CHÙA LÁ – ngày nay và TRƯỜNG TIỂU HỌC XÓM CHÙA ngày xưa
Anh bạn nhà báo Minh Lương vừa gửi tôi quyển tập san “Vu Lan – Mùa Hiếu Hạnh” của nhóm Thiện Nhơn, Chùa Lá – Gò Vấp, TP.HCM. Tập san in đẹp, bìa màu, giấy blanc fin thật tốt. Thoạt đầu tôi nghĩ nội dung chắc cũng “thường thường” thôi như nhiều tập san khác, nhưng khi đọc các bài viết tôi phát hiện nhiều bài thật hay! Chỉ tiếc là tôi không quen tên một tác giả nào ngoài anh bạn nhà báo! Bên cạnh những bài văn – thơ, qua tập san tôi còn được biết nhà chùa dành gần hết diện tích khiêm tốn của mình để mở một Trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí (tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn, Pháp, Đức) do nhóm Thiện Nhơn điều hành. Ngoài ra thỉnh thoảng chùa còn mời các văn nghệ sĩ đến giao lưu với sinh viên, học sinh và dạy cho họ về thư họa, thanh nhạc…
Được biết thầy trụ trì Thích Nhuận Tâm bắt đầu cất chùa từ năm 1995 bên rạch Tham Lương, phường 14, quận Gò Vấp, gần Chợ Cầu. Ngôi chùa nhỏ đơn sơ lúc đầu được dựng bằng tranh, tre, nứa, lá… đến nay cũng chẳng to lớn “hoành tráng” gì hơn xưa bao nhiêu như nhiều chùa khác… nên người dân vẫn quen gọi tên là Chùa Lá!
Ngoài chức năng thờ và hướng dẫn tu Phật, ban đầu thầy trụ trì còn mở tại chùa những lớp học tình thương xóa nạn mù chữ cho người thất học. Đến năm 2010 các lớp học tình thương này trở thành Trung tâm ngoại ngữ Thiện Nhơn miễn phí cho tất cả sinh viên học sinh và người lao động!
Đọc các bài viết về các lớp học miễn phí “nương cửa chùa” trong tập san, tôi rất cảm xúc và nhớ lại một ngôi trường tiểu học ngày xưa, được hình thành nhờ lòng quảng đại của một số tu sĩ. Đó là trường Tiểu học tại khu vực Xóm Chùa gần con kênh Nhiêu Lộc trong vùng Tân Định, Đa Kao của Sài Gòn cũ. Tôi biết trường này vì đã có một thời gian ngắn cùng vài bạn sinh viên tham gia hướng dẫn các em học sinh của trường một số giờ sinh hoạt ca hát.
Dưới đây là trích đoạn một bài tôi viết về sự hình thành “khá đặc biệt” của ngôi trường này, in trong tập san quay ronéo của lớp sinh viên y khoa Sài Gòn 68-75 ấn hành năm 1971.
“… Ngôi trường không lớn có hai tầng lầu, được xây ở đoạn cuối của một con ngõ hẹp đi vào một khoảng đất bồi trên bờ sông. Không biết từ lúc nào một ngôi chùa nhỏ được dựng lên trên vùng đất bồi còn sình lầy. Rồi chẳng bao lâu, khu đất vô chủ này nhanh chóng trở thành nơi chiếm ngụ lý tưởng cho những người vùng quê có chiến tranh, chán ngán cảnh ruộng vườn chịu đựng bom đạn, bỏ làng mạc tìm lên đô thành làm lại cuộc đời, không có tiền mua đất nên cất nhà gần chùa để ở. Thế là hình thành địa danh khu vực Xóm Chùa, phát triển nhanh chóng và rộng dần ra theo cường độ chiến tranh. Theo lời chị Kim Dung, một thanh niên tình nguyện phụng sự xã hội, lúc này Xóm Chùa đã có hơn hai ngàn dân, hai ngôi chùa, một nhà thờ… và một trường tiểu học.
Đó là Trường Tiểu Học Xóm Chùa với lịch sử thành lập khá ly kỳ mà tôi cảm thấy cần phải ghi ra đây bằng sự cảm xúc chân thành đối với những tấm lòng quảng đại đã vượt ra ngoài sự kỳ thị tôn giáo và lòng vị kỷ để cùng nghĩ về và cùng chung tay xây dựng cho những mái đầu trẻ thơ trót sinh ra trong một khu xóm tự phát, nghèo nàn của một thành phố cũng đang xô bồ phát triển trong thời chiến.
Cũng theo lời chị Kim Dung, lịch sử hình thành ngôi trường bắt đầu trước đấy mười năm, vào một đêm giáng sinh, khi vị Tổng Giám Mục địa phận Lyon (Pháp) sang Việt Nam và ngụ tại ngôi giáo đường nhỏ độc nhất trong Xóm Chùa. Trong buổi tối đó đức cha nhận được một thiệp mừng giáng sinh gửi đến từ vị sư trụ trì ngôi chùa đối diện. Sáng hôm sau ngài nhờ cha sở hướng dẩn sang bên chùa đáp lễ. Câu chuyện hàn huyên của hai nhà tu hành diễn tiến như thế nào không rõ, chỉ biết là sau đó nhà sư đã dốc lòng vận động thành lập một ngôi trường tiểu học trong xóm trong khi vị tổng giám mục trở về nước mở cuộc lạc quyên rộng lớn tại Pháp và Tây Ban Nha với khẩu hiệu “Mỗi người một đồng cho một ngôi trường tiểu học tại một vùng nghèo nàn xa xôi”. Hai năm sau ngài gửi một số tiền về ban vận động của chùa. Nhà sư đem hết số tiền sang nhờ nhà thờ lo việc xây cất trường. Khi hoàn thành xong phần kiến trúc, cha sở giao lại cho nhà sư lo phần tổ chức, quản trị nhà trường. Một vị đại đức được cử làm hiệu trưởng. Thành phần giảng dạy ban đầu gồm các dì phước, các sư huynh (Công Giáo), các tăng ni (Phật Giáo) và một số người thiện chí trẻ tuổi… ”
Đó là chuyện cách nay hơn năm mươi năm rồi, nghe như chuyện cổ tích! Bây giờ ngồi đọc quyển tập san của nhóm Thiện Nhơn, Chùa Lá và các bài viết về các lớp học miễn phí của chùa… tôi thấy vui!
BS.KHƯƠNG TRỌNG SỬU
Thuong tọa Thích Nhuận Tâm & Lương Minh