CÕI DƯƠNG GIAN ANH CÒN NỢ CHỮ HIẾU
Anh Trần Đình Đài là con trai thứ trong một gia đình trung lưu ở quận 3, Saigon xưa. Mẹ anh cũng là hậu duệ của hoàng gia triều Nguyễn. Cha anh là một trí thức vì vậy cả đàn con, bảy đứa ba mẹ đều cho ăn học đến nơi đến chốn. Những năm tháng ấy, đất nước bất ổn, tiếng súng vẫn hăm he đâu đó trên đầu, bên cạnh cuộc sống bất an là vậy nhưng cha mẹ anh vẫn cố làm lụng để chăm lo cho con cái, trang trải cuộc sống. Mẹ anh tần tảo đủ mọi việc như buôn bán, chạy hàng chợ trên chợ dưới để làm sao các con đều được học hành nên người.
Anh tốt nghiệp trường kỹ sư Phú Thọ, Saigon, rồi đi làm. Anh làm công việc bảo dưỡng, máy móc, phụ trách phần kỹ thuật trong một đơn vị truyền tin của Mỹ, nên tháng 3/1975, Mỹ rút quân còn lại về nước và cho di tản những người làm việc trong cơ quan của họ. Vậy là anh lên máy bay qua Mỹ tháng 3/1975.
Qua bển anh được tài trợ bước đầu. Rồi anh học hành tiếp để đi làm. Khi cuộc sống ổn định, anh cũng có phụ giúp tài chính lai rai giúp cha mẹ thuốc thang, đường sữa bồi dưỡng tuổi già. Khi có quốc tịch Mỹ, anh làm giấy bảo lãnh gia đình gồm ba mẹ và cô em út là TrầnThu Huệ. Còn những người anh em đã có gia đình ổn định công việc rồi thì thôi. Anh cũng muốn sống gần ba mẹ để báo hiếu những năm tháng tuổi già đã một đời cực nhọc vì đàn con.
Sau bao năm chờ đợi sự nổ lực của anh đã được chiếu cố, ba mẹ và em Thu Huệ đã được lãnh sự quán Mỹ phỏng vấn và đã được chận đi theo diện đoàn tụ gia đình. Giấy tờ hoàn tất, chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi là ba mẹ anh và cô em út sẽ sang bển với anh. Anh có ba mẹ, có em gái, sẽ đâm ấm biết bao. Ai cũng mừng và náo nức ngày sum họp gia đình. Ở nhà ngoài việc lo chuẩn bị vật dụng cho chuyến đi, sắp xếp việc nhà, gia đình ba mẹ anh cũng làm vài mâm cơm cúng tổ tiên ông bà mà chia tay với bà con, bạn bè và xóm phường thân thương.
Chỉ còn một tuần nữa là lên đường ba mẹ anh và cô em út sẽ rời Saigon, thì bất ngờ anh Đình Đài điện về nói là : “Con xin lỗi ba mẹ và em Huệ, con hết tiền rồi, không đủ tiền mua vé máy bay!”. Nên thôi ba mẹ và em hủy chuyến đi.
Cả gia đình dòng họ ngỡ ngàng, thất vọng và buồn nhưng biết làm sao được. Con nó nói vậy thì nghe vậy. Thôi thế là hành lý phải tháo ra, cuộc sống lại như cũ. Ba anh trở lại công việc thường ngày dù tuổi đã cao. Mẹ anh lại ra chợ bán buôn kiếm sống qua ngày. Khi thì bán bánh giò, lúc ế thì bán bánh canh, bán chè,…kiếm đồng tiền tuổi xế chiều không hề dễ nhưng cũng phải cố thôi! Thu Huệ học xong và cũng xin được công việc xa nhà cách vài chục cây số, đôi ba năm rồi xin lần lần về gần nhà cuộc sống cũng chật vật nhưng rồi cũng ổn định dần. Ba mẹ anh lúc này ở nhà đã già yếu. Rồi ba anh mất do tuổi già sức yếu, mẹ anh cũng buồn nên sức khỏe yếu dần và mất sau ba anh một năm. Chỉ còn lại Thu Huệ sống một mình. May mắn chị bảo là chị “chó ngáp trúng ruồi” được du học Mỹ theo chương trình đào tạo việc làm của cơ quan. Chị nói “chó ngáp một trăm lần mới gặp may như chị”. Thu Huệ qua bển học, sau khi học xong thì có sẵn hồ sơ cũ, anh Đình Đài bảo lãnh và chị được ở lại bên đó làm việc. Qua câu chuyện với mấy người bạn của anh Thu Huệ mới biết lý do anh Đình Đài không mua vé nổi cho ba mẹ chị định cư cùng anh: Rằng là cuối năm ấy anh Đình Đài gặp chị Nguyễn Thị Bông Cẩn, trong một đám cưới người bạn, Bông Cẩn mới vượt biên qua, thế rồi anh Đình Đài và chị Bông Cẩn quen nhau và đi đến hôn nhân sau đó không lâu. Nguyên nhân chị Bông Cẩn được đặt chân lên đất Mỹ cũng tình cờ. Do tới nhà phụ việc cho gia đình ông cậu. Cậu chị là ông Lê Thận làm nghề đánh cá ở một làng ven biển Vũng Tàu. Ông có chiếc ghe nên lúc đi đánh cá ông cùng gia định vượt qua hải phận và được tàu Na Uy vớt qua Singapore, rồi được xét định cư theo diện tị nạn. Chính vì thế ơn nghĩa của vợ anh -chị Bông Cẩn với cậu nhiều nên chị nói gì anh cũng nghe theo. Ông Lê Thận bàn với anh Đình Đài:
-Mày qua trước, làm lụng chắt bóp có vốn rồi thì mua một chiếc tàu đánh cá. Tao đi làm. Mày có của, tao có công, lợi tức chia đôi.
Anh lúc đầu cũng còn phân vân, muốn lo cho ba mẹ và em gái út qua đây ổn định rồi mới lo đến việc mở rộng làm ăn. Nhưng vợ anh bảo:
-Mình ơn cậu lắm, anh phải nghe lời cậu. Cậu có nghề đánh cá hồi trước bên Việt Nam. Cậu rành rồi. Mình có của, cậu có công, lại giao cho người trong nhà khỏi sợ mất hay bị lừa gì đâu. Mình chỉ việc ngồi nhà mà được chia tiền. Như thế nhàn, khỏe mà chẳng mấy chốc mà giàu. Còn chuyện lãnh ba mẹ thì sau này mình có tiền hãy tính tiếp.
Anh nghe vợ bàn vậy cũng xuôi tay và đồng ý bỏ vốn ra mua chiếc tàu đánh cá. Nhưng ba mẹ anh thì không đợi được đến ngày anh dư giả nên đã dìu nhau về miền miên viễn sau đó không lâu.
Chuyện làm ăn của anh không suôn sẻ. Cậu vợ anh – ông Lê Thận thường xuyên báo lỗ, anh phải bỏ tiền bù lỗ, hết năm này đến năm khác, có khi túng quá phải vay mượn bạn bè bù lỗ cho ông. Từ ngày mua chiếc tàu, anh chưa có đồng lời nào mà chỉ thấy toàn lỗ là lỗ đến nỗi anh tái mặt và rồi ông Lê Thận bảo là:
-Thôi mày bán chiếc tàu đó đi, giá rẻ, tao mua cho.
Anh bán lại chiếc tàu đó với giá bèo, không đủ trả nợ cho bạn bè. Anh lâm vào cảnh túng thiếu nên vì thế, còn một tuần nữa mà không mua nổi ba cái vé cho ba mẹ và em.
Rồi ba mẹ qua đời, anh ân hận lắm! Anh ray rứt nhưng nợ cơm áo và trách nhiệm gia đình vợ con anh lại tặc lưỡi bỏ qua.
Mấy mươi năm đã trôi qua, sức khỏe anh cũng ngày một tàn tạ theo tuổi tác và bệnh tật. Rồi anh cũng từ giã cõi trần tại TP Houston, bang Texas. Hoa kỳ. Cõi trần anh còn nợ một chữ hiếu với ba me, hi vọng qua cõi khác anh gặp ba me để báo hiếu phần nào. Cũng chỉ vì thiếu vé máy bay.
Saigon ngày 11/5/2024
Hoàng Thị Bích Hà