Về chơi vùng quê 18 thôn vườn trầu

Ngày đăng: 5/09/2012 03:57:22 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

 

Anh Hồng Trường, một doanh nhân trong ngành tài chính cho biết, ở Hóc Môn có nhiều cảnh đẹp theo nét cổ xưa mà ngày nay chỉ còn nơi đó . Cụ thể như ở xã Bà điểm còn vườn trầu, vườn cau, xe thổ mộ.

 

Buổi sáng, người dân Bà Điểm có thể dùng xe ngựa để đi chợ, những bà lão không thích đi xe ôm, đi xe ngựa để chở được nhiều hàng, giá cả cũng rẻ. Ngày nay, xe ngựa còn là phương tiện để chở khách du lịch nước ngoài đi tham quan trong những khoảng cách gần, nhờ vậy mà các chủ xe duy trì được phương tiện cổ xưa này.

Cảnh đẹp miền quê

Ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn còn có khu du lịch sinh thái đẹp không thua gì khu du lịch Văn Thánh, nhưng diện tích nhỏ hơn, có nhiều trò chơi hơn mang tên Villa H20. Các thương gia, khách nước ngoài thường đến đây ăn uống, đánh tenis, bóng chuyền bãi biển còn thanh thiếu niên đến chèo xuồng, câu cá, chụp ảnh vì có nhiều góc cảnh đẹp. Villa còn có nhà cổ để tiếp khách, có các phòng xây dựng theo phong cách bungalow để khách nghỉ trưa cùng với gia đình, giá cả có cao hơn ở địa phương nhưng so với trung tâm thành phố thì vẫn còn quá rẻ.

Hóc Môn còn là xứ sở của chùa chiền với 103 chùa, tịnh xá, tịnh thất. Chùa nổi tiếng và được nhiều người chiêm bái nhất là chùa Hoằng Pháp, nằm trên QL 22, ấp Tân Thới, xã Tân Hiệp. Chùa có một nhà dưỡng lão, một nhà sách bán đủ sách –băng đĩa, có các khóa tu Phật thất 7 ngày, mỗi khóa khoảng 3.000 người, trong đó không ít sinh viên học sinh, nhờ vậy mà lúc nào cũng đông đúc.

Tại xã Xuân Thới Thượng có khu di tích Ngã Ba Giồng, khu di tích cấp quốc gia được Bộ Văn hóa công nhận năm 2002, địa chỉ cần đến để học tập của tuổi trẻ. Đây là nơi thực dân Pháp đã bắt và xử bắn 903 chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong khuôn viên khu di tích là những hiện vật, hình ảnh lịch sử về những con người, vùng đất của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940.

Hóc Môn ngày xưa có nhiều mặt hàng cung cấp cho thị trường và hình thành những làng nghề tiểu thủ công nghiệp, nay hàng hóa sản xuất đại trà với máy móc tối tân, khiến làng nghề mai một. Có những làng sản xuất các mặt hàng cần thiết, giá rẻ, sản phẩm nhựa chưa thay thế được vì giá cao, nên làng nghề còn tồn tại như làng đan sọt ở xã Xuân Thới Sơn, sản phẩm được bán cho các chợ đầu mối rau quả ở Hóc Môn. Ngoài trừ chợ đầu mối Hóc Môn của thành phố, chợ Hốc Môn vẫn còn chợ hàng bông, nhóm vào lúc 2 giờ sáng, Chợ này tiêu thụ nhiều sọt tre để đựng rau củ di chuyển về các chợ nhỏ lân cận. Du khách có thể tham quan các làng nghề này và các làng trồng hoa lan, lãnh vực mà Hóc Môn dẫn đầu trên thị trường phong lan tại TPHCM.

Thưởng thức món ăn miệt vườn

Anh Tạ Minh Thống, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Hóc Môn, người sinh trưởng tại địa phương nuối tiếc những món ăn danh tiếng một thời ở Sài gòn Gia định được sản xuất tại quê hương 18 thôn vườn trầu nay đã mất. Có những món mà ngày nay còn như thịt heo quay mà ngày xưa cứ 4 giờ sáng ra chợ  là đầy ở các sạp. Thịt quay bán tại chỗ cũng có, nhưng bán sĩ về các chợ trong nội thành là nhiều. Những người lớn tuổi vẫn còn nhớ thịt quay chú Sùi, cô Lựu ăn lúc nào cũng giòn rụm, mỡ ít. Là huyện nông nghiệp, sát  bên cạnh vựa lúa của Long An, nên rượu đế Bà Điểm cũng ngon không kém gì Gò Đen, nhiều người lại thích do cất bằng gạo nếp và không pha cồn. Nem Hóc Môn ngày xưa làm để cung cấp cho các quán Thủ Đức, nhưng nay sản phẩm này ở Thủ Đức cũng không thịnh khiến nơi cung ứng cũng phải đổi nghề. Bánh thuẫn là loại bánh dành cho đám cưới, đám giỗ được nhiều hộ làm , nay chỉ còn vài ba gia đình làm bán, do bánh hộp của các công ty Kinh Đô , Đức Phát “phủ sóng” khắp vùng nông thôn.

Đi Tây Ninh hay đi Campuchia, hàng khách thường ghé qua quán Minh Quý, ở Ngã ba Hồng Châu ăn bún giò heo. Quán này được nhiều người biết đến do giá phải chăng và chỉ bán trong buổi sáng, khoảng gần 10 giờ là hết. Anh Thống còn giới thiệu thêm món cháo bầu ở các quán trong xã Thới Tam Thôn, một món ăn rẻ tiền mà ở trung tâm thành phố không có. Cách nấu cháo bầu nghe qua cũng cầu kỳ, nguyên liệu gạo phải là ở xã Bình Mỹ (Củ Chi), bầu phải chọn bầu ở Bà Điểm. Thực tế cháo bầu ở đây không chỉ có quả bầu xắt nhỏ nấu với gạo như những vùng quê nghèo mà là có thêm cá lóc đồng loại nhỏ, bỏ thêm nấu cho ngọt nước. Cháo bầu được ăn với rau đắng hoặc giá sống trong lúc nóng thì không cần nói cũng biết ngon.

Như vậy thì Hóc Môn không phải là xứ khô cằn chiến tranh , không có gì vui thú. Nếu biết tìm tòi để hưởng thụ thì đi một lần cũng chưa hết thú vui.

Bài và ảnh Lương Minh

 

                         Khu Du lịch H2O

 

                Khu di tích Ngã ba Giồng

H4

H5

H6

 

Có 4 bình luận về Về chơi vùng quê 18 thôn vườn trầu

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Cảm ơn LM đã cho bạn bè du lịch qua màn ảnh nhỏ. Là 1 huyện ở TP.HCM, tuy gần mà xa, cảnh đẹp miền quê mà LM nói trong bài thì tui có đến 1 vài nơi, nhưng hơi lâu rồi, nay đã thay đổi nhiều. Còn đọc phần món ăn miệt vườn mà “ghiền” quá, nhất là rượu đế Bà Điểm, bún giò heo, cháo bầu,…

    À ! Còn bối cảnh của vở cải lương ” Người ven đô” ( có nhân vật Tám Khỏe ) là ở xã nào của Hóc Môn vậy ?

  2. Phi Rom nói:

    Ở Sài Gòn mà cũng có những điểm du lịch thật tuyệt vời, những mon ăn hấp dẫn, khi đọc ở nơi đâu có món ăn, vừa ngon, giá cả phải chăng, là tui vào sổ tay ( người có tâm hồn ăn uống mà)  cuốn cẩm nang du lịch mà, sau này có đến, mình cũng có dịp thưởng thưc, nhà báo mà đâu có bán lúa giống,  nói là chắc như bắp …rất cám ơn ông mập đã cung cấp cho độc giả những thông tin hay và mới lạ…

  3. Nguyễntuyết nói:

    huynh LM ơi, kỳ sau nếu có cơ hội về  Nt muốn đi chỗ này, nhớ rủ huynh Năng nưã nè , Rom nè ,Ko nè , PM nè , huynh Lần nè , huynh PT nè……vưà đi chơi vưà thưởng thức các món ăn ngon , rẽ mà khoẻ thì còn gì bằng. Chắc là vui lắm hé  các bạn .

Trả lời Lương Minh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác