PHẠM CÔNG THIỆN, TRIẾT HOC VÀ THƠ
Phạm Công Thiện (1941-2011) sinh ngày 1 tháng 6 năm 1941 tại Mỹ Tho, tỉnh Định Tường, trong một gia đình có 9 anh chị em (6 trai và 3 gái). Gia đình ông sùng mộ Thiên Chúa giáo, nhưng sau khi theo đạo Phật, ông đã cảm hóa song thân và anh chị em trong gia đình theo đạo Phật. Ông là một thiên tài về ngôn ngữ học, thông thạo nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Phạn, La tinh, Tây Tạng… Năm 16 tuổi, ông đã xuất bản cuốn “Tự điển Anh ngữ Tinh âm” và dạy tiếng Anh tại nhiều trường trung học ở Đà Lạt và Sàigòn.
Năm 1963, ông đã ra Phật học viện Hải Đức tại Nha Trang, xin quy y với Hòa thượng Thích Trí Thủ, Giám viện Hải Đức lúc bấy giờ. Ông được Hòa thượng Thích Trí Thủ ban cho pháp danh Nguyên Tánh và trong thời gian này, ông chuyên tâm nghiên cứu Phật học và viết cuốn sách đầu tiên về Phật giáo có nhan đề “Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma” khi mới 22 tuổi. Năm 1966, Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh tại Sàigòn, mời ông về dạy và giúp phát triển hệ thống giáo dục đại học đầu tiên của Phật giáo Việt Nam là Viện Đại học Vạn Hạnh. Về Viện Đại học Vạn Hạnh, ông đảm nhiệm chức vụ Giám đốc soạn thảo chương trình giảng dạy cho tất cả các phân khoa từ năm 1966 tới năm 1970. Ông còn đảm nhận chức khoa trưởng Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của Đại học Vạn Hạnh. Ông cũng là một trong những người chủ trương và sáng lập tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh.
Năm 1970, ông rời Việt Nam và sống tại các nước Israel, Đức, Pháp. Trong thời gian này, ông đã lập gia đình.
Năm 1983, Hòa thượng Thích Mãn Giác, trụ trì chùa Việt Nam tại Los Angeles, bảo lãnh ông sang Mỹ. Sang Mỹ, ông giảng dạy Phật học tại Trường Đại học Đông Phương và nhiều học viện Phật giáo khác tại California.
Năm 1996, ông được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở hải ngoại tại Mỹ và Văn phòng II Viện Hóa Đạo mời giữ chức Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa. Từ năm 2005, ông dời về sống tại thành phố Houston, bang Texas. Thỉnh thoảng ông sang Nam California để nhập thất tại chùa Viên Thông, thành phố Bellflower. Những năm cuối đời, ông chuyên giảng dạy, nghiên cứu và viết sách về Phật học.
Ông tham gia sinh hoạt văn học rất sớm: trước khi rời Việt Nam sang Pháp, ông đã cộng tác với các báo như Tư Tưởng, Bông Lúa, Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ… tại Sàigòn.Tại hải ngoại, ông đã cộng tác với nhiều báo như Người Việt, Việt Báo, Thế Kỷ 21, Văn, Chân Nguyên, Phật Giáo Hải Ngoại, Phật Việt…
Những tác phẩm của Phạm Công Thiện gồm có:
* Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, Tổ sư Thiền tông,
* Ý thức mới trong văn nghệ và triết học,
* Ngày sinh của rắn,
* Trời tháng tư,
* Im lặng hố thẳm,
* Hố thẳm tư tưởng,
* Mặt trời không bao giờ có thực,
* Bay đi những cơn mưa phùn,
* Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất,
* Sự chuyển động toàn diện của tâm thức trong tư tưởng Phật giáo,
* Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney,
* Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc,
* Như vua rắn nhìn ngó quan sát các đại tỳ kheo và các đại bồ tát,
* Làm thế nào để trở thành một bậc bồ tát,
* Sáng rực khắp bốn phương trời,
* Tinh tuý trong sáng của đạo lý Phật giáo,
* Trên tất cả đỉnh cao là im lặng,
* Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử,
* Khai ngôn cho một câu hỏi dễ hiểu: Triết học là gì?,
* Đối mặt với 100 năm cô đơn của Nietzsche.
Bản pdf tác phẩm “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”: http://xn--vltm-doa0c75d.vn/…/y-thuc-moi-trong-van-nghe…
Trong những năm dạy học ở Đà Lạt, ông đã sáng tác một số bài thơ về khung cảnh thơ mộng của thành phố cao nguyên này và sự ngẫu nhiên của định mệnh đã gắn kết ông với một người tài hoa khác sinh cùng năm với ông là nhạc sĩ Lê Uyên Phương (1941-1999), một người sinh trưởng tại Đà Lạt. Thơ và nhạc của Phạm Công Thiện và Lê Uyên Phương đã hòa quyện vào nhau để thể hiện nỗi nhớ nhung của một người đang lần bước qua những ngọn đồi lộng gió. Phạm Công Thiện đã viết bài thơ “Mười năm qua gió thổi đồi Tây”:
Mười năm qua gió thổi đồi Tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây
Gió thổi đồi Tây hay đồi Đông
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông
Gió thổi đồi thu qua đồi thông
Mưa hạ ly hương nước ngược dòng
Tôi đau trong tiếng gà xơ xác
Một sớm bông hồng nở cửa Đông.
(Tập thơ “Ngày Sinh Của Rắn”, VIII)
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã phổ nhạc bài thơ này thành ca khúc “Tôi đứng trên đồi mây trổ bông”:
Mười năm qua, mười năm qua, gió thổi đồi Tây
tôi long đong theo bóng chim gầy, theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay, bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi Tây hay đồi Đông,
gó thổi đồi Tây hay đồi Đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa Đông.
Ca khúc “Tôi đứng trên đồi mây trổ bông” với giọng ca nhạc sĩ Lê Uyên Phương:
HUỲNH DUY LỘC
Ành: GS Phạm Công Thiện