ĐỌC THƠ BẾN CỦA PHONG TÂM
Có những tập thơ, bài thơ có sức thu hút người đọc trội hơn những bài khác. Đối với tôi, Tập thơ BẾN của anh Phong Tâm nằm trong trường hợp này. Chắc chắn rồi tôi sẽ đọc tiếp những tập thơ khác từ anh, vì tôi được hân hạnh nhận món quà tinh thần từ anh đến những 5 tập thơ, một vinh dự, một tự hào về anh.
Dòng sông ngày nào nhìn cũng giống nhau, duy những con sóng mỗi ngày sẽ mỗi khác nhau. Liệu người trên bến kia có lúc nào tự hỏi: “Ngày mai ai sẽ ghé Bến nơi đây không?”
Bến, tập thơ gói gọn hơn 40 bài thơ trình bày trên 80 trang với nét đặc trưng là nhớ người, là thương người, là cái tình trải dài trong cuộc sống. Nếu cuộc đời không còn nhớ không còn thương ta nằm chết bên ven đường, một câu nói ví von của ai đó xem ra là thực tế đối với tôi khi đến với tập thơ Bến.
“Em về tắm BẾN sông thơ”
Đó là bài thơ Tháng Giêng, tháng mở đầu của một năm và cũng mở đầu tập thơ Bến
“Hơi vọng cổ phương Nam
Tiếng lòng gởi ống tre đơn nhị
Vương trên phím nguyệt cầm”
Kế tiếp là bài thơ Nơi Mùa Nước Nổi, với 3 câu thôi cũng đủ làm khít khao tâm tư của người mê vọng cổ như tôi, một sự hoàn hảo của người dân miền Tây Nam Bộ.
Gần cuối tập thơ Bến là bài thơ “Ký Ức Bây Giờ” của anh. Trong đó những người thân của anh là ba, là má, là anh chị em, được anh nhắc đến trong thương tiếc ấm áp từ một gia đình với sự dạy dỗ từng mỗi người đứng thẳng như cây giữa rừng, và anh là một cá nhân đã làm được như vậy.
Kết thúc tập thơ Bến là bài thơ Đừng Khơi Dậy (Hóa thân Huyền thoại TTKH)
“Tôi đang sợ lúc một mình
Không mong mà nhớ, không nhìn mà vương”
Thơ tình của anh viết là mẫu mã của huyền thoại, là hóa thân TTKH trong dòng chảy của thơ Việt Nam. Thơ tình của anh man mác nỗi buồn vì giữ lại riêng cho mình một sự thủy chung. Thơ tình của anh là cái tôi mông muôi của anh, là có thể ”Đứng bên nhau kéo nắng trời xuống đêm”. Đọc mà biết thương người trong bài và thương cả người viết.
Chợp lấy cái ý tưởng tâm đắc đó trong thơ của anh, tôi nghĩ, mai này nếu trong những bài thơ tôi viết lỡ mà mang hơi hướm từ thơ anh, liệu anh có niệm tình tha thứ lỗi “ăn cắp tình” trong thơ của anh không nhỉ? Vui thôi
Bến, được chọn làm tựa đề tập thơ để xác định cái gì đó không thể quên của anh, một chắc nịch tinh thần.
Bài thơ Nối Dòng Thơ Xuân là bài thơ dâng hương tưởng nhớ ba má.
Bài Giọt Xuân là bài thơ gởi cho vợ.
Bài Với Bạn tặng nhà văn Hàn Vĩnh Nguyên, bài Mùa Nồng Nàn tặng nhà thơ Kim Ba, bài Hoa Ngạo Bảo tặng nhà thơ Cát Hoàng, Tháp Pônaga tặng họa sĩ Lê Dân, bài Nhìn Lại tặng Trần Thị Mai, bài Xuôi Dòng Lục Bát tặng Tấn Thi và Tấn Thành, bài Tìm Dấu Chòi Hoang tặng thì sĩ Kiên Giang, bài Tiếng Võng Ru Chiều Thương Khói Bếp tiễn nghệ sĩ ưu tú Bắc Sơn ra đi,bài Dừa Trong Mắt tặng các bạn từ Trại sáng tác, Hội VHNT, bài Một Góc Kon Tum tặng Mỹ Lệ… và bên cạnh là những bài thơ hương vị nồng nàn khác.
Anh viết từng bài thơ tặng cho từng người, là tri kỷ, tri âm hay ơn nghĩa bạn bè. Với ngần ấy thâm tình, “Bến” của anh phải chăng là đây, là nguồn cội, tự nguyện theo một nguyên tắc sống, sống tình sống nghĩa sâu thẳm trong trái tim anh. Đó cũng là điều anh muốn nói đến trong tác phẩm của mình.
Thu Vàng và Phong Tâm tại Cái Mơn
Là người đọc và yêu thích thơ anh Phong Tâm, vốn nghĩ không đủ thân và đọc cũng không đủ lâu nên mạo muội ghi đôi dòng, chứ thật ra làm sao mà thông thạo “ Lời Của Sông” “Hương Rừng” “Bờ Thời Gian” như anh đã viết. Với những danh xưng anh được phong tặng trong làng thơ Việt, tôi đã từng có cảm giác vui mừng chen lẫn ngăn cách. Đó chỉ một thoáng nghĩ thôi, điều cần thiết tôi muốn là có thơ từ anh để đọc. Anh là tiêu biểu của người thơ đáng kính, đáng yêu. Một nhà thơ tạo ra những bài thơ đẹp, những nét bút nhẹ nhàng mang đầy cảm xúc, bằng lối viết giản dị, gần gũi, những con chữ có sức bảo vệ cho tình yêu vô hạn trong cuộc sống đời thường, giữ được một tấm lòng bình an.
Thu Vàng