CÔ TÔI

Ngày đăng: 23/12/2023 10:43:02 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Cô tôi sinh ra rất xinh đẹp, rất thông minh, nghịch ngợm. Suốt ngày không đi học thì đi tắm sông, hái trái, hái nấm cùng các bạn con của công nhân Yên Cổ Trại, hoặc mua sách vở, bút mực dạy cho con các công nhân học đọc , học viết, còn đổi tên cho các bạn, vì cha mẹ họ đặt tên vừa xấu, vừa thô tục, rất ngượng miệng khi gọi tên, nên các bạn rất quý cô , xem cô như thần tượng. Yên Cổ Trại của Ông tôi đã nuôi dưỡng cô lớn lên, cho cô tuổi thơ thần tiên mà hiếm ai có được.

Năm 2011 tôi về Huế gặp mấy bà vừa ốm o, nhỏ xíu con, vừa đen đúa xấu xí. Da mặt đầy luống, đầy vồng, nhưng nói chuyện rất hấp dẫn, thú vị. Mấy người thi nhau kể:

-Cô đi Huế học, các bạn ở Yên Cổ Trại họp bàn với nhau: người thì nuôi gà, cất trứng để dành. Người bẩy thỏ, chim. Kẻ trồng khoai, bắp, mít, rau, củ quả…để dành chờ cô về. ( Dân Cổ Bi rất nghèo, tứ xứ đến làm công cho Yên Cổ Trại của Ông nội, được cấp nhà ở , đất vườn, nên các bạn tha hồ trồng trọt, chăn nuôi làm của riêng.) Ông Dây thì chăm bò, vắt sữa để dành cho các cô về tắm, thảo nào da Cô tôi luôn trắng trẻo, mịn màng.

Ngày cô về, các bạn tổ chức đi suối nước nóng ( cũng thuộc đất Yên Cổ Trại của Ông nội tôi, sau này nhà nước quản lý, mở khu du lịch nghỉ dưỡng , và đặt tên là suối Thanh Tân ), có hai chú đi theo gánh đồ kèm xoang nồi, chén, muỗng, chiếu…

Đến nơi, mọi người thi nhau thả trứng vào suối đang sôi sùng sục để làm điểm tâm, còn đố nhau ai luộc được trứng la- cóc? ( trứng chỉ chín lòng trắng, còn lòng đỏ vẫn sống ). Ai luộc được trứng lòng đào ? ( lòng trắng chín, còn lòng đỏ vẫn dẻo, ướt…) Thả trứng vào suối, đếm từ 1 đến tiếng thứ mấy thì vớt trứng lên vừa ăn vừa cười vang. Hết trứng thì thả khoai, bắp vào suối cho chín ăn tiếp. Ăn xong nhảy xuống suối nơi xa hơn, nước ít nóng hơn tắm và đùa nghịch. Hết tắm thì đi tìm sim, móc, nấm … Nấm tràm hơi nhẫn, nhưng rất béo. Còn nấm mối gói trong lá chuối với tí muối, nướng lên thơm điếc mũi. Cô thích nhất món này!

Lang thang chơi đã đời, hai chú đã làm xong gà, thỏ, chim… nướng, hoặc nấu cháo với rau củ đem theo rất tươi, ngon, thơm phức! Cả đoàn xúm lại ăn, rồi tắm, rồi ngủ. Ngủ dậy tắm, rồi ăn… cho đến lúc trăng lên mới chịu dắt nhau về. ( nghe kể mà ham! )

Mấy bà thì tôi không nhớ tên, nhưng tôi nhớ ông Dây có bộ râu dài, trắng giống bác Hồ. ( ngày xưa chuyên vắt sữa bò cho Cô tắm )

Ông Rớ có em gái đến ở giữ em cho Cô, bị đạn Tây chết đã lâu, Cô vẫn nhớ và gửi tiền cho tôi đem về tận An Lỗ, đến nhà thăm, chuyển cho hai người hai lần.

ông Dây còn mạnh khỏe, minh mẫn, nhưng ông Rớ cao, to, đen đúa đã lẫn, đã quên lần trước nhận tiền, ông Dây nhắc lại, ông Rớ mới nhớ ra.

Ngoài các bạn thuở nhỏ của Cô mà tôi về Huế gặp, sau này tôi còn được Cô cho thay Cô, đi gặp các bạn học với Cô cùng tiền và quà tặng, để được nghe cô Cam kể:

-Các cô đi xe bus đến trường thì Cô tôi luôn lên xe trước giành chỗ cho các bạn. Còn nếu hết ghế phải đứng , thì Cô tôi luôn đứng phía ngoài, khuỳnh tay che chở cho các bạn nhỏ bé đứng phía trong khỏi bị chen lấn.

-Cô Tài làm chung với Cô ở Tổng Nha Điền Địa thì tôn Cô làm Đại Ca, nghĩa là to, oai, đáng nể hơn cả Tổng Giám Đốc…

Ui! Các cô kể nhiều lắm nên không thể nhớ hết được, chỉ biết là ai cũng có nhiều kỷ niệm đẹp với Cô, luôn yêu quý và nhớ Cô vô cùng!

Đó là những chuyện bên lề của cuộc đời Cô mà thôi. Chuyện chính bắt đầu từ khi Cô ở nhà Bác cả tại Bến Ngự , đi học trường Jeanne D’ar. Nhà bác có xe hơi, mà Cô thì nghịch ngợm leo lên nóc xe với hái trái Phượng chín để lấy hột ăn, đã lọt vô mắt Chú, công tử đẹp trai, con nhà giàu buôn gỗ nổi tiếng ở Thanh Hoá. Sau đó, chú thường vượt bao dặm đường xa xôi , kiên trì về thăm Cô nên đánh bại hàng dài các chàng trai theo sau lưng Cô. Có người tính du học Pháp lập công danh xong mới tới chạm ngõ                                                                          nên vuột tay mất rồi! Đành độc thân tôn thờ bóng hình Cô cho tới lúc mất.

Hai người yêu nhau chưa bao lâu , Gia đình Chú đến chạm ngõ. Thấy đường sá xa xuôi, Ông cho cưới luôn . Đưa dâu buổi sáng, cùng ngày với rước dâu, vợ của chú tôi buổi chiều.

Hôm đám cưới, đứng trước hai họ, Ông tôi xin phép sui gia cho Cô tôi đi tắm biển Sầm Sơn mỗi tuần một lần. ( Bãi biển rất nổi tiếng,  gần Thanh Hoá, quê của sui gia , được Khái Hưng viết trong tác phẩm TRỐNG MÁI của Tự Lực Văn Đoàn ) , khiến cả hai họ ai nấy đều chắt lưỡi : “ Răng Ông Cụ ( Đại Quan ) cưng con gái dữ rứa? “

Tuổi thơ của Cô tôi chỉ ăn, chơi và đi học, luôn có người hầu hạ, chưa hề mó tay vào việc gì. Về nhà chồng, Cô còn chưa biết cây dao bề nào là bề sống, bề nào là bề lưỡi? Ngày đầu tiên làm dâu, Cô tôi đi chợ kèm theo chị hầu gái đầu đội thúng tiền, để Cô tôi tha hồ mua sắm.

Trở về nhà, gia đình chồng xúm lại xem Cô dâu mới mua gì? Lúc chị hầu gái hạ cái thúng trên đầu xuống, dở nón ra thì một thúng đầy toàn tôm là tôm! Mẹ chồng Cô ngạc nhiên:

-Con tính làm món gì mà mua nhiều tôm vậy?

Cô tôi vô tư:

-Con đâu biết làm món gì. Tại con thấy nhảy nhảy nên con mua.

Không ai kể cho tôi nghe cả nhà chồng lăn ra cười như thế nào, tôi chỉ việc tưởng tượng thêm: Cô tôi vội chạy xuống bếp kiếm cái thau hay cái nồi to, đổ nước vào bưng lên, liền thả tôm vào, rồi vỗ tay:

-Nó còn lội lội nữa nì!

Nhưng ở nhà Ông tôi, khi nghe kể thành tích đầu tiên làm dâu của Cô tôi , thì Cô cả nhà tôi lắc đầu:

-Thiệt quá ngán! Tại thấy tụi nó đeo nhau quá, với quá xa xôi nên vừa chạm ngõ là Ông Cụ gã liền, chơ các Cô khác trong nhà, Cô Cả đều bắt đi học nấu ăn sáu tháng đã, mới cho về nhà chồng.

Còn chúng tôi nghe thế thì hoan hô Cô, tha hồ lười nội trợ, bếp núc, nhất là bỏ ngoài tai các câu hăm dọa :

-Sau này lấy chồng, vô mồng ba, ra mồng bảy, sảy mồng tám, chơ không tới được mồng chín là bị trả về… vì không biết nấu ăn.

Cô có bà mẹ chồng hiền đức, lẫn khéo léo đảm đang. Thúng tôm đầy mặp nhảy nhảy Cô tôi không biết làm gì, vô tay Bà thoắt cái cho ra hai món: “ Chả tôm Nông Cống và Bánh Khoái Nguyệt Viên “ ngon , thơm nức mũi, mà Cô tôi vốn thông minh, khéo tay, lại chịu thương chịu khó học được, sau này Cô đã làm cho con cháu thưởng thức tại Sài Gòn.

Ngoài hai món kể trên, mỗi cuối tuần, Cô đều nấu món ngon như phở, bún bò…để chú cùng các bạn đến chơi mạt chược thưởng thức. Bà con bạn bè tới cũng được ăn uống chung vui với cả nhà . Ai nấy đều thán phục tài nấu ăn tuyệt vời của Cô.

Cô tôi vốn học trường đầm, nên nói tiếng Tây như gió. Đến lúc chạy tản cư, Cô tôi thấy tên quan Tây bắt giữ người chạy nạn, Cô đọc được họ tên sĩ quan trên túi áo, Cô hỏi. Thì ra là anh của bạn học cùng lớp với Cô. Thế là Cô được sĩ quan Pháp ưu ái, giúp đỡ tiện nghi. Đoàn người tản cư cũng nhờ lây.

Lúc vào Sài Gòn, Cô đi làm để phụ giúp kinh tế nuôi gia đình. Cô giỏi quá, được giám đốc đề cử cấp học bổng cho đi nước ngoài học điện toán, nhưng Cô đang mang thai đành từ chối, nhường lại cho người khác.

Với tấm lòng rộng mở ấm áp tình người, Cô cùng Chú nuôi rất đông con cháu trong nhà, bên chồng lẫn bên vợ, giúp các cháu học hành thành đạt, có công ăn việc làm và nhà riêng. Cô xin cho tôi làm việc ở SỞ ĐẶC NHƯỢNG CÔNG SẢN, còn cô hàng xóm làm ở chi nhánh thuộc Điền Địa của Cô. Cô mua cho tôi ví, hộp trang điểm. Ngày đầu tiên đưa tôi đến Sở, Cô đặt điều kiện:

-Không được bắt tôi làm việc nhiều, để tôi còn thì giờ học.

Giám đốc sở vâng vâng, dạ dạ! Khiếp chưa?

Chú thường ở nhà chăm sóc gà lấy trứng, và đưa đón Cô đi làm mỗi ngày, mùi mẫn như thuở yêu nhau.

Tiện đây tôi nhớ một kỷ niệm nhỏ với Chú, vì tôi vốn sợ Chú, ngoài chào hỏi lúc đi, về, tôi chưa hề nói chuyện với chú. Một hôm chú kêu tên tôi làm tôi giật mình, vừa “ Dzạ “ vừa quay lại, mặt mày xanh lét, không biết mình mắc lỗi gì với chú. Chuẩn bị gồng mình ăn đòn, không ngờ chú cười, còn đưa 1 nghìn, nói là tiền chú trúng số, chú cho. Ui chao! Cảm động bắt nghẹn lời! Chưa có ai cho tôi nhiều tiền như thế, dù lúc đó tôi đã đi làm việc ở Sở Đặc Nhượng Công Sản, lương tháng bảy- tám nghìn, nên tôi nhớ mãi không bao giờ quên!

Thế rồi biến cố 75, nguyên gia đình Cô đi vượt biên an toàn, định cư ở nước Úc. Đợi đến khi mở cửa, Cô lại về Việt Nam tìm gặp con cháu , bà con, họ hàng.

Dù lớn tuổi, Cô vẫn mạnh khỏe, xinh đẹp, lanh lợi xông xáo đi đầu, không ngại nắng mưa. Cô dẫn cả đoàn về Huế thăm lại Xóm Vạn Nguyệt Biều vào ngôi nhà của Ông, Cô cho cả đoàn ăn thịt luộc + mắm rò, cá bống thệ nấu canh thơm, cũng như về Cổ Bi, thăm Yên Cổ Trại, nơi Cô lớn lên, và cho chúng tôi đi tắm suối nước nóng. Ui! bao nhiêu bà con mừng rỡ đón Cô về. Có người đem đến tặng Cô trái mít ướt đại chang, chúng tôi tha hồ lấy đũa quậy chấm muối, chơ Cô có ăn miếng nào đâu. Bún bò thì thịt dai, cay xé lưỡi, nước chè tươi đậm đặc vừa nóng, vừa đắng nghét, nên khi về lại Huế, Cô đưa chúng tôi lên Kim Long, ngồi bờ sông, ăn bánh ướt thịt nướng của Huyền Anh ngon tuyệt vời, vừa ngắm thuyền rồng xuôi ngược trên sông Hương xanh biếc, đẹp như mơ, đến cả tài xế cũng làm thơ.

H Cô và cháu, ngày Cô 92 tuổi tại Sydney 

Mỗi lần Cô về Việt Nam đều hội tụ con cháu lẫn bà con. Nhờ vậy mà bà con dòng họ có dịp gần gũi thân thiết gắn bó với nhau. Cô đãi ăn ngon, tặng tiền, quà, và dắt đi du lịch khắp nơi, mà con cháu ở Việt Nam chỉ mơ chứ chưa được ăn, được đến bao giờ. Thôi thì Dalat, Huế, Mũi Né, Vũng Tàu, Bà Nà Hill, cáp treo, Đà Nẵng…

Tôi nhớ nhất có lần ở nhà chị Lai, tôi nằm giữa Cô và chị Huyền. Đêm đó cúp điện, mà trời Sài Gòn thì nóng lẫn oi bức, nhưng tôi vẫn ngủ ngon lành dưới gió từ tay quạt của Cô suốt đêm.

Rồi Cô trên đường thăm mộ sui gia đã ghé thăm nhà tôi mới mua ở Hóc Môn, Cô thấy tôi nằm dưới đất với cái nệm mỏng dính, còn bị chó cắn rách te tua. Cô nghe Lân con trai chị Lai khen nệm Thái Lan dày hai tất, đặc biệt làm bằng cao su non, bên trong có nước, nên mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Cô liền nhờ Lân mua cho tôi một cái, để tôi đêm nào cũng được ngủ ngon, mát về mùa hè như có Cô quạt, ấm ấp vào mùa đông như có vòng tay ôm thương yêu của Cô, làm tôi mỗi khi đi ngủ đều nhớ Cô muốn ứa nước mắt.

Đáng kể nhất là đi nước ngoài. Cháu nào cũng được đến Úc ở với gia đình Cô một thời gian, mà ai nấy đều gọi là CHỐN THIÊN ĐƯỜNG, bởi vì khi trở về Việt Nam, vừa xuống khỏi máy bay là không còn thấy lịch sự nhường nhau, xách giùm đồ đạc, mà là chen chúc, chụp giựt giành khách lên xe, khí hậu nóng bức, đầy bụi bặm ngột ngạt của Sài Gòn… tưởng chừng như vừa rớt xuống địa ngục!

Thế là Cô tôi đã hơn 100 tuổi rồi! Chuẩn bị ăn mừng thượng thọ 101 tuổi. Cuộc đời Cô tôi đầy đủ PHÚC, LỘC , THỌ, con cháu đầy đàn, ai cũng công thành danh toại rất vẻ vang, đều được bà con thân hữu gần xa, từ trong đến ngoài nước đều thương yêu nể phục để viết nên một trang sách đẹp.

CHÚC MỪNG SINH NHẬT CÔ THỨ 101 VUI VẺ, AN LÀNH, HẠNH PHÚC.

Hóc Môn 23122013

THÂN THỊ VÂN HÀ

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác