Nghẹt thở như cuộc sống của phụ nữ Saudi Arabia

Ngày đăng: 15/12/2012 06:57:56 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

Theo luật Hồi giáo Sharia cực kỳ nghiêm khắc được áp dụng ở Vương quốc Arập Saudi Arabia, người phụ nữ khi đi ra khỏi nhà phải có một người giám hộ nam (male guardian) trong gia đình đi kèm. Người giám hộ nam này là chồng hay cha của người phụ nữ.

Trong nước còn như vậy, huống chi đi ra khỏi nước. Phụ nữ Saudi Arabia chỉ được phép đi ra nước ngoài khi có người giám hộ nam đi kèm, nếu không thì phải trình tại sân bây hay cửa khẩu biên giới giấy phép có chữ ký của người giám hộ nam (gọi là “giấy vàng” – yellow sheet). 
Và kể từ trung tuần tháng 11-2012, phụ nữ Saudi Arabia còn phải chịu thêm một biện pháp theo dõi điện tử khi xuất cảnh. Theo đó, khi người phụ nữ rời khỏi vương quốc, cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh sẽ lập tức gửi tin nhắn SMS tới điện thoại của người giám hộ nam để thông báo. 
Biện pháp này đã lập tức bị công chúng phản đối trên mạng Twitter. Một người ký tên Hisham viết: “Nếu tôi phải cần một tin nhắn SMS mới biết vợ mình đang rời khỏi Saudi Arabia thì hoặc là tôi đã cưới nhầm vợ, hoặc tôi bị bệnh tâm thần.” Một người khác đùa: “Tại sao chúng ta không cấy một con microchip vào người phụ nữ của mình để theo dõi cô ta hén?”
Saudi Arabia là nước duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái xe. Không có luật nào cụ thể hóa cái vụ cấm phụ nữ xứ này lái xe hết, nhưng Bộ Nội vụ đã chính thức cấm như vậy sau khi xảy ra vụ 47 phụ nữ bị bắt và phạt vì tội biểu tình trong những chiếc xe hơi hồi tháng 11-1990. Mà họ cấm rất “tinh vi” và “tế nhị” để không bị công luận quốc tế “vịn”. Chớ hề đưa điều khoản cấm phụ nữ lái xe vào luật định nào hết, nhà chức trách Saudi Arabia chỉ ra quy định buộc người lái xe phải có giấy phép lái xe do địa phương cấp. Hiềm một nỗi, giấy phép lái xe lại không được cấp cho… phụ nữ.
Dạo tháng 6-2011, thừa cơ làn sóng cách mạng dân chủ Mùa Xuân Arập (Arab Spring) đang rùng rùng cuốn qua hàng loạt nước Arập Hồi giáo, những nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Saudi Arabia đã tổ chức biểu tình “điện tử” đòi quyền lái xe cho phụ nữ. Họ mần cũng khéo léo và “tinh vi” lắm. Chớ hề chống đối việc nhà chức trách không cấp giấy phép lái xe cho phụ nữ (mang tội chống phá chính quyền sao?), các liền chị này dùng bài “đề nghị cho phép các phụ nữ có giấy phép lái xe quốc tế được lái xe”. Ban đầu họ tính mần vào ngày 17-6-2011 để kỷ niệm 1 năm khởi xướng cuộc vận động “Women 2 Drive” này, nhưng sau đó đã dời lại vào ngày 29-6 để tranh thủ lúc Thái tử Nayef vốn nổi tiếng bảo thủ đi xa dịp cuối tuần. Hàng chục phụ nữ Saudi Arabia đã post các tấm hình và video ghi cảnh họ đang lái xe hơi lên các mạng xã hội Twitter, Facebook và YouTube. Hậu quả là một số người trong số các phụ nữ này đã bị bắt giữ một thời gian ngắn. Có hai người bị truy tố về tội “thách thức quốc vương”, một người được thả sau khi ký giấy cam kết không lái xe nữa, còn người kia bị phạt đánh đòn 10 roi (không rõ sau đó có thi hành hay không?)
Chuyện phụ nữ Saudi Arabia đấu tranh đòi quyền lái xe là một trường thiên tiểu thuyết. Thậm chí có người đã lập cả một blog mang tên Saudi Women Driving để vận động. 
Hồi tháng 9-2011, Quốc vương Abdullah, 89 tuổi, một nhà cải tổ cẩn trọng, đã tuyên bố phụ nữ Saudi Arabia sẽ được quyền bầu cử và ứng cử trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương năm 2015 – đó sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử phụ nữ nước này được đi bỏ phiếu. 
Theo luật Hồi giáo ở Saudi Arabia, phụ nữ không thể đi làm. Nhưng thực tế, theo PressTV của Iran, phụ nữ ước tính hiện chiếm khoảng 15% trong lực lượng lao động của vương quốc này. Một số xí nghiệp do phụ nữ làm chủ và có những công ty thuê lao động nữ. Báo Nga Russia Today cho biết: Cơ quan quản lý Tài sản Công nghiệp Saudi (Modon) đang thiết kế một thành phố công nghiệp dành riêng cho phụ nữ tại thành phố Hafuf (miền đông Saudi Arabia) vào năm 2013 để tạo cho họ có môi trường làm việc phù hợp với luật Hồi giáo. Thành phố Hafuf sẽ trích 33 triệu USD để đầu tư và hình thành khoảng 5.000 việc làm dành cho phụ nữ trong các ngành dệt, dược và chế biến thực phẩm. Nhà chức trách nước này cũng đang có kế hoạch phát triển thêm những thành phố chỉ có phụ nữ khác. 
Hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký với Saudi Arabia một hợp đồng bán vũ khí Mỹ cho nước ngoài lớn nhất trong lịch sử, trị giá tới 60 tỷ USD. Có tin nói rằng, để đổi lại, Saudi Arabia sẽ phải bãi bỏ một số quy định cấm đoán đối với phụ nữ, trong đó có chuyện lái xe và tự do đi đó đi đây. 

PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 14-12-2012)

Có 4 bình luận về Nghẹt thở như cuộc sống của phụ nữ Saudi Arabia

  1. phuonglien d1 nói:

                      Vietnam ngay nay,khi ra duong da va dang xuat hien rat nhieu phu nu trong trang phuc nhu phu nu Arap..Con de giam ho nam di theo thi..tuy luc:luc co luc khong,nghia la luc can thi khong co,luc khong can thi co..(theo tui thoi nha,doc gia trai gai..khoang choi dep phan doi)Phu nu VN ra duong thi..lai xe pha pha,qua mat nam gioi,nhieu khi CSGT phai goi lai..nhac.

                      Cam on anh Pham Hong Phuoc ve bai viet nay.Rat hay

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Người giám hộ của cô BS Phương Liên là nhất. Vừa giám hộ, vừa uống rượu thay, khi bạn bè mời cô BS nhậu ! Tui như các quý bà ở Ả Rập ( chỉ ở Ả Rập thôi ), tui sẽ đòi thêm quy định người đàn ông đi ra đường cũng phải được 1 người nữ ( vợ, người yêu hoặc mẹ ) theo giám hộ mới công bằng xã hội.

  3. Đinh Kim Phúc nói:

    Gửi anh Phạm Hồng Phước,

    Hai chữ “Hồi giáo” là do chúng ta gọi theo cách của thực dân phương Tây để ám chỉ những người theo đạo Islam ở Tây Bắc Trung Quốc” (người Hồi Hột-mà Hoàng Châu cách cách là một thí dụ), cũng như thực dân Pháp gọi những người ở Bắc Phi theo Islam giáo là “cộng đồng những người Moor”.

    Islam giáo (đạo Islam) mới là tên gọi chính xác.

     

  4. KiềuOanh nói:

    Đồng ý với bạn Phương Liên,anh Hồng Phước có thấy hình như  ngày càng có nhiều phụ nữ Ả Rập xuất hiện ở VN?Nhưng có điều khác so với ở Saudi Arabia là không cần có luật pháp đòi hỏi , mà phụ nữ ở VN khi ra đường không chỉ có 1 người nam “giám hộ” mà có thể có ..nhiều người cùng một lúc nữa đó …..hehehewink

    Cám ơn bài viết của anh Phạm Hồng Phước, cho thấy việc người phụ nữ ở một số nơi trên thế giới được “quan tâm” như thế nào ??

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác