CHỢ QUÊ Ở ĐỒNG THÁP: GIỮ HỒN DÂN TỘC
Trong dòng chảy phát triển của xã hội hiện đại, khi đô thị hóa lan nhanh đến từng thôn xóm, thì những hình ảnh thân quen như mái chợ tranh tre, tiếng rao hàng mộc mạc, hay nụ cười chất phác bên quán bánh xèo quê dần trở nên hiếm hoi và dễ bị lãng quên. Tuy nhiên, ở Đồng Tháp – vùng đất sen hồng nghĩa tình – những phiên chợ quê vẫn đang được người dân và chính quyền một số địa phương nỗ lực gìn giữ và khơi dậy, không chỉ để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn để phát huy nguồn lực địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và tạo sinh kế bền vững cho người dân nông thôn.
Thực tế cho thấy, các mô hình chợ quê ở Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây (TP. Cao Lãnh), khu di tích Gò Tháp (huyện Tháp Mười), và vùng tiềm năng Tân Nghĩa (huyện Cao Lãnh) đã và đang khẳng định giá trị đa chiều. Những chợ quê này không chỉ đơn thuần là nơi mua bán hàng hóa mà còn là không gian sống động của văn hóa làng quê, nơi hội tụ các giá trị ẩm thực, nghề thủ công, âm nhạc truyền thống, tập quán sinh hoạt cộng đồng và tinh thần tương thân tương ái giữa người với người. Chợ quê Tân Thuận Đông, nổi bật với mô hình tổ chức định kỳ hàng tuần bên bờ sông, thu hút hàng trăm lượt khách mỗi phiên, đã chứng minh tính hiệu quả của việc gắn kết du lịch sinh thái với bảo tồn văn hóa địa phương. Sau gần hai năm đi vào hoạt động, chợ này không chỉ đem lại doanh thu đáng kể mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đặc biệt là phụ nữ và người lớn tuổi tại địa phương – những người vốn ít có cơ hội tham gia vào nền kinh tế hiện đại. Trong khi đó, mô hình chợ đêm Tân Thuận Tây dù khiêm tốn hơn về quy mô, nhưng lại phù hợp với nhu cầu giới trẻ và người dân thành thị, mở ra hướng phát triển không gian sinh hoạt cộng đồng gắn với ẩm thực dân gian. Đặc biệt, chợ quê tại khu di tích Gò Tháp – nơi hội tụ giá trị lịch sử, tâm linh và văn hóa – lại cho thấy tầm quan trọng của việc lồng ghép du lịch văn hóa với phát triển nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Ở đây, mỗi phiên chợ không chỉ là điểm hẹn thương mại mà còn là nơi giáo dục truyền thống, kết nối du khách với lịch sử dân tộc, qua đó nuôi dưỡng niềm tự hào và ý thức giữ gìn cội nguồn cho thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, các mô hình chợ quê ở Đồng Tháp vẫn còn nhiều hạn chế cần được quan tâm khắc phục. Hạ tầng phục vụ chợ còn đơn sơ, thiếu bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn và khu vực nghỉ chân cho khách du lịch. Hoạt động tổ chức chợ còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp và chưa bảo đảm an toàn thực phẩm hay vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, tần suất hoạt động còn thưa thớt, chủ yếu mang tính thử nghiệm, chưa hình thành được thói quen tiêu dùng và lịch trình tham quan ổn định cho du khách. Công tác truyền thông cũng chưa theo kịp yêu cầu thời đại, khi phần lớn các chợ quê chưa được số hóa thông tin, thiếu hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng du lịch, khiến sức lan tỏa và khả năng kết nối với thị trường du lịch rộng lớn còn hạn chế. Ngoài ra, nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng chưa qua đào tạo bài bản, dẫn đến việc giới thiệu sản phẩm, giao tiếp với khách nước ngoài hay xử lý tình huống vẫn còn nhiều lúng túng.
Để những mô hình chợ quê không chỉ sống được mà còn phát triển bền vững, rất cần một chiến lược đồng bộ và tầm nhìn dài hạn từ cả chính quyền và cộng đồng. Trước hết, cần xác định chợ quê là một thành tố quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch văn hóa – nông nghiệp, từ đó bố trí nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và hỗ trợ truyền thông. Việc tăng cường tần suất tổ chức, đa dạng hóa hình thức hoạt động (chợ phiên, chợ chuyên đề, chợ đêm…) và gắn chợ quê với sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng cao tính ổn định và khả năng cạnh tranh. Song song đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, xây dựng hình ảnh chợ quê trên nền tảng số, kết nối tour tuyến, hướng đến nhóm khách du lịch có nhu cầu trải nghiệm bản sắc địa phương và lối sống chậm. Một yếu tố không kém phần quan trọng là bảo đảm sự tham gia thực chất của người dân – những chủ thể vừa gìn giữ truyền thống, vừa hưởng lợi từ mô hình – để chợ quê thực sự là không gian sống động của văn hóa, chứ không trở thành điểm dừng chân mang tính trình diễn, phi bản địa.
Chợ quê là một phần máu thịt của ký ức làng quê Việt Nam, nơi đọng lại không chỉ mùi thơm của món ăn dân dã, âm thanh của lời rao giữa trưa hè, mà còn là nếp sống, tình làng nghĩa xóm và cả chiều sâu của văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giữ gìn và phát triển chợ quê không phải là níu kéo quá khứ, mà là cách khôn ngoan để làm giàu cho hiện tại và vun đắp cho tương lai. Đồng Tháp, với truyền thống cần cù, hiếu khách và chính sách khơi dậy nội lực từ cộng đồng, đang có đầy đủ điều kiện để biến những phiên chợ quê thành biểu tượng văn hóa – kinh tế độc đáo của vùng đất sen hồng, góp phần làm sáng lên bản sắc miền Tây trong hành trình phát triển đất nước.
NGUYỄN HỮU NHÂN
Hình Chợ quê Gò Tháp. nguồn Net