Bổ túc thêm vài loại rau vườn .
Đọc bài nói chuyện về rau dại của SOS, anh Một Lúa lại nhớ về hồi ở quê của mình nên đã bổ túc thêm cho anh chị em được nhớ. Đây là một bài đọc vui nhưng chứa nhiều thông tin khoa học áp dụng cho đời sống hàng ngày (SOS)
Sau chiến tranh, bà con ở thành trở về ruộng vườn sâu, xa chợ. Có người đã biết dùng các loại rau vườn, có người không biết thì được láng giềng chỉ lại. Các loại rau lá ở vườn thường “ăn nên thuốc” (có tính dược). Không bổ bề ngang thì bổ bề dọc. Sau đây là kinh nghiệm dân gian, không phải là các phương thuốc Nam trị liệu.
Loại lá lớn dùng để cuốn bánh xèo bánh khọt có : lá cách vị hơi đắng , lợi gan. Đọt vừng, chiếc, săng máu, lá điều (họ mận), vị hơi chát , trị tiêu chảy. Riêng lá vừng chiếc trị sốt rét. Lá cát lồi vị chua, có chút chát, dùng cuốn bánh hoặc ăn như rau sống, củ của nó rất tốt cho gan thận.
Loại lá dùng như rau tươi trên dĩa các bàn ăn : lá bằng lăng nước Nam bộ, riêng lá già giúp giảm đường trong máu, vỏ cây có nhiều chất chát, trị tiêu chảy. Mã đề có tính năng chống sốt, lợi tiểu, giải độc. Lá non đinh lăng vị hơi đắng, ăn trị cảm sốt, hoặc dùng lá già xông hơi công dụng như nhau. Lá non sầu đâu, lá bứa, rau trai, rau diệu.
Ở thành phố chất liệu nấu chua tô canh thường là dùng me, dấm. Ở quê nấu canh chua bằng khế, xoài non, xắc lát, hoặc lá và trái búp dấm, lá dang hay nguyên ổ kiến vàng.
Khi bếp ga tiện dụng có mặt hầu hết trên bàn ăn mọi nhà và phong trào đủ loại lẫu lên đời. Thì người ta mới biết đến loại rau hoang dã mọc ở bờ bãi bưng biền như kèo nèo, tược non rau mác, hoa tím lục bình. Hương vị quê mùa “lên bàn” một lượt với sơn hào hải vị.
Tháng giêng, hai âm lịch, người ta bắt chuột, đào hang ếch trên những cánh đồng lớn. Có món thịt chuột hoặc thịt ếch bầm nhuyễn xào với lá cách xắt nhỏ, múc ra dĩa rắc lên đậu phộng rang giã nhỏ. Bây giờ chỉ còn mùi béo của thịt, mùi thơm của lá cách. Dĩa nầy ai không thích xin đừng dùng thử.
Lươn thì tháng nào cũng có, um với lá cách, lá bông mỏ quạ. Hoặc um với lá nhàu non, có tính thuốc giảm sốt, trị tiêu chảy, kiết lỵ. Các ông ăn nhiều một chút tráng dương bổ thận, quý cô nếu không chê thì nó giúp điều kinh.
Mùa nước nổi vùng Đồng Tháp, chỉ còn cây điên điển là mọc tươi tốt, nó ra bông vàng ươm trên biển nước, hẹn một lượt với bầy cá linh non từ Biển Hồ tràn xuống. Cho bà con những nồi canh chua tuyệt diệu. Hoặc những mẻ cá linh kho tương hột bên cạnh có rổ bông điên điển tươi, ăn cũng tạm quên đời.
Hồi xưa, tháng 11-12 âl, tôm càng xanh, cá chạch trên đồng xổ xuống đúng mùa bông so đũa. Phối hợp trong nồi canh chua trên mâm cơm tàm tạm chốn quê nghèo. Hoặc dĩa tôm kho tàu, dĩa cá chạch kho nghệ , hái bông so đũa luộc chấm, ăn với cơm gạo mới, đơn giản qua ngày.
Rau vườn, rau hoang dại còn rất nhiều, Một Lúa chỉ biết bao nhiêu đó.
Một Lúa
Cám ơn ah Một Lúa đã cung cấp một số thông tin về các loại rau trong đó có những loại rau nên bài thuốc, nhưng thú thực có những loại rau HH chưa biết bao giờ như lá săng máu, cát lồi, búp dấm và lá bông mỏ quạ.
Nghe tới bông điên điển là HH lại nghĩ đến Đồng Tháp mùa nước nổi. Nhớ có năm HH đi theo đoàn cứu trợ đến Đồng Tháp lúc mùa nước nổi, lần đầu tiên HH tận mắt thấy cây bông điên điển, bông điên điển vàng rộp hai bên đường thật đẹp.
Bài viết của anh Một Lúa gợi nhớ đên cảnh làng quê miền Tây ngày xưa, những món ăn đậm nét dân gian. Cám ơn anh đã cho HH hiểu thêm về cuộc sống làng quê ngày xưa, về các loại rau dân dã mà có lẽ cũng có một số người không biết như HH
Nếu về Tam Bình đúng dịp có bông so đũa tui sẽ phạt ông bạn già nầy 1 độ về tội nhắc tới món độc ! Nhưng bi giờ tui đi chợ, xem có những thứ nầy không, mua về nấu ăn cho bõ ghét !
Kính bác Cả,
Theo lời của mẹ con thì con phải gọi bác là cậu Cả mới đúng, nhưng xin thưa, đã quen miệng rồi.
Bác Cả ơi! con nghe mẹ con nói bây giờ ở Việt Nam lúc nào cũng có bông so đũa chứ không cần phải chờ đến mùa. Cho nên cậu Một Lúa về bất cứ lúc nào bác cũng ” phạt ” được hết, bác Cả đừng lo.
Bạn Một Lúa ơi, có 2 loại rau tôi không biết, là kèo nèo, Phi Rom gọi là cù nèo, và cây sầu đâu, có phải người Huế gọi là cây sầu đông (tôi có đọc quyển sách mưa trên cây sầu đông).
Bạn quên nhắc bông sún (hay bông súng?). Bạn có ăn cây chổi chà non không? (cây rán hay ráng?). Cây “bình định” (tai tượng).
Bạn Hoàng Hưng,
Mình nhớ tới đâu thì viết tới đó. Ở ruộng mà quên bông súng, hẹ nước, rau đắng đồng, rau dừa, rau muống đồng là một thiếu sót lớn. Cây rán, họ với rau choại có nhiều bạn khác nhắc rồi. Kèo nèo là tên gọi nguyên thủy và khoa học, tai tượng vì lá nó hơi giống hình thức tai voi, cù nèo cũng có thể do thân cọng suông có bông non trên đầu giống hình cây gậy. cây bình định xài lúc chiến tranh, vùng bưng biền, bờ bãi hoang vu chỉ có loài cây rau đó.
Thân chúc gia đình Hoàng Hưng và các bạn
Mùa Giáng Sinh an lành, tràn đầy ân phước. Năm Mới 2013 an khanh, thịnh vượng, hạnh phúc
Một Lúa
Anh Một Lúa ơi, ai dè anh biết được nhiều loại rau vườn ở thôn quê và tính dược của nó như vậy! Có một điều em thắc mắc là ở quê em không có bông điên điển, vậy muốn nấu canh chua hay kho tương hột với cá linh thì mình có Thế bông điên Điển bằng loại rau nào khác không?
@Anh Hoàng Hưng hỏi anh Một Lúa có ăn cây chổi chà non không? KO thì ngày xưa còn bé mẹ không có cho ăn cây chổi chà nhưng có cho “thưởng thức” loại “cây chổi lông gà”, không biết 2 loại này có “họ hàng” với nhau hay không, mà có vần giống nhau vậy? và không biết nó có ngon không? chỉ biết mỗi lần ăn xong phải “xức dầu” và “bỏ ăn” mấy ngày đó !!!khà khà ….
Kiều Oanh,
Lúa mà bù trất chuyện ruộng vườn thì có ngày thiên hạ đè xuống lột tên liệng mất. Bông điên điển cùng họ đậu với bông so đủa, tạm thế cho nhau. Còn cây mà KO lí lắc đòi thế chắc là còi cọc, bông trái lá hoa có đâu mà thế.
Một Lúa
NT nghe các huynh bàn qua bàn lại về rau rất là có nhiều điều đáng trân trọng và học hỏi quá hà , NT bầu huynh Một Luá là Đệ Nhất Rau đó , KO ơi , NT cũng hơi thắc mắc cái rau gì mà tên cây chổi chà non nghe lạ lắm , không biết huynh HHg nói chơi hay nói giởn mà là nói thiệt hả , còn em thông dịch là cây chổi chà , chị nghi anh HHg quá hà ! hi hi hi . NT cám ơn 2 huynh và em KO bàn lựng sôi nổi mà hấp dẫn !?
Một Lúa chân thành kính chúc các bạn và quý bạn đọc
Mùa Giáng Sinh an lành, vui tươi, sum họp
Trọn Năm Mới 2013 dồi dào sức khoẻ, gia đình hạnh phúc, tài lộc thịnh vượng.
Nguyễn Tuyết ơi, nói thiệt đó, cây rán (không biết viết có gờ hay không) nhiều người dùng bó chổi chà. HHg thấy có người hái đọt non luộc chấm mắm. Chưa có ăn thử nên không biết mùi vị như thế nào.
Bạn Hoàng hưng ơi, tôi phụ thêm ý với Một Lúa để rõ hơn: Bông súng có ( g ) là đúng, cây rán có (g ) hay không cần tìm hiểu thêm, trong ( VN Tân Từ điển/ Thanh Nghị và Từ Điển tiếng Việt xb 1995 ) không thấy, chưa có thì giờ tra cứu,thỉnh thoảng gặp vài bài viết chữ Rán này mình viết theo, chưa đủ tin cậy. bụi kèo nèo giống bụi rau mác, cọng đọt xớp mềm có cạnh ( khộng tròn ) mọc thẳng, màu trắng xanh ửng phớt tím hồng, ăn mắm và rau chung với các loại rau khác,hoặc ăn lẫu.Sầu đâu còn gọi sầu đông, xoan ( xoan rừng ) bông chùm,hoa nhuyễn màu tím, đọt non và hoa ăn được, đắng, có nơi coi nó là đặc sản ” hơi độc ” cọng lá tương tự đinh lăng màu xanh nhạt.Ở miền Bắc xưa quý thân cây dùng làm cột nhà.Sầu đâu có nhiều loại còn có tên ” sầu đâu cứt chuột” trái hình xoan bằng đầu ngón tay út màu vàng chanh, chín màu đen xám.