CHIẾC GIƯỜNG VẠT CAU

Ngày đăng: 10/02/2025 04:08:34 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Thầy Đinh Thành Thân là em út của NSND Đinh Bằng Phi. Tốt nghiệp ĐHSP TPHCM môn Toán Lý năm 1978 và được phân công về giảng dạy trường PTCS Xuân Hiệp A huyện Trà Ôn . (Thầy đã định cư tại Hoa Kỳ và hiện đang ở TPHCM). Năm 1981 từ cán bộ phụ trách chuyên môn PGD huyện Vũng Liêm tôi xin chuyển về Trà Ôn và được phân công Hiệu trưởng trường PTCS Xuân Hiệp A. Bài viết của thầy Đinh Thành Thân là rất chân thật . Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn (Nguyễn Bá Cang)

CHIẾC GIƯỜNG VẠT CAU

Nhà tập thể của giáo viên trường Xuân Hiệp ở đầu doi Cả Cá, nhìn ra ba mặt sông mát mẻ. Nghe chữ “nhà tập thể” có vẻ to lớn, kỳ thật nó chỉ là một mái lá nhỏ nép mình sát vào dãy hai phòng học xây bằng gạch. Khi tôi đến thì nhà tập thể đã có sẵn hai nữ giáo viên ở đó. Hai cô “xí” phần rộng rãi trong gian nhà, với nào là giường riêng, tủ quần áo, v.v… Riêng tôi thì các cô chỉ vào cái chái nhỏ bề ngang thước rưởi, dài hơn hai thước và cho biết đó là giang sơn của tôi. Không nề hà gì, tôi vui vẻ tự tìm kiếm tre, lá, che tạm cái vách ngăn căn phòng tí hon để cất đồ đạc riêng tư của mình.

Mỗi tối đến, các cô giáo ngủ trong nhà, còn tôi đi qua lớp bên cạnh, leo lên bàn học nằm đánh một giấc ngon lành tới sáng. Được cái là ngày xưa tôi ốm nhom, tướng ngủ tốt, không lăn, không quậy, nên dù mặt bàn nhỏ xíu, tôi vẫn chưa bị chuyện ngủ lăn lọt khỏi bàn bao giờ…

Mấy hôm sau, một lần tôi sang mua đồ ở quán chạp phô cạnh trường, gặp chú thím chủ tiệm vui vẻ, cởi mở, biết tôi là người mới đến nên niềm nở hỏi thăm đủ thứ. Hồi lâu, khi đã cảm thấy đủ mức thân thiện, chú Tư Bốn hạ giọng nói nhỏ:

– Nói điều này không phải, nhưng vì tôi thương thầy nên mới hỏi thăm… Mỗi tối thấy thầy đều qua lớp học ngủ. Vậy chớ khi ngủ, thầy thấy có gì lạ không?

Tôi ngẩn người không hiểu nên hỏi lại:

– Có gì đâu chú Tư? Phòng mát mẻ, con ngủ ngon quá chừng!

Chú Tư liếc nhìn sang thím dò hỏi. Thím Tư tiếp lời:

– Người ta đồn mấy lớp học này có ma. Những năm trước “giải phóng”, mỗi lần có đụng độ đánh nhau, người ta đem xác lính và xác mấy ổng ra để trong các phòng học này, chờ ghe đến chở. Chỗ có hơi hám người chết nhiều không phải là nơi dành cho người yếu bóng vía đâu thầy. Không biết có phải vậy hay không, nhưng có lần có người ghé ngủ ở đây, bị ma nhát. Họ kể rằng, đang ngủ bỗng thấy có một người con gái đến, ngồi nhìn vào mùng của họ rồi quay ra, bước lên cái ngạch chân tường… Thầy thử nghĩ coi, cái ngạch chân tường nhỏ như vậy mà cô gái nọ bước đi nhẹ nhàng, dễ dàng như không.

… Nhìn thấy tôi ngồi thừ ra không nói gì, chú Tư có vẻ thương cảm, nói tiếp:

– Thầy nghe tôi, đem về nải chuối này, tôi cho thầy, thêm ít nén nhang nữa. Tối nay trước khi qua ngủ, thầy lấy chuối rồi thắp nhang cúng, khấn vái người khuất mặt cho họ để yên không quấy phá mình.

Tôi hiểu chú thím là những người chân chất, lương thiện, có lòng thương tôi, muốn giúp đỡ. Nhưng tôi vốn là một con chiên của Chúa (dù đức tin hãy còn non nớt và yếu đuối), hơn nữa đã trải qua những thử thách khá cam go trong cuộc sống khiến tôi không còn nhát sợ ma quỷ như trước kia. Tôi kiếm cách khéo léo cám ơn và thoái thác không nhận sự giúp đỡ của chú thím. Rồi những ngày kế đến, tôi lại tiếp tục qua phòng học ngủ, có khác hơn là nay trong giấc mộng của tôi thường có thêm bóng hình một vài cô thiếu nữ xinh đẹp hiện về…

Tôi có một em học trò nam học lớp 9, tên H. Khi nhận lớp, tôi đã được nghe kể sơ về thành tích của cậu này, suốt thời tiểu học sang phổ thông cơ sở, hầu như lớp nào cậu cũng thương thầy, mến lớp, học “đúp” một, hai năm. Chính vì vậy, tuổi em khá cao. Nhưng tôi đoán rằng đó chỉ là tuổi giấy tờ, nếu tính tuổi thật chắc lớn hơn nhiều, không chừng xuýt xoát với tuổi tôi. Có lần ông hiệu trưởng cười cười, nói đùa cùng tôi “Nếu ông dạy sao cho thằng H. này đậu tốt nghiệp thì phải công nhận là ông giỏi lắm!”. Tuy chỉ là lời nói đùa, nhưng tôi bỗng cảm thấy đó là lời thách thức thật sự và tự thâm tâm mình nhận lãnh trách nhiệm ấy một cách nghiêm túc. Tôi bắt đầu chú ý anh chàng này và cố gắng dạy thật chậm, thật kỹ lưỡng để H. có thể nắm lại được kiến thức đã bị hụt mất từ các năm học trước. Nhiều lần nhìn bộ dáng to lớn, vạm vỡ của H. nhoài người trên cái bàn nhỏ bé, đánh vật với những công thức, phương trình đại số mà tôi cảm thấy vừa thương cảm, vừa bực mình. Tôi ao ước giá như bộ não để suy luận, tính toán của H. cũng to tương xứng với tấm thân kềnh càng của em thì đỡ biết mấy. Anh chàng vào giờ học với tôi tỏ ra rất cần cù siêng năng, chịu khó lắng nghe giảng bài, nhưng rồi sau đó hắn thường là không biết áp dụng được điều học hỏi vào việc giải các bài tập thực hành. Vào những khi đó, gương mặt em lộ vẻ khổ sở, hối lỗi, trông thật tội nghiệp!…

Một buổi, H. vào nhà tập thể xin nước uống. Nhìn quanh quất, hắn hỏi tôi:

– Em không thấy giường thầy ở chỗ nào, vậy tối thầy ngủ ở đâu?

Tôi cười nhẹ, trả lời thành thật:

– Giường thầy là mấy cái bàn học đó em.

H nhăn trán suy nghĩ một chút rồi trả lời rất nhanh:

– Em làm cho thầy một cái giường nghen!

Tôi bối rối, Không cần đâu. Tốn kém lắm. Như lâu nay vậy được rồi.

H thích chí cười: – Tốn gì thầy? Em có dư cái vạt(*) cau, em cho thầy. Nằm vạt cau mát lắm thầy ơi! Mấy cái chân giường thì đóng bằng cây tạp có sẵn kìa. Để tối mai thứ bảy, mấy cô nghỉ phép về thăm gia đình, em đến đóng giường, không làm rộn phá thời gian nghỉ ngơi của mấy cô.

Đúng như lời hứa, chiều hôm sau, khi trời vừa bắt đầu nhá nhem tối, tiếng khua nước sột soạt mé bờ sông vang lên báo hiệu xuồng của H. ghé vào. Sau khi cột dây xuồng cẩn thận, em nhấc bổng cái vạt một cách nhẹ nhàng vào nhà tôi. Đó là một cái vạt giường được ghép lại bằng các thanh gỗ cau, mà theo em là đã được ngâm dưới ao nước cả tháng nên không sợ bị mọt ăn. Dụng cụ lao động của em đơn giản chỉ gồm cây búa bén, vừa dùng để chặt, vừa dùng để đóng đinh, và một cây xà beng! Tôi còn đang thắc mắc không biết em sẽ kiếm đâu ra cây, ván và đinh để đóng, thì em chỉ thản nhiên đi lục lạo trong đống gỗ phế thải của trường. Em thoăn thoắt nạy ra từng cây đinh cong queo, gõ lại cho thẳng rồi đóng vào những khúc so đũa hoặc cọc bàn hư gãy để làm chân giường. Trong khi đó, tôi chỉ biết lóng cóng bưng đèn dầu soi cho em và làm vai trò của anh thợ vịn. Vừa làm, H. vừa cắt nghĩa:

– Chân giường này em đóng thẳng vào nền đất sét, như vậy nó chắc như cái cột nhà. Chỉ có điều là không di chuyển được giường đi đâu hết…

… Để giường không bị lún vì sức nặng, phải đóng mấy thanh ngang chặn lại nè thầy!

Tôi nhìn H., rồi nhìn lại tôi. Bỗng dưng, tôi thấy thật rõ hình ảnh tôi, không còn là một thầy giáo giỏi giang thường ngày, mà chỉ là cậu học trò vụng về, kém cỏi bên cạnh ông thầy tận tụy, là em, đang hết lòng chỉ bảo.

Sau hơn một tiếng đồng hồ làm việc thủ công như vậy, H. đã đóng xong bộ chân giường chắc chắn. Gác lên tấm vạt, em dặn dò “Coi vậy chớ nó cứng cáp lắm thầy, hai ba người leo lên không hề gì”. Thò tay nhận lấy chiếc khăn tôi đưa để lau thân mình ướt đẫm mồ hôi, em mỉm cười hiền hòa đáp lại lời cảm ơn của tôi chỉ bằng câu nói đơn giản: “Không có gì, thầy với em mà….”.

Đêm hôm đó, sau một thời gian dài ngủ vạ vật đủ nơi chốn, tôi lại được đàng hoàng ngủ trên “một-chiếc-giường”! Nằm lọt thỏm trong chái buồng nhỏ hẹp, cái giường vạt cau thô sơ nhưng quý giá vô cùng – vì nó được đan ghép bằng muôn vàn mảnh chân tình của người học trò dành cho thầy mình – đã mau chóng đưa tôi vào giấc ngủ bình yên. Trong mơ, tôi lại thấy nụ cười thật hiền trên khuôn mặt lấm tấm những giọt mồ hôi của em …

… Cuối năm học, lớp 9 thi tốt nghiệp Phổ thông cơ sở. Cả 25 em của lớp tôi đều đậu. Niềm vui tỏa đi khắp trường. Thầy hiệu trưởng đến ôm choàng tôi chúc mừng, vì ông cho rằng tôi dạy môn thi chính nên có công trạng nhiều. Riêng tôi thì vô cùng sung sướng! H. đậu tốt nghiệp! Điều không khả thi trước kia nay đã thành sự thật. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường. Và quan trọng hơn nữa là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của chính lương tâm mình…

* *

*

Vài năm sau, tôi chuyển công tác về trường Thị trấn huyện Trà Ôn. Bẵng đi một thời gian, một bữa tôi đi dạo chợ bỗng tình cờ gặp lại dáng dấp quen thuộc. Không ngờ lại là H. Gặp tôi, H rất vui. Em cúi thấp đầu chào tôi rồi nắm lấy tay tôi lắc mạnh. Trong khi đó, tôi há hốc mồm ngạc nhiên. Không gặp độ năm, sáu năm thôi mà H. thay đổi quá nhiều. Trông hắn già hẳn đi, có lẽ vì hàm răng trước bị rụng chỉ còn loe ngoe hai ba cái. H. nhìn sang đứa nhỏ đang nắm chặt tay mình, nói: “Thầy, con em nè thầy!” và tiếp “Con chào ông thầy đi con”. Tôi bấy giờ mới xoay qua để ý đến thằng nhỏ đi cùng H. Khuôn mặt cháu thật kháu khỉnh, dễ thương và có vẻ lanh lợi. Thằng bé khoanh tay cúi đầu nói ngọng nghịu theo lời cha “Con chào ông thầy”. Tôi cúi xuống ôm, nựng cậu bé và khen thật lòng rằng “Thằng này có cái mũi và cặp mắt giống hệt em nè H.”. Ngước đầu nhìn lên, tôi thấy em cười, một nụ cười rạng rỡ. Đúng là em giờ có nét già dặn, phong trần hơn xưa, nhưng trong đôi mắt của em, tôi thấy rõ niềm tự tin, nghị lực của một người đàn ông là trụ cột của gia đình…. Qua câu chuyện trao đổi giữa thầy trò chúng tôi, tôi biết rằng, H. đã bỏ học sau kỳ thi tốt nghiệp ấy và chẳng bao lâu sau thì cưới vợ. Vợ chồng em sống bằng nghề nông, như bao thế hệ trước của gia đình. Cuộc sống khá đủ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày, và em cảm thấy mãn nguyện. Thêm dăm ba câu thăm hỏi, em xin phép chào tạm biệt tôi để đi về cho kịp con nước.

Nhìn thằng bé con bước lon ton cạnh cha nó, lòng tôi cảm thấy lâng lâng một niềm vui. “H. ơi! Em đã từ bỏ con đường học vấn một thời em từng gắn bó, để rẽ sang con đường khác và đi đến hết cuộc đời. Con đường hiện tại có thể không có vinh quang, không sang giàu, nhưng chắc chắn nó sẽ dẫn em đến bình yên và hạnh phúc, bởi vì em có những người yêu thương đồng hành với em. Chúc em và vợ con em luôn mạnh khỏe, mọi sự may mắn, H. nhé!” …Đinh Thành Thân (tháng 10/2015). Nguồn fb Nguyễn bá Cang

Ghi chú (*) Vạt: một số người viết là “vạc”

(Ảnh minh họa: nguồn internet)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác