Phố vắng chữ thương

Ngày đăng: 17/08/2023 10:55:23 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Tối muộn người bạn nghệ nhân trẻ nhắn tin cụ Ngộ đã miên di về cõi ngàn thương. Tôi thoáng chút hút hẫng. Những ai ở thành phố này, hoặc chí ít đã đến với thành phố này đều biết ở Bưu điện Trung tâm TPHCM có ông cụ ngồi viết thư tay xuyên hai thế kỉ. Hình ảnh cái bàn gỗ bên góc phải của Bưu điện với ông cụ cần mẫn giấy bút, kính lúp, và cuốn từ điển luôn cuốn hút bất cứ người nào ghé đến tham quan. Lắm khi họ bu đông quanh ông chỉ để lưu lại những cảm xúc đẹp với ông cụ duy nhất còn sót lại trong 6 người làm nghề này tại TPHCM.

Phố xá thị thành hối hả nhịp hiện đại, ngỡ như email sẽ thay dần thư tay, nhưng may thay vẫn có những con chữ thương quý này gìn giữ một điều gì đó cũ càng nhưng đầy tử tế. Ba chục năm trời, con chữ của ông đã chuyên chở những niềm thương nỗi nhớ cho bao thân phận chia cách, ly hương, bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh. Cũng ngần ấy năm của thăng trầm lịch sử thành phố này, người đàn ông ấy kết nối được những mối thâm tình tưởng chừng khác biệt ngôn ngữ sẽ chẳng thể giữ lấy. Nhiều lắm những thương yêu từ con chữ của ông đã khiến cho Sài thành thêm một nét đẹp trong cái nhìn của nhiều bè bạn quốc tế. Họ đến và trầm trồ thán phục. Mãi tận chín mươi tuổi, ông cụ mới chịu ngừng con chữ yêu thương của mình lại.

Thoảng khi tôi vẫn hay ghé ngang Bưu điện có thể nói là biểu tượng của TPHCM này trong những ngày cuối tuần ruổi rong với phố. Lần nào cũng ngó nhìn cái chỗ ngồi thân quen đó. Trong lòng thầm nghĩ chắc ông giờ đã an vui cùng cháu con. Nhưng có lần, góc quen ấy xôn xao bởi sự xuất hiện của ông. Một tờ báo quốc tế tìm đến và viết về ông. Ông quay lại ngồi và cười hiền. Hôm đó, thị thành vào thu nên lá vàng xào xạc. Gió mơn man lên nụ cười móm mém hom hem. Người con ông bảo ông không khỏe nhiều nhưng mỗi khi nhắc đến việc được ra lại Bưu điện là ông rất vui. Có lẽ với ông góc bàn quen này là cuộc đời, là phần số cũng như là sứ mệnh. Ông chính là một điều gì đó mà mảnh đất này luôn nhắc nhớ. Một người cuối cùng sót lại, hay là một người chẳng thể nào quên. Giây phút đó, khi thấy vẫn rất nhiều người chờ đợi để được chụp cùng ông một tấm hình lưu niệm, tôi nghĩ ông chính là kí ức của họ và hơn nữa ông cũng chính là kí ức của phố thị này. Mảng kí ức suốt ba mươi năm qua người thành phố luôn ghi khắc trong nhiều điều mà người ta trót phải lòng với nơi này.

Sáng nay, có dịp ghé đến Đường Sách TPHCM, tôi vòng qua Bưu điện, ông bảo vệ già vốn dĩ là bạn đồng niên của ông viết thư tay đang đứng lừng khừng nơi góc bàn quen với bó cúc trắng. Trên cái bàn đó, vài bó hoa trắng cũng đã được đặt. Thành phố này dễ thương quá chừng. Thương như kiểu từ trong tâm khảm ruột rà thương ra. Thương bằng những điều nhỏ nhoi nhưng đong đầy sự kính trọng. Những bó hoa trắng có thể đến từ những người ông đã giúp họ chuyển tải chữ thương ngày xưa, hay cũng có khi từ những bạn bè làm chung, hoặc có thể là một người thành phố nào đó. Giữa liến xáo thị thành của ngày mưa lất phất, những bông hoa trắng chợt sáng ngần điều nghĩa nhân.

Đất này vẫn luôn tồn tại hai điều không thể tách rời. Đó là sự phát triển không ngừng của một đại đô thị bậc nhất nước, và sự tử tế với những cũ càng xưa xa của văn minh phố thị. Người viết thư tay cuối cùng đã đi, phố vắng chữ thương, nhưng kí ức thì còn mãi. Một nét đẹp văn hóa vẫn sẽ còn ghi dấu trong lòng muôn triệu người thị thành. Và hơn hết, tôi tin, sẽ luôn có những bó hoa trắng nơi góc bàn quen thuộc của Bưu điện này.

Tôi chọn cho mình một quán cà phê cóc gần Bưu điện ngồi nghe nắng mưa xuôi ngược thị thành. Lạ thay, câu chuyện sáng nay ở quán cà phê cóc vẫn là góc bàn quen và ông cụ viết thư tay. Mới hay ở thị thành này, mỗi một góc, dù nhỏ bao nhiêu cũng đều là góc nhớ.

Tống Phước Bảo

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác