Đổi cực

Ngày đăng: 20/10/2012 08:33:10 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Anh Một Lúa, một cây bút về khoa học, có lối viết dí dỏm hôm nay đã gửi về trang nhà một đề tài mới là “ đổi cực”. Anh nói bài viết nầy chỉ để mua vui, hoàn toàn không có tính khoa học. Thế nhưng theo, để có chi tiết viết bài, anh đã lượm lặt và tổng hợp từ nhiều tờ báo “lá cải trời”. Do đó bài viết thì không khoa học nhưng việc làm của anh đầy tính khoa học (SOS) 

 Ông bà mình nói câu, hết cơn bỉ cực, đến hồi thới lai. Mình cứ nghe hoài và cứ suy nghĩ miết, mà cũng vẫn không thông. Không biết có phải vì gặp phải cảnh ngộ cực khổ mà ông bà ao ước có ngày được thơ thới an nhàn. Hay là người xưa rút tỉa kinh nghiệm trong cuộc sống dầm chan sương tuyết, để đời một câu mà bây giờ con cháu gọi là kết thúc có hậu. Hàm ý khuyên nhủ con cháu đừng giận hờn nóng nảy,  nếu rủi đụng nhằm bỉ cực, thì tự động không lâu sẽ chộp dính thới lai. Giống như ráng qua đêm tối thui rồi sẽ thấy bình minh xán lạn. Hoặc là chịu một chút lạnh lẽo đông tàn thì hưởng liền xuân sang ấm áp, xoay dần như kiểu lá vàng rơi rụng cội già, mầm xanh nảy lộc mượt mà sắc xuân.

        Nếu thiên nhiên công minh và vận hành đều đặn, hay ít ra cũng na ná như luật đèn xanh đỏ ở mấy ngả năm. Đừng có dung dưỡng cái nào quá lâu, hoặc là đừng cứ lo đì thằng nào sói trán. như kiểu quan huyện đì lão Sáu Sò. Thì tuần tự trên thế gian nầy, ai ai cũng có dịp thới lai hể hả. 
        Thật ra thì sự sắp đặt của thiên nhiên hay của con người vẫn còn nhiều ngoại lệ. Thành ra đôi khi cũng có người vẫn cứ cơ cực hoài hoài, vận mạng cứ dậm chân một chỗ, chờ mỏi mòn mà chẳng thấy chuyển cơ. Có người thì phước thới từ trên trời rớt xuống nhà họ đều đều, khỏi cầu khỏi khẩn.  Do đó mà những nốt thăng trầm trong bài ca xã hội, có chỗ có đoạn nghe sượng sần vấp váp, không ngọt ngào cho lắm. 
        Tự nãy giờ tay gõ đầu gật như lên đồng, quên tuốt luốt mình muốn nói về đề tài gì. Đọc trở lại hình như có chút lạc đường,lạc nẻo. Theo như hai chữ chính yếu tựa bài thì ai đời có cực mà mang ra đổi. Cho dù có mang cơ cực của mình đem rao đem đổi, thì hổng chừng rinh về cái khổ khác bự hơn. Vậy thì chiêu bài đổi cực, hình như không còn cơ sở để dựa vào để mà nặn ra chữ nghĩa. Nhưng thật sự mình có nghe người ta nói đến chuyện trời đất đang tính toan đổi cực, người rành chuyện đó xem ra rất mực nghiêm túc đàng hoàng.

        Từ khi các nhà khảo cổ phát hiện những bộ xương khủng long và thử nghiệm những gì trên những lóng xương chần dần quá cở đó, mấy ổng bả giựt mình khám phá, gần như một lúc, chúng rủ nhau lăn đùng ngã chết như rạ ở địa điểm khác nhau trên thế giới. Giả thuyết suy luận lúc ban đầu là do thiếu thức ăn hay dịch bệnh không còn hợp lý. Giả thiết thứ hai là sự thay đỗì môi trường, được bà con tạm thời chấp thuận. Nguyên do thời tiết đột ngột trở nên cực kỳ khắc nghiệt trên mặt đất, hoặc là dưới tác dụng kinh hồn nào đó từ vũ trụ. Chỉ một phát đã giết sạch những con vật mạnh mẻ khổng lồ, cắt ngang mọi di truyền hậu duệ của chúng trên hành tinh nầy. May mắn là những bộ xương khô còn ẩn tàng trong đá, chứng minh một thời kỳ phát triển xã hội khủng long đông vui và hùng tráng.
        Chắc là ngẫm nghĩ chuyện xưa rồi lo lắng mai sau, nên các khoa học gia gắng công nghiên cứu, tìm tòi dự đoán từ xa để ngăn chặn, không để lặp lại một thảm họa tương tự như hằng triệu năm xưa. 
        Hồi xưa ông bà mình sống an nhàn hạnh phúc, lẫn quẫn trong làng quê thôn xóm. Đâu cần có ra-đi-ô, ti-vi hay in-tờ-nét làm quái quỷ gì. Đâu cần biết chuyện tỉnh thành hay thế giới, khỏi phải bâng khuâng quá khứ, không cần lo lắng tương lai. Có đâu như đám con cháu bây giờ, nào là phải chạy ăn, chạy ở vắt giò cần cổ. Mà lâu lâu còn bị các ông bà bác học tuy  không cố ý hù trực tiếp, nhưng làm cho thường dân rất dễ xanh xám mặt mày. 
        Mình không nhớ rõ ngày tháng vì mình không được nhớ dai. Cách đây cũng không lâu lắm, có ông tây bà đầm nào cảnh báo, sao chổi Ha-lây đang du hành ào ào trong vũ trụ, nếu nó không đổi hướng thì có ngày nó sẽ quét địa cầu nhẹ nhàng một nhát. Mấy ổng nói thêm, đừng có xem thường cái đó, tuy cùng họ chổi nhưng nó ghê gớm hơn cây chổi hiền lành của mấy chú Sãi dùng quét lá sân chùa. Nếu để nó quét trúng, thì trái đất nầy khó vẹn toàn mặt mày xương xóc.
        Vừa thở phào xong cái vụ sao quả tạ, chẳng bao lâu thì tiếp tục nghe một tin đồn còn ghê hơn nữa. Chuyện là Trái đất hổm nay có thằng em kết nghĩa Hỏa tinh. Nhà ai nấy ở, đường ai nấy đi, xóm giềng lâu năm nhưng không thân lắm. Quán trọ thằng đó  lâu nay ít khách, còn bày đặt say be bét, đi đường lạng quạng không giữ đúng lane giao trước . Đáng lẽ mừng cho thằng anh Địa cầu ăn nên làm ra sung túc. Có đâu ganh ăn tức ở hăm he như vầy, có ngày tao xáp lại gần, xáng mầy một cái như trời giáng, để cho mầy hiểu ai là chén sành, ai là chén mủ.
        Bảy tỷ con người tá túc quả cầu xanh nầy cũng khổ. Bên ngoài thì bị đe dọa không biết mấy bề, muôn vạn hướng, nào là hàng triệu triệu viên thiên thạch đang chu du loạn đả trong khoảng không vũ trụ, Nào là lổ đen bí hiểm, nào là mặt trời mặt trăng và trái đất sẽ có ngày cùng thẳng một hàng như sợi chỉ giăng, chưa biết lúc đó điện nước thế gian có bị đe dọa như hồi năm 2000 chẵn. Mắc công bà con lại một phen đi mua thùng đựng rác mang về vựa nước nấu cơm bằng củi. Nào là bão từ, bão mặt trời, những vụ nổ lớn sẽ xảy ra bên ngoài vành đai mặt trời, mà hậu quả của nó là phóng thích lượng tia gamma độc hại kinh hồn không tưởng nỗi.
        Giặc ngoài của hành tinh xanh chắc còn nhiều hơn nữa nhưng bấy nhiêu cũng quá ê càng. Nội thù sinh ra từ bản thân của nó cũng không nhỏ, như là dông bão, trốt hút, động đất sóng thần, núi lửa. Động tác của phun trào nham thạch ít khi giết con người hàng loạt như vi trùng dịch bệnh. Nhưng dư hương tro bụi khổng lồ từ những ống khói của lòng đất nầy, xưa kia đã từng trùm phủ không gian, khiến cho một số vùng phải chìm rất lâu trong âm u lạnh lẽo. Ngoài ra con người còn chính tay phá huỷ môi
trường sống của mình như xả khí độc mài mòn chọc thủng tầng ozone. Đốt than khói, nhả khói động cơ vô tôị vạ tuôn vào khí quyển, gây nên hiệu ứng nhà kính, lung lay các khối băng hai cực. Dưới đà nầy thì có ngày thì biển cả sẽ lấy lại các hải đảo đang có cư dân, và nhận chìm các bãi bồi tang điền màu mỡ.
        
        Tội nghiệp Trái đất mang nặng gồng gánh cực khổ trăm bề. Năm nầy qua năm khác chạy vòng vòng ông Mặt trời tốc độ gần 30 ngàn km một giây. Không ai nở biên giấy phạt, thông cảm vì nó phải chạy hết rờ-tua, về đến nhà cho kịp tết Tây, lãnh thêm một tuổi. Chạy muốn đứt hơi mà cũng vừa lăn tròn vòng eo khiêm nhượng, Trong 24 giờ phải lăn giáp mối 40 ngàn km cho bà con có ngày và đêm làm viêc, ăn nhậu, nghĩ ngơi. Vì cũng muốn bà con mình có bốn mùa rõ rệt, dù đang đứng nghiêng nghiêng từ hồi lập địa tới giờ nhưng chưa đủ, xuân thu nhị kỳ nó còn ráng nẩy mông, ngữa mặt. Vừa làm duyên mà cũng vừa tạo ra những vùng nhiệt độ khác nhau. Hiện thì cái mông của thế giới nằm ở khoảng Sydney, đang phơi dần ra ánh sáng để ấm áp vào xuân, bắt buộc cái mặt New York phải ngó xuống buổi chiều thu lá vàng rét mướt. Chỉ có Vĩnh Long của mình, nhờ nằm gần cốt trung tâm bảng lề của cái bấp bênh, nên ngày của bốn mùa nhận ánh sáng mặt trời không xê xít mấy. Mặc cho hai thằng đầu đỉnh bắc nam, phía nhô phía thụt, nóng lạnh kênh nhau, không đội chung trời.

       Chuyện cũ nói hoài cũng chán, các khoa học gia luôn tìm tòi chuyện mới. Việc làm của mấy ngài đó bắt đầu từ quá khứ hàng triệu năm xưa. Trong lúc mài mò trên các di thể hóa thạch, mấy ổng nhận thấy vòng xoắn những dây leo trên cùng một vùng, quy thuận xuôi cùng chiều dưới ảnh hưởng từ tính của địa cực. Chứng tích cho thấy chu kỳ thay đổi ngược lại mỗi triệu năm đều đặn. 
       Không biết chúng ta đang xui hay đang trúng số vì đang đầu thai vào cuối chu kỳ đổi cực.Nhưng đừng có lo, điểm gần nhứt trong vũ trụ cũng khoảng trăm năm hay nhiều trăm năm nữa. Cho dù hấp lực từ trường có chạy xuống cực nam. Lúc đó con cháu mình hổng chừng chỉ tốn một chút sơn lân tinh chấm vào chiếc đuôi kim nam châm mỏng trong cái la bàn. Chiếc đuôi mà hiện giờ không biết nó dùng để làm gì.
  Một Lúa

4497 Ảnh minh họa không dùng để chứng minh bài viết. Một Lúa tình cờ thấy lạ mắt nên chộp đưa lên cho cô bác xem chơi.

(Quý bạn cũng biết cuống và dây bí già rất cứng, không có sự dàn cảnh)

4505   Dây bí nầy bò đến đây dài hơn 10 mét, thuộc nhánh quân tây nam. Hổm nay nó bò dưới đất nên đâu biết nó có khả năng “chổng ngược” như vậy. Nó bò ngang rọ bầu, rể phụ hưởng sái, nhánh trèo lên giàn bầu đang rụi tàn, soán ngôi đoạt vị.
Hôm nay hơn giữa tháng 10, có đêm nhiệt độ rớt xuống 5 độ C mà lá vẫn xanh tươi.

 

Có 3 bình luận về Đổi cực

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Cảm ơn bạn già có bài viết và ảnh minh họa quá hấp dẫn. Qua bài viết, mới thấy bạn già của tui đã dày công ” nghiêng, ngửa cứu” bao la trời đất. Vậy mà tui cứ ngỡ rằng đám khủng long hồi xưa chết vì bệnh ” lở mồm long móng” mà các nhà khoa học hồi thời đó và bi giờ chưa nghiên cứu được !

  2. KiềuOanh nói:

    Cám ơn anh Một Lúa đã sưu tầm những bức ảnh vô cùng độc đáo,trái bí này ngộ nghĩnh thiệt, nó không thích theo qui luật tự nhiên là nằm …xuôi xuống mà chỉ thích mọc ….ngược chỏng lên trời !! Ôi ,những sự việc xảy ra trong thiên nhiên, trời đất,  vũ trụ từ việc rất nhỏ :như trái bí mọc chổng ngược, hay đến việc lớn : sắp đến chu kỳ “đổi cực“, thì mình vẫn cứ yên tâm “bình chân như vại” xem đó như chuyện “nắng mưa là bệnh của Trời”, Thôi thì học theo ông bà mình tự an ủi bản thân để mà lạc quan sống cho hết cái kiếp này :” Hết cơn bỉ cực,đến hồi thới lai” , Có nghĩa là hãy ráng mà chịu cực một thời gian đi , rồi sau này sẽ ……..khổ, vì cực khổ thường đi chung với nhau mà, Phải hông anh Một Lúa ?

  3. Một Lúa nói:

    Chào Kiều Oanh và anh Văn Lần,

    Cám ơn hai bạn đọc và cho bình luận.

    Thân mến

    Một Lúa

Trả lời KiềuOanh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác