GIÁ CHÚNG TA GIỮ TÂY NGUYÊN NHƯ MỘT BHUTAN.
Tôi lên Tây Nguyên lần đầu năm 1950 và đến nay đã trải qua 66 năm gắn bó với mảnh đất này. Nơi đây không chỉ cứu sống và nuôi dưỡng tôi qua hai cuộc kháng chiến mà còn dạy tôi nhiều điều về minh triết trong cuộc sống. Tây Nguyên rất đặc biệt, nhưng cũng rất đáng lo. Tôi mong mọi người hãy nghĩ, hãy đến Tây Nguyên và làm gì đó để cứu mảnh đất này. Nói đến Tây Nguyên là nói đến rừng và làng. UNESCO đã rất tinh tế nhận ra khi công nhận di sản văn hóa thế giới của Tây Nguyên, không phải là cồng chiêng, cũng không phải là âm nhạc cồng chiêng, mà là không gian văn hóa cồng chiêng, tức không gian làng, với rừng của làng.
Rừng và làng chính là không gian văn hóa của Tây Nguyên. Không còn hai yêu tố này, sẽ không còn văn hóa Tây Nguyên, hoặc nếu có, cũng không còn là văn hóa thật.
Thế nhưng vấn đề quan trọng nhất hiện nay ở Tây Nguyên là sự đổ vỡ của các làng và rừng thì bị tàn phá.
Rừng tự nhiên đến nay đã không còn nữa. Một số bị thay thế bởi cây công nghiệp như cà phê, cao su. Người ta gọi những mảnh đất rộng trồng cao su là rừng cao su. Nhưng nói đến rừng là nói đến tính đa tầng, độ che phủ; là nói đến yếu tố giữ nước. Cao su, rễ cọc, không giữ nước được nên hiểu theo nghĩa tự nhiên, cao su không được gọi là rừng. Rừng tạp mất đi, độ che phủ không còn và rồi Tây Nguyên sẽ mọc lên những rừng gai thấp lúp xúp. Chúng ta sẽ để lại cho con cháu những rừng gai lúp xúp? Chúng ta có muốn như vậy không?
Để khôi phục rừng Tây Nguyên, chúng ta phải trồng lại rừng, tạo rừng đa tạp. Có người hỏi tôi mất bao lâu? Tôi cho rằng chúng ta phải thực hiện trong 100 năm. Gì mà nhiều vậy? Thử nghĩ xem, 41 năm qua, mình đã khai thác rừng cạn kiệt mà. Giờ phải kiên trì trồng lại, cắn răng mà làm và 100 năm là không nhiều. Nếu không có rừng thì không còn Tây Nguyên đâu.
Chúng ta cần phải cứu Tây Nguyên. Đây là một tấm gương về nông nghiệp sinh thái, phụng dưỡng đất đai. Tôi bảo người Tây Nguyên là những nông dân Mansanobu Fukuoka. Họ làm nông nghiệp giống hệt như người cha đẻ của « Cuộc cách mạng một cọng rơm », không hóa chất, không thuốc trừ sâu với phương pháp chọc tỉa. Người chồng đi trước, dùng cây gậy chọc xuống đất, người vợ theo sau, tỉa hạt rồi dùng chân lấp đất lại. Họ rất tin đất đủ sức mạnh nuôi cây trồng. Họ không làm lười đất bằng phân bón.
Trước đây, dân số Tây Nguyên không nhiều. Với đất nước, họ là dân tộc thiểu số nhưng trên mảnh đất Tây Nguyên, họ chính là đa số tuyệt đối. Mỗi gia đình có 10-20 rẫy. Mỗi rẫy họ trồng 3-4 năm, đất bạc màu thì chuyển qua rẫy khác. Lúc đầu chúng tôi gọi là luân canh, nhưng luân canh dễ gây hiểu nhầm rằng trồng cây này rồi chuyển sang cây khác. Do vậy, sau, chúng tôi gọi là luân khoảnh. Lưu ý, họ luân khoảnh chứ không du canh du cư như ta từng nghĩ.
Trong tư duy người Tây Nguyên, đất chính là rừng và rừng chính là đất. Đất rẫy là khoảnh đất mà con người ở đây mượn của rừng, làm rẫy, rồi trả lại cho rừng. Rừng mạnh lắm, sẽ lấn lại ngay. Người Kinh thấy rừng là gỗ, còn người dân tộc thấy rừng là Mẹ, là cội nguồn sự sống, là tôn trọng, là phụng dưỡng. Đây cũng chính là bài học tôn trọng tự nhiên và sống khiêm nhường giữa trời đất.
Sau năm 1975, chúng ta thực hiện một cuộc đại di dân và dân số Tây Nguyên tăng gấp 5,5 lần, đến nay người Kinh chiếm 80% dân số tại đây và người dân tộc, từ tuyệt đại đa số, trở thành thiểu số trên chính mảnh đất xưa nay họ sinh sống. Đi kèm với di dân là chính sách quốc hữu hóa đất đai. Người dân tộc mất đất, trước họ có 10-20 rẫy, nay còn một, làm một thời gian, bạc màu, đâu còn đất để luân khoảnh, họ bán rẻ lại cho người Kinh, thậm chí cho không qua một cuộc rượu. Người dân tộc mất đất, bị đẩy sâu vào rừng, rồi sinh ra phá rừng và bắt đầu du canh du cư. Cấu trúc làng xã bị phá vỡ. Rừng bị tàn phá.
Các tộc người Tây Nguyên cũng rất văn minh. Với họ, loạn luân được xem là tội nặng nhất vì làm ô uế tinh thần của làng. Họ đặt tinh thần cao hơn vật chất trong đời sống của họ. Như vậy không văn minh sao?
Họ có một nền văn minh rất đặc biệt mà người Kinh nên tôn trọng, học tập. Ngay từ năm 1937, hai anh em Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, qua tác phẩm Mọi Kontum đã viết, « Người Bahnar có những điều tốt hơn hơn chúng ta rất nhiều ».
Xin nói qua từ mọi. Lâu nay chúng ta hiểu sai từ mọi và càng sai khi dùng từ mọi rợ theo nghĩa khinh miệt để chỉ các tộc người Tây Nguyên.
Thật ra, từ mọi vốn ban đầu không hề có ý nghĩa xấu. Nó bắt nguồn từ từ tơmoi trong tiếng Bahnar, có nghĩa là khách đến thăm nhà mình; hoặc khách mời từ một làng khác đến; hoặc kẻ thù hoặc người ngoại quốc theo từ điển Bahnar – Pháp của Guilleminet. Những người phương Tây đầu tiên lên Tây Nguyên là các linh mục Thiên chúa giáo. Họ đến được vùng người Họ đến được vùng người Bahnar ở Kon Tum, lập xứ đạo Kon Tum, là xứ đạo Thiên chúa giáo đầu tiên tại đây, đến nay vẫn là xứ đạo Thiên chúa lớn nhất và quan trọng nhất ở Tây Nguyên. Bấy giờ những người Bahanr Kon Tum đến gặp các nhà truyền giáo thường xưng là tơmoi, là khách. Các nhà truyền giáo lại hiểu rằng đấy là họ tự giới thiệu tên tộc người của họ. Về sau dần dần tiền tố tơ bị rớt đi, còn lại moi, moi nghiễm nhiên trở thành tên gọi người bản địa. Người Pháp gọi là moi, người Việt gọi là mọi, hoàn toàn là một danh xưng.
Nói tiếp chuyện văn minh. Tôi lấy ví dụ về nghệ thuật. Trong nghệ thuật Tây Nguyên, tượng nhà mồ Tây Nguyên là những tác phẩm đẹp tuyệt vời. Họ làm rồi bỏ hoang và để mưa gió tàn phá.
Tôi từng thấy một bức tượng gỗ tuyệt đẹp. Hỏi dò thì biết một thanh niên kia làm. Trong chờ bữa rượu, tôi hỏi chàng thanh niên đó xem ở nhà còn bức tượng tương tự nào không. Đột nhiên anh ta nổi giận: « Nói tầm bậy ». Và những thanh niên trong xung quanh cũng bày tỏ thái độ như vậy.
Sau, tôi được anh Núp, một người bạn của tôi ở Tây Nguyên giải thích rằng với họ, làm nghệ thuật không phải để ngắm hay để bán mà làm vì có cái gì đó thôi thúc trong lòng, cần làm để bày tỏ lòng ngưỡng mộ với thần linh. Họ thăng hoa trong quá trình làm ra tác phẩm chứ không phải lúc tác phẩm hoàn thành.
Tôi chia sẻ điều này với một người bạn học nghệ thuật ở Frankfurt – Đức và cô rất ngạc nhiên bởi nó giống như quan điểm của nghệ thuật đương đại, tức nghệ thuật là con đường chứ không phải đích đến. Cô bạn lên Tây Nguyên khám phá rồi mời vị giáo sư của mình bên Đức sang. Vị giáo sư sang xong rồi lại dẫn cả lớp của ông ấy sang.
Sau năm 1975, giá như chúng ta dũng cảm giữ Tây Nguyên như một Bhutan thì thật tốt. Chúng ta sẽ có một tấm gương để học cách sống sao cho có hạnh phúc, sống thế nào để khiêm nhường với trời đất. Ngày xưa người nông dân không dám làm điều ác, họ sợ thất đức. Ngày ngay, xã hội không còn khái niệm về thất đức nữa. Người nông dân, những người bình thường nhất, đã không còn sợ cái ác, không còn sợ làm điều ác. Và đây là điều đáng sợ nhất. Con người, ở giữa đất trời, sống vô thần và không biết đến trời đất thì nguy hiểm quá.
Nay tôi đã 84 tuổi, tính tuổi ta thì 85. Những năm cuối đời, tôi sẽ viết để kể với mọi người về một nền văn minh ở Tây Nguyên, rằng chúng ta có một nền văn minh như thế. Tôi sẵn lòng đi chia sẻ để nói tất cả mọi điều về Tây Nguyên. Tôi mong khơi gợi trong các bạn lòng ham muốn hiểu về Tây Nguyên và tìm được người kế tục để sau cùng có thể cùng chung sức cứu được Tây Nguyên.
Nguyên Ngọc ( Theo Báo Pháp Luật 2016)