Về nhà tôi ở tiểu bang Garden State (New Jersey)

Ngày đăng: 8/07/2012 03:06:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (10)

Tôi được sinh ra và lớn lên ở miền quê thuộc tỉnh Vĩnh Long, cho nên hình ảnh cây cà cây bắp, ruộng lúa vườn cây  đã ăn sâu trong tâm tưởng. Chắc là vì thế mà tôi có cơ duyên trú ngụ và cày bừa tại tiểu bang GardenState(New Jersey) nầy. Hồi gia đình tôi mới đến trại PRPC ở Bataan, Philippines để học 6 tháng Anh ngữ trong chương trình chuẩn bị đi định cư.

 

 

 

 

 

Trái plum

Không biết có sự lầm lẫn gì mà tôi được xếp lớp hơi cao hơn khả năng thật sự, hai mươi mấy học trò trong lớp đó chỉ có tôi là người duy nhất ở quê, tất cả những người cùng lớp, đều xuất thân ở các tỉnh thành lớn và các quận của Sài Gòn, họ đến từ các trại vùng Đông nam Á qui tụ về đây. Chỉ một ít trong họ, đi bằng máy bay theo diện ODP, gia đình có con lai Mỹ.
 
        Cũng có lẽ Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Nẳng gần nước Mỹ hơn là quận Tam Bình nhỏ xíu quê tôi, nên bạn học lớp tôi rành rẽ và thuộc lòng Sữ ký, Địa dư, Kinh tế, Chính Trị của Huê Kỳ làu thông trôi chảy. Dù không hiểu gì mấy, nhưng tôi cố gắng ngồi dự thêm giờ của mấy ông bà nầy trong những thời gian lớp nghĩ giải lao hay những lúc bà cô hay ông thầy người Phi, đang dạy mà bỏ ra ngoài một lát.
        Đây là những lớp học không có kỳ thi tổng kết, hay đậu rớt, nên lúc gần mãn khóa là lúc dành riêng cho quý cô quý bà trình diễn thời trang và trổ tài nấu nướng. Cũng là lúc quý vị con dân ruột rà và ngang hông của nước Mỹ đem thư từ hình ảnh giới thiệu chỗ họ sắp định cư. Lúc nầy tôi mới chú ý, bỗng nhiên cái nhóm cùng về California họ gắn bó và thân thiết hơn lên. Họ nói chuyện với nhau tui nghe lỏm mà cũng mắc thèm: ” tui về Cali. 92683, chỗ đó không khác Sài Gòn, còn anh về Cali. zip code mấy ? ” . Quý vị đi các Tiểu bang khác, hổm nay cùng sống nồng ấm dưới một trào, bây giờ tự nhiên gần như biến thành “hàng thần lơ láo”. Chỉ riêng mình tôi, đã lơ láo từ ngày mới nhập khóa. Bất cứ ai biết tôi về Tiểu bang nhỏ tí tẹo vùng đông bắc xa xôi lạnh lẽo nầy, đều lộ vẻ tội nghiệp xót thương. Tôi nghe mấy người nầy gọi nó là xa xôi nên tôi bắt chước gọi theo chớ ngay bây giờ tôi cũng chưa biết cái rún của nước Mỹ nó nằm đâu, để mà từ đó phân định chỗ nào là xa gần cho bốn phương, tám hướng.


      Dàn khổ qua

  Tuy được đứa cháu cho biết chút đỉnh về nơi mình sắp đến, nhưng cứ nhìn các gương mặt chia buồn hay ái ngại của bạn đồng lớp, tôi cứ tưởng chừng mình sắp đi Côn Lôn đập đá. Hơn ba người nói thì đó có thể là sự thật, đàng này có tới mười mấy người  đồng tâm đồng ý,  tôi cũng hơi lo. Chỉ còn biết dựa vào niềm tin duy nhất, chúng tôi sống sót qua cơn bão biển suốt ba ngày đêm trong tháng 7 âl năm 1989. Thì bây giờ cho dù có vất vả khổ cực cở nào, nhưng vẫn còn  hạnh phúc lớn nhất là được kề cận con người. Đó không phải là thiên đường nếu so với những giờ phút kinh hoàng tuyệt vọng, đơn độc, đói lạnh loi ngoi trong biển đen ầm ầm sóng gió, xảy ra ràng ràng trong mùa bão năm rồi hay sao.


       Cây quýt hồng trồng trong chậu từ năm 1993, mới ra trái chiếng năm nay. 6 tháng lạnh vô nhà, 6 tháng nóng ra sân.

 Đến Mỹ chừng 6 tháng thì tôi biết mình không lầm lẫn lắm, Tiểu bang tí tẹo nầy có diện tích đứng hàng 47, nhưng dân số hạng 10 và mật độ dân cư dầy đông nhất, so sánh trong 50 Tiểu bang toàn nước Mỹ. Mặc dù chưa biết có ai đã đánh giá độ màu mỡ của mặt đất từng vùng, nhưng tôi nghe người ta nói, những Tiểu bang lân cận đất đai sỏi đá hoặc sét cứng, ít thích hợp cho hoa màu. Không như chỗ tôi đang ở, trồng cây gì cũng dễ lên xanh tốt. Dân bản địa chùm nhum ở đây không vì đất đai màu mỡ, ngay cả dân Việt của mình đến đây chỉ lo cuống cuồng làm việc, ít người trồng rau cải, thứ mà chợ nào cũng có, tươi tốt quanh năm.
        Dàn bầu

Người ta trồng cây cối, hoa cỏ trong công viên nhằm mục đích làm đẹp cảnh quan, tươi mát không gian và tâm hồn con người, nhờ thiên nhiên tạo ra ô-xy và lọc sạch không khí cho dân cư thành phố. Gia đình chúng tôi chăm sóc mảnh vườn sau
cũng trong mục đích đó, nhưng hơn họ là chúng tôi hái rau quả ăn hàng ngày, cộng thêm một giá trị không thể cân bằng pound là được hưởng một chút tình quê qua những trái bầu mướp khổ qua, lá cách lá cắt lồi, càng cua rau má…

      Bí rợ bò tầng trệt, bí đao bò tầng trên

  Vừa rồi tôi có dịp đi xuống Virginia vì công việc, sẵn dịp ghé thăm bà Mợ ở Maryland. Bản tánh tỉ mỉ bếp núc trời cho, bà xã tôi cắt đọt lang, đọt bí, vài trái bầu mướp khổ qua. Tuy quà quê không quý giá gì, nhưng mợ tôi nhìn mà rưng rưng nước mắt. Đôi tay già nua yếu đuối của tuổi đời tám mấy ôm chặt và vò đầu thằng cháu cũng đã sáu mươi. Ôi, giây phút nầy, tôi mong sao mãi mãi.

Nguyễn Thế Điển

   Bông và đọt bí rợ


 Dưới gốc cây cà tím là rau má

Có 10 bình luận về Về nhà tôi ở tiểu bang Garden State (New Jersey)

  1. PhuongNga nói:

    Anh TĐ à,
    Tài nghệ trồng trặt của anh thuộc hàng cao thủ võ lâm. Thích nhứt giàn khổ qua…Cho ông xã tui coi hình vườn nhà anh, với ước muốn ổng lấy đó làm mẫu, nhưng có lẽ vô vọng!

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Nhớ khi về VN mang theo vài trái bầu để tui bỏ cá lóc đồng vào ruột trái bầu rồi nướng nhậu nha ông bạn nối khố !

    • Phong Tâm nói:

      Ở đất nước thuần nông ngay tại xứ mình mà ngắm vườn rau của ông bạn
      Nguyễn Thế Điển trồng cũng phát thèm, chắc chắn là rau sạch. PT

  3. Hoàng Hưng nói:

    Bạn Lần ơi, Thế Điển nói bầu không cho, chỉ cho một rổ bông bí, mình có sẳn lít rượu nếp Hòa Hiệp làm món gì nhậu hả bạn Lần.

  4. Nguyễn Thế Điển nói:

    Chào quý bạn :
    – Cô Phương Nga. Có năm, nhà chúng tôi sân trước sau đều tráng bê tông ( town home). Nhưng tôi vẫn trồng một dây khổ qua trong thùng mủ 5 gal. Nó leo xanh tốt rất đẹp trên lan can front porch. Chỉ hơi buồn là nó không giống người, càng sống lâu càng đẹp. Dây khổ qua của tôi chỉ cho mấy trái là đọt quẳn queo, râu ria cùn mằn, rồi ngủm.
    – Anh Lần & Hoàng Hưng. Vợ chồng tụi tui chưa ai mang bầu về Việt Nam, ở bển thiếu gì. Nhưng tui biết một người chở mấy va li trái hồng do họ trồng, mang về biếu bà con quê nhà. Làm tui nhớ nhớ câu chuyện bà lão gánh củi về vườn, của ai hôm trước.
    – Anh Phong Tâm. Tụi tui tưới rau bằng nước được xử lý bằng tia cực tím và chlorine nên hàng tháng trả tiền cho công ty C.E.E. hơi méo mặt. ( Công ty nầy có bà con với công ty Chảy Êm Êm bên mình hồi nẳm ). Vì vậy có thể nói, rau hơi sạch sạch.

  5. Hoàng Hưng nói:

    Tui biết Thế Điển không có mang bầu về Việt Nam,nên tui rủ bạn Lần nhậu đở với bông bí rợ xào, có thêm dưa hường nấu canh để chửa lửa càng tốt.
    Tui kể cho Thế Điển và bạn Lần nghe, có một lần nhậu với gỏi gà. Đầu, giò, phao câu chừa đó chưa đứa nào được rớ tới, khi nhậu tới bến, thằng nào thằng nấy quắc cần câu hết rồi, có một thằng bóc cái phao câu đút cho thằng này cắn một miếng, xong đút cho thằng khác, có thằng cắn nhằm ngón tay thằng cầm phao câu, đau quá nó buông phao câu xuống đất, nó tiếc của mò xuống đất lượm phao câu lên, đút tiếp thằng kế, không nhớ đút giáp dòng không, bắt đầu rụng như sung, gục tại chổ. Hôm sau tỉnh dậy thấy phao câu gà còn nằm dưới đất, thằng cầm phao câu gà chưa tỉnh, tay nó còn nắm chặt, tui đến mở tay nó ra là một con cóc đã bị cắn cái đầu tan nát, may là chưa tới cái gan. . .

  6. Nguyễn Văn Lần nói:

    Chuyện của đệ tử Lưu Linh kể 10 năm chưa hết. Ông Hưng ơi ! Đọc phản hồi của ông tui tỉnh rượu ngay, dù đã làm hơn 1 xị với khô cá khoai trộn xoài tứ quý.
    Kể cho ông nghe nè : 1 bợm nhậu đi ngang cây cầu dừa, trợt chân rớt xuống mương, lần theo cây tre vắt ngang, vịnh cây cầu mà đi qua, qua tới giữa đường, trợt chân té, bèn lội trở bờ bên kia và tiếp tục đi như thế đến bờ bên kia. Tay chống nạnh chửi đổng : Thằng chủ nhà bất nhơn ! Bắc cây cầu có chút xíu, làm cái tay vịnh cả ôm !

  7. Anh Thế Điển
    Nhìn bầu bí, khổ qua anh trồng mà thấy ham. Em thật khâm phục anh, ở New Jersey anh trồng được như vậy. Nếu anh có thời gian chỉ dùm em bí quyết. Cám ơn anh trước.

  8. Nguyễn Thế Điển nói:

    Chào quý bạn và  Võ Châu Phương,

    Cám ơn quý bạn cho lời bình luận.

    @ VCP : Ở đây ai trồng rau quả cũng tốt y như vậy.  Có lẽ là do đất đai mầu mở, khí hậu vào mùa xuân giống y như Đà Lạt. Nhất là những tháng mùa đông giúp cho đất nghĩ ngơi, những cây sống ngoài trời ngủ đông gom sức, bung mạnh chồi lá khi xuân sang. Một phần ít nữa là siêng tưới và đặt chút tâm tình với chúng. <NTĐ>

     

  9. Nguyentuyet nói:

    Anh Điển ơi, NT  thích các cây anh trồng quá, thích nhất là trái plum, vì màu nó đỏ thẩm, vừa đẹp mà cũng vừa ngon ngọt, bổ khỏe nữa, NT có 1 lần trồng  bầu loại hồ lô, nhưng khi ra quả thì nó không có lớn, cứ nhỏ bằng ngón tay giữa hoặc to bằng ngón chân cái mà thôi….. nó ra cả 1 giàn mấy trăm trái , li chi , lích chít mà không chịu lớn, cứ để ngắm chơi thấy dễ thương mà thôi… hái đại vô luộc thì ăn cũng tạm được, để lâu vài tháng thì tự nhiên nó vàng rồi rụng đi, từ đó NT không thèm gieo bầu nữa… NT cũng có gieo thử trái khổ qua nhưng chỉ ra lá sum xuê còn trái thì cũng không to, nó chỉ tí nị hà.Sau đó, NT gieo xà lách (nói cho oai vậy đó chứ NT đi kiếm hột xà lách về để ông xã lên líếp trồng, NT ngắm rồi khen và động viên)khi xà lách lớn lên nhiều quá, phải tìm kiếm người nào cần thì nhổ lên, xong rửa hết cát, đất, vô thùng rồi bõ lên xe chở đi cho.Sau đó, mùa sau gieo ít lại,  NT còn có trồng cải bẹ xanh nữa, mỗi chiều sau giờ làm việc NT và chồng ra sau vườn tưới rau. Chồng thì tâm tình với chúng, còn NT chỉ tâm tình  cho chồng vui chồng làm mà thôi. Khoảng nửa giờ hoặc có khi cả tiếng đồng hồ vọc đất, coi như tập thể dục dưỡng sinh vào buổi chiều tối, rất vui và vui lắm vì tự trồng rau để có rau sạch ăn an toàn.

    Anh Lần khai ra là 2 huynh có tới 2000 công đất. Chà chà!lớn lắm à nghe , khi nào rài thy thì cho NT tá túc bằng cái nhà tranh tre nứa hay tầm vong cũng được. NT cất chính giữa, huynh nào gây cải thì có NT Snow nè ! là êm chiện. Anh Điển khỏi lo, còn anh Lần không cần xi nghỉ nhiều để hôm nào rảnh NT sẽ cho xem 1 tí líếp rau xà lách của NT trồng (ý quên của ổng trồng mà tui khoe cho vui !!!!)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác