GIỚI THIỆU: KHẮC ĐI… KHẮC ĐẾN
Một ngày đầu thu tháng 8/2024, tại TP Hồ Chí Minh, trong khuôn viên Gallery Lotus của mình, nữ đạo diễn Xuân Phượng trong sắc thái khí chất tràn đầy năng lượng, không ai nghĩ là một “lão bà bà” 96 tuổi, hào hứng và vui vẻ giới thiệu cuốn hồi ký thứ hai của bà “KHẮC ĐI … KHẮC ĐẾN”- NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh- 2024.
“Khắc đi… Khắc đến” là cuốn tiếp theo hồi ký “Gánh gánh… Gồng gồng” trước đó, kể về hơn 30 năm đến với ngành hội họa, làm chủ Gallery Lotus ở TP Hồ Chí Minh. Trong đó là những trang đời đầy ắp những kỷ niệm vui buồn, từ khổ tận cam lai đến hạnh phúc với thành công vượt ra ngoài mong đợi, từ ngày đầu đến với nghệ thuật hội họa cho đến những chuyến đi vòng quanh thế giới đem tranh Việt – “mang chuông đi đánh xứ người”: Paris, Bruxelles, Singapore, Zurich, Szczecin, Hong Kong, Italia, Malaysia, Hàn Quốc, Tây Úc, Virginia, Montreal…
Bà chia sẻ: “Qua cuốn sách này, tôi muốn gửi gắm nhiều thông điệp không chỉ cho người ở thế hệ của tôi, mà còn là cho những bạn trẻ vừa chớm bước chân vào đời, không biết phải làm thế nào với lý tưởng và ước mơ đời mình. Đặc biệt, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, mượn tinh thần của nữ văn sĩ Pháp Francoise Sagan: “Buồn ơi chào mi” và một câu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!”. Nếu các bạn đã đặt được bước chân đầu tiên, rồi các bạn sẽ đến đích”.
Đạo diễn Xuân Phượng, sinh năm 1929, xuất thân thuộc dòng dõi Hoàng tộc triều Nguyễn ở Huế, tham gia kháng chiến chống Pháp ngày từ những ngày Tháng 8/1945, rồi ra chiến khu Việt Bắc. Cuộc đời bà có có rất nhiều khúc ngoặt thú vị, từ một liên lạc viên thành người chế tạo thuốc nổ trong kháng chiến chống Pháp, từ một cán bộ phụ trách tờ báo “Công tác thóc gạo” của Bộ Tài chính trong chiến khu Việt Bắc đến một Y sĩ cao cấp trong cơ quan ngoại giao sau 1954, rồi trở thành người phiên dịch cho các đoàn làm phim quốc tế vào Việt Nam những năm 1960-1975, là một trong bảy thành viên sáng lập VTV và là nữ phóng viên chiến trường duy nhất của Việt Nam ở thể loại “hình ảnh” cho đến lúc này.
Bà gắn với một số tác phẩm điện ảnh nổi tiếng: Việt Nam và chiếc xe đạp, Khi tiếng súng vừa tắt, Khi nụ cười trở lại, Ông Năm Yersin… Nhưng bà gây ấn tượng nhất trong văn chương Việt Nam đương đại là ngoài 70 tuổi, bà mới “khởi nghiệp” viết văn kể lại đời mình với cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp có tựa đề “Ao Dai” (Áo Dài). Gần 20 năm sau, bà chuyển ngữ ngược cuốn “Ao Dai” sang tiếng Việt, lấy tên là “Gánh gánh… Gồng gồng”. Vừa ra đời, “Gánh gánh… Gồng gồng” đã ngay lập tức nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2020, và được tái bản liên tục nhiều lần. Bà Xuân Phượng cũng là tác giả nhiều tuổi nhất- 92 tuổi, trong lịch sử văn học Việt Nam nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ở cuốn “Khắc đi…. Khắc đến”, khi hỏi bà tại sao đặt cái tựa ngồ ngộ, nghe như một câu tục ngữ dân gian, bà kể: “Những năm theo lên chiến khu Việt Bắc, sống cùng đồng bào dân tộc H’Mông, Tày, Cao Lan… họ không có khái niệm cây số hay km, mà là độ dài mấy “quăng dao”, hỏi đi từ nhà này đến nhà kia bao xa, họ chỉ đơn giản đáp bằng cách lấy con dao ném vào thân cây, cách mặt đất bao nhiêu thì quãng đường dài cũng cỡ chừng đấy, nhưng là một khoảng cách chứa nhiều chiêm nghiệm, qua đó cho thấy đường đi là vô cùng, dẫu xa hay gần thì nếu quyết tâm ai ai cũng sẽ khắc đi và khắc đến được với mục đích của mình”. Theo bà, người thành công là người biết biến bi kịch thành vũ khí để kiên cường bước tiếp.
“Khắc đi… khắc đến” có thể nói là rất nhiều trải nghiệm “xương máu” trong suốt 30 năm “lăn lộn” với hội họa, là những hành trình mang tranh ra nước ngoài triển lãm, giới thiệu và bán tranh của bà, có cả nước mắt và nụ cười, có cả đằng ngọt chua cay…, được bà “kể” bằng giọng văn nhẹ nhàng, đằm thắm, pha chút hài hước, nhưng rất sinh động.
Tác giả Nhà Văn Hoài Hương
Khi hỏi tranh có phải là một đam mê của bà? Bà trải lòng: “Tôi viết báo, làm biên kịch, đạo diễn phim, viết sách cả tiếng Việt và tiếng Pháp, dịch sách…. Nhưng tranh – hội họa, là một đam mê, một sở thích của tôi, mà khi tôi về hưu thì nó như cơ hội để “lộ diện”.
Đọc trong cuốn “Khắc đi… Khắc đến”, nhiều câu chuyện cười ra nước mắt, được bà “kể”, cảm nhận biết bao nhọc nhằn khi mang tranh ra nước ngoài, để có được “thương hiệu”- tranh của Gallery Lotus- HCM city- Vietnam. Bà từng khánh kiệt, đứng trên bờ vực phá sản vì tin người, người này dự định mở phòng tranh ở Singapore rồi Colorado (Mỹ), bà đã ủng hộ hết mình vì cũng là ước mơ đưa được mỹ thuật Việt Nam ra với thế giới của bà. Ban đầu mọi thứ diễn ra vô cùng suôn sẻ, nhưng đến một ngày khi bà gửi 6 thùng tranh sơn mài sang Colorado thì cả tiền và người bặt vô âm tín.
Rồi còn những tai nạn như cháy xưởng tranh 2 lần, chuyển phòng tranh 7 lần… Hay những vấp váp thiếu kinh nghiệm ban đầu mang tranh ra nước ngoài cho tới giờ dày dạn kinh nghiệm ở cả chục quốc gia từ châu Á, châu Âu, châu Úc đến châu Mỹ. Sau những thành công đó, là bao giông bão, chông gai, cạm bẫy thương trường- thị trường tranh, chỉ cần lơ là mất cảnh giác, hay tham một chút là “Gai nhọn hớt bất ngờ đâm thẳng vào người, cạm bẫy ngụy trang khéo léo đưa mình vào tròng”.
Trong cuốn sách bà có nói ý nghĩa tên Gallery Lotus- Hoa sen, là vì hoa sen tuy mọc trong bùn nhưng vẫn thơm ngát, mưa to gió lớn dù cho thế nào thì những lá sen cũng không thể ướt. Kinh qua những khó khăn ấy, khi nhìn lại, bà trân trọng cảm ơn những người thiếu tử tế đã cho mình bài học kinh nghiệm đắt giá, từ đó có những bước đi kiên trì và không bỏ cuộc.
Hỏi bà tại sao ngay khi lập ra Gallery Lotus đã có ý định mang tranh ra nước ngoài. Bà lật từng trang trong cuốn sách và thong thả trả lời: “Tôi có đi nghiên cứu thị trường tranh quốc tế, 2 năm ở Pháp, tôi thấy những người Pháp và các nước khác gặp đều tỏ ý thương Việt Nam khổ quá, bị chiến tranh hủy diệt, đói, nghèo…Nghe mãi tôi chán. Tôi nghĩ đất nước có lịch sử văn hóa đẹp thế sao họ không nói. Và tôi muốn giới thiệu nền văn hóa Việt Nam theo cách của mình. Tôi muốn qua tranh giới thiệu nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam ra thế giới…”.
Có những kỷ niệm về tranh như dấu ấn, năm 1990, bà được phép tổ chức một triển lãm tranh Việt Nam ngay tại khuôn viên bảo tàng Louvre, nhỏ thôi, nhưng được chú ý. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tự hào, còn số tranh mang qua bán hết. Và sau đó, thì cứ mỗi năm bà lại tổ chức 2 lần triển lãm tranh Việt Nam ở Pháp, và cũng là “đỡ đầu” cho một số họa sĩ trẻ có tranh mang ra nuóc ngoài triển lãm, cho họ cơ hội ngày càng phát triển.
Hay câu chuyện được bà kể, năm 2009, khi bà mang tranh sang Bỉ triển lãm, có ông già Việt Nam tóc bạc ngày nào cũng xem tranh, không mua. Sau đó, ông già viết sổ cảm tưởng: “…Tôi đã không muốn trở lại mảnh đất mà tôi phải ra đi, cho đến hôm nay tôi nhìn những bức tranh, ảnh về bến nước, cây đa, bà già đan lát dưới gốc nhãn trưa hè, tự nhiên thấy tình yêu quê hương trở lại quá mãnh liệt. Tôi bỗng nhiên hết hận thù và tôi sẽ thu xếp để trở lại quê hương” rồi ký tên: “Người vừa tìm lại được quê hương”.
Hay câu chuyện năm 2011, triển lãm tranh tại Đại nhạc viện Opera ở Venice (Italia), có người đàn ông tuổi trung niên, ngày nào cũng xem, không mua. Ngày thứ 4, ông ta gặp bà và nói: “Xin lỗi” – đó là một chữ Việt Nam, tôi nghĩ cả đêm để nói với bà. Tôi nhờ bà gửi lời xin lỗi nhân dân Việt Nam, cách đây mấy chục năm, tôi người Mexico gốc Italia là kỹ sư xây dựng kho Long Bình, sân bay Chu Lai, Buôn Ma Thuột… Tôi không ngờ bàn tay tôi vô tình nhúng máu và ân hận không biết nào nguôi. Và tôi bị bệnh trầm cảm, nhiều đêm. Nhưng lần này xem triển lãm tranh tôi thấy trút được gánh nặng trên vai, thể nào tôi cũng sang thăm Việt Nam…”.
Bà Xuân Phượng cho biết, qua cuốn hồi ký muốn truyền tải thông điệp, dù có về hưu, hay đi qua nửa đời người thì vẫn có thể có “cuộc đời thứ hai” trọn vẹn khi có đủ can đảm, nghị lực để “Khắc đi… Khắc đến”./.
HOÀI HƯƠNG
Bài đăng báo Người Hà Nội.