TRỞ LẠI KON TUM

Ngày đăng: 4/06/2024 09:40:44 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Năm 1973, tôi có thời gian sống ở Tây Nguyên, từ Kontum xuống Plieku rồi về Ban Mê, ấy thế mà không có người thân cũ nào cư ngụ ở đó. Bây giờ, lên Kon Tum toàn là người mới nhưng cũng có mối thân tình,  quan hệ  dây mơ rể má với người xưa, gặp họ cũng đở buồn vì một phần quá khứ được nhắc lại chứ ở  tôi tuổi cổ lai hy thì không còn nhớ, nhất là đã qua nửa thế kỷ !

1, Tôi có thói quen đến đâu cũng đi chợ và ngồi quán cà phê. Quán cà phê đầu tiên do thầy Khắc Minh, người bạn ở Chợ Lách chỉ cho tôi, khi anh đi công tác ở thành phố này và quen với chủ quán: cà phê Eva đường Phan Chau Trinh, nhìn vô là thấy  sắc văn hóa của dân tộc Bana.

Vô quán tôi tìm chỗ ngồi để nghe tiếng nước chảy, tiếng chuông leng keng có cả tiếng chim hót. Nhìn chung quanh  tôi thấy các tượng gỗ, loại thường đặt trước mộ người chết. Những tượng này ngoài rừng giờ đây ít đi do có nhiều người trong giới  sưu tầm, đem về trang trí các quán cà phê ở miền xuôi. Ngồi trò chuyện với chủ quán, tôi biết nơi đây cũng có vài anh em văn nghệ  như Tạ Văn Sỹ cũng thường đến nơi này. Hôm nay , anh Sỹ có việc nên tôi không gặp được.

BS Bùi Trong Trí – LM- Nhất Hạnh – Kiều Phương

Tôi gọi điện cho cháu Nguyễn kiều Nhất Hạnh, con gái của nhà thơ Nguyễn Bạch Dương ở Vĩnh Long. Xưa anh lưu lạc ra Kontum và lập gia đình ở đây, anh mất đi năm 2006, Nhất Hạnh đem anh về Kon Tum lo bề nhang khói. Nhất Hạnh nghe bạn của ba ở Vĩnh Long ra thì mừng lắm hẹn với chúng tôi đi quán  Adam Eva trên đường Phan Chu Trinh, Quán này khác với Eva vì có thêm ông Adam, thích hợp với cánh đàn ông, bởi vậy Nhất Hạnh có rủ thêm BS Bùi Trọng Trí, một người bạn Fb với tôi.  Trí quan tâm đến văn học nghệ thuật, rất khôi hài, hạp với tôi. Quán  tương tự quán Eva , cũng với mô hình nhà Rông, chiêng, ché rượu, và có nhà sàn làm chỗ ngồi. Tôi chú ý đến một tượng Chiến Binh được tạo bằng các phế liệu thời chiến tranh như nón sắt, mãnh bom, vỏ đạn M72 …Tôi muốn gặp chủ nhân để hỏi tên tác giả nhưng chủ đi vắng còn nhân viên thì không được biết.

LM và Hữu Kim

BS Bùi Trọng Trí, là một thổ địa ở Kon Tum, anh biết nhiều anh em văn nghệ địa phương do vậy anh tạo điều kiện cho tôi gặp nhà thơ Hữu Kim. Chúng tôi gặp nhau tại quán Hà My, nghe tôi ở Vĩnh Long, anh hỏi tôi biết Văn Quốc Thanh không. Tôi nói cùng thành phố, đi cà phê với nhau thường, anh gửi cho tôi hai tập thơ Cánh rừng Ngọn Khói, xuất bản năm 2015 và tập Gọi Người (2002). Anh không khoe khoang  nói nhiều về anh , nhưng Trí cho tôi biết anh là Hội viên Nhà văn Việt Nam, trước đây từng làm chủ tịch Hội văn học – Nghệ thuật tỉnh Kon Tum, còn tôi tìm hiểu thêm biết anh cũng in bốn tập thơ và từng được giải A cuộc thi thơ ở tỉnh.

Đi xa thích tìm đặc sản lạ để ăn, yêu cầu của tôi như vậy,  Nhất Hạnh dẫn tôi đi ăn bún nước, món ăn không nấu với dầu mở, không gia vị , chỉ có chút muối ớt thôi, thích hợp với người lớn tuổi. Món ăn này xuất phát từ Bình Định du nhập về Kon Tum. Hiện thành phố này có vài ba tiệm nhưng tiệm ở đường Hồ Quý Ly, phường Nguyễn Trãi là ngon. Nhìn nhân viên quán đang ép bún , nhình thực khách buổi sớm đến chờ để được ăn, tôi thấy thú vị chuyến du lịch phương xa của mình.

Với Kon Tum hơn nửa thế kỷ mới trở lại, có nào nhớ phải là ấn tượng. Tôi nhớ ở đây có một công viên tượng đài Nguyễn Huệ, hình ảnh vua Quang Trung cưỡi ngựa cầm kiếm đang xông trận, gương mặt giống hình tờ giấy bạc 200 đồng, chứ ai nhìn được mặt vua đâu mà nói giống!  Nơi đây năm 1973, là chỗ dành cho gái đứng đường đón khách, tôi thanh niên xa nhà mới đến, nên các anh lính già thường chọc ghẹo, sao ông nằm trong phòng buồn hoài vậy, ra ngoài công viên cưỡi ngựa đi ! Tôi hỏi Trí, chỗ tượng đài Nguyễn Huệ còn không, anh dẫn tôi ra đó, hình ảnh cũ vẫn còn nguyên, tượng Quang Trung vẫn uy nghi như ngày nào.

Thành Dapha bây giờ không còn dấu tích, tôi đứng chỗ cũ trên đường phố một hồi, chụp vài kiểu hình kỷ niệm rồi đi.

2 .Đi Kontum du khách thường thăm nhà thờ gỗ, một kiến trúc lạ chỉ có ở Tây Nguyên, tuy nhiên không cần tường thuật vì ai đi Kon Tum cũng đến đây rồi. Có khám phá mới là phía sau nhà thờ Gỗ lại có quán cà phê, không đẹp lắm nhưng có nét chạm trổ Tây Nguyên. Giá thức uống trong  quán không đắt, tiện cho  đi tham quan có chỗ dừng chân nghỉ ngơi.

Du khách thích nhà thờ Gỗ vì nó nổi tiếng quá, còn tôi thích khung cảnh tòa Giám mục Kon Tum hơn, bởi đây có nhiều tiểu cảnh, vườn hoa để ghi ảnh. So với nhà thờ gỗ có trên 100 năm thì tòa Giám mục này được xây dựng năm 1935. Chất liệu xây dựng của tòa nhà đa số là gỗ quý, do người Pháp cất nhưng lại biết kết hợp với kiểu dáng Tây Nguyên. Công trình kiến trúc ở Kon Tum đẹp thế ,tôi nghĩ, tại sao mấy chục năm về trước tôi không biết tận dụng thời gian rảnh ở đây để đi ghi chép và khám phá (?)

Tôi lang thang về hướng cầu sắt treo Kon Klor, chụp vài ảnh gửi cho người bạn ở Mỹ vì anh ta lâu rồi không có dịp về thăm nơi này. Cầu sắt vẫn còn đó, sông DakBla vẫn chảy ngược dòng, bây giờ sông này đã có 7  cầu vào thành phố nhưng cây Kon Klor vẫn thu hút du khách hoài niệm hơn. Ở gần cầu có một điểm Làng Hồ Art Gifts , vô đây uống cà phê nghỉ chân, cũng là điểm Homestay cho khách nước ngoài.

3. Ghé Kon Tum hai ngày, chuyện quán xá còn nhiều, quán cà phê đi rồi cũng không ít , nhưng chưa viếng thăm một chợ nào đặc biệt. Cứ tưởng là đi biết khá, nào ngờ giờ nhớ lại còn quá nhiều thiếu sót , giống như chưa biết gì. Cũng nhờ Quán Văn có chuyên đề về Tây Nguyên, tôi có dịp nhìn lại mình và bây giờ nhìn lại sức khỏe bản thân , chắc phải lên đường lần nữa.

LƯƠNG MINH

(bài đăng trên Quán văn số 104)

H5

h6 Tương làm bằng phế liệu chiến tranh

h7 Lương Minh và BS Bùi Trọng Trí

 

 

 

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác