VIẾNG PHẬT QUỐC VẠN THÀNH
Thầy Chơn Lý lấy xe nhà chạy dẫn đường đưa chúng tôi đi thăm mộ 3.000 người. Ngôi mộ nằm ở phường An Lộc ,rộng như công viên, có đài tưởng niệm cao hơn chục mét. Có nhà đón tiếp du khách (chắc để thuyết minh). Chúng tôi đến vào lúc 2 giờ trưa, nằng như thiêu đốt, quý bà ngại bước ra Đài tưởng niệm. Theo Thầy Chơn Lý thì trong trận chiến xảy ra 32 ngày đêm , từ 13/4 đến 15/5/1972. Máy bay của không quân Hoa Kỳ đã thả bom xuống thị xã An Lộc làm chết 3000 người , vừa lính của 2 bên và dân chúng địa phương. Sau đó, chính quyền sài Gòn đã dùng xe ủi đưa hàng ngàn tử thi xuống hố bom tạo thành ngôi mộ tập thể. Năm 1985, mộ này được Bộ Văn Hóa –Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia và năm 2013 được tôn tạo xây dựng với diện tích 4.309 mét vuông.
Do nắng gắt , tôi và Ngọc Anh đi lại phía sau tượng đài để ghi ảnh, năm cô nương đến trước lư hương để khấn vái, Hai cô đạo Công Giáo và Tin lành thì đọc kinh cầu nguyện cho người đã khuất.
Năm 2019, tôi cũng có đến đây, ngồi bên kia đường Phan Bội Châu, một con đường có nhiều quán cà phê đẹp. Lúc đó tò mò tôi cũng có đi qua viếng ngôi mộ này nhưng không có nghĩ chi cả , lần này đi với một vị sư, tín đồ Phật giáo thì cầu siêu, tín đồ Thiên Chúa thì đọc “kinh cầu chịu nạn”, nên có xao động tâm hồn.
Xe chạy vòng lên khu Phật Quốc Vạn Thành, xa xa đã thấy tượng Phật cao 73 mét, lớn nhất Đông Nam á. Đến gần chùa là một hồ nước tự nhiên rất đẹp tên là Hồ Chà Là, thầy Chơn Lý nói người dân ở đây gọi là Đập Sở Nhì,(Sở Nhì là tên 1 ấp của phường Hưng Chiến) Ở mỗi bên bờ hồ , người dân đã bày ghế bàn để bán nước cho du khách, nghe nói về đêm khu này rất đông thanh niên nam nữ ngồi hóng mát.
Tượng Phật Thích ca được đặt hẳn lên ngôi chùa. Với tượng Phật cao 73 mét mà là khối đặc thì bằng đất hay xi măng cũng đè sập ngôi chùa. Không được giảng giải về tượng Phật, nhưng tôi nghĩ tượng được thiết kế nhiều mảnh ráp lại mới có thể an vị trên nóc chùa?
Quý nương trường Tống đến nơi , xuống xe ba mươi giây, tỏa đi tìm góc ảnh đẹp để chụp. Góc đẹp đầu tiên là lưỡng long chầu nguyệt phía trức chùa. Chùa xây chưa xong, thợ còn đứng để tô phía trước chánh điện. Không hề gì, cảnh vật ở đây trong chớp nhoáng đã được thu hình trong máy ảnh, sớm muộn gì cũng được cho phây ăn. Đứng trước sân chùa nhìn xuống Hồ Chà Là trông rất đẹp, nhưng nắng trưa gắt quá làm khách du lịch phải đi nhanh.
Phía sau chùa còn xây nhiều hạng mục, có cả tòa giả sơn lớn tương ứng với tượng Phật lớn. Trong tương lai, Bình Long sẽ là điểm du lịch tâm linh lớn của miền Đông Nam Bộ.
Điểm cuối cùng mà thầy giới thiệu là khu vườn trái cây ở Sở Nhì. Khu này rộng 1,3 ha trong đó có sầu riêng, măng cụt, và một vài trái cây khác. Khu vườn có một nhà kiểu cổ xưa nam Bộ, có ba gian, đầy đủ tiện nghi. Bên cạnh có một nhà sàn tiền chế gọi là nhà vui , vì không có buồn(g). .Nhà sàn có treo nhiều võng cho khách nghỉ ngơi, chính giữa là bàn trà để tiếp khách. Thầy mời Phật tử dùng kẹo hạt điều, kẹo đậu phọng để uống trà. Trà ở đây có nhiều loại, trà bắc, olong, chè xanh đá giải nhiệt vào mùa hè.
Nhìn măng cụt tượng hình nhưng quả còn xanh, những “con chim” Sài Thành ngồi tưởng tượng đến mùa chin rộ. Thầy bảo lúc đó phải nhờ người hái vì chin nhiều thu hoạch không kịp.
Ngồi thưởng trà, quý đệ tử còn được nghe thầy giảng pháp. Những câu chuyện thế gian báo ứng, chuyện trẻ em được giáo dục được thầy nhắc lại làm bài học cho người đời.
Tính đến hôm nay, trong mùa này Ngọc Anh đã đi hết 11 ngôi chùa, còn đưa bạn bè đến các chùa thì không kể xiếc, cô gọi các chuyến đi này là gieo duyên cho các bạn biết đường tu niệm. Chuyện lôi kéo các huynh đệ quy y thì khó vì có một số người Công giáo, tuy nhiên với Phật giáo thì đây là chánh đạo hướng dẫn mọi người thực hành chứ không nhất thiết mặc áo tràng cho đồng bộ .
Bài và ảnh Lương Minh