Cả Lần nói chuyện lúa giống ngày xưa

Ngày đăng: 4/10/2012 10:20:43 Sáng/ ý kiến phản hồi (18)

 

  Nhân chuyến đặt hàng của Phương Nga, hôm nay mới viết một bài ngắn gởi cho trang nhà, vì vừa dùng điện thoại cùi bắp chộp được biển quảng cáo bán lúa giống.. Hổm rày bận đi chơi, sân nhà bị nước ngập ( không phải cảnh vợ đẻ, con đau nhà nước ngập đâu nhé ! ). 

  Kể câu chuyện này trước tiên, ta tìm hiểu lúa giống là gì cái đã !  Lúa giống là lúa dành để làm mùa sau ( hồi xưa mỗi năm làm 1 mùa lúa ). Lúa gặt về, còn trong bó chất ở cà lang, chủ nhà lựa một số bó lúa tốt, lựa ra từng bông, không cho lẫn bất kỳ loại lúa nào khác, xong đem đạp bằng chân, không cho trâu bò đạp ( vì số lượng không đủ để chất thành một bã ),không dùng máy ( hồi xưa chưa có máy tuốt lúa ). Mỗi nhà, nhiều ruộng lắm thì cũng chỉ chừa cở 5 giạ lúa giống vì công đoạn làm lúa hồi xưa rất nhiêu khê. Lúa đã chon, đến ngày đem ngâm ( không cần 2 sôi 3 lạnh như bây giờ ) cho lên mọng, đem ra nền đất cao đã dọn sạch cỏ, súp đất lên, bầm cho tơi, dùng cây chày nhỏ quết xuống đất, bỏ hạt lúa giống đã lên mọng vào lổ chày, phủ lên trên lúa 1 lớp tro trấu hoặc tro rơm, không bỏ tro củi nấu cơm làm lúa chết.

  Khoảng hơn 1 tháng ( tôi nhớ không rõ), thì nhổ lúa nầy lên, cấy xuống ruộng, thời gian bao lâu, không nhớ, chỉ biết khi bụi lúa nở ra khoảng bằng bắp chân người lớn, thì bứng lên, cột thành bó lớn, bày ra ruộng đã bừa trục, dọn cỏ sạch. Nhiệm vụ sau đó là của người cấy lúa, xé nhỏ ra vài ba tép cấy xuống ruộng, chờ thu hoạch.

   Thế nên, nói bán lúa giống là chuyện không có, thân nhân ruột thịt trong gia đình, nếu thiếu lúa giống chút ít thì cho, chứ không dám cho nhiều, không ai dự trữ lúa giống nhiều, như đã nói ở trên, lựa lúa giống rất công phu, nên ai cũng phải thủ.

   Hồi xưa, nếu ai thiếu lúa cấy ( lúa bứng lên cấy xuống chờ thu hoạch ) thì chỉ còn nước chờ lấy lúa “ nàng đìa” ( lúa cây của người cấy dư thả xuống đìa ).

   Nên nói, anh bán lúa giống, tức là anh nói chuyện không có. Nhưng đó là chuyện hồi xưa, cách nay khoảng 50 năm, chứ ngày nay thì khác rồi, lúa giống ở Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long cũng bán cho nông dân, các Phòng Nông nghiệp Huyện cũng đem lúa giống về bán cho nông dân khi bị lũ lụt, hạn hán, chết giống. Thậm chí, nông dân cũng đem lúa giống đi bán, thì từ “ bán lúa giống” ( chỉ người nói chuyện không có ) thì ngày nay dúng không phù hợp nữa, nên chắc cũng có phát sinh ra từ mới nói về chuyện “ anh nói trớt quớt” rồi !

   Đề nghị các bạn có từ mới nào hay để thay cho từ bán lúa giống !

 

                                                                           NGUYỄN VĂN LẦN

 Nói thêm:

Tôi thì nghĩ cụm từ “bán lúa giống” như thế này. Nếu gặp đối tượng nào nói dóc (nói chuyện không có )người ta thường nói tin mầy có nước mà bán lúa giống. Nghĩa gần như tin mầy có nước bán nhà , đợ con, vì lúa giống rấy quý hiếm như cả Lần vửa nói ở trên. (LM)

Có 18 bình luận về Cả Lần nói chuyện lúa giống ngày xưa

  1. Huỳnh Hương nói:

    Đoc xong bài viết này của anh Lần, HH mới hiểu vì sao có cụm từ ” Bán lúa giống” để ám chỉ những người nói dóc. Cám ơn anh Lần nghen

  2. Nguyễntuyết nói:

    Bài viết cuả huynh Lần hay và vui quá…. NT có thắc mắc là…. cà lang là cái gì…. NT không có hiểu…nhờ huynh giải thích ,cám ơn huynh nhiều.

  3. Nguyễn Văn Lần nói:

    Cà lang  : Lúa gặt ( cắt ) về, ngày xưa cột bó lúa lại là cột bằng chính cây lúa chín, cắt dài gần tới gốc để bó lúa lại. Đem về chất đống gần giống như người nông dân chất rơm (  rơm để làm chất đốt hoặc dự trữ cho trâu bò ăn lúc không thả đi ăn cỏ được , có lần anh cả Lần ví mình như con trâu đang nằm nhai rơm ). NT thấy hình cây rơm ở ruộng chưa ? Thì nông dân chất lúa thành cà lang là hơi giống vậy, nhưng bông lúa có hạt thì xoay vào trong ( tránh trâu bò rút ăn ). Khi muốn ra lúa hột thì chất thành bả lúa, chất theo kiểu xoắn ốc, từ trong ra ngoài, chất đứng, hột lúa đưa lên, thường thì thành hình tròn, đường kính khoảng 5-6 m, rồi cột 2 con trâu ( bò ) lại ngang nhau, có 1 người đi sau điều khiển bằng sợi dây vàm, cho trâu ( bò ) đi xoay tròn trên bả lúa để dẫm lên cho lúa rụng đến hết. Xong, người nông dân dùng mỏ xảy móc rơm bỏ ra ngoài, chừa lúa hột lại. Phải qua vài công đoạn nữa mới có hạt gạo của chúng ta đang ăn. Đó là nói chuyện cách nay 50 năm, chứ bây giờ thì làm nhanh và đơn giản hơn nhiều, lúa chín rồi thì máy gặt đập liên hợp chạy xuống ruộng cho ra lúa hột luôn, nông dân chỉ việc cho vào bao, chất lên xe mang  về nhà..

  4. Nguyễntuyết nói:

    NT cám ơn huynh Lần nhiều, huynh giải thích giống như 1 cốt truyện mới, đọc PH cuả huynh thật là hấp dẫn quá , NT  thấy làm luá vui quá…. phải chi hồi nhỏ được phụ làm rồi tham gia vui ,phá , quậy  thì chắc là vui lắm…NT còn nhớ câu…. Trâu ơi ta bảo trâu này…. trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…. !!!

  5. Phong Tâm nói:

           Văn Lần ơi, nói chuyện về lúa tôi cũng nhúng mình phơi da trong đó từ 8 tuổi-14 tuổi, rồi từ biệt nó lăn thân vào cát bụi cho tới giờ, nên hiểu khá nhiều nỗi nhọc nhằn của người làm ruộng thời đó.Bây giờ nghề nông một phần được cơ giới hoá,ít vất vả hơn, ngày xưa làm ruộng chỉ có một mùa,không may thất trắng còn le ngoe, tiếc thì cầm lưỡi hái cắt mót,chớ đâu trúng mùa như bây giờ mà dùng liềm để gặt. Làm lúa quá cực,ít lời,thường là làm để có gạo ăn,ăn luôn cả công mình trong đó. Thử nghĩ: chọn lúa ngâm giống,gieo,nhổ,cấy,gặt,phơi,đạp,xay,giã…mới thành cơm (chưa kể khâu làm đồng phát dọn,cày ải,bừa trục…). Ngày nay đủ phân,thuốc ít lệ thuộc vào thời tiết,nhưng ăn gạo bây giờ thì hơi lo vì(sợ độc).Đọc bài viết của Văn Lần như tái hiện một thời xa xưa của mình,nhớ quá !

  6. Quang Huynh nói:

    Anh Lần a..ngoài từ “BÁN LÚA GIỐNG’ để chỉ chuyện không có thật,,,theo em..dân mình còn dùng 1 từ để ám chỉ nói chuyện không thật nữa là ” NÓI CHUYỆN TỀ THIÊN”..phải không Anh Lần.???

  7.   Em là nông dân nồi, từ nhỏ đi côi trâu làm ruộng, mãi đến tuổi gần biết yêu mới đi học, nên nhìn hình ảnh và bài viết rất nhớ đồng ruộng. Anh Cả  giải đáp câu hỏi của chị Tuyết thật đúng em xin bổ xung thêm.  Vì lúa chín cùng một lúc, người có nhiều ruộng không có thời gian, lúa vừa cắt xong bó lại đêm về sân chất thành cà lang, rồi sau đó mới tiến hành lấy lúa từ cà lang chất thành bả lúa như anh Cả diễn tả.  Nếu những công lúa bị cắt trể , lúa đó sẽ bị chín gụt rất là khó cắt và hạt lúa dễ rơi xuốn ruộng mất mát rất là nhiều làm thức ăn cho đám vịt tàu ; nên người nông dân thật là vất vả và phải tranh thủ thời gian vào lúc nầy. Do vậy dù có muốn cưới vợ cách mấy cũng phải chờ sau vụ mùa.

  8. Nguyễn Văn Lần nói:

    Bạn Quang Huynh ! Cảm ơn bạn đã đọc bài và cho ý kiến.

    Anh Phong Tâm và bạn VCP ơi !

    Vậy là Văn Lần tự hào mình có thêm 2 người bạn là nông dân nòi. Nhưng có lẽ cả Lần là người có bề dày làm ruộng lâu nhất trong mấy anh em mình. Hồi xưa, tui biết làm ruộng lúc học đệ thất đến lớp đệ tam, biết cầm cày, đứng bừa, đứng trục, ngoài ra còn biết dùng nọc để cấy lúa cây nữa ! Biết gặt lúa, chất bả, cho trâu đạp lúa, biết cầm mỏ xảy vứt rơm ra khỏi bả lúa ! Nhưng đúng như anh PT nói, làm ruộng hồi xưa, không ai làm giàu, làm mỗi năm 1 vụ, chỉ để có lúa gạo ăn thôi, vì năng suất rất thấp, không như bây giờ, mỗi hecta thu hoạch 7-8 tấn, thậm chí 10 tấn lúa 1 vụ. Cảm ơn anh PT và bạn VCP, Quang Huynh, Huỳnh Hương, Nguyễn Tuyết,… đã đọc bài, chia sẻ chuyện cũ của 50 năm về trước, đã cho ý kiến phản hồi.

  9. Nguyễntuyết nói:

    Võ Châu Phương ơi thà NT cưới vợ trước, kịp lúc ,kịp thì và kịp thời vụ để vợ phụ mình khoẻ re mà còn vui vui nưã. kià….. trăng sáng làm tới khuya cũng không thấy mệt…   vì có nàng đem nước cho uống…. đem bánh  cho ăn… đem kẹo cho ngậm   .!!!???

  10. Nguyễn Văn Lần nói:

    Nguyễn Tuyết nói chuyện nầy thật là lý tưởng là của nông dân thời @. Chứ cách nay 50 năm, thì….. ôi thôi nói nữa thì NT nói anh cả nầy  ” chuyện nhiều” ( chứ không phải nhiều chuyện ) !

  11. PhuongNga nói:

    @Anh Cả, cám ơn anh đã nhận đơn đặt hàng của em. Bài viết hay quá! Theo em nghĩ cụm từ ” Bán lúa giống” có ý khuyên mình không nên tin theo những lời láo khoét, gian xảo, nịnh hót vì có thể làm hại tới bản thân mình (tiền bạc, tình cảm, danh dự…). Thường nghe như vầy, “Nghe lời mầy, chắc có nước tao bán lúa giống!”
    @Anh Phong Tâm, có một lần em nghe anh có mối thâm giao với nhà văn Sơn Nam? Trước năm 75, em nhớ nhà văn có cộng tác với một tờ nguyệt san (?) chuyên về nông nghiệp,( tên gì thì quên mất, cũng xin anh và các bạn khác có nhớ, cho PN biết, cám ơn trước) có một bài của ông mà em nhớ tới giờ (nhưng quên tên tờ báo, thiệt là bậy bạ!). Nhà văn Sơn Nam viết về gạo nanh chồn; nhớ là ông nói ăn cơm nguội nấu bằng loại gạo nầy ngon hơn khi ăn còn nóng. Nghe nói lúc đó gạo nanh chồn cũng đã hiếm lắm rồi.
    @Anh Cả (một LẦN NỬA, không hiểu sao em thích chọc “giận” anh!) hồi khoảng sau 75, thời đó khổ quá, em đi mua bán gạo ở Tam bình. Chủ nhà máy chà gạo kế cầu Patillot (bây giờ không biết còn ở đó không) có bán cho chục lít gạo huyết ròng, nấu cơm ăn rất ngon.

    • Lương Minh nói:

      Cho LM ăn cơm hớt một chút nhé. Tập san mả Sơn Nam cộng tác thường xuyên mà PN hỏi đó là tờ Hương Quê. Tờ này phát không cùng lúc với Thế giới Tự Do. Có một tác giả cùng viết với mục này là Trương cao Phong. Bìa 3 thường là truyện bằng tranh Lục văn Tiên do họa sĩ Hoàng Nhung (Hoàng Lương ?) vẽ. Hiện nay có người sưu tầm lại, nhưng rất khó tìm. Năm 1995 tui có gặp bộ này ở hiệu sách cũ Sài gòn 20 quyển bán giá 300.000 đ, bằng nhuận bút hai bài viết, nên không dám mua. Hơn nữa chẳng lẽ mua chỉ để đọc mấy truyện ngắn này thôi sao(?)

    • Một Lúa nói:

      Nồi cơm gạo huyết ròng còn nhiều, tui xin một chén đàng hoàng, không dám hớt.

      Ông Cả đi ngang cầu Pa-ti-dô cứ lo dòm đôi dép Lào chớ có thấy chi nhân dân sinh sống dưới dốc cầu.

      Năm 75-81 nếu PN từng ghé qua nhà máy nhỏ đó, gặp bà lão trên 60 là má tui, cô gái trên dưới 40 là chị tui,

      thằng nhỏ dưới 30 là tui.

      Lúa huyết ròng là loại lúa mùa năng suất rất thấp, nên ít  người cấy giống đó. Vỏ lúa và da gạo lức

      màu nâu đỏ. Khi chà gạo phải chắt gằng rất kỷ không cho trộn lẫn các gạo khác. Cơm rất mềm nên khi chà xát chừa lại chừng 40% da gạo lức để tránh cơm bị nhão và giữ được mùi thơm của nó.  Lâu lâu nhà chúng tôi mua được một hai giạ lúa huyết ròng, dùng nấu cơm gạo lức cho ba má tụi tui ăn dưỡng sinh,  Gia đình tui chắc quý PN lắm nên bán 10 lít như vậy. Cám ơn PN nhắc lại một kỷ niệm gia đình. Cám ơn lời hỏi thăm của PN, má tôi mất năm 2007, gia đình tôi vẫn còn ở chỗ cũ.

      Một Lúa

  12. Nguyễn Văn Lần nói:

    PN ơi ! Hồi còn ngồi ở ghế nhà trường, thậm chí lúc đi dạy, anh cả rất mê văn phong của nhà văn Sơn Nam. Anh đọc truyên Hương rừng Cà Mau và còn giữ đến nay. Hôm nay lên mạng, thấy PN nói về Sơn Nam, anh lên lục trong mớ sách cũ, thì ra không biết đứa nào ( trong số con anh đã cưỡm đâu mất, tiếc thật, nhưng thôi, mình mê, nó cũng mê thì có sao đâu? ).. Còn mấy loại gạo ngon như PN nói, bây giờ không thấy nữa, mà chỉ có gạo thơm tên mới, nhưng anh cả ít khi ăn. Nhà máy chà gạo ở gần cầu Patillot bây giờ chỉ còn là mặt bằng để mua bán cam sành !

  13. Phong Tâm nói:

              Lương Minh giỏi thiệt, PT đang moi óc để nhớ vì mấy mươi năm rồi lúc đó đọc rồi bỏ qua (thời Ấp chiến lược) nó là Tập san Hương Quê in giấy thường hơn chớ không bóng láng đep như tạp chí Thế Giới Tự Do,SN coi như viết thường trực về chuyện đồng quê ở đó,thường thì hs Hoàng Lương vẽ tranh, 2 tạp đều cho không (đẻ phổ biến) ưa chen lẫn vào mớ hàng (viện trợ),hiện nay không tìm thấy nữa.Những lòi LM kể ra đều chính xác,ông thần nầy nhớ dai và nhạy bén đáng nễ thiệt. Đúng như PN nói, gạo nanh chồn hột lúa dài hơi cong, một thời với (lúa tre,lúa tép),gạo dẻo thơm rất ngon sau gạo Tàu hương còn gọi là (Nàng hương Chợ Đào-Cần Giuộc,Long An). Thuở nhỏ PT rất mê uống nước cơm gạo huyết rồng thơm và béo,đúng với mùa tôm càng,bây giờ có gạo huyết rồng nhưng kém xa thòi đó.

  14. Hồng-Minh Kim nói:

    Ông cả Lần ơi! Ông làm tui ngứa nghề quá! Để dân thị xã kể chuyện trồng lúa mùa cho nghe.

    Tỉnh Cửu Long trước đây có khoảng 40.000ha vùng đất lúa ngập sâu 60-80cm, không có bờ thủy lợi nên dân mới cấy lúa mùa mà cấy 2 lần, lúa mùa giống địa phương cảm ứng với ánh sáng (quang cảm) tức là số giờ nắng trong ngày ngắn dần từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch (“tháng 5 chưa nằm thì sáng tháng 10 chưa cười đã tối”) cây lúa cảm ứng tạo mầm bông; tùy theo mức độ cảm ứng của từng giống sẽ có giống chín sớm và giống chín muộn.

    Giống lúa cảm ứng với độ dài ánh sáng trong ngày nên chín và thu hoạch theo dương lịch, năm nhuần lúa sẽ thu hoạch trước Tết âm lịch và thông thường sau Tết âm lịch. Do cấy lúa trong vùng nước sâu (nước ngập khỏi cháng ba cây lúa) tạo cơ hội cho con tuyến trùng phá hại điểm sinh trưởng cây lúa (cổ hủ) nên không trổ bông được, nông dân gọi là bệnh tiêm đọt sần do lá non ra sần sùi. Nông dân nói trồng lộn giống: phát xô ra sông hay giống 23509 nghĩa là chỉ còn nước phát dọn xô ra sông để sạ lúa xuân hè, hoặc nói đùa giống lúa trồng hai ba năm mà không chín?

    Kỹ thuật như cả Lần nói: dọng lổ tỉa lúa, một tháng sau cấy giâm, sau 2 tháng nhổ lên cấy thật; vùng đất nào còn cứng thì cấy nọc nghĩa là dùng nọc xoi lổ để cấy, vùng đất mềm cấy phảng nghĩa là dùng đầu bằng của phảng để cấy; mấy cô thôn nữ cấy phảng hay lắm cũng đã từng dạy cho mình năm 1978.

    Kết hợp với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu long, trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học Nông Lâm; tỉnh Cửu long tổ chức bình tuyển giống lúa mùa năm 1982, thu thập hơn 120 giống lúa gởi về Viện Lúa Quốc Tế (IRRI) lưu trử giống giử gên quí. Vĩnh long có những giống lúa ngon như: Tàu Hương, Móng chim, Nàng Hương…Cần thơ có giống Huyết rồng, Châu hạng Võ… Tiền giang có: Nàng Hương chợ đào… Nói chung các giống đều không thuần; từ năm 1984 đến 1987 mình lấy kinh phí của Tỉnh chủ trì nghiên cứu các giống lúa, làm thuần lúa mùa để tăng năng suất thêm 15%, (vì ông cả Lần bỏ tro trấu, nên một số hạt lúa lép trong tro trấu mọc lên làm lẫn giống); kỹ thuật cấy mạ già để lấy bông cái và cấy dầy, thí nghiệm canh tác giống trôi biển ở Trà Ôn đạt 40 giạ một công chứ năng suất đâu có thấp.

    Từ năm 1978, mình chỉ đạo ở Hiếu Thành Vũng Liêm 1 năm, đấp bờ sạ lúa cao sản (IR) lúa kháng rầy, cấy lúa nhân giông 1 tép, ( trước đây vùng này chỉ có cấy) ở tập đoàn điểm T Đ 3 Hiếu xuân và T Đ 8 Hiếu ngãi. chuyển vụ không trông lúa mùa tránh đọt sần; từ đò nổi lên phong trào chuyển vụ, kể cả đấp giữ kho Bưng Sẩm ở Hòa Bình Xuân Hiệp với anh 6 Liệt, Trung Hòa bình…

    Đó là lúa mùa địa phương, mình viết sơ sơ cho mọi người biết sơ sơ, đừng sợ mất giống vì IRRI đã giữ giống cho thế giới rồi. Nếu muốn bàn về lúa IR cả Lần cứ nói thì mình xin hầu.

  15. Nguyễn Văn Lần nói:

    Cám ơn ông bạn già HMK. Mở trang ra, thấy bài PH của HMK là tui hết hồn, đúng là “múa rìu qua mắt thợ”. Nhưng hỏng sao, ông thợ giỏi nầy cũng có thời gian năm trong đám cô hồn nên không sợ. Ông bạn già ơi ! Tui kể ra đây cho vui, nhớ lại thời gian mình còn ” phơi mặt cho đất, bán lưng cho trời” của cha ông ( mình có ké vô chút đỉnh ). Chứ bây giờ cả Lần không có cục đất chọi cò, đi theo mấy thằng em thu hoạch lúa, vác bao lúa 1 giạ rưỡi hỏng nổi nữa là…Nhưng qua bài PH của bạn già cũng giúp ích cho cả Lần còn giúp cho đàn em mình chút đỉnh. Sau nầy, tui có nghe giống lúa 23509, nông dân nói : có thuốc trị ( đó là thuốc phảng ! ). Các bạn thấy hông ? Đụng chổ ngứa của ông HMK, ổng viết PH dài hơn bài viết về lúa của cả Lần. Mong được đọc bài của HMK kể về đất Lào, CPC,…

  16. Hoàng Hưng nói:

       Bạn Hồng minh Kim ơi, hồi tui còn đi nhậu (trước năm1980), có một bạn nhậu hỏi tôi có học chung với một bạn đang làm nông nghiệp, bằng mắt thường có thể phân biệt 7,8 chục hạt lúa giống, lúc đó tôi đoán người có thể phân biệt hạt giống là Hồng minh Kim. Có phải là bạn không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác