Mất dĩa mứt gừng ( Hương Chiều phần 2)

Ngày đăng: 18/11/2012 10:50:04 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Trong lòng ông Tùng cứ luôn thắc mắc, không có lý do gì mà bà Hương đang nồng ấm tự nhiên trở thành lạnh nhạt. Ông nhớ như in, mới tuần trước bà còn đẳy đưa tình cảm với ông, pha những ly cà phê đặc biệt, mà chỉ mình ông mới nhận ra. Bà Hương không ngại những va chạm thân thể hoặc là có thể bà cố tình như thế khi mang cà phê đến bàn ông Tùng và thằng Tuấn, thay vì để cho những cô hầu bàn trẻ đẹp làm công việc ấy. Đôi khi thằng Tuấn dành trả tiền, ông đều gạt ngang. Ông muốn tận hưởng phút giây ngắn ngủi ở quầy thu ngân, ông có dịp đứng gần để nhìn chiếc môi xinh xắn của bà Hương, được xâm viền khéo léo, làm nổi hình trái tim trời cho. Bà luôn luôn tặng ông nụ cười thắm thiết và không bao giờ thiếu những câu nói thân mật hơn mức xã giao. Có lúc bà Hương mở lời tình tứ táo bạo nhưng làm bộ giởn chơi, khiến cho ông giữ đó mà thoả dạ một mình, mĩm cười ngay cả trong giấc ngủ. 

       Giấc mộng tình cảm của ông Tùng đang xuôi chèo mát mái thì bỗng nhiên tất cả hình như đang quay ngược lại, tệ hơn lúc bắt đầu. Ông cố moi thử xem có ai đang phổng tay trên,mưu đồ bợ đi dĩa mứt gừng mà ông đã bỏ công dành phần rào đón suốt hai tháng nay. Ông nhức bưng cái đầu mà chẳng có chút hoài nghi manh mối. Có lần ông nghĩ tới, hay là bà Hương đã tắt lửa lòng, yên phận ở vậy nuôi con cho qua ngày đoạn tháng. Ông Tùng giận thằng nào thêm cái đuôi vô duyên, làm cho cái tên đẹp đẻ thơm tho trở thành hương chiều xuống cấp. Có thể là nguyên nhân tác động tâm lý, khiến bà Hương chồn chân nhụt chí, ngại ngùng khi muốn bước thêm bước nữa.
        Những ý tưởng đó chỉ thoáng qua chớ không đọng lại trong đầu. Tuy ông Tùng không rành tướng đàn bà, nhưng từ lâu ông nghe mấy tay tổ chuyên nói sau lưng người khác phái, ông nhớ vậy thôi rồi để đó. Bây giờ đem những thứ kinh nghiệm của đám giang hồ so với hình vóc bà Hương, nếu đúng theo sách vở dân gian thì bà ấy khó bề cam phận.
       Ông rà lại từng khuôn mặt khách quen mà ông thường gặp ở quán Hương. Phái nữ thì ít khi đến quán một mình, ông không lo lắm. Còn mấy thằng thanh niên thường xuyên đóng đô ở đó, thì thằng lớn nhất trong tụi nó, cũng nhỏ hơn bà Hương con giáp. Trạng cở ông Tùng đến quán cũng không nhiều, nhưng họ đều có vợ con đùm đeo cả đống. Trong nhóm ăn tiền bịnh tiền già, có vài bác độc thân không rõ lý do nhưng làm sao đóng nỗi vai trò tình địch của ông cho được.
        Đầu óc ông Tùng tràn ngập miên man bao nhiêu câu hỏi nên ông quên để ý thằng Tuấn ngồi kế bên. Thường lệ, hai người vừa ra khỏi bãi đậu xe của hãng chút xíu thì thằng Tuấn bật ghế ra sau dựa ngữa ngáy khò khò. Xe về đến nhà đúng nửa đêm thì nó được một giấc chừng 20 phút. Nhưng đêm nay nó ngồi vặn vẹo, mở nhạc rồi tắt nhạc, người không yên như có điều gì khó chịu.
        – Con có chuyện muốn nói với chú, nhưng không biết có nên nói hay không.
        – Quảng cáo ra rồi mà hàng chưa chịu bày ra, mầy giữ lại ăn cho hết đi.
        – Tội nghiệp con mà chú, hổm nay con cũng buồn như chú vậy. Chú bớt ga, vô lane trong rồi con nói chú nghe chuyện nầy.
        Lát sau, thằng Tuấn lấy hết sức lực.
        – Con mới vừa nghe tụi thằng Đạt “ma” nói cô Hương chủ quán có bạn trai.
        Ông Tùng cảm giác như có trái chanh chận ngang cổ họng.       
        – Mầy biết bạn trai cổ là ai không.
        – Là ông Hai nhà mình đó chú.
        Thằng Tuấn cảm thấy chiếc xe hơi chao một chút, vài tíc tắc sau nó hết hồn khi nghe tiếng vỏ xe quào rồ rồ trên những sọc ngang được bào âm khuyết trên mặt đường, chạy dọc theo lằn sơn hạn chế lưu thông. Mục đích cảnh báo tài xế đang lạc ra ngoài luồng, sắp vào lane bìa cấp cứu. Giữa đêm khuya nên không thấy cái mặt thằng Tuấn không còn hột máu. Xe ông Tùng đã lũi vô đậu sát lề cỏ, tắt máy mấy phút mà  hai người vẫn còn im lặng. Thằng Tuấn có chút hối hận, nhưng nó dằn lòng không nỗi. Suốt ca làm tối nay nó bồn chồn như ngồi trên đống lửa. Nó sợ nếu để về đến nhà mới xì ra thì ông Tùng sanh giặc với ông Hai.
        – Con xin lỗi chú.
        – Tụi bây có chắc là thằng cha Hai “nhát” không.
        – Mấy ngày nay con tưởng tụi nó nói xạo chơi mình, hôm qua vợ con đi chợ gặp con nhỏ chạy bàn ở quán Hương. Nhỏ đó nói ông Hai và cô Hương cặp bồ khoảng mười ngày nay nhưng kín lắm. Nó còn nói bàn ghế và đồ trang trí trong quán do ông Hai mua tặng, nhưng họ nói chỉ là mua dùm.
        – Thằng cha keo kiết, ăn không dám ăn, xài không dám xài, mà dám mua đồ cho gái.
                                                    
        Ông Hai trước đây ở Tiểu bang phía bên kia bờ sông. Ít người biết ông đã có vợ con, vì tánh tình keo kiệt gắt gao, bà vợ chịu không nỗi nên mướn luật sư làm thủ tục ly dị. Ông tòa phán nhà cửa dành cho đàn bà và trẻ nít, đàn ông thì cuốn gói ra đi. Mấy tháng bơ vơ, may là có người chỉ cho ông nhà có dư phòng cho mướn và giới thiệu vô làm hãng mới. Gần hai năm ông sống ở nhà nầy, âm thầm mờ nhạt như chiếc bóng chiều thu. Người ta chỉ nghe ông chủ nhà gọi ông là anh Hai, không biết đó là thứ hai hay là tên trong giấy. Tuổi đời của ông bốn mấy cũng bằng trạng ông Tùng. Trong xã hội người khôn của khó, tình trạng lở cở loàng xoàng như ông Hai khó mà cưới vợ. Vì vậy khi ông vớ được bà Hương khác nào buồn ngủ gặp chiếu hoa, trời có xuống kế đây gầm thét ầm ì, thiên lôi quơ búa sáng loà, có chết ông cũng không buông.
        Cũng tại thằng Tuấn ba hoa, mấy bữa có ông Hai nằm trong phòng mà nó oang oang như nhà trống. Nó cứ khen bà Hương từ gót đến đầu, chắc mẻm không lâu bà sẽ là thím dâu của nó. Ông Hai nghe không sót một lời, thừa lúc những ngày ông Tùng và thằng Tuấn còn trong hãng, chiều về đến nhà ông Hai tắm rửa rồi chạy riết đến quán bà Hương. Ông tung một đòn mà nếu ông Tùng biết ra chỉ còn hộc máu. Ông Hai làm bộ vô tình nhưng thâm tâm cố ý, loan tin đến những khách người mình trong quán, mục đích tin nầy phải lọt vào hai tai có đính đôi bông hột xoàn nhấp nháy của bà Hương. 
        – Tết vừa rồi ông Tùng về Giồng Riềng định cưới chị thằng Tuấn, bị đàng gái từ chối, chê ông lại cái.
                                                                      xox 
        Hồi nhỏ ông Tùng học hành tạm được, tuy gia đình không giàu có gì nhưng cũng ráng nuôi ông ăn học. Nhà cha mẹ ông ở Vĩnh Châu, gởi ông trọ học tại chợ Bạc Liêu. Sau tết ta năm 1988, ông vừa 18 tuổi, đang miệt mài học nửa lớp 12. Có thằng bạn thân chung một lớp, nó thầm thì rủ rê ông, gia đình nó sắp có chuyến vượt biên. Kinh tế gia đình eo hẹp nên ông Tùng không nghĩ chuyện ra đi, vả lại ông muốn lấy cái bằng tốt nghiệp, điều kỳ vọng lớn lao của cả gia đình ở dưới Vĩnh Châu. Thằng bạn thấy ông thối thoát nên ra công thuyết phục. 
        – Mầy đi với tao không tốn một xu, tàu lớn mà tháng nầy êm trời, bà già đi biển. Gia đình tao có nhiều thân nhân định cư các nước, qua đảo không lo chuyện đói. Còn việc học hành mầy khỏi lo. Tao nghe anh tao nói, có ông nào quê ở Nha Trang, học cở như mình, hồi mới qua Mỹ không biết một chữ Anh, chỉ 8 năm sau lấy mấy bằng cử nhân mới hách, đài BBC cũng có loan tin.
        Ông Tùng bước chân lên nước Mỹ chẵn tuổi 20. Nơi ăn ở xong xuôi thì ông nạp đơn vào Cao đẳng cộng đồng, khu đông dân  nào cũng có các trường loại đó. Trong mục đích nâng đở người lớn bị gián đoạn thời gian ở Trung học, họ chỉ thi thử khả năng để xếp lớp chớ không bắt buộc chứng chỉ tốt nghiệp trung học. Chương trình năm học chia hai học kỳ. Mỗi học kỳ bốn tháng được Liên bang và Tiểu bang trợ giúp tài chánh để trả học phí và sách vở, dư ra bỏ túi ít ngàn. Đường đời của ông Tùng như có người trãi thảm, thế giới nầy đưa tay ra mời ông mạnh dạn bước lên. Vậy mà ông không ráng đi ít bước. Học chưa được hai năm ông nói với bạn bè, thôi tui nghĩ học để đi làm, coi bộ mau ăn hơn là ngồi đây mót chữ. 
        Những năm đó Việt kiều về VN phải đi vòng vo tam quốc. Ông Tùng định bụng làm ít năm dành dụm để cưới vợ, chờ bang giao hai nước nới rộng rồi dắt cả bầy về Vĩnh Châu song hỹ lâm môn. Năm 1996, đời cũng không nỡ phụ lòng người tốt. Ông quen một cô lớn hơn ông hai tuổi, mặt mủi dễ nhìn, dáng dấp trẻ hơn số tuổi rất nhiều. Hai người ra mướn chung cư, sống bên nhau thiệt là hạnh phúc. Tuy ông lái chiếc cà tàng nhưng mua cho cô ấy chiếc xe mới cáo, và những trang bị làm sang cho một người con gái đẹp thị thành, có dịp cho ông ga-lăng chứng tỏ lịch sự giống như Tây. 
        Ở chưa hết cái công-tra 6 tháng với chung cư thì người cũ và xe mới cùng biến mất. Giấy tờ xe không có tên ông nên nó đi cũng phải, những thẻ tín dụng có tên ông ở lại để hủ hỉ cũng đúng thôi. Tới chừng kiểm lại mấy thẻ thì ai đã rút ruột bộng khe. Năm 2.000 , thế giới vui mừng vì trời không sập xuống, thì ông Tùng tiếp tục đơn thân sống kiếp “share phòng” ăn mì gói, vừa trả xong mấy món nợ oan khiên từ đâu rơi xuống.

       Vết thương mười mấy năm qua của vụ án tình Toyota Camry đời mới không cánh bay cao và 4 credit cards mỏng tăng mà bộng ruột, tuy đã lành nhưng cả người chàng thanh niên 42 tuổi vẫn còn đau rêm tê tái. Việc chị Hai thằng Tuấn làm cho ông Tùng chưa hết quê thì bây giờ thằng cha Hai Nhát vớt ông một cú ngay tam tinh, chết đứng giữa trời.

Hổng lẽ ông chạy ra bác sĩ xin cái giấy chứng nhận mình là nam nhân chính hiệu, rồi trình nạp cho ai, hay là đem đăng báo, chọc cù lét thiên hạ cười chơi. Cũng không lẽ ông vạch ra cái nguyên do tại sao thằng tình địch có tên Hai Nhát hồi năm nẳm. Liệu bà Hương lấy thằng hai nhát hay lấy thằng không có nhát nào, theo như lời đồn độc địa của tay bợm bảy mấy bữa nay. Ông Tùng cứ lắc lắc cái đầu, chép chép cái miệng lầm bầm, “không ngờ thằng lù khù vác được cái lu bự chảng”
       
        Ông toan tính làm rất nhiều chuyện, nhưng đầu óc rối bung, tạm thời chưa quyết định phải làm gì cho đúng.

Hết phần 2

( Tên tuổi, địa danh và hoàn cảnh nhân vật trong bài viết hoàn toàn hư cấu )

Một Lúa

Có 4 bình luận về Mất dĩa mứt gừng ( Hương Chiều phần 2)

  1. PhươngNga nói:

    Anh Một Lúa ơi, nghe anh kể chuyện mà thấy xót xa cho ông Tùng nầy quá! Tuy chưa đọc tiếp phần kế, nhưng tui đoán ông không buồn lâu vì mất dĩa mứt gừng vừa ngọt vừa cay nầy. Người hiền sẽ có trời hậu đãi, ông sẽ kiếm ra một dĩa mứt mới, ngọt bùi, chẳng hạn như mứt dừa (tui thích mứt dừa!).
    Mong sớm được đọc phần kế.

  2. Hoàng Hưng nói:

       Hồi tui ở Cần Thơ, gần Tết cô hàng xóm phơi mứt gừng trên sân thượng, gần ráo, tui trèo lên ăn cắp, đợi cô đi ngang, tui mời cô vô ăn mứt, cô khen mứt đẹp, tui hối cô ăn thử đi, vừa cắn miếng mứt cô chợt nhớ, cô chạy về nhà, lên sân thượng bưng “mâm mứt gừng” của cô qua, cô chỉ chổ trống: “Anh lấy chổ này phải không?”. Cô nói tiếp: Anh đền đi!, em làm mứt đểTết thầy cô đó. Tui nói với cô: “Đền thì đền, nhưng để mâm mứt xuống, ăn xong, sẽ đền gấp đôi, nhưng với điều kiện anh chở em đi lựa mứt, vì anh không biết lựa, ngày Tết thầy cô anh phải chở em đi, để biết chắc không phải để tặng cho người khác”. Cô hàng xóm đồng ý (vô mánh phải không bạn Một Lúa)

       Kỳ tới, nếu có thể bạn tả lại “dỉa mứt gừng” của cô Hương coi có hấp dẩn hơn “mâm mứt gừng” của cô hàng xóm của tui không?

  3. Nguyễn Văn Lần nói:

    Bộ mứt gừng ngon hơn các loại mứt khác sao bạn già ? Sao không gọi là dĩa mứt dừa, dĩa mứt bí , dĩa mứt chùm ruột  ?

  4. Nguyễntuyết nói:

    Anh một luá à , diã mứt chùm ruột cũng ngon đáo để đó anh ,  cớ gì phải  là mứt gừng , mất diã mứt gừng này thì  trời cũng chiếu cố có diã mứt khác ngon  ngon và thơm lừng khác mà thôi , hỏng chừng còn tốt và  hấp dẫn hơn nhiều đó anh , hoặc anh kiếm mứt dẻo nó sẽ cũng có hơi gừng cay ấm áp và bền bỉ hơn vì anh xem nó dính nhau như chặt không đứt bức không rời đó… lúc đó anh sẽ nói trời ơi sao mà như sam vậy…. hì hì hì …. huynh HHg cũng mê mứt gừng…. ông nào cũng khoái mứt gừng…. sao kỳ vậy !? NT chờ xem phần 2 cuả anh chắc là thú vị lắm. NT Snow.

Trả lời Hoàng Hưng Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác