VỀ TRI TÔN NHƠN TẾT NĂM MỚI CHOL CHNAM THMAY 2025,
Tết Chol Chnam Thmay năm nay của bà con Khmer bắt đầu từ ngày 14 đến hết ngày 16 tháng 4/2025. Tôi rất bất ngờ khi Minh Luong điện thoại cho biết ngày 13, anh sẽ về Tri Tôn xem tết. Tôi nói 14 mới Tết ông ơi! Lương Minh nói, ậy, đi chơi trước một ngày mới thấy hay, chớ ngày mồng một ì xèo người ta, còn gì vui nữa.. Nói thiệt, chùa chiền ở Tri Tôn, tôi có biết chút đỉnh nhưng quen biết với các vị sư sãi đến mức thâm tình thì không, vì vốn liếng tiếng Khmer của tôi ít quá.
Kỳ này đi chơi có chị Neang PhiRom nên có phần yên bụng. Chị quê gốc ở Tri Tôn, lên cấp 2 về học Tống Phước Hiệp, rồi vô đại học Sư phạm Cần Thơ, ra trường dạy ở Nguyễn Trung Trực (Tri Tôn), một kho tàng kiến thức văn hóa Khmer. Thêm anh Trần Thế Vinh thổ địa Tri Tôn Bảy Núi, vợ chồng anh KS Phạm Hiền. người Long Xuyên nhưng lại chơi với Lương Minh qua nhóm Quán Văn. Cuộc đi chơi Tết này thiệt sự là Tết từ trong lòng ra rồi.
CHÙA TÀ PẠ (WAT PHNUM TAPA – CHÙA NÚI TÀ PẠ)
Theo hướng dẫn của chị Phi Rom, nên lên viếng chùa Tà Pạ đầu tiên. Đúng rồi! Về Tri Tôn mà không thăm Tà Pạ, nhứt là từ khi chùa làm xong cái cầu thang uốn lượn, dẫn du khách ở chân núi Tà Pạ, đường 30 tháng Tư, lên chánh điện của chùa trên đỉnh núi. Cầu thang tuyệt đẹp, sắc màu rực rỡ như một chiếc cầu vồng đưa người lên non Tiên, trở thành một điểm check in không thể bỏ qua của Tri Tôn.
Tôi cũng đã viếng chùa nhiều lần nhưng có một vị sãi của chùa tôi rất muốn gặp lại chưa bao giờ thỏa nguyện. Lần này cũng vậy. Vườn chùa mênh mông, tươm tất gọn gàng để mừng năm mới. Nhiều đoàn du khách, nhiều nam thanh nữ tú gọn gàng thanh lịch trong trang phục dân tộc người Khmer (có quầy cho mướn), để chụp hình kỷ niệm, nhưng tuyệt nhiên không có một chiếc áo vàng sư sãi nào hết. Thành ra một lần nữa tôi lại không có duyên với vị đó.
Đó là sãi Chau Sóc Thon, người đã từng chết đi rồi sống lại 2 lần.
Lần thứ nhất lúc sãi được 4 tuổi. Lần ấy bị bịnh và bịnh viện xác nhận đã chết. Gia đình bó chiếu chuẩn bị hỏa táng thì sãi nhúc nhích sống dậy.
Năm 14 tuổi, sãi bị đau ruột thừa, gia đình đưa vào bịnh viện Long Xuyên nhưng không qua khỏi. Bịnh viện xác nhận nhịp tim đã ngưng, sãi đã chết và nói người nhà làm giấy đưa xác về. Khi giấy tờ làm xong lúc trở lại nhận xác thì sãi lại…hồi sinh.
Sau sự kiện đó sãi xuất gia vào chùa luôn, đến nay sãi vẫn sống bình thường nhưng lạ kỳ là ở mãi với hình hài của một người độ tuổi 13 – 14, không già đi, không lớn hơn, lúc nào cũng như một thiếu niên, một chú tiểu nhỏ. Sãi sanh năm 1990, năm nay 35 tuổi, hàng ngày ngoài việc chùa, sãi còn đứng lớp dạy tiếng Khmer.
Mà kỳ này không gặp được sãi là uổng nhứt. Có chị Phi Rom, cuộc trao đổi trò chuyện với các sư sãi sẽ rất cởi mở, thân tình, hiểu nhau rõ ràng và mình sẽ có một sự hiểu biết chánh xác hơn những gì sư sãi nói.
Và cuộc viếng thăm chùa Svayton ở buổi chiều nay, rõ ràng là chúng tôi sẽ không thu nhận được gì, nếu không có chị Phi Rom.
. CHÙA XÀ TÓN (WAT SVAYTON)
Svayton, Xà Tón, người Việt nói trại thành Tri Tôn. Svay là con khỉ, tón là níu, kéo. Vùng này xưa kia rừng cây rậm rạp. Những bẩy khỉ gặp người đi rừng là nhào ra níu kéo. Riết rồi người ta gọi là “nơi khỉ níu kéo, svayton”.
Đào Dũng tiến và sãi cả Chau Sóc Khonl
Chùa Svayton được xem là ngôi chùa Khmer xưa nhứt của vùng Bảy Núi. Ban đầu chỉ cất bằng tre lá, không biết năm nào. Truyền miệng với nhau là tới năm 1696, chùa mới được dựng lại tươm tất bằng gỗ tốt.
Mấy năm gần đây, chùa được nhiều người biết đến khi tổ chức Kỷ lục quốc gia công bố: chùa sở hữu những bộ kinh lá buông nhiều nhứt và xưa nhứt.
May mắn cho chúng tôi khi đến chùa gặp ngay sãi cả Chau Sóc Khonl đang đứng ở sân chùa chỉ biểu mấy ông sãi khác làm công việc gì đó.
Nhờ có chị Phi Rom giới thiệu chúng tôi đến viếng chùa ngày Tết, sãi hết sức cởi mở và thân thiện. Ông mời chúng tôi đi một vòng tham quan mà còn kèm theo một câu, có gì sai sót chỉ biểu dùm. Sadhu! Sadhu!…
Chị Phạm Hiền ngỏ ý muốn xem những bộ kinh lá buông. Ông vui vẻ đắt chúng tôi đến một tự phòng mà tôi nghĩ chắc có chức năng như một Tàng kinh các.
Ông trang trọng đắp lên người chiếc y thượng rồi mới vào bên trong mang những bộ kinh ra. Ông từ tốn giới thiệu với chúng tôi những bộ kinh lá, có bộ 50 tuổi, có bộ gần 100 tuổi. Ông nói sơ về cách chế tác lá buông, cách viết chữ lên đó. Ông nói xin giới thiệu chút ít thôi vì có hai đoàn khách của tỉnh đến chúc Tết chùa.
Thấy ông còn trẻ, Lương Minh hỏi ông bao nhiêu tuổi rồi. Ông nói ông vào chùa năm 11 tuổi, 16 tuổi chánh thức xuất gia. Ông nói vui, đến 4 giờ 48 phút chiều nay thì chịu tuổi 40. Nghĩa là ông sinh năm 1985!
Câu nói vui của ông vô tình giải đáp được thắc mắc mấy ngày nay, mà tôi tra tìm không gặp. Đó là giao thừa năm nay của Tết Chol Chnam Thmay là lúc nào?
Như chúng ta đã biết thần thoại người Khmer nói rằng có 7 nàng tiên con của Đại Phạm Thiên Kabul Maha Prum, sẽ luân phiên xuống trần gian cai quản một năm. Giao thừa của tết Năm mới không tính vào lúc 0 giờ ngày mồng Một như Việt Nam, mà sẽ tính vào lúc vị nữ thần năm mới tới trần gian lúc nào?
Vậy là tôi biết, giao thừa năm nay của người Khmer là 16 giờ 48, ngày 13 tháng 4/2025.
Loay hoay cũng hơn 3 giờ chiều. Sãi Chau Sóc Khonl đi tiếp khách, chúng tôi cũng ra về.
Chia tay các bạn về Long Xuyên, tôi về Chi Lăng. Dọc đường 948, một cây phượng nở làm đỏ rực trời chiều.
ĐÀO DŨNG TIẾN
Chol Sangkran Thmay (14/04/2025)
———————————————————————————————————
Trong thần thoại Khmer, bảy nàng Tiên Tê Va Đa (hay còn gọi là Tep Vatey) là những nữ thần được xem là con của thần Kabul Maha Prum, vị thần tối cao. Truyền thuyết kể rằng, họ thay phiên nhau xuống cai quản trần gian, mỗi năm một vị, mang lại sự hài hòa và trật tự cho thế giới.
- Tên của 7 vị nữ thần:
Theo truyền thống Khmer, bảy nàng Tiên Tê Va Đa có tên như sau, tương ứng với từng ngày trong tuần:
– Neang Sang (Nữ thần Sang): Đại diện cho ngày Chủ nhật.
– Neang Monorea (Nữ thần Monorea): Đại diện cho ngày Thứ hai.
– Neang Pussa (Nữ thần Pussa): Đại diện cho ngày Thứ ba.
– Neang Kirini (Nữ thần Kirini): Đại diện cho ngày Thứ tư.
– Neang Maha (Nữ thần Maha): Đại diện cho ngày Thứ năm.
– Neang Kiri (Nữ thần Kiri): Đại diện cho ngày Thứ sáu.
– Neang Devi (Nữ thần Devi): Đại diện cho ngày Thứ bảy.
- Nữ thần nào cai quản trần gian năm 2025:
Theo lịch Khmer và truyền thống dự đoán năm mới (Chol Chnam Thmay), mỗi năm được cai quản bởi một nữ thần cụ thể, phụ thuộc vào chu kỳ luân phiên. Năm 2025 là năm Rắn Thần Naga trong lịch Khmer. Dựa trên truyền thống, nữ thần cai quản năm 2025 được xác định là Neang Kirini (Nữ thần Kirini). Nàng được cho là cưỡi một con voi và mang theo cung tên, tượng trưng cho sức mạnh và sự bảo vệ.