GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN SÂM MIỆT MÀI VỚI VĂN HỌC NÔM NAM BỘ
Vào ngày 21/11/2024, Thư viện Huệ Quang nhận được sách do Giáo sư (GS) Nguyễn Văn Sâm gửi tặng, với nhan đề Gia tài văn hóa Việt Nam – Tuồng hát bội Kim Long Xích Phượng toàn tập金龍赤鳳全集 do chính GS phiên âm và sơ chú, Nguyễn Hiền Tâm hiệu đính và Nguyễn Anh Tú biên tập.
Đây là một tuồng hát bội được viết bằng chữ Nôm với dung lượng 14 trang đôi, không rõ tác giả và niên đại, được khắc in ở Phật Sơn 佛山 (Quảng Đông), Bảo Hoa Các tàng bản 寶華閣藏板. Sách dày 229 trang, có in kèm phần nguyên tác chữ Nôm ở phía sau. Theo GS. Nguyễn Văn Sâm tuồng hát bội này là: “Như kiểu tuồng San Hậu, nghĩa là không dựa trên truyện Tàu mà do người đặt tuồng mô phỏng chỗ này một chút, chỗ kia một chút để viết nên”. Tuồng được GS chia làm ba hồi gồm: Hồi 1: Thâm cung bí sử; Hồi 2: Long Phụng thành nhơn; Hồi 3: Chánh biến và binh biến.
Nội dung tuồng hát bội kể về việc vua Tống Minh Quân 宋明君 vào lúc đất nước thanh bình đi du ngoạn núi sông, đến vùng Bạch Lãnh Sơn 白領山 gặp nàng Minh Châu 明珠 con gái của Thọ Lão 壽老 bèn rước nàng vào cung và phong ngôi Thứ Hậu, thời gian trôi qua một hôm nàng mơ thấy có rồng phượng bay lượn rồi nhập vào thân mình bèn tâu lên vua, vua vời quan Binh Bộ Thị lang vào chầu để đoán mộng, quan Thị lang đoán rằng Thứ Hậu sẽ trổ sanh một trai một gái. Chánh Cung là Trịnh Xuân Nương 鄭春娘 hay tin ôm lòng ghen ghét, nhân lúc Minh Châu sanh nở mê mang liền lấy con sói đen và thỏ trắng đem tráo hai con của Thứ Hậu rồi tâu vua cho rằng nàng Minh Châu sinh ra quái thai. Vua tức giận truyền gia hình nàng Minh Châu và quan Thị lang, nhờ có Ngự Đệ 御弟 xin dùm nên vua tha tội quan Thị lang, phế Thứ Hậu xuống làm cung nữ lo việc quét dọn vườn hoa và dìm chết quái thai. Chánh Cung sai cung nữ đem hai đứa bé bỏ vào hòm quăng xuống sông, hòm trôi đến vùng Bạch Lãnh Sơn may nhờ Thọ Lão vớt được và ra công nuôi dưỡng, đặt tên trai là Kim Long 金龍gái là Xích Phượng赤鳳. Sau này Tiên nhơn 仙人 hạ phàm biến hóa làm sư phụ truyền dạy văn võ cho Kim Long, thành tài chàng quay về quê truyền lại cho em mình là Xích Phượng. Sau đó Thọ Lão đem di vật ngày xưa ra giao cho Long Phượng, hai anh em từ tạ lên đường tìm thân thế mình. Đến Kinh đô hai người gặp được Ngự Đệ trao cho xem di vật, Ngự Đệ đem Long Phượng vào cung tâu vua, vua truyền tất cả mọi người ra đối chất rồi nhận lại con khôi phục ngôi Thứ Hậu cho Minh Châu, ra lệnh báo tin vui cho Thọ Lão. Lúc này anh trai của Chánh Cung là Trịnh Lân Hầu 鄭璘侯 giữ chức Thái Sư mang lòng phản nghịch cấu kết quân nước Phiên quyết tâm soán đế đoạt ngôi. Tống Minh Quân thọ bệnh thăng hà, Hoàng tử Kim Long, Công chúa Xích Phượng cùng mẹ mình dưới sự bảo vệ của các quan trung thần và nghĩa sĩ vượt qua gian khổ đoàn kết chống lại phản tặc. Kết quả quân của Hoàng tử đại thắng, tru di toàn gia Trịnh tộc ban thưởng cho các công thần, Hoàng tử tức vị đăng quang lấy hiệu là Tống Anh Quân 宋英君.
Tuồng hát bội đã đề cao cái thiện, nêu rõ triết lý nhân quả tuần hoàn, người hiền có lúc bị nạn nhưng rồi sẽ vượt qua gian khổ và nhận được kết quả tốt đẹp, kẻ ác có những lúc thắng thế nhưng không tồn tại được lâu dài rồi sẽ bị trừng phạt thích đáng. Trong bổn tuồng sử dụng rất nhiều phương ngữ Nam Bộ, có những từ cổ đã ít sử dụng và có cả những câu nói toàn bằng Hán Việt đã được chú thích để giúp người đọc dễ dàng tiếp cận hơn với nội dung.
Vô cùng trân quý tấm lòng của GS. Nguyễn Văn Sâm đối với nền văn học cổ của nước nhà, mặc dầu tuổi đã cao đáng ra phải được thư thả nghỉ ngơi nhưng GS vẫn miệt mài sưu tầm, phiên âm, hiệu đính những tác phẩm văn học chữ Nôm đủ mọi thể loại, đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa góp phần làm phong phú cho kho tàng văn học chữ Nôm, vừa gìn giữ những phương ngữ mang đậm màu sắc của vùng đất Nam Bộ. Quyển sách này là một trong những minh chứng cho việc mà GS đã và vẫn đang thực hiện. Xin bày tỏ lòng cảm phục sâu sắc đối với GS. Nguyễn Văn Sâm và xin được giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm này.
Thiện Nghĩa
——
Sách lưu phục vụ độc giả tại Phòng đọc Thư viện Huệ Quang