Có bán dừa giống

Ngày đăng: 21/09/2012 06:29:00 Sáng/ ý kiến phản hồi (12)

 

Về đến nhà hổm nay, tụi tui xúm xít ngồi xem lại loạt hình chụp loạn xạ ở khu du lịch Punta Cana, Dominican. Tôi phát giác trái dừa giống lăn lóc trên bục thềm xi-măng, mặt đứng của bục vẻ chữ nói gì không rõ. Bây giờ thắc mắc cũng chẳng biết hỏi ai, nên đưa lên trang nầy luận bàn một chút.
        

 

  ” Tại đây có bán dừa giống ” bằng tiếng Tây Ban Nha ?     

Nếu dân họ có thói quen và có lệ bẹo hàng như chợ nổi Trà Ôn, cô bác xứ mình nhìn trái dừa giống hàng mẫu kiểu nầy thì kể như họ ế hàng là cái chắc.
        Hồi tôi mới tập sự làm nông dân. Thật ra tôi lạm dụng danh từ một tí bởi vì tôi tuy ở ruộng đồng nhưng chưa bao giờ biết trồng cây lúa. Bởi đăng ký có 50 phần dầu nên danh hiệu Hai Lúa nhơn 50 chia 100, tôi thật sự chỉ là Một Lúa.
        Một Lúa tôi không thể nhớ rõ là hồi nhỏ có trồng cây cà cây ớt gì không. Tới khi lập gia đình ra ở riêng, từ đó tôi mới tập tành trồng trọt trên miếng vườn đất mới mà láng giềng chúng tôi không biết ước lượng thế nào, thân thương ví von là chó nằm ló đuôi một khúc. Mới đầu ai nhìn miếng đất ốm nhom dài sọc nầy không biết tụi tui làm gì cho hợp lý. 
        Tuy miếng vườn nhỏ nhắn nhưng nhờ một cạnh chạy dọc bờ kinh, một cạnh cặp theo mé ruộng. Nên có những bậc lão nông khuyên tụi tui trồng dừa là lợi nhất. Cây dừa cần lượng nước lớn nên thích bờ kinh mé rạch. Rể nổi dầy mặt đất nên cần có mương rạch gần bên để mỗi mùa khô vét bùn bồi gốc một lần. Mấy ông bác còn nói, dừa non bán cho người ta uống nước, dừa khô cho người cần xài nước cốt, hoặc là bổ hai cại cơm dừa phơi xấy, cân cho thị trường công nghiệp, dư ra gáo vỏ dừa khô làm chất đốt. Cọng lá dừa khô cháy rất ổn trong bếp vào những tháng ẩm ướt mưa dầm. Thân dừa chẳng may chết gió, cưa xuống bắc ngang mương đi qua lại cũng được năm bảy năm dư sức. Các bác còn kề tai nói nhỏ, luật cấm lấn trên mặt đất chớ chưa cấm lấn trên không, gốc  trên đất mình nhưng tán dừa de trên sông rạch. Những cây dừa nghiêng nghiêng soi bóng nước, chắc thấy mình đẹp nên cho trái rất sai. Nhưng có bác cắt nghĩa, vì cái thế đứng làm dáng mất thăng bằng dễ té nhào chõng gọng, thúc đẩy bộ rễ của nó phát triển tối đa, buồng trái sanh nhiều là nhờ rễ nhiều rễ mạnh. Kế hoạch trồng dừa dọc hai biên trên đất của tôi coi như thành hình trên giấy tập, chỉ còn chờ làm sao kiếm được giống dừa. Có bác vui vui nhắc lại câu đối ít người đáp lại ” ông mượn cháu đi Giồng Dứa, mua dừa giống về ương mọng “.
        Các bác láng giềng tận tình dắt tay tôi đến những vườn dừa quen biết. Chọn những cây dừa tuổi sồn sồn, không quá tơ hay quá lão, hỏi cây nào dầy cơm gáo lớn, trái sai mà cuống quày dừa không dài đòng đưa, gặp gió dông dễ gãy, sút cùi. Tôi chỉ cần 20 cây nhưng các bác đặt mua 3 buồng dừa khô, ước lượng chừng hơn 40 trái. Đợi trái thật khô sắp rụng, nhờ chủ vườn leo lên chặt nguyên buồng thòng dây thả xuống. Lựa từng trái tròn trịa đủ đầy trước khi vạt một phần ít vỏ, ngay nơi cuống trái. Các bác bắt tôi móc sình tô mặt bằng dầy chừng 2 tấc chuẩn bị sân ương. Đặt trái giống nằm ngang, nếu kỷ thì thả trái dừa vào thau nước mà giữ y bề lưng phía bung của thiên nhiên chỉ định, nhận vỏ trái chìm một phần ba trên mặt sình còn ướt. Lớp mặt sình có tác dụng cố định trái giống, giữ cho mầm chồi tương lai mọc như ý muốn. 
        Rảnh rổi, các bác giải thích cho tôi từng chút. Trái dừa càng khô thì nước bên trong càng ít, gáo dừa rắn đen như đá.
Chỉ duy nhất trên gáo có một điểm khuyết xuống như đậy hờ bằng một lớp gáo mỏng. Quê tôi người ta gọi chỗ đó là con mắt, lớn vừa bằng cái mài ốc gạo, đối diện với cuống trái khi gáo còn nằm trong vỏ. Khi trái dừa khô già đủ tuổi thì cái phôi nằm bên
trong lớp cơm dừa phía sau con mắt, một phần phát triển thành mọng dừa, uống nước dừa mà lớn dần, công dụng như lá nhau nuôi dưỡng thai nhi sau nầy. Khi mọng dừa phát triển hết cỡ, phần phôi còn lại trở thành mầm chồi được mọng dừa nuôi trở lại,  mạnh mẻ và có đầu nhọn cứng xuyên thủng chỗ con mắt có mài ốc gạo. Tới đây có hai vấn đề, nếu mình để trái dừa nằm ngang, phôi sẽ đẩy mầm chồi ra bên ngoài sọ gáo, mầm chồi có khuynh đi thẳng lên trời, nên vừa lọt ra con mắt là quẹo 90 độ đi lên, xuyên qua lớp xơ khô và vỏ trái. Gốc chồi cũng là gốc dừa tương lai phình dần ra bên ngoài con mắt, sống nhờ những dây nhau thông với mọng dừa. Nuôi chồi mọc cao và bắt đầu xoè lá, lúc nầy vài chiếc rễ bắt đầu xuyên qua vỏ khô bên dưới, chuẩn bị cho nguồn năng lượng mới. 
        Vấn đề thứ hai là ương mọng mà dựng đứng trái, phần cuống trở lên trời. Mầm chồi mọng mị thành hình giống y trường hợp kia nhưng vô cùng tai hại. Con mắt gáo dừa lúc nầy ngó lên trời, mầm chồi xuyên qua mài ốc gạo vọt thẳng lên, nó đẩy ngược gốc trở vào sọ gáo và giam giữ rất lâu trong đó. Gốc và rễ lẫn quẫn trong chiếc sọ cứng, có thể rễ sẽ làm tổn hại gốc mẹ, còn thân tược lớn lên nhưng cũng đang bị bó kẹt cứng ngay chỗ lổ tròn con mắt của gáo. Thời kỳ khởi đầu của một mầm xanh, bị hư nghẹn chỉ vì sai sót nhỏ. 
        
         Chắc để tránh tai nạn nầy, thiên nhiên cho trái dừa khô nằm ngang khi nổi trên mặt nước, nên các đảo ngoài khơi Thái Bình Dương đâu đâu cũng có rừng dừa.

Nguyễn Thế Điển


     Trên ngọn không có trái dừa, hoặc may dưới gốc có !


     Dừa cần có nước mát gốc.


     Đốn dừa hay dỡ nhà ? Còn đang suy nghĩ


350     Giúp dừa chống bãơ.


                  Người ta phải cất 2 dãy khách sạn để bảo vệ nhóm dừa quý.

 

Có 12 bình luận về Có bán dừa giống

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Có trái dừa lên mọng mà ông bạn già tui nhả ra bài văn dài lê thê. Xin bái phục ! Xin bái phục ! Hẹn gặp lại sẽ chiêu đãi đặc sản ở TB và rượu đề Hoà Hiệp. Uống không say không về !

  2. Hoàng Hưng nói:

    Thế Điển ơi. Cây Cách là mẫu tự C. Dừa mẫu tự D, anh em kế bên thôi, trồng C như thế nào trồng D như thế đó. Đâu cần Ông mượn đi giồng Dứa mua dừa giống về ương mộng.

  3. Nguyễntuyết nói:

    Nhìn mấy cây dưả này đẹp quá.,nhưng sao NT nhìn kỹ không thấy cây nào có trái hết vậy.? Bộ là dưà quí hiếm. trái nào ra lớn cũng bị rụng hết sao hay đây chỉ là dừa kiểng, trồng cho có phong cảnh đẹp mà thôi ?

    • Nguyễn Thế Điển nói:

      Dừa không trái làm sao gây giống. NT đừng nghe anh Hoàng Hưng chỉ, chặt khúc dừa dăm cành như cây cách, dừa lâu lên tược non lắm, nhất là khoảng gần “củ hủ” mau hư lắm.

      Ở chỗ đó người ta cần “dáng đứng” thân dừa thôi. Nên họ cắt những cái “lưỡi mèo”, tiếng quê tôi dùng để gọi những bắp bông dừa chưa trổ.  Họ sợ sau nầy những trái dừa non cở trái quýt trái cam “sút mầu” rớt u đầu du khách. Có những khu ít người qua lại họ vẫn để cành lá và trái mọc tự nhiên. Còn vụ dừa quý hiếm , nước chua chát mặn ngọt, thơm mùi va-ni, xơ dừa non ngọt như mía , cái dừa đặc sệt dẽo như sáp tôi đã thấy hết,  nhưng vì chưa ai kêu nên coi chưa biết.

      Cám ơn Nguyễn Tuyết, anh Lần và Hoàng Hưng. NTĐ

       

  4. Nguyễn Văn Lần nói:

    Nhân câu trả lời của ông Điển, nói Hoàng Hưng trồng dừa bằng cách chăt khúc dăm dăm cành. Tui nhớ hồi xưa, có lần tui quảng cáo cho thằng bạn ở Bến Tre có tài chiết dừa trồng như chiết cam, quýt, vậy mà cũng có người tin quá trời. Hỏi : chiết dừa bằng cách nào hay vậy ?

  5. Phương Mai nói:

    Đọc bài của TĐ nhiều lần vẫn còn điều để học hỏi, tôi rất thích !Định làm thinh tận hưởng thú vui của người đọc mà không phải viết nhưng nghĩ lại thấy hơi kỳ vì mình cũng có vài ý kiến phản hồi ( với lại tôi biết nếu viết mà không có phản hồi thì buồn lắm, không tham gia trận đấu nhưng nếu banh lăn khỏi sân tới chân mình thì cũng biết đá vào chứ!) Thứ nhất, Một Lúa là trùm bản, vì Một Lúa là anh Hai Lúa!Thứ hai, xin hỏi , cây dừa lên chồi hơn 2 tấc , rễ lú ra khỏi vỏ rồi, mình lấy búa bửa dừa ăn cái mọng, còn lại nguyên xi, đem trồng có sống không? Sau này có trái không?Thứ ba, lúc rày dừa khô ở đây rớt giá thê thảm, chỉ còn 1000đ/1 trái, Ở bển có giá không?Nếu có giá xin liên hệ với KO để bàn chuyện hơp tác làm ăn! Chờ đọc bài kế tiếp của TĐ !

  6. PhuongNga nói:

    Và cũng xin anh Cả Lần viết một bài nói về BÁN LÚA GIỐNG. Chắc chắn anh Cả của tui sẽ cho vài tin tức chuyên nghiệp, vì đối với ảnh, mỗi ngày đều là Chúa Nhựt, “nắng nghỉ, mưa ngủ, mát đi chơi” thì chắc mẽm là “bán lúa giống”.

  7. Nguyễn Thế Điển nói:

    Chào Phương Nga và Phương Mai,

    Song Phương có bà con với nhau không vậy. Hai người viết bài hay lắm, bà con  chờ đang để đọc. Các đội bóng nữ đá cũng dễ nể lắm, tui rất mê xem họ đá. Có rủ Văn Lần mê theo.

    @ Phương Mai, cám ơn cho ý kiến nhe. Nếu kể lúa đổ vô bồ thì một lúa ít hơn hai lúa.Tui cũng rắn mắc nhưng chịu thua cái khoảng ăn thử mọng dừa đã mọc chồi. Vậy thì thử hỏi PM, có thấy những sợi sơ cứng bọc từ cuốn mọng mọc dần ra vỏ mọng có cảm thấy mọng dừa đã xốp là lạt . Càng lâu thì vỏ mọng xơ cứng và mất dần ruột.

    Mình nghĩ Thượng đế hào phóng lắm cung cấp dư dã, bởi vậy có câu “cắt rốn chôn nhau”Trong những trường hợp tình nghi gốc chồi và rễ bị kẹt trong gáo, người ta bổ gáo bể ra và thấy mọng y như PM nói, sau đó đặt chồi con ngay vào đất ẩm.

    Hai người có vui lòng cho mượn đề tài “bán lúa giống” , tui để dành cho bài viết tới.Rất cám ơn hai bạn và các bạn theo dõi. <NTĐ>

     

    • Nguyễn Thế Điển nói:

      Chào Phương Nga và Phương Mai,

      Gọi Song Phương hay Nhị Phương có mích lòng gì không.

      Lâu rồi trên trang cũ, tui có thấy hình vườn nhà PM có mấy cây dừa sai trái. Viết bài có cây dừa , tui vô tình múa rìu trước cửa lò rèn, xin cảm phiền.  Từ lúc mình ương dừa đến khi lượm trái dừa khô của nó,  phải mất 4-5 năm. Lúc mới trồng ai mà đoán được sau nầy giá trái leo thang hay tuột dốc. Nhưng nó sống với mình lâu lắm, thôi thì đắng cay cùng gánh ngọt bùi cùng chia, đừng buồn thị trường mà đập gáo phá mọng lành cho bỏ ghét nhe.

      Tui đọc mỗi bài đăng bất cứ chỗ nào trên trang nầy mấy quận. Nhiều bài tui còn nhớ trong đó có bao nhiêu dấu mủ. Lý do tui không viết BL cho bài bên cạnh là vì tui cứ bị ông thầy cằn nhằn miết . Nếu ai không bị thầy bà kềm cặp như tui thì nên viết BL,  thế mới vui như cái chợ. Diễn đàn đa chiều thì qua lại mới toại lòng nhau, phải không.

      Về việc Bình luận, Một Lúa tôi xin cáo lỗi các bạn đọc, các bạn viết và một bạn rượu. <NTĐ>

       

       

       

       

       

  8. Nguyễn Văn Lần nói:

    PN ơi ! Hồi xưa, lúa giống là lúa đã lựa thật kỹ, cho vào bao cất lại để dành cho mùa sau, thí dụ : nhà làm 20 công ruộng thì chừa 4 giạ giống chẳng hạn, vì lúa giống lựa rất kỹ, không lẫn lúa khác. Không ai đem lúa giống đi bán, nếu bán thì mùa sau lấy gì gieo mạ, tỉa lúa. Nên nói “bán lúa giống” là chuyện không có. Từ đó, ta mới lạm dụng câu ” bán lúa giống” để ám chỉ những chuyện không có ( như : 1 tuần có 7 ngày chúa nhật, lễ ), nhưng ngày nay thì có thật nha các bạn, lúa giống đắt lắm à. Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, các Phòng Nông nghiệp Huyện cũng bán lúa giống. Tui đi từ Vĩnh Long về Tam Bình, không nhớ khoảng nào có treo bảng BÁN LÚA GIỐNG hẳn hoi, xe chạy nhanh quá, tui không chụp hình được ( nếu có ảnh minh họa, chắc là tui viết bài nầy trước khi có câu bình luận nầy ). Ông Thế Điển có ý tưởng thì viết dùm cho các bạn thưởng thức, dạo nầy tui hơi bận ” đi chơi” !

    Nói thế, chứ banh tới chân ai thì sút, tui chưa nghĩ ra ( nói nhỏ thôi, đừng la lớn, bạn bè, anh em cười ! ).

  9. Phi Rom nói:

    Rât hân hoan đón mừng một biệt danh mới, anh ” Một Lúa ” rất đa tài, cung cấp nhiều thông tin thật hấp dẫn, nhất là những  kinh nghiệm về trồng trọt, còn Hai Lúa Cả Lần hãy trổ tài đi nghe, đừng nói tui đây rất kinh nghiêm có nghề chăn trâu giỏi  trên 12 năm nha…

Trả lời Phi Rom Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác