Nhớ Cha
Đọc bài thơ Lặng lẽ tháng năm của Phố xưa : . . . Nhớ căn phố chợ,. . nhớ căn nhà/ Có Cha , có Mẹ thời thơ dại/ Chốn ấy bây giờ đã thật xa/ Đôi lần trở lại thăm quê cũ/Nhìn ảnh mẹ cha luống ngậm ngùi. Những kỹ niệm thời thơ ấu được sống bên cạnh mẹ cha lại tràn về, trong nhiều ngày tôi sống với niềm thương nổi nhớ quê hương , cha mẹ , anh em . Đọc thêm bài thơ Mùa lúa trổ của Võ châu Phương lại nhớ nhiều đến người cha thân yêu của tôi .
Năm học lớp tư (lớp 2 sau này) , mỗi tối ba tôi đốt đèn manchon , lấy cái mền lót trên chiếc ghế, ẳm thả tôi ngồi lên học bài . Mỗi ngày tôi lấy phấn viết bất cứ chỗ nào tôi thích, má la không cho viết tùm lum, ba nói với má cứ cho tôi viết, ba lau chùi sau. Hồi nhỏ chơi đá banh bằng trái bưởi non, sau khi đá tôi lấy trái banh bưởi quăng vô nhà đi chơi nhà chòi, tôi quăng mạnh quá trúng tấm kiếng của cái tủ, tấm kiếng bị nứt. Lúc đó ở Cầu Mới chưa có chỗ cắt tấm kiếng khác để thay, ba tôi gở tấm kiếng nứt ra bỏ, phía sau tấm kiếng là miếng gổ, miếng gổ đó trở thành tấm bảng cho tôi viết, tôi viết: “tủ ciến bể ” , ba tôi về thấy, dạy cho tôi viết lại cho đúng . Cuốn sổ thuế của ba, tôi ghi là “sổ thế”, ba dạy viết lại, dạy thêm chữ Huế là cố đô của Việt Nam và đời vua cuối cùng họ Nguyễn, tôi thích quá, hôm sau giờ ra chơi tôi cho thằng ngồi kế bên cục kẹo, kể cho nó nghe họ của tôi giống với họ của vua, nó không chịu nghe tôi nói hết, nó lại rủ tôi đi bắn đạn “cu li”, tôi ghét nó không thèm đi bắn đạn với nó, tôi nghĩ mai mốt kể cho nó nghe hết mới cho nó kẹo .
Sang năm lớp ba , lớp nhì, mỗi ngày ba tôi đọc 2 tờ báo Sài gòn Mới và Tiếng Chuông, má không cho tôi đọc báo, nhưng tôi đọc lén, qua báo chí thời đó tôi đã biết những danh từ như Pathét Lào, cánh đồng Chum, vụ Hoàng Thụy Năm bị giết thả xuống cầu Bình Lợi ( Sau này về Sài Gòn ở, lần đầu tiên chạy ngang cầu Bình Lợi khá cao , nhìn xuống dòng sông quá đẹp, tôi nhớ lại câu chuyện tôi đọc báo hồi học lớp ba hay nhì ), vụ bà Cẩm Nhung bị tạc”axít”. . . Tôi tìm đọc tới tới những quyển sách của ba tôi, tôi đã đọc quyển Bên dòng sông Trẹm, sau này tôi cũng có dịp đến con sông Trẹm, tôi thich thú nhìn con sông đục ngầu đã đi vào văn học. Tôi cũng bắt đầu ngâm nga quyển truyên Kiều, thỉnh thoảng người chú của ba tôi từ Sài Gòn về, ông thuộc lòng quyển truyện Kiều, Đạo Đức Kinh, ông vừa ngâm vừa giảng lại cho ba tôi, tôi cũng được ngồi nghe ké. Má nói chỗ người lớn nói chuyện, tôi phải đi chỗ khác, nhưng ông chú giữ tôi lại cho tôi ngồi nghe ông và ba tôi nói chuyện về văn chương thi phú. Tôi cũng bắt đầu đọc sách Hồ biểu Chánh , SơnNam. . . . của ba tôi. Điều tôi thích thú nhất là khám phá ra tập thơ chép tay của ba, chữ của ba tôi đẹp lắm, ba cũng dạy cho tôi viết chữ, tôi cầm cây viết ngón trỏ rút lên thành một góc nhọn , ngón út co sát vô bàn tay, ba chỉ cho tôi thẳng ngón tay út ra làm điểm tựa xuống mặt bàn, ngón trỏ duổi ra ôm cây viết trông đẹp hơn. Ba tôi cưng tập thơ này lắm, dặn dò tôi không được làm dơ, thỉnh thoảng ba ngâm cho tôi nghe vài bài, ba thích nhất mấy bài thơ của bà TTKH . Năm đệ ngũ , Hồng Lợi đọc những bài thơ Tha La xóm đạo , Màu tím hoa sim . . . Tôi nhớ lại tập thơ của ba, tôi về mượn tâp thơ, tôi cũng bắt đầu chép thơ và tôi chú ý tới bài Hồ Trường của Nguyễn bá Trác (Tân Tỵ 1881-Ất Dậu 1945) . Ba tôi cho biết vào thập niên 40, thanh niên cở tuổi ba tôi rất mê bài Hồ Trường. Tôi hỏi ba làm sao biết năm 1881 là năm Tân Tỵ, ba chỉ cho tôi cách tính năm 1881 là năm Tân Tỵ
Hồi còn nhỏ , tôi không nhớ vào lúc nào một hôm xếp mấy cái ghế đai cạnh bàn viết của ba tôi để ngủ trưa , khi thức dậy tôi thò tay vào phía trong cùng của hộc tủ bàn , tôi lấy được 5 đồng , khoái quá tôi chạy ra chợ mua một đồng đồ ăn, còn bốn đồng tôi nhét trả lại chỗ cũ. Những ngày sau tôi cũng thò tay vào lấy tiền, nếu lấy được tờ một , hai đồng thì xài hết, tờ năm đồng thì thối lại, tôi nhớ lúc đó có hai loại giấy năm đồng, tờ màu xanh to hơn tờ màu đỏ. Hôm nào xui gặp tờ mười đồng trở lên, tôi nhét trả lại không lấy. Tôi không nhớ lấy tiền trong bao lâu thì những lần cuối, lần nào tôi cũng lấy được toàn giấy một trăm, tôi nhét trả lại, không lấy nữa và quên luôn hộc tủ tiền, sau một thời gian nhớ lại thì tay tôi lớn quá không thò vô hộc tủ bàn vừa nữa. Sáu năm trước tôi về thăm quê, cái bàn vẫn còn nhưng ba đã ra người thiên cổ, chuyện lấy tiền trong hộc tủ bàn tôi đã quên mất tiêu, lúc đó lại hiện về, bao nhiêu xúc động , bao nhiêu ngậm ngùi , bao nhiêu nước mắt tôi đã tuông ra.
Sau khi tôi không lấy tiền trong hộc tủ nửa, ba tôi hay bỏ tiền ở túi trên, tôi đợi ba ngủ trưa, tôi móc túi, cũng như tôi lấy tiền ở hộc tủ bàn , tờ một , hai lấy hết , tờ năm đồng thối lại, cũng có bữa xui không có tờ một, hai và năm đồng nào. Một hôm trước khi ngủ trưa ba hỏi xin má một đồng, tôi nghĩ ba còn xin tiền má, nên tôi không móc túi nữa, tôi mở hộp bạc cắc bí mật của tôi, đếm hai đồng đợi lúc ba ngủ tôi bỏ hai đồng cắc vào túi trên của ba, buổi cơm chiều ba má nhìn tôi cười cười, tôi không biết ba má cười chuyện gì, và từ đó ba ngủ trưa tôi không móc túi nữa.
Thích nhất là được theo ba đi uống cà phê, ba kêu cho tôi ly sửa nước sôi, sửa lâu nguội quá ông Một chủ quán giúp tôi đổ sửa ra dĩa cho mau nguội và mang đến cho tôi cái bánh bao nhỏ.
Ba tôi là cầu thủ trong đội bóng chuyền của xã có mặc đồng phục thể thao, có cây cờ đội bóng chuyền xã Tân an Luông, tôi thường được theo ba trong những trận đấu giao hữu với xã khác, nhưng tôi không nhớ sau này nhìn hình đội bóng chuyền có tôi bé tí trong đó, tôi không nhớ ba tôi mặc áo số mấy, tôi không nhớ nhiều về đội bóng chuyền, chỉ còn nhớ có bác năm thợ guốc rất to người trong đội bóng , khi nghề làm guốc không còn thịnh hành nữa bác rời Cầu Mới về quê Sa Đéc.
Ngày xưa mỗi năm chỉ làm ruộng một mùa, vào mùa hè miếng ruộng cách nhà tôi khoảng một trăm mét trở thành sân banh, mỗi chiều ba cổng tôi ra coi đá banh, thỉnh thoảng ba cũng vào đá hàng hậu vệ.
Ba tôi cũng có mặt trong nhóm đờn ca tài tử, tôi nhớ ba có mua cây đờn tranh, thời gian sau tôi không thấy cây đàn nữa. Sau 75 bác Hai từ Sài Gòn trở về quê sinh sống,bác ghé thăm ba tôi với cây đàn tranh , lúc đó tôi mới biết đó là cây đàn ngày xưa của ba tôi tặng bác khi bác rời Cầu Mới lên Sài Gòn lập nghiệp . Ba tôi chơi thể thao, văn nghệ, văn gừng nhưng tôi mù tịt chẳng biết về văn nghệ, thể thao
Năm lớp nhứt tôi học tạm khá, tôi thuộc lòng quyển 141 bài tính mẫu, thuộc rất nhiều bài luận mẫu, cuối năm tôi được lảnh thưởng hạng nhất. Thầy dạy học, ba má hy vọng tôi thi đậu vào đệ thất Tống phước Hiệp, ngày thi ba má nghỉ buôn bán đưa tôi lên Vĩnh Long thi, tôi thấy có cả thầy dạy học đứng phía bên kia lộ nhìn tôi vào trường thi.Tôi không nhớ thi luận buổi sáng hay chiều, bài toán tôi làm được, bài luận “Dùng hàng nội hóa là yêu nước” không có trong hai quyển luận mẫu tôi đã học gần như thuộc lòng và cũng không có trong những bài luận mẫu của thầy dạy luyện thi đê thất ở trường tư thục Long Hồ, thầy nói với chúng tôi mấy năm trước những bài luận mẫu của thầy đều trúng tủ.Tôi không làm bài luận, chỉ viết mấy chữ “Cho đề tầm bậy” đợi hết giờ nộp. Về nhà má hỏi tôi làm bài như thế nào tôi chỉ lắc đầu, ba không hỏi nhưng ba buồn lắm.Tôi không bao giờ quên nổi buồn của ba ngày hôm đó. Nhiều lần tôi muốn nói hai tiếng “xin lổi” với ba, nhưng tôi không làm được chuyện đó.
Nguyễn Hoàng Hưng
Anh HHưng thấy không. Chớ để ngày mai cái gì làm được ngày hôm nay. Phải chi lúc đó anh xin lỗi ba anh…
Bài Nhớ Cha của anh Hoàng Hưng thật gây xúc động cho người đọc . Anh đã có một tuổi thơ thật đẹp bên cạnh người Cha tuyệt vời . KO chắc là anh đã nhận được ” gen “di truyền từ người Cha có dòng máu văn nghệ sĩ ấy nên bài viết của anh rất hay . Đang thả dòng tư tưởng theo những kỹ niệm đẹp ngày xưa của anh chợt KO không kềm được cảm xúc …và phải bật cười nắ nẻ khi đọc phần cuối của bài viết . Ha ha ha …..cậu học sinh Lớp Nhất ngày xưa thật có máu ” trào phúng ” khi cả gan dám nộp bài văn chỉ vỏn vẹn câu ” Cho đề tầm bậy ” . Khi đọc phần này khiến KO nhớ lại có lần thằng em của KO cũng từng được giáo viên “ưu ái ” cho điểm 1 vào bài luận giải thích câu “Lá lành đùm lá rách ” , Nó đã ” tối kiến ” ( chứ không phải sáng kiến ) ghi vào bài luận văn ấy thêm 1 câu ” Lá lành đùm lá rách ,lá rách đùm lá nát ,lá nát đùm lá …tả tơi …” hic hic hic ….Anh HH có nghĩ bài luận ấy đáng được điểm 10 ( ngược ) không hở ( 01đ)? ( Các thầy cô ngày xưa cũng rất nhân đạo không cho con số 00 vào bài viết ). Cám ơn bài viết của anh HH đã đem lại chút tiếng cười cho đọc giả – ít nhất là với KO .
Đọc bài của Hoàng Hưng, buồn quá, nhưng Hưng có nhiều diễm phúc lắm, có tiền của Ba để lấy mua bánh ăn, rồi thối lại ( dễ thương làm sao ). Nhưng tui khoái nhất ở câu
” Cho đề tầm bậy “. Mới học lớp Nhứt mà nói được câu nầy là có ” cá tính”, chứ không phải ” cá biệt”.
Anh Lần, anh HHưng,
Một đứa học trò cấp hai ở trường em viết cảm tưởng về lòng yêu nước nhân ngày lể độc lập của Mỹ (ngày 4 tháng 7) như sau:
“Ngày lễ Độc Lập, để chứng tỏ lòng yêu nước của mình,
1. Chúng ta kiên quyết không treo cờ Mỹ do Trung Quốc làm.
2. Không thèm đốt pháo bông cũng do Tàu chế ra.
3. Chỉ ăn hot dog sản xuất bên Mỹ.
Nhưng như vậy thì mình hổng có cờ treo, hổng có pháo bông để đốt vì ba thứ nầy đều bị mấy ông chủ lớn đặt làm bên Tàu cho rẽ. Mà chỉ ăn hot dog thôi thì khó yêu nước quá…
Vậy chúng ta nghỉ yêu nước một bửa hẳng hay…sau đó hãy cố gắng yêu nước nhiều hơn…bù lại!”
Vậy thì “cá tính” hay “cá biệt”?
Đọc bài ” Nhớ Cha ” PX thấy buồn ơi là buồn , Anh Hoàng Hưng âm thầm gởi cho mỗi người một nỗi nhớ riêng của thời tuổi nhỏ ..Cám ơn Anh nhiều lắm , PX chúc Anh & gia đình luôn vui , khỏe .
Bài anh Hưng viết quá thực và quá cảm động làm PM tui bần thần cả buổi mà không gõ nên chữ nào!Hãy viết về mình,về người thân,bạn bè để sau này dù có mất đi thì những người còn lại có cái mà nhớ ,mà nhắc !i
Chúng ta đừng nhầm lẫn ” cá tính” và ” cá biệt”. Theo tôi, việc phân biệt nầy cũng không khó, 1 em thông minh phát hiện ra những cái mới, lạ, có khi sai quy định, nhưng giải thích nghe rất có lý là ” cá tính”, còn ” cá biệt” thì xin kể PN nghe 1 chuyện lúc tui mới về Tam Bình dạy ( từ Rạch Giá chuyển về), được phân công dạy lớp 4, trong lớp có em Tuấn, suốt buổi không nói, không rằng, giờ chơi tui lân la tiếp chuyện, em không nói gì cả, mấy em học sinh khác nói: thầy ơi! Bạn Tuấn bị câm ! À! Thì ra vậy, vì em Tuấn nhà ở chợ TB, có bà mẹ bị câm bẩm sinh ( tội nghiệp ), tui xếp em Tuấn vào dạng học sinh ” cá biệt”, em Tuấn làm bài cũng trên khá, nhất là làm toán. Dạy hết học kỳ 1, tui được điều động đi làm quản lý ở trường khác, chuyện em Tuấn tôi quên rồi.
Đến khi tui về hưu, gặp lại em Tuấn ở 1 quán nhậu ( SN bạn bè ), Tuấn bưng 1 ly bia bằng 2 tay sang bàn tui nói: con xin mời thầy 1 ly. Tui muốn mất thở luôn, chuyện cách nay hơn 20 năm, thì ra đám học trò yêu tinh đã ” thuốc” tui, nên tui đã xếp em Tuấn vào danh sách học sinh ” cá biệt”. Em Tuấn hiện là thợ điện lạnh ở Tam Bình, có vợ và 2 con. Bạn bè thường gọi : Tuấn Moteur.
Tài năng của tác giả xuất hiện khá sớm. Trước đây tưởng có Cả Lần còn con nít mà biết làm nay có thêm thần đồng , vậy 2 người kết nghĩa huynh đệ là hợp gu lắm đó.
Phương Nga ơi, anh Lần và Hòang Hưng nhắn NT nói với PN là… đứa học trò trường cấp 2 của PN có ý tuởng mới… và HH nói…không phải cá tính mà chẳng phải cá biệt …mà là… có sáng kiến kinh ngạc ” Độc đáo”…. dám nghỉ dám làm… làm cô giáo PN phải suy nghỉ…có lẽ không nên phạt…. nếu bị cô giáo phạt…em đó sẽ nói tiếp…. Cô ơi hãy cho em mua 1 vé tuổi thơ đi cô…
HHưng ơi, huynh có 1 kỉ niệm về ba vui quá, 1 thời tuổi trẻ thật hạnh phúc và dễ thương, bài huynh viết có nhiều ấn tượng cũng độc đáo… dám nhận xét đề luận …. làm giám khảo khi chấm tới bài của huynh, chắc chắn là họ sẽ báo về PGD hoặc SGD… và hẳn nhiên người ra đề thi nếu có trách nhiệm phải suy nghỉ… có lẽ đề thi ra chưa được hòan chỉnh , nên lưu ý để tránh lần sau… NT cũng đồng ý với anh Lần.. Hhưng lúc nhỏ có cá tính độc chiêu…. NT.
Chân thành gởi những lời cảm ơn muộn màng đến Phương Nga,cám ơn thêm đã chia sẻ bài viết cảm tưởng về lòng yêu nước của một học trò
Cám ơn Kiều Oanh nhiều, đáng lẽ bài luận lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, lá nát đùm lá tả tơi của đứa em phải được 10 diểm.
Cám ơn bạn Lần nhiều, Hưng và Lần đã kết nghĩa lâu rồi Ngọc Thúy ơi.
Cám ơn Phố Xưa nhiều, nhờ bài thơ của Phố Xưa, HHg nhớ lại nhiều kỹ niệm, bây giờ nhớ thêm ba nấu ăn ngon lắm, mỗi lần thấy ba xuống bếp, anh em đến bàn ăn ngồi chờ, chắc chắn có món ăn ngon.Cám ơn lời chúc của Phố Xưa, chúc Phố Xưa và tất cả các nhà thơ và cả nhà thơ tài tử Võ châu Phương được nhiều sức khỏe và nhiều cảm hứng, HHg có nhiều bài thơ hay để đọc.
Cám ơn Phương Mai nhiều, đợi đọc thêm bài và thơ Phương Mai.
Cám ơn Nguyễn Tuyết nhiều, đố Nguyễn Tuyết đề luận Dùng hàng nội hóa là yêu nước là ý kiến của ai đưa ra không?