SÁCH MỚI RA TRƯỚC TẾT CỦA TÔI
Đeo đuổi mãi cũng xong! Giáp Tết Ất Tỵ năm nay, tôi kịp ra cuốn “Có một thời ở Chợ Lớn” này, một dự án (làm song song những cuốn khác) từ năm 2017 đến giờ mới hoàn thành. Lâu nhất trong các cuốn đã viết!
Chợ Lớn luôn là một khu vực đô thị hấp dẫn với tôi, vừa gần gũi vừa xa lạ. Đến khi lớn lên, đi làm và đi chơi trong Chợ Lớn, mới bắt đầu quan sát khu vực đô thị sinh động và lý thú này. Ở đó, cách trang trí quán xá luôn nhiều màu sắc hơn, khác với phía Quận 1, Quận 3 hay Phú Nhuận… Các bảng hiệu vừa có chữ Việt vừa có chữ Hoa. Đường sá không quá đông, người đi bộ trên đường không quá tấp nập như phía Sài Gòn. Đi bộ vòng quanh các đường Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo… cứ một khoảng đường là có một hội quán, miếu đền hiện ra. Một số con đường vẫn còn cây cao bóng cả. Quán ăn đông đúc và nhiều âm thanh, nhiều bàn ăn đi cả gia đình với nhau, có người già lụm cụm và em bé trên ghế nhỏ. Nhiều lần, tôi dự tiệc cưới ở nhà hàng lớn Đồng Khánh hay Arc en Ciel, ăn cơm Hồi ở quán cơm sát đền thờ Hồi giáo trên đường Nguyễn Trãi, uống cà phê trong chợ Thiếc, tán gẫu với anh bạn người Tiều tại tiệm trà của anh trên đường Hồng Bàng, đến thăm nhà võ sư kiêm thầy thuốc trật đả họ Lưu, lang thang trong hẻm Tô Châu trên đường Trần Hưng Đạo B hay đến phỏng vấn cô vận động viên bóng bàn nổi tiếng họ Nhan vừa ngắm cái quạt giấy thật lớn gắn trang trí trên tường… Chỉ để biết thêm phần nào về khu vực này.
Tuy nhiên, Chợ Lớn là một phần quan trọng của thành phố quê hương tôi. Đó là nơi ba tôi từng vào lấy hàng về bán những năm 1960, 1970; nơi má tôi những năm 1950 vào làm việc cho người thân sống gần chợ Xã Tây, cũng là nơi xuất phát những món heo quay, vịt quay, phá lấu vịt lạp thơm ngon. Đó cũng là nơi in nhiều cuốn sách tiếng Việt bán trong các nhà sách phía Sài Gòn – Gia Định, nơi sản xuất những món đồ nhựa, bình thủy, rượu Ngũ Gia Bì, thuốc Bắc, trà Tàu mà gia đình tôi và hàng xóm vẫn dùng… Cho dù chúng ta cảm thấy còn xa lạ, Chợ Lớn vẫn quá gần về khoảng cách địa lý và càng gần hơn khi nhìn quanh những vật dụng trong nhà. Nó cung cấp những hàng hóa giá rẻ, không quá tốt nhưng xài được, hay cung cấp trứng vịt lộn, trứng vịt muối, củ cải muối… cho những bữa ăn của người Việt. Hơn trăm năm qua, người gốc Hoa ở đây sống chan hòa với người Việt, làm dâu rể với người Việt. Họ là con, cháu của những người Hoa di cư sang Đề Ngạn qua nhiều đợt, khi mới chập chững là được đưa đến chùa Bà Thiên Hậu, Miếu Nhị Phủ để làm lễ cúng, thích dạo chơi bến Bình Đông và mua phong bao lì xì hay tranh trang trí trên đường Khổng Tử. Đa số là dân cần lao. Cố quốc quá xa xôi mơ hồ trong truyện kể từ ông nội hay cha của họ… trong khi rạch Ruột Ngựa, kinh Tàu Hũ, chợ Bình Tây và muôn vàn địa chỉ khác quanh nhà lại quen thuộc gần gũi, gắn bó cả đời.
Những điều đó khiến tôi mong có thể viết về đời sống và con người ở vùng đô thị này – ít nhất là trong hơn nửa thế kỷ qua – nơi hội tụ sinh sống của nhiều người Việt, người Hoa, người Chăm… Khu vực có nền ẩm thực truyền thống đa dạng, độc đáo giữ được những bí quyết mà tại nguyên quán chưa chắc còn lưu giữ. Những hội quán, đền miếu là những di sản tuyệt đẹp và vô cùng giá trị, vẫn giữ lại được một số ngôi nhà, dãy phố kiểu Pháp – Hoa rất đẹp xây từ đầu thế kỷ 20 (đẹp hơn nhiều dãy phố khu Chinatown ở Singapore đang được nâng niu bảo tồn).
Dù không dễ dàng như khi viết về Sài Gòn hay Gia Định, nhưng dù sao, cuốn sách cũng đã hoàn thành. Nó chất chứa kỷ niệm của các thế hệ người ngụ cư, khi còn mang miếng vải địu con chạy sang đất Việt, mang theo cái gối Lỗ Ban bằng gỗ để thể đưa trở về cố hương trong giấc ngủ… Những tâm tình đời thường gần gũi, đủ nhận ra người Á Đông vốn dĩ có nhiều điểm tương đồng về tình gia đình, về quê xứ con người, về tình hẻm nghĩa xóm. Còn có vài bài viết về những nhân vật nổi danh một thời ở Chợ Lớn. Họ từng đóng góp nhiều cho cộng đồng qua nhiều năm, dạy học ở trường Cao Đẳng ở Sài Gòn, dịch sách tiếng Việt sang Hoa ngữ. Họ còn là những họa sĩ, nghệ nhân, đầu bếp, võ sư… tiếp nối họa phái thủy mặc Đông phương, chăm chút từng món ăn cổ truyền, duy trì phát triển võ thuật và nghệ thuật múa lân sư rồng, chưng cộ… biểu diễn khắp thành phố và đại diện Việt Nam đi thi ở nước ngoài. Tất cả qua thời gian đi vào đời sống Việt một cách tự nhiên, làm phong phú cuộc sống vốn đa dạng trên đất Sài Gòn – Gia Định này.**
Cuốn “có một thời ở Chợ Lớn” có hai phiên bản, bìa mềm và bìa cứng với tranh bìa khác nhau, do anh tôi, họa sĩ Phạm Công Tâm thực hiện.
Xin cám ơn công ty sách Phương Nam đã tiếp tục đồng hành với tôi, tạo điều kiện cho tôi tiếp tục kể chuyện về thành phố này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PHẠM CÔNG LUẬN