kỷ niệm đáng nhớ khó quên, hỏng chừng NT cũng đã từng ăn rau chạy hay rau choại mà NT không để ý vì nồi canh nào mẹ cũng pha trộn và míx tứ lung tung, mà thật ra ăn ngon thiệt, chắc có lẻ nhờ bàn tay cuả mẹ nấu nên cái gì cũng ngon, cái gì mẹ cũng làm mà lúc nhỏ NT không có thích bếp núc, chỉ mê cuốn sách, mà là sách truyện cuả Khái Hưng, Thạch Lam…… cuả nhóm Tự lực văn đoàn. Anh Một Luá ơi bài thơ cuả huynh PT mình đọc mãi vẫn thấy muốn đọc nưã phải không anh, nó rất ấm tình và ấm nghiã nồng nàn… phục mẹ và cũng phục cha quá !!!
Nguyễn Tuyết,
Hôm trước Lúa tui xách trái bầu cho anh bạn. Lúa muốn khoe trái bầu ngon, quảng cáo ” trái bầu nầy anh nấu canh với cá trê vàng, ăn ngon hết xẩy”. Ảnh nói, cá trê vàng tao nấu với nước lã cũng ngon, cần chi trái bầu của mi. Lúa tui tiu nghĩu xách giỏ không ra về.
Phản hồi phía trên, Lúa định mượn chiêu cá trê vàng, tôm càng xanh giăng bẩy sư phụ đại huynh. Nguyễn Tuyết thức sớm mà không ăn <rơ> làm bể bạc hết trơn.
Một Lúa còn trẻ,tôi nói trẻ vì ( qua đt không cách nào đoán định được tuổi người, trong đầu cứ nghĩ dưới 40 ) lại may mắn chạm được dây choại khô treo bán ở tiệm thời đó đã trở thành quá khứ rồi.Điều mà ML diễn tả đều chính xác. Từ choại có trong ( VN Tân Từ Điển-THANH NGHỊ,xb 1966 )<Trại> do chệch âm của người Hoa.Rau choại nấu canh với gia vị gì cũng ngon nhưng đặc biệt với cá bống dừa,tép rong rêu như NT nói rất dân dã,canh rau choại ngon như mùng tơi tím,ngọt đậm đà hơn, trong lá có chất nhầy ít hơn mùng tơi. Từ choại có lẽ dựa vào tiếng trượt, bò trượt dài theo mé mương,từ nầy có thể thuần Việt, muốn hiểu đúng chắc cần phải hỏi các Nhà Nghiên cứu.
Anh Một Lúa à , vụ trái bầu nấu cá trê vàng hay nấu với tôm càng , phải chi lúc đó anh lấy xe cần cẩu câu trái bầu xẹt qua nhà NT , NT liền phát hoả mở lò nấu canh bầu theo cách cuả anh , NT bưng nồi canh trước cưả nhà anh bạn cuả huynh , cho cơn gió thổi vào nhà bạn cuả anh , bảo đảm nồi canh bầu cuả huynh trồng sẽ làm nồi canh nước lả với cá trê vàng té xiủ , và anh bạn sẽ tiếc hùi hụi cho mà xem.
Còn chuyện thứ 2 NT đâu hiểu ý huynh giăng bẩy sư phụ đại huynh đâu nè , à mà SPĐH cũng là đại ca cuả NT mà , cũng hơi hơi khó xử à nhe , huynh Một Luá ơi ,mai mốt muốn ăn rơ thì huynh nhớ kéo ngón tay út cuả huynh dài ra và làm kí hiệu để NT bí mật hành sự hé , hỏng ai biết mình ăn gian đâu ! lở bể bạc kỳ này rồi , bỏ qua đi , thua keo này thì huynh gầy keo khác đi nhe. ! NT SNow.
Anh Phong Tâm,
Bài thơ của anh làm tôi nhớ má quá chừng.
Lần đầu nghe tên rau choại, tôi vào mạng tìm hiểu. Nhưng để rõ hơn, tôi sẽ tạo dịp tìm anh: khao anh “xây chừng” rồi vòi anh đãi tôi canh rau choại.
NHA
Anh NHA,
Được nhẫm ” xây chừng “nhớ thời trẻ rất khoái. Cái ly đó bây giờ hình như ” tuyệt chủng ” loại mà rớt xuống gạch ít khi bể lại tự nhiên nổ hoặc bị làm bể thì vỡ vụn, miểng tròn đều không bén,người ta nói ly nầy của Nhật sx không biết đúng sai.
Dây rau choại bây giờ rất hiếm, đọt non cuốn tròn chưa tẽ lá giống như loài ” dương xỉ ” hoặc rau co, rau vấn (vớn), chắc Một Lúa rất rành.Ở chợ năm khi mười họa gặp bà già túm lá chuối trải bán, sau nhà tôi sót một ít dây cằn, cụt ngủn,làm cỏ vườn bọn trẻ chặt bỏ hoài. Anh đến có thể xem tận mắt, ăn canh…tưởng tượng thôi. ( PT )