BỬU LIÊN HOA TỊNH XỨ

Ngày đăng: 20/12/2024 11:02:21 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Trên quốc lộ 57, gần cầu Đập Rạch Ông Chói, thuộc xã Bình Hoà Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, có một ngôi chùa mới, kiến trúc đẹp lạ nằm trong một khuôn viên rộng, u nhã nhưng không một bóng người.

Chùa không có bảng tên và cổng chánh khóa kín. Bên góc phải của cổng có tảng đá chạm nổi dòng chữ: Bửu Liên Hoa Tịnh Xứ. Cửa cổng nhỏ khép nhưng không khóa, ham muốn tìm hiểu, tôi mở cửa bước vào bên trong.

Sân chùa rộng. Các tiểu cảnh được bố trí hài hòa, không dày đặc nên có được một khoảng trời thoáng đãng. Dưới góc một cây bồ đề lớn mới trồng, là một tượng Thích Ca nhỏ ngồi trên nền cao. Giữa sân là một đài sen, hẳn là nơi để dựng tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, vì chạy chung quanh hàng chữ thần chú Om Mani Padme Hum.

Chánh điện cao rộng. Nền bát giác, giống như chánh điện của đạo Khất Sĩ. Trung tâm chánh điện tôn trí tượng Thích Ca kiết già phu tọa trên đài sen, dưới đài sen là một khối lăng trụ lục giác, ba tầng. Trên sáu mặt của khối lăng trụ đắp nổi các câu thần chú và các họa tiết.

Sau lưng tượng Thích Ca là tượng nhỏ Bồ Tát Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn.

Tất cả các vật liệu kiến trúc đều ở mức cao cấp. Đường nét, chi tiết cực kỳ mỹ lệ nhưng không rườm rà. Tôi không xác định được ngôi chùa này thuộc hệ phái nào của Phật Giáo. Không thấy một ai để thưa hỏi, tôi đành phải tự hỏi mà không có câu trả lời.

Khất Sĩ, chắc chắn không phải vì mấy lẽ: 1, Khất Sĩ gọi chùa của mình là Tịnh xá không phải Tịnh xứ. 2, tuy chánh điện cũng hình bát giác tượng trưng cho Bát Chánh Đạo, nhưng ở đạo Khất Sĩ, tượng Thích Ca trung tâm ngồi trên khối lăng trụ bốn mặt thể hiện Tứ Diệu Đế, còn ở đây, khối chân tượng sáu mặt. Không biết hàm ý gì? Sáu Ba La Mật chăng?

Mật tông cũng không phải vì không Tantra và Mạn đà la. Màu sắc không rực rỡ mà đạm nhã như Thiền tông.

Tôi nghiêng về khả năng Tịnh xứ này căn bản là Mật tông đã có cải biến nhiều, dựa vào các câu thần chú tạc ở chân tượng Thích Ca đã được la tinh hóa.

Câu thần chú thứ nhứt nằm ngay mặt trước tượng là:

  1. Om Mu Ni Mu Ni Ma Ha Mu Ni Ye Soa Ha: đây là thần chú của Thích Ca Mâu Ni, đã cải biên vì thường được viết là Om Muni Muni Maha Muniye Soha,
  2. Theo chiều quay kim đồng hồ, mặt kế là câu: Om Ta Re Tu Ta Re Tu Ye Soa Ha. Chắc là Om Tare Tuttare Ture Soha. Còn được gọi là thần chú Tara xanh Lục độ Phật mẫu do Kim Cang Đa La Bồ Tát, một hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát tuyên đọc.
  3. Om Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra Soa Ha, thần chú Lăng Nghiêm, Surangama, Bạch Tản Cái Đà La Ni, là một thần chú dài 554 câu, chia ra làm 5 hội. Gom lại một câu tinh túy là: “Phật đảnh quang minh ma ha tát đát đa bát đát ra Vô thượng Thần chú”.
  4. Om Ma Ni Padme Hum, là một thần chú ai cũng biết, thường được gọi là Lục Tự Đại Minh.
  5. Om Át Vị Ra Hùm Khư Tả Lạc, là Văn Thù Bát Tự Chân Ngôn (Án a vĩ la hồng khư tả lạc) là thần chú tăng đại cát giúp giải trừ tất cả tai hại và cái ác, được ghi chép trong Đại Phương Quảng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Căn Bổn Nghi Quỹ Kinh quyển thứ tư.
  6. Om A Ah Sa Sa Ma Ha Om A Hum, không hiểu.…

Phía sau chánh điện là một ngôi nhà tạm. Cửa mở nhưng không có ai. Còn rất nhiều câu muốn hỏi nhưng đành chịu. Tự an ủi mình vô duyên.

Hôm nay 17 tháng 11 âl, ngày vía Đức Phật A Di Đà, từ giã tòng lâm thanh tịnh tôi về giỗ Ba tôi thôi.

Vĩnh Bình, tháng 12/2024

Đào Dũng Tiến

H4

h5

h6

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác