NGHIỆP CHƯỚNG

Ngày đăng: 1/08/2012 03:20:42 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

 

Trước khi viết những dòng nầy, em xin vô vàn xin lỗi cô dạy giảng văn lớp 11B4 của tụi em năm học 1969-1970. Nếu cô có dịp đọc những dòng nầy thì cô hiểu ra, những lời mắng mỏ của cô cách nay hơn 40 năm đã có hiệu quả !

 

   Màn 1 : Cô hồn xuất hiện .

     Cô giáo dạy giảng văn tụi tui năm đó có chiều cao rất “ khiêm nhường” ( thấp hơn Bùi Ngọc Ẩn- nhỏ nhất lớp tụi tui ). Trước giờ cô đến lớp thì có vài ba cô hồn bàn nhỏ với nhau, tui cũng tán thành. Các cô hồn nầy lấy cái băng ngồi ( bàn 4 chỗ ngồi băng rời ) mang lên để chồng trên bụt giảng. Các bạn ơi ! Tui chỉ phụ giúp có 1 tay thôi !

     Vừa bước chân vào lớp, nhìn thoáng qua, cô đã bừng bừng nổi giận. Chưa khoát tay ra hiệu cho cả lớp ngồi thì cô đã có 1 tràng giáo lý Khổng Mạnh giáo huấn cho cả lớp. Suốt buổi học hôm đó cô không dạy gì mà chỉ giáo dục đạo đức tụi cô hồn nầy thôi. Cuối cùng  gần hết giờ, cô phán 1 câu xanh dờn : Tui cầu mong cho lớp nầy sẽ có được 1 số làm thầy giáo sau nầy , cho học sinh mình “trả quả” lại . Nói xong cô đi thẳng, không cần tiễn .

    Màn 2 : Lời nói của cô “ linh” quá !

     Thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó, thi xong Tú tài 1, lên lớp 12 (là lớp cô hồn 12 B3), rồi chia tay, mỗi đứa đi một hướng. Nhưng các bạn ơi ! Văn Lần, Trần Văn Thọ, Trần Văn Hoàng, Lương Văn Hoàn, Bùi Hữu Thuận, Trần Văn Chùm, Bá Hộ Thìn, Nguyễn Văn Thơm, Lê Thành Hải, Trang Văn Chiến, Bùi Ngọc Ẩn ( các bạn bổ sung thêm, còn nữa nhưng bộ nhớ tui bị ẩm rùi ! ) đều bị làm thầy giáo.

     Học sư phạm Vĩnh Long 2 năm (1971-1973 ), năm 1972 đi thực tập ở Trường Nam. Học trò ở đây là mới học tiểu học nhưng đám trẻ nầy cũng để lộ ra cái “ gen” cô hồn rồi. Các bạn nữ ở lớp tui và các lớp  khác trước khi vào dạy thì có 1 bạn (đi theo hỗ trợ ) mua kẹo vào cho cả lớp ( có ý nhắc nhỡ là khi cô dạy mấy em đừng phá ). Còn đám cô hồn  tui thì khỏi! ( mình từng là cô hồn mà! ). Hôm đó, tui còn nhớ tới giờ dạy của Đỗ Quốc Thái ( lớp II/7, quê ở Tân Châu ), trước khi dạy, một em học sinh hỏi :

  – Thầy muốn về Rạch Giá hay Cà Mau vậy thầy ? Hai đứa tui nuốt “cục tức” vô bụng. Để đó, sau giờ dạy, tính sổ tụi bây !

     Tiết dạy của Đỗ Quốc Thái hôm đó không bình yên, giáo sư hướng dẫn cho 14/20 điểm, trong khi các bạn khác thì 16 hoặc 17, 18/20 ( chưa có bạn nào lớp tui dạy đạt 20/20). Còn tui thì luôn ở mức 14, 15, thỉnh thoảng có 16 ( giỏi ).

     Sau giờ dạy của Thái, tui ( người theo hỗ trợ ), kêu em học sinh vừa hỏi ở đầu giờ nói :

   – Bây giờ thầy trả lời em đây, cho 2 roi chào hàng, thầy đi tới đâu cũng được, đừng hỏi Rạch Giá hay Cà Mau ? Nhớ mặt thầy nhe, thầy không “ tưa” chỗ nào hết. Hẹn gặp lại !

     Trong suốt 2 năm học ở Sư phạm, tui tui bị học sinh 2 trường “trả quả ” sơ sơ, đó là Trường Nam ( thực tập  các môn chính khóa ) và trường Thiềng Đức ( thực tập Thể dục và Hoạt động thanh niên ).

     Ra trường năm 1973, lớp cô hồn 12 B3 chỉ có Chùm là mai mắn, được về Vĩnh Long ( dạy ở Tam Bình ), còn tui, Bá Hộ Thìn, Trần Văn Hoàng,… về Rạch Giá, còn các bạn khác thì về Kiến Phong ( nay là Cao Lãnh ), Vĩnh Bình ( nay là Trà Vinh ), đi như chim vỡ tổ, may mà có 2 thằng cô hồn dạy chung trường ( tui và Trần Văn Hoàng ).Bây giờ mới tới lúc học sinh mình “ trả quả” đây. Xin mời các bạn đọc tiếp màn 3.

         Màn 3 : Cô hồn cũ nhận “ quả “ của cô hồn mới

    Tui về trường nhận dạy lớp 5, nơi tui dạy thuộc 1 xã của Quận Rạch Sỏi ( ven Thị xã Rạch Giá ), nhưng tình hình an ninh không tốt lắm, mỗi tháng có ít nhất 2 trận chiến sự, còn số lần bị pháo kích thì không đếm được.

    Cảnh 1 : chào hàng !

    Sáng hôm đó, gần Tết, pháo nổ râm ran, thầy giáo dạy xa nhà bắt đầu nhớ má rồi. Tui vừa đặt chân vào lớp, học sinh đứng dậy chào. Vừa lên tiếng : “cám ơn các em, mời các em ngồi !”. Thì “đùng” một tiếng nổ xé tan bầu không khí phát ra trong hộc bàn của thầy giáo. Tui thì mặt mày xanh như tàu lá chuối, học sinh thì ngồi im thin thít. Khi định thần lại, thì nghe mùi khét của pháo (mùi diêm sinh). Tui ngồi xuống chểm chệ, hỏi : “ Em nào gài pháo vào bàn của thầy ?”. Im lặng..!

–          Các em gài pháo bằng cách nào mà đúng lúc thầy vào lớp thì pháo nổ ?

Im lặng!

    Tui không nói gì nữa, mà đem những giáo lý của Khổng Mạnh (có bổ sung ) của cô dạy giảng văn hồi nẳm thuyết cho tụi tui nghe suốt buổi sáng, không dạy được môn nào. Xong bỏ về thẳng, không tiễn !

    Đúng là lúc đó, tui còn “ non tay ấn”, chứ lúc sau nầy mình càng già kinh nghiệm hơn, thì những trò phá nầy, khó qua mặt được thầy giáo ! Thôi cho qua !

    Cảnh 2 : Đỉnh điểm !

    Chiều hôm đó, vừa vào dạy được 1 tiết thì cô giáo dạy lớp 4 sang nói : Anh làm ơn qua “xử”  em H.. dùm, nếu không, em không thể nào dạy được !

     Qua trao đổi, tui biết, em H.. đi học mà đầu thì cạo trọc, cạo luôn lông mày, dùng lọ đen vẽ chân mày. Cô giáo dạy phía trên, em ngồi chống tay lên càm, lâu lâu “ đá lông nheo” với cô giáo.

     Các bạn ơi ! Học sinh ở nông thôn, mới học lớp 4 mà đã 14, 15 tuổi rồi, cô giáo thì quá trẻ, lại đẹp nữa !

     Nghe xong, tui sang lớp 4 : Em H… sang văn phòng gặp thầy ! Em H nghe lời đi qua văn phòng. Lúc ấy, đang có khách tìm tui. Nên tui nói (với vẻ đáng đằng sát khí ) : Em đứng im đó, xong việc thấy tính tới em.

     Khách ra về, theo thói quen, tui rút cây roi mây trên đầu tủ.

     Xoay qua, em H đưa tay chào tui theo kiểu “ nhà binh”: Xin vĩnh biệt ! ĐM..Đây là trường thúi, hở 1 chút là đánh !

     Bi giờ cục tức của tui lên tới đỉnh điểm. Xin nói thêm về em H : Là học sinh lớp 4, cha em là tài xế xe đò, ngoài giờ học, em còn làm phụ xế cho cha em. Tui là bạn chí cốt của cha em H !

     Chiều về, tui đến nhà em H, cha em vừa ăn cơm xong, đang xỉa răng, thấy tui, anh mừng lắm, mời vô nhà uống nước, còn rủ nhậu nữa chứ ! Tui từ chối, hen dịp khác. Tui bèn thuật lại chuyện em H vô lễ với thầy cô ở trường ( lúc ấy H đi chơi, không có ở nhà ). Cha em H nói : Ôi, trời, trời ! Thầy để tui.

     Anh xách roi đi tìm H. Khoảng 10 phút sau, anh về, H đi sau như tên tử tội sắp lên đoạn lầu đài. Về nhà, anh bắt H nằm sấp xuống bộ ván, hỏi những điều tui vừa kể. H khai đúng toàn bộ sự thật. Anh hùng ghê ( cô hồn mà ! ).

     Cha em thưởng em 3 roi trước sự chứng kiến của tui. Xong, cha em H cảm ơn tui nhiều lắm và dẫn em H sang văn phòng để tui trị tội. Cha em H nói : giao cho thầy xử, tui có nói bậy tui không phải là con người !

     Em H qua văn phòng, biết lỗi nên vội leo lên bàn cúi xuống. Tui nói : Em cứ đứng dậy, thầy muốn nói với em chuyện khác nữa ( muốn khai thác thêm vụ gài pháo !).

     Nhưng : ngu sao khai ! H nói : Em học lớp 4, đâu có qua lớp thầy đâu thầy !

     Bít cửa ! Tui xử vụ vô lễ với cô giáo. Tui nói : Ba em đánh em 3 roi, thầy thì chỉ đánh em 2 roi thôi.

     Em cúi xuống, tui vừa nói giáo lý Khổng Mạnh, mới đánh em xong 1 roi, thì chân tui nghe nóng nóng. Ối trời ơi, em H “ đái trong quần” !

     – Thầy cho em nợ 1 roi, nếu còn tái phạm, thầy sẽ tăng gấp đôi !

     Sau khi em H hứa hen, ra về.  Câu chuyện chìm vào quên lãng.

     Màn 4 : “Tiền hung hậu kiết”

     Như đã nói, câu chuyện trên đã chìm vào quên lãng. Sau 30.4.1975, tui được chuyển về Tam Bình. Đến năm 1985, dịp tui dẫn đứa con sang Cần Thơ trị bệnh mắt. Vừa qua bắc Cần Thơ thì thấy có 1 chú bộ đội lái xe Jeep chạy cặp cặp theo tui phía sau, hỏi : Thầy đi đâu, em chở đi ! Tui nói : cám ơn em, thầy đi gần đây. Em không chạy, mà theo sau và hỏi hoài, tui trả lời : Thầy đến phòng mạch Bs Hoạch !

     –  Thầy đi xa thế mà nói gần, thôi lên em chở đi ! Tôi hơi ngại, nhưng cũng lên, biết đâu em nầy quen quá mà mình quên.

     Lên xe, em hỏi rất nhiều chuyện, tui trả lời cho qua, nhưng tui vẫn chưa biết em là ai. Nhìn ve áo thấy em đeo hàm hạ sĩ. Tui hỏi :

–          Em đi bộ đội mấy năm rồi ?

–          Dạ hơn 3 năm rồi thầy ạ !

–          Trời đất ! Hơn 3 năm mà còn đeo lon hạ sĩ vậy em ?

–          Dạ ! Cà chớn quá nên mang hạ sĩ hoài thầy ơi !

 Em đưa tôi đến phòng mạch Bs Hoạch, hỏi :

–          Chừng nào thầy về ?

–          Thôi cám ơn em nhiều, khoảng hơn 11 giờ thầy về.

–          Thầy về đâu ?

–          Về Tam Bình.

 Em chạy xe đi. Đúng 11 giờ em đậu xe ở trước phòng  mạch :

–          Em đưa thầy xuống bến Ninh Kiều đón đò về Tam Bình nha thầy !

–          Thôi được, cám ơn em nhiều lắm !

 Lúc nầy, em không đợi tui lên xe nữa mà xuống xe nắm tay 2 cha con tui dắt lên xe. Lên xe, em nói : Em tin chắc là thầy không nhớ em, thầy nhớ em là đứa nào, em chết liền !

    Tui ú ớ. Lãng sang chuyện khác. Em nói : Đò hơn 12 giờ mới chạy. Xuống bến Ninh Kiều thầy trò mình làm “lâm râm” vài xị rồi về nghe thầy !

    Wow ! “ lâm râm”, nhớ ra rồi ! Chỉ có dân ở xứ tui dạy hồi đó mới dùng từ nầy để chỉ uống nhâm nhi. Tôi bắt chuyện, hỏi thăm anh Năm tài xế. Em nói: vậy thầy nhớ rồi Năm Râu là ba em. Đúng là em H.

    Xuống bến Ninh Kiều. Tui và H làm lâm râm 2 xị đế.

    Em nhắc : hồi đó, cây pháo tiểu ở bàn thầy là do em gài bằng điếu thuốc đó thấy !

    Trời ! Sự thật hơn 10 năm bi giờ mới hé mở !

–          Sao hồi đó, trước khi đánh em 1 roi về tội vô lễ, thầy hỏi em chuyện cây pháo, em không khai ?

–          Khai cho tội nặng thêm sao thầy !

–          ………………………………………..

     Em dẫn tui xuống tàu. Lên tàu về mà kỷ niệm xưa sống lại trong tui vui buồn lẫn lộn. Đến chừng chủ tàu thu tiền khách, tui móc tiền ra trả, chủ tàu nói : thằng H trả tiền cho anh rồi !

    Cảm ơn em H, học sinh cá biệt của tui hồi nẳm. Lúc đó, chưa có điện thoại như bi giờ nên không liên lạc được với em H. Đến bi giờ, mỗi lần nhớ lại kỹ niệm của thời đi dạy của tui là không bao giờ tui quên hình ảnh em H !

 

                                                                           NGUYỄN VĂN LẦN

Có 4 bình luận về NGHIỆP CHƯỚNG

  1.          Anh Lần, không phải nghiệp chướng mà nghiệp tốt.
     Nay anh nghĩ hưu rồi,ngày tư ngày tết có học trò đến thăm không?
        
     

  2. Kiều oanh nói:

    Cái này gọi là ” Luật Nhân Quả “hở anh cả Lần ?smiley Tuy nhiên cậu học sinh lớp4 ngổ ngáo ngày xưa cũng học được ở Thầy Lần tinh thần “Tôn sư ,trọng đạo ” .Nếu không em sẽ chở Thầy Lần đem liệng xuống sông Cần Thơ rồi ,ka ka ka ….. 

  3. Nguyễn Văn Lần nói:

     Nói như KO ” ngũ thập tri thiên mệnh”. Từ lúc anh Lần bước qua tuổi 50 thì không bao giờ trị em học sinh nào bằng roi. Trước đây học ở sư phạm, có ai cho phép đánh học sinh đâu ? Nhưng ở vùng sâu, không dùng vũ lực thì loạn mất. Biết rằng dùng vũ lực là “hạ sách”, nhưng tụi nầy phải dùng tới hạ sách.Nhưng cũng mai là những em học sinh trước đây mình dùng hạ sách vẫn chưa có em nào đối xử tệ với mình. Hiện nay, tới ngày 20.11 rất nhiều học trò cũ đến chúc mừng anh Lần và tổ chức 20.11 cho anh Lần nữa, những học trò nầy đã thành đạt. Có lần anh Lần viết chuyện : cái phone “cùi bắp” của anh bị rớt mất hơn 10 ngày, nhờ màn hình có hiển thị THẦY LẦN mà có em học trò cũ nhặt được mang gởi lại ! Ngay những ngày thường như thế nầy thỉnh thoảng cũng có 1 vài học trò cũ đến thăm để chia sẻ nổi buồn của mình. Anh Lần rất trân trọng tình cảm của các em.

    Còn chuyện phá phách của học trò bi giờ không dễ thương như lớp cô hồn 12 B3 của tụi anh hồi xưa. Không tin hỏi LM xem ! Càng về già, đám cô hồn nầy càng dễ thương hơn ! Các bạn và các em thấy không, nhìn anh nào mặt cũng dễ thương hết ! Từ thằng cô hồn trưởng, cô hồn phó, cô hồn nhỏ đều dễ thương.

  4. PhuongNga nói:

    Cô hồn nào cũng đẹp lão và dễ thương, nhưng “Cô Hồn Văn Lần” phong độ nhứt vì quá giống diễn viên nổi tiếng Minh Nhí!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác