Thư Hồng Băng gửi phản hồi
Anh Một Lúa, Tôi rất thích dòng cuối cùng của anh trên phản hồi và đây là điều tôi luôn mong đợi. Đúng là mâm nhôm có vẽ “lòe lọet” hơn mo cau, từ rất phù hợp trong không gian, thời gian của thể lọai thơ hòai cổ này. Thực sự là tôi có nghĩ tới và lẩn quẩn trong VỪNG, SÀN, NIA.. nhưng không tìm được.
Thực tế thì sau khi dùng kéo cắt xung quanh bánh để khi nướng nó phồng, lớn hết cở, để trên..bàn tròn chứ mâm nhôm không chứa nỗi! Dù sao, trong việc tìm kiếm sự hòan thiện, thì mo cau vẫn tốt hơn mâm nhôm, dù ít nhiều không mang tính thực tế. Phải chi có 1 từ nào hay hơn thế anh nhỉ. Cám ơn anh nhiều. Tôi sẽ cập nhật Mo Cau trong lần ” tái bản” sau này. Mo Cau nghe hướng nội và đẹp. Mong nhận được nhiều hơn những ý kiến của anh chị em trên trang TPH.
Anh Hòang Hưng! Việc tặng thơ cho bạn, xin anh cứ ” tùy nghi sử dụng” Bánh Phồng Ngày Tết đến anh em, như món quà hòai vọng quê hương. Tôi sinh là lớn lên ở Trà Vinh. Quê Mẹ ở làng Phước Hưng, thuộc H. Trà Cú. Quê Cha ở ấp Rạch Giữa, làng An Mỹ, nay là xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình xưa), 1 ấp nằm cạnh sông Cái.
Tôi và anh Kiên Giang vốn là anh em kết nghĩa. Trước kia khi xuống Trà Vinh, anh thường ghé nhà tôi và gọi Mẹ tôi bằng Mẹ, dù Bà chẳng lớn hơn ảnh mấy tuổi. Anh KG là bạn thân với Truy Phong, là Thầy dạy tôi môn Việt văn thuở Trung học. Ông là nhà thơ lớn, gốc người Vũng Liêm, Vĩnh Long, tác giả của” Một thế kỷ mấy vần thơ”, tác phẩm làm chấn động thi đàn Nam bộ 1956. Ông đã mất vài năm nay ở cù lao Quới Thiện. Trở lại anh KG, Ông là người chính trực, đời ông sau này có quá nhiều cảnh khổ. Việc gia đình , ông gặp quá nhiều đau thương bởi bọn vô luân.. Rất tiếc tôi không thể viết nhiều cho anh. Tôi có ở cùng anh thời gian dài khi anh còn ở bên cầu chữ Y, Q.8.
Vài hàng đến anh. Chúc xuân vui vẽ, an khang.
Hồng Băng
Chào anh Hồng Băng,
Thời mà em còn chạy long nhong hốt ổ chim, đá lia thia, đá dế, chắc cũng không lâu lắm. Chỉ cần qua khỏi chợ Cầu Lầu vô hẽm Lò Rèn một khoảng là thấy những bà lớn tuổi dùng mo cau đựng một hai lít gạo, mắt kính trễ xuống, ngồi trước thềm nhà lựa thóc, nhặt sạn. Và hình ảnh chiếc mo cau đựng bánh tráng bánh phồng nướng cũng rất thường bắt gặp đâu đó trên đường đời. Hiện giờ những lẵng, giỏ đan bằng loại thân dây tròn nhỏ <cây dại>, để đựng trái cây, kẹo bánh chocolat dùng làm quà tặng. Trông rất xinh, trang nhã và rất đắt tiền !
Bạn Thế Điển,
Lại một hình ảnh thân yêu của ngày xưa mất nữa rồi! Gạo bây giờ không con sàn nữa. Được cái này, mất cái kia vốn xảy ra liên tục. Lâu lâu thấy mất, chút ngậm ngùi. Nhưng cũng phải thôi, các bà mẹ khỏe một chút. Ngày xưa nhiều việc quá, đầu tắt mặt tối. HB