VIẾNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM AN TÂM (Bài 2)
Năm 2014, tôi được Ni Cô Trí Giải mời ra Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm tham quan. Ni Cô Trí Giải là người cùng quê tôi ở Sơn Định, là cựu HS Trung Học Chợ Lách về Thiền viện này làm trụ trì từ năm 2012.
Đến sân bay Nội Bài trong đêm, tôi được nhà chùa đón đưa về Thiền Viện, trú ngụ tại đây để hôm sau vãn cảnh chùa và còn đi tham quan thắng cảnh vùng Vĩnh Phúc và Hà Nội. Thiền viện Trúc lâm An Tâm là một ngôi chùa lớn nằm trên núi Thạch Bàn, khu di tích Tây Thiên, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Khu di tích này gồm Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên (chùa tăng) và Thiền viện Trúc lâm An Tâm (chùa ni).
Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm được xây dựng từ năm 2009 do ni sư thích nữ Thuần Giác xây dựng và phần cơ bản hoàn tất năm 2012. An Tâm có ngôi chính điện thờ Phật Thích Ca mâu ni, ngôi nhà tổ thờ các vị tổ thiền tông, một nhà khách, một nhà ăn phục vụ được một lúc 200 người. Ngoài ra còn có ni đường, thiền đường dành cho các thiền sinh tu tập; nhiều thiền thất cho các ni sư tu hành.
Hôm tôi ghé trùng ngày với Lễ Hội Quốc mẫu Tây Thiên, nên rất đông đảo Phật tử và du khách đi viếng chùa. Họ đến từng đoàn để tham quan, chụp ảnh, xem đây như một điểm du lích vì có nhiều cảnh đẹp. Nhà chùa cho biết, khách đi theo đoàn nếu báo trước với nhà chùa sẽ được chiêu đãi bữa cơm chay với nhiều món ăn đơn giản, ngon miệng.
Bữa ăn sáng đầu tiên, tôi được chiêu đãi với các món chay cực ngon, những món tráng miệng cũng lạ, nào khoai lang Nhật Bản, nào chuối tiêu . . . Các du khách cùng ăn trầm trồ món ngon thì quý sư cho rằng bữa ăn trưa còn nhiều món đáng kể hơn. Đặc biệt là bánh chưng An Tâm do chính các sư cô chế biến. Cô Thắm, một du khách – giáo sinh trường Sư Phạm mẫu giáo Vĩnh Phúc nhận xét, bánh chưng An Tâm có vị béo, ăn không ngán vì không có mỡ. Sư cô Trí Giải cho biết, nguyên liệu cũng thông thường, người ăn cắt bánh nhìn nhưn cũng biết, nhưng cách chế biến nhưn thì mỗi người một cách, không thể làm giống y như nhau được. Việc làm nhưn bánh chưng do ni cô chế biến còn việc gói bánh thì nhờ bên ngoài Phật tử gia công. Một bà dân tộc Sán Dìu nói rằng, tuy không là Phật tử những mỗi khi lễ tết thường đến đây để thưởng thức bánh ngon này. Thiền viện ngoài việc đãi cơm chay cho Phật tử lỡ đường, trong dịp lễ hội còn phát cơm thêm cho bà con địa phương. Cụ thể như ngày rằm tháng hai vừa qua thiền viện đã nấu 1.700 suất cơm cho Phật tử đến chùa, còn ngày khác thì các ni cô dành thời gian để tu tập.
Thiền viện còn có tượng phật nằm dài 19 m ở trên cao, phía dưới có tạo thêm 6 cảnh quan, thuyết minh lại hành trình tìm chân lý của đức Phật. Cảnh từ lúc thái tử Tất đạt Đa Cồ Đàm đản sinh cho đến khi Phật thành đạo và nhập niết bàn.
Bên hông Thiền viện có một vườn lan, có băng ghế đá dung làm nơi chiêu đãi trà và cà phê cho khách. Ngồi trong vườn ngắm hoa lan vừa thưởng trà, rôi nghĩ người không hành thiền cũng đạt được cảnh giới an tâm.
Thế nên mỗi độ xuân về, dù ở đâu tôi vẫn nhớ Thiền viện Trúc Lâm An Tâm nơi có cảnh đẹp và từ đây du khách có thể thăm viếng nhiều danh lam khác nữa của Vĩnh Phúc.
LƯƠNG MINH
h3
h4