BÙI THANH QUA CÁI NHÌN CỦA ĐỒNG NGHIỆP
Bùi Thanh là nhà báo nổi tiếng một thời của báo Tuổi Trẻ, tự nhận là người làm báo bị nhiều kỷ luật hơn khen thưởng, nhưng cuộc đời của anh ít ai biết. Giờ đây anh nghỉ hưu, nhiều người viết về anh, sẳn đây chia sẻ lại bài của Nguyễn Quốc Việt, một PV Tuoi trẻ với các bạn nào cần biêt về một nhà báo đáng trân trọng và ngưỡng mộ (LM)
Tôi nhớ một tối đầu năm 2001, lần đầu ngồi uống bia hơi với anh Bùi Thanh ở vỉa hè Hà Nội. Lúc ấy, anh đang là trưởng văn phòng báo Tuổi Trẻ, còn tôi chỉ “binh nhì tác chiến” chuyên đeo ba lô lang thang đi viết phóng sự đường xa. Trà dư tửu hậu, anh hỏi tôi có nghe chuyện bài học nghề nghiệp về nhà báo Mỹ viết tử tù?
NB Bùi Thanh ( áo trắng ) ảnh của Hoàng Trí Dũng
Chuyện dài nhưng tóm ý là nhà báo này đã nhập vai đến mức … sợ tè ra quần. Khi anh ta xin phỏng vấn tử tù, giám thị nói muốn hiểu tận cùng người lên ghế điện thì cần phải vào đó ở thật sự. Thế là, tay nhà báo “nhập buồng tử” để trải nghiệm. Và tất nhiên, việc trái quy định này phải giữ bí mật, chỉ mỗi nhà báo và giám thị được biết …
Một sáng sớm, anh ta đang ngủ thì giật mình vì tiếng mở cửa và thấy đội thi hành án vào làm thủ tục đưa tử tù lên ghế điện.
Gã nhà báo ban đầu cho rằng nhầm lẫn. Viên đội trưởng trả lời cứng rắn không nhầm lẫn nào ở khu biệt giam tử tù này và phạm nhân nên tranh thủ những phút cuối viết thư về gia đình.
Gã nhà báo vẫn khăng khăng bị nhầm lẫn và xin gặp giám thị để chứng minh thân phận nhà báo. Đội trưởng lại nói rất tiếc là ông ấy đã qua đời vì đột quỵ, và yêu cầu đội thi hành án hoàn tất thủ tục do đã đến giờ lên ghế điện.
Tới mức này thì gã nhà báo hồn vía bay mất sạch, sợ tè vãi ra quần. Bỗng bất ngờ viên giám thị xuất hiện hỏi: “Thế nào, ông ký giả đã đủ hiểu cảm giác chuẩn bị lên ghế điện chưa?”.
Nội dung câu chuyện có lẽ đã được “văn vẻ” thêm nhiều, nhưng tôi hiểu ý anh Bùi Thanh muốn nhắc anh em viết báo, đặc biệt là phóng sự phải đến cùng sự việc, nếu nhập vai thì nhập thật sự chứ không phải phớt lớt để bấm được vài tấm hình kiểu “tôi có mặt”.
Là đồng nghiệp với anh Bùi Thanh hơn 20 năm, có lúc thật gần như anh em khề khà ly bia, có lúc cách biệt vì vị trí sếp – lính và tính anh cũng ít nói, nhưng tôi đã phần nào trải đủ buồn – vui, thân mật lẫn bực bội với anh.
Có lần anh nói “tao rất giận mày” vì đi dọc cả đường Trường Sơn mà chỉ gửi bài về Tuổi Trẻ Chủ Nhật, không chịu viết thêm cho nhật báo. Có lần anh đã chấm chữ C to tướng vào báo cáo tuần của tôi mà chẳng thèm ghi một chữ vì sao.
Tuy nhiên, sau đó cũng chính anh ở vị trí Tổng thư ký đã đề nghị khen thưởng loạt hồ sơ tôi viết Hải đội Hoàng Sa tới mức 200%, rồi loạt tôi viết về thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và pháo đài thép trấn giữ Trường Sa là chiếc tàu HQ 505 cũng chính anh gọi điện khen có lối viết riêng, nhiều thông tin, cảm xúc.
Nhưng có lẽ, nhớ nhất là lần anh biên tập hồ sơ Giải mật cái chết Nguyễn Thái Bình. Bài thứ nhất vừa đăng lên được vài tiếng, anh đã gọi điện “bài mày đang bị 5 cơ quan yêu cầu “xử”, có cả từ trung ương”. Tuy nhiên, anh không hề mất bình tĩnh, loạt bài vẫn đăng đầy đủ và sau đó nội dung đã được hiểu rõ ràng, khách quan.
Chuyện kỷ niệm về anh Bùi Thanh thì nhiều quá, rất nhiều, làm sao kể hết được. Tôi đã khuyên anh viết hồi ký. Chuyện đời nghề làm nội dung ở báo Tuổi Trẻ có lẽ không ai xứng đáng để viết hồi ký hơn anh.
Sáng nay, dự cuộc họp BBT báo Tuổi Trẻ trao quyết định cho anh nghỉ hưu, tôi lại nghèn nghẹn khi nghe anh nói đời nghề làm báo của anh nhận kỷ luật nhiều hơn khen thưởng. Sự nghèn nghẹn không phải vì thương cảm, mà thấu hiểu lời anh nhắc nhở sứ mệnh cao nhất của nhà báo.
Chia tay anh Bùi Thanh, tôi tần ngần không biết nói lời gì cho đủ ý. Có lẽ chỉ xin lời ngắn này: Anh về nghỉ ngơi nhưng tinh thần làm báo của anh thì vẫn còn ở lại cùng Tuổi Trẻ. Bởi từ lâu anh đã một trong những trụ cột quan trọng của tờ báo rồi.
Một con người, một tinh thần làm báo đúng nghĩa rực lửa, vì sự thật và bạn đọc.
NGUYỄN QUỐC VIỆT