THOÁT TRẬN MẠC HIỂM YẾU NHỜ VĂN CHƯƠNG

Ngày đăng: 28/09/2023 10:10:55 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Đôi khi cứ tưởng văn chương là vô dụng (trừ những người kiếm sống được nhờ văn chương- số này chỉ đếm trên đầu ngón tay). Số còn lại viết để giải tỏa cảm xúc, viết do sự thúc bách bên trong. Viết văn, làm thơ như bị trời đày.  Nhưng cũng có người nhờ văn chương mà thoát được nguy nan. Có người nhờ văn chương mà cưới được vợ.

Trường hợp nhờ văn chương mà thoát bị rơi vào nơi hiểm yếu trận mạc đó là nhà thơ Trần Dzạ Lữ- Anh cũng là một nhà thơ có tiếng nói phản chiến trong thơ rất mạnh mẽ. Anh sinh trưởng tại Huế. Học Trường Nguyễn Tri Phương. Đến cuối năm lớp đệ tam (lớp 10), Tết Mậu Thân 1968, đang học dở dang thì có tổ chức động viên lên rừng sung vào lính. Nhưng anh không muốn cầm súng bắn ai nên trốn vào Đà Nẵng để học tiếp. Tại đây anh đã thi và lấy được bằng tú tài I. Thi tú tài II không may bị rớt. Trong hoàn cảnh chiến sự, trốn chui trốn lũi vậy làm sao yên mà học, nên đậu được bằng tú tài I kể ra cũng OK rồi! Tại Đà Nẵng anh cũng không thoát lính. Anh bị bắt đi quân dịch, tập trung huấn luyện ở Hòa Cầm (Quảng Nam) để tham gia chiến đấu ở mặt trận Thường Đức (Quảng Nam). Hai tháng sau, thì Tạp chí VĂN là một tạp chí văn học nghệ thuật ở miền Nam, nổi tiếng thời bấy giờ đưa tin là: Trần Dzạ Lữ bị bắt đi đào tạo quân dịch để chuẩn bị đi Thường Đức mà mặt trận Thường Đức ác liệt lắm đi là chết chắc. Mấy ai trở về. Dù vẫn biết “chiến tranh không phải trò đùa”, và “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Chả thế mà người mẹ của nhà thơ Trần Đăng Khoa ở tận miền Bắc xa xôi, mỗi lần nghe tiếng bom rơi, đạn nổ bà cũng bàng hoàng thốt lên rằng : ôi chiến tranh! thớt trên mòn thì thớt dưới cũng mòn. Bà ví chiến tranh như cái cối xay. Quả là đúng là cái cối xay thịt- người nông dân hiền lương dùng cách ví von thật cụ thể, hình tượng và dễ hiểu.

Mặt trận nào cũng tang thương, chết chóc, bên nào cũng đổ máu, nhưng mặt trận Thường Đức ai cũng phải rùng mình vì sự khốc liệt của nó.

Nghe tin, nhà văn, trung tá Duy Lam (Cháu nhà văn Nhất Linh) đích thân lái xe jeep lên tận nơi huấn luyện bốc Trần Dzạ Lữ về đợn vị làm lính cậu ở tiểu đoàn truyền tin, chuyên viết bài. Làm phóng viên chiến trường của Quân Đoàn 1 cho các mặt trận đường 9 Khe Sanh, Hạ Lào, Sau chiến dịch mùa hè đỏ lửa Quảng Trị năm 1972 anh xin giải ngũ nhưng không được chấp thuận. Năm 1973 anh đành nộp bằng tú tài xin vào học ở trường sĩ quan Thủ Đức. Đào tạo 9 tháng thì ra trường với lon chuẩn uý (có chứng minh văn nghệ sĩ, văn bằng quản thủ thư viện do Hội Việt Mỹ cấp). Rồi anh được bổ nhiệm về Tiểu đoàn 413 địa phương quân Kiến Hòa . Kiến Hòa (Bến Tre) lúc này cũng không kém phần ác liệt! Nhưng như vậy cũng xem như hên thêm lần nữa. Dù sao thì ở địa phương quân vẫn đỡ hơn vào quân đội chính quy sẽ phải đối diện với rũi ro của chiến tranh nhiều hơn. Tuy vậy, cuối năm 1974, trong một lần đụng độ, anh bị một một trái 82 hất văng 3 thước. Tưởng chết! May là chỉ một mảnh nhỏ ghim vào phổi, được trực thăng đưa về chữa trị tại bệnh viện Cần Thơ. Thoát chết, thế cũng là may mắn!

Một năm rưỡi thì thống nhất đất nước (1975). Anh thuộc quân đội bên thua cuộc phải đi học tập…nhưng anh chỉ đi học tập chính sách ở Sài Gòn 15 ngày sau đó về làm ăn sinh sống cho tới ngày nay. Tuy nhiên trong cái rủi vẫn có cái may, trong cái may vẫn có cái rũi. Vì chính sách tiền lương dành cho địa phương quân thanh toán chậm chứ không được như quân đội chính quy. Nên sau 1975 anh bị mất trắng một số tiền lớn lương sĩ quan truy lãnh 1,5 năm chưa kịp lãnh. Thế là về tay trắng bầm dập kiếm sống qua ngày. Nhưng bù lại thì anh yên hoàn hoan hỉ, xem như chỉ bị trầy xước nhẹ vì chiến tranh. Chỉ mỗi tội tay trắng về vườn.

Cuối năm 1975 anh kết hôn với chị- người con gái Sài Thành- chị học ĐH Triết Vạn Hạnh, hiền lành dễ thương, sinh cho anh một đứa con gái và chị đã cùng anh đi qua bao thăng trầm dâu bể. Sau khi cưới, anh đưa vợ về Huế nhưng công việc làm ăn không thuận lợi nên năm 1977 anh vào lại Sài Gòn lúc này con gái đã được 2 tuổi. Anh cùng chị bán rau muống ở chợ rồi sau đó xin giữ xe ở chợ Trần Hữu Trang trong 10 năm.

Tại đây anh đã có bài thơ hay. Nếu chọn hai câu thơ hay nhất trong đời thơ Trần Dzạ Lữ: Tôi sẽ chọn hai câu này: “Mười năm ở chợ không tri kỷ

Ta đứng thu thân một nỗi buồn” .

Hai câu thơ đầy hình tượng và có tính khái quát cao. Nói về nỗi buồn của hoàn cảnh, nỗi buồn của thi nhân trong cảnh vật vã mưu sinh và những ẩn ức chỉ có thể giải bày qua thơ.

Trần Dzạ Lữ sinh ra là để làm thơ nên chưa bao giờ anh từ bỏ. Lúc vui, lúc buồn vẫn “vịn câu thơ mà đứng dậy” (Phùng Quán). Anh cũng có viết ký, tản văn nhưng thơ chiếm ưu thế. Như chúng ta đã biết Trần Dzạ Lữ là bút danh quen thuộc với bạn đọc miền Nam từ những 60-70 của thế kỷ trước, trên nhiều tạp chí tên tuổi của nền Văn Học Miền Năm trước 1975. Dù thơ văn không giúp anh no cơm ấm cật nhưng anh vẫn say mê với thơ, chưa bao giờ anh nghỉ thôi làm thơ, nay cũng vậy, tuy cũng có thời gian ngưng đọng không viết, chỉ là lắng lại vài nốt trầm rồi mạch nguồn thơ lại âm ỷ cháy như chưa bao giờ vơi cạn cho đến tận bây giờ.

Người vợ tào khang của anh đã về miền mây trắng, anh nay bước vào hàng thất thập, vẫn yêu thơ, vẫn sáng tác đều những vần thơ tình nồng nàn không tuổi và “nằm yên dưới mái nhà” ở một vùng quê yên bình của TP Bà Rịa.

Sài Gòn, ngày 23/9/2023

Hoàng Thị Bích Hà

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác