TRÒ CHUYỆN VỚI THIÊN THẦN Hay LIÊN TIỂU LUẬN VỀ VẤN NẠN TOÀN CẦU
Triết gia Hy Lạp Platon đã nói: “Thước đo của một con người là xem cách anh ta làm gì với quyền lực”. Thế nhưng, có rất nhiều người có quyền, vì lòng tham và ích kỷ cá nhân nên đã hủy hoại nhân cách và đất nước của họ (TCVTT/ Trương Văn Dân)
Trò Chuyện Với Thiên Thần – Những Tai Họa Thế Giới & Giấc mơ Việt Nam là tiểu thuyết không sai, một liên tiểu luận chẳng sao, về vấn đề chung của đất nước và nhân loại trên hành tinh, hay cuộc trò chuyện với mầm sống tinh anh – Thiên thần. Tất cả đều có thể là dụng ý của nhà văn Trương Văn Dân.
Theo lời tâm sự, bộc bạch của tác giả: “…Đó là quyển sách có những câu chuyện liên quan đến đời sống chúng ta, đến thân phận người dù nam hay nữ trong cuộc sống hằng ngày” (TVD)
Triết gia Hy Lạp Platon đã nói: “Thước đo của một con người là xem cách anh ta làm gì với quyền lực”. Thế nhưng, có rất nhiều người có quyền, vì lòng tham và ích kỷ cá nhân nên đã hủy hoại nhân cách và đất nước của họ
Đối với nhà văn, ông không mưu cầu gì hơn là con được sinh ra và lớn lên, lành mạnh trong yêu thương của mẹ cha và không chịu bất cứ một áp lực nào của người lớn – Bậc mẹ cha. Đây là một thông điệp gửi gắm các bậc phụ huynh, đừng bắt trẻ con, phải gánh trên đôi vai non nớt, hồn nhiên trách nhiệm mà “người lớn” chưa làm được, đỗ dồn áp lực hết sức phi lý của ước mơ họ chưa làm được, nhất là hiện tượng của người Việt đương thời. Ông viết: “Ba chỉ mong mỏi là một đứa bé lành mạnh, có thời gian theo tính cách của mình. Hồn nhiên, vô tư không mang trên vai quá nhiều bổn phận và trách nhiệm. Mọi sự phong danh hiệu từ nỗi khát khao ích kỷ của người lớn, một cách ép trẻ phải chứng minh điều họ không làm được, để vác cái hư danh mở mày, mở mặt” (Trang 39)
Đọc xuyên suốt tác phẩm ta sẽ thấy nỗi thao thức dài những vấn nạn không chỉ có quốc gia nào, mà toàn bộ hành tinh này.
Người ta nhân danh vì sự nghiệp toàn cầu hóa, đem lại lợi ích cho toàn tinh cầu này. Điều ấy có chắc chắn không? Các định chế của các nước lớn đem lại quyền lợi hợp lý hơn, công bình hơn cho loài người? Tác giả không tin điều ấy, ngay cả người viết bài này cũng không thể.
Tác giả trò chuyện với Thiên Thần nhỏ sắp chào đời nhiều vấn đề nan giải, tôi tin các bạn khi đọc xong quyển sách này sẽ còn tiếng thở dài, không thể có công bằng cho những thân phận nghèo khó và cơ cực, thậm chí đem lại nhiều hệ lụy, mặc dù công nghệ và kỹ thuật càng ngày càng văn minh đến mức chóng mặt, người ta có thể chuyện trò với người khác cách nhau nửa tinh cầu, hình ảnh rõ ràng, lời nói hầu như trọn vẹn. Về y khoa ư? Các nhà khoa học nỗ lực nghiên cứu vượt bậc trong mổ tim, nối các cơ, thay gan, ghép thận… để đem lại hy vọng sự sống cho mỗi bệnh nhân chẳng may bị những bệnh này. Còn những nhà nghiên cứu vũ khí chiến tranh thì sao? Họ nghiên cứu càng ngày càng tinh vi hơn, vũ khí hạt nhân có thể sát hại hàng loạt con người cùng một lúc, bom khoan tìm mục đích đã lập trình sẵn mục tiêu trong đầu đạn, máy bay không người lái lập tình bằng máy tính…
Thế nhưng, chính những điều này đã làm nhức nhối thêm sự tàn độc, phi nhân của những người lòng lang dạ thú chỉ vì lợi lạc về tiền bạc có thể giết sinh linh để lấy nội tạng bán với giá ngất ngưỡng cho người giàu, xã hội Trung Quốc đã xảy ra hàng ngày nhan nhản đó sao. Ai là người tiếp tay? Và sự tham lam quyền lực vô độ của các ông lớn xâm lược các nước yếu hơn chỉ vì chứng tỏ quyền lực mình để làm khổ đau cho hàng vạn, hàng triệu con người đang bình yên trong cuộc sống thường ngày, phá tan hoang nhiều kiến trúc đã tồn tại hàng mấy trăm năm!
Nhà khoa học trong phòng thí nghiêm nghiên cứu để đem đến cho nhân loại tiến bộ hơn, nhưng bên ngoài xã hội càng ngày càng tham lam, so sánh nhau bằng vật chất: Tiền, xe, nhà, đất và địa vị, quyền lực, mấu chốt này đã làm xã hội băng hoại ngày càng trở nên trầm trọng về đạo đức, luân lý làm người không phải Việt Nam, mà hầu như toàn nhân loại bởi thực dụng vật chất.
Ông viết: “Thế giới hiện nay đang đánh mất nấc thang xã hội, không nhiều người còn lý tưởng, không mấy người còn niềm tin, không còn sự vĩ đại để tin theo, xung quanh người ta chỉ theo đuổi ước mơ: Kiếm tiền” (Trang 100). Có bao giờ như thế này chăng? Có phải sự thực dụng đang giết chết niềm tin toàn tinh cầu này?
Ngày trước giềng mối căn cơ của con người là đạo lý, nghĩa tình – Con người là trung tâm của mọi vấn đề, vật chất chỉ là thứ yếu, nhà cửa cần phải có để tránh mưa nắng, giông bão, căn bản là giáo dục đạo đức, trách nhiệm và danh dự cá nhân được đề cao: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, triết gia… Có thể đời sống đạm bạc nhưng được sự nễ trọng của toàn cộng đồng, xã hội, người ta lấy đó làm gương, mẫu mực cho con cháu, dòng tộc để cố gắng học hành mai sau được như thế, còn bây giớ ư? Nhà, xe, địa vị & quyền lực đã chiếm hữu sự so sánh tệ hại của con người thực dụng vật chất. Thật là bỉ ổi cho cái đương đại này.
“Trong bối cảnh toàn cầu mới những cách thức ràng buộc có thể biến dạng đi đôi chút, nhưng sức mạnh của nó và mạng lưới còn tinh vi và khó thoát hơn, được kiểm soát từng giờ qua mạng internet.
Nhưng dù thế nào luôn có những thế lực đối kháng giữa cái thiện và cái ác” (Trang 148)
Tất nhiên, trong dòng chảy đời sống nhân loại cái thiện, cái ác vĩnh viễn tồn tại, nhưng loài người nói chung và tác giả cũng như những nhà văn, nhà thơ, người làm nghệ thuật nói riêng… bao giờ cũng hy vọng, hạt thiện lành càng ngày càng nhiều người gieo rắc tưới tẫm hơn, cho thế giới càng ngày đẹp hơn lên, nhưng biết đến bao giờ tinh cầu mới được hưởng sự an bình đó. Nhà văn viết tiếp: “Tuy vậy, ba vẫn luôn hy vọng con là mẫu đàn ông mà ba mơ ước: “Nhân hậu với người yếu đuối, dữ dội với kẻ hống hách, rộng rãi với người thương yêu, với kẻ ác. Kẻ thù của chúng ta là kẻ hành xử phi nhân và chà đạp lên lương tri con người” (Trang 148)
Trò chuyện với Thiên thần là cuộc chuyện trò với quá nhiều đề tài – Tôi gọi là 75 tiểu luận của nhà văn Trương văn Dân, mỗi tiểu luận nếu đọc thận trọng, ta thấy rất độc lập, thú vị vô cùng. Những lập luận của người cha (tác giả) mạch lạc, trong dòng ý thức của một nhà văn có trách nhiệm với quê hương, đất nước rộng thêm ra là cả nhân loại trên tinh cầu này, bên cạnh đó có nhiều thông tin rất bổ ích chứng tò nhà văn Trương Văn Dân tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, trí tuệ cho tác phẩm này.
Nhiều người đã giới thiệu tác phẩm này, mỗi người có cái nhìn với góc nhìn của mình, chẳng ai giống ai. Với riêng tôi, đây là quyển sách anh dày công tập trung đưa ra nhiều dữ liệu để chúng ta – những người đọc nghiền ngẫm, với lượng kiến thức nhiều lĩnh vực trong xã hội loài người.
Niềm tin & tôn giáo là đề tài nói không cùng, còn nhiều tranh luận, nhưng trong chừng mực trang sách anh nêu ra rất thú vị, ai đọc chắc cũng dừng lại suy tư:
“Không phải ngẫu nhiên mà các nhà văn, nhà thơ lớn, trong lịch sử nhân loại đều có niềm tin tôn giáo sâu sắc: nhà thơ Virgilio (70a. C-19a.C), nhà văn William Shakespear (1564 – 1616), Hermann Hesse (1877-1962)…
Niềm tin không phải là mê tín, là yếu đuối. Khoa học và tôn giáo không hề mâu thuẫn mà bổ túc cho nhau để con người sống có lý trí hơn, nhân ái hơn thôi”.
Và rồi anh dẫn chứng câu chuyện giữa Louis Pasteur và cậu nhỏ háu đá trên chuyến xe lửa đi cùng, thật dí dõm. Thường, bọn nhỏ chưa hiểu niềm tin tôn giáo, bởi các em mới tập tểnh bước vào đời, chưa hiểu nổi lý vô thường, các em tự tin chính mình nhưng võ đoán về niềm tin.
Riêng mục 75, trang 350 áp chót. Đây là lời tâm tình và cả sự thao thức cho Tổ quôc và dân tộc mến yêu, tôi đọc rất kỹ và hiểu rằng Giấc mơ Việt nam – yêu nước phải như thế. Hãy nhìn nhận một thực thể dù biết khó nhọc & đau thương, nhưng bao giớ cũng không bi quan, suy nghĩ lạc quan và tích cực để cài thiện. Anh viết: “Ba luôn hy vọng và nhìn vào tương lai một cách lạc quan, nghĩ nước ta vẫn có dư điều kiện để nắm giữ vai trò cường quốc nếu chấp nhận cải cách. Xây dựng được nền giáo dục nhân bản, khai phóng và tự do. Xem con người là cứu cánh chứ không phải phương tiện”. Tôi đồng tình và ủng hộ tư tưởng anh. Nhà văn nhà thơ nào yêu nước cũng chỉ nêu ra chừng ấy vấn đề, những người có trách nhiệm với tổ quốc và dân tộc hãy xem trọng vấn đề nầy mới thực sự xứng đáng. Nếu mải mê chạy theo hư danh và lòng tham – Vốn dĩ nó vô cùng không thể đo đếm – Thì chẳng bao giờ được thần dân trọng vọng.
Cuối cùng: Thư gửi từ đám mây
Anh đã hóa thân tâm hồn Thiên Thần chuyện trò cùng mẹ, cùng nhân gian của hành tinh trong thời kỳ các quốc gia phụ thuộc vào nhau nhất với lời thì thầm của nhà văn trong cách diễn đạt rất tinh tế, “đến cái chết cũng chưa hết bất công”.
Chỉ là Trò Chuyện Với Thiên Thần, sao nhiều vấn đề quá để thôi thúc người đọc cảm thấy từng mục, từng chương, từ hiện tượng đến bản chất anh đều nêu ra với lượng thông tin khá nhiều, kiến thức ngồn ngộn trong kiến giải chừng mực của nhà văn Trương Văn Dân nào: Đạo đức, luận lý, tâm lý và cả tâm linh – Thần học từ hầu hết các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, chính trị, khoa học và xã hội học…
Thay lời kết, tôi đồng ý trích lại câu của nhà phê bình Trần Hoài Anh: “Trong Trò Chuyện với Thiên Thần giàu tính triết luận, tính luận đề gắn với những vấn đề mang tính thời sự sâu sắc, tiếp cận hiện thực đời sống con người nhiều điểm nhìn phong phú như triết học, khoa học, nhân học, văn học, xã hội học, sinh thái học… phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa”.
Một tác phẩm văn hay rất đáng đọc.
Phạm Ngọc Dũ
Chủ biên Diễn đàn văn học nghệ thuật Sông Quê
Sài Gòn, cuối năm 2024