“Cho dân một phần miếng bánh”

Ngày đăng: 28/09/2024 07:25:35 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tập hợp 99 bài bình luận của Lương Duy Cường, “Cho dân một phần miếng bánh” (NXB Hội Nhà văn, ấn hành năm 2020) chỉ cái tựa thôi cũng đã thấy chất bình luận của tác phẩm báo chí.

Bình luận là vậy, chỉ một câu thật hay, một tứ thật đắt là đủ. Đủ để nói lên quan điểm của tờ báo trước một sự kiện mà không cần phải nhiều lời. Đủ để bạn đọc có cảm xúc, gợi lên suy nghĩ, nhận định, đánh giá về một sự kiện.

Với người viết bình luận, cái khó là trong một núi thông tin khổng lồ trong ngày, họ phải chọn một sự kiện để bình luận. Cái hay trước hết phải là đề tài được người đọc quan tâm, nếu như mất lợi thế ban đầu này thì coi như tác phẩm sẽ không được chú ý. 99 bài viết trong cuốn sách này là những đề tài cho thấy Lương Duy Cường là nhà báo biết chọn món ăn cho bạn đọc ngay từ khi “đi chợ”, mua cái gì trong siêu thị thông tin phong phú đó về để chế biến.

Kế đến là cái duyên thể hiện của người viết. Viết báo, làm văn phải có duyên, duyên đó là cá tính tác giả, là bút pháp làm nên sự khác biệt của mình với người khác. Hay dở chưa nói nhưng trước hết phải là chân dung riêng của mình, không nhầm lẫn, không bắt chước ai. Đã là cái duyên riêng thì trời cho, không giả tạo được.

Bình luận thời sự là cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn. Lương Duy Cường có cái nhìn đa chiều, tập trung vào phản biện những mặt tiêu cực, tham nhũng; bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người dân. Như “Sân sau” đang tồn tại muôn hình vạn trạng nhưng dù dưới hình thức nào cũng đều là biến tướng của tham nhũng.

Bìa cuốn sách “Cho dân một phần miếng bánh”

Trong bài “Lượng hóa mồ hôi”, anh sẵn sàng đứng về phía Đoàn Văn Vươn, ở một góc nhìn riêng, không phải chỉ khăng khăng đó là một tội phạm, mà thậm chí “lẽ ra phải nhận được sự tôn vinh”, vì “đất nước rất cần những thành lũy nhân dân như thế”. Khi mà Đoàn Văn Vươn được cơ quan tố tụng kết luận có hành vi “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” thì những phản biện này là hết sức dũng cảm.

Nhiều bài phân tích sự kiện, sau đó tác giả xuống một câu chắc nịch để khẳng định cái sai trái từ quan chức như: “Trong quản lý xã hội, khi luật pháp không được áp dụng đúng mực cũng như biết nhưng vẫn dung túng thì cái xấu, cái sai phạm ngày càng lộng hành” (Không dám trảm); “Nói như thế để thấy vụ xe biển số 51C-17899 chỉ là một trường hợp rất nhỏ trong thảm trạng rất cần mổ xẻ nếu muốn siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Rất nhỏ nhưng không hẳn sẽ được làm rõ và xử nghiêm. Mà như thế thì những “con voi” siêu trường, siêu trọng lại vẫn ung dung chui lọt “lỗ kim” (Voi lọt lỗ kim).

Lương Duy Cường

Riêng nhân vật Huỳnh Văn Nén với vụ án oan xuyên thế kỷ, Lương Duy Cường dành nhiều bài viết, phản biện lại những sai phạm của cơ quan tố tụng, đẩy người lương thiện vào vòng lao lý oan trái suốt nhiều năm: “Chưa ai dám dũng cảm hay chí ít là lương tâm làm người tự vấn để lên tiếng nhận trách nhiệm về mình. Nhưng trong một nhà nước đang hướng tới sự vận hành theo pháp quyền thì những gì liên quan đến quyền con người chắc chắn không thể là chuyện “gió thoảng, mây bay” (Truy tận gốc rễ).

Và với một người cầm bút như Lương Duy Cường, có những chuyện phải ghi lại, phải lên tiếng, không thể là gió thoảng, mây bay.

Lê Thanh Phong

(báo Người Lao Động )

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác