CHƠI VỚI THANH NHÂN THÌ THANH NHÂN CHO SÁCH

Ngày đăng: 25/02/2023 03:07:41 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đầu tuần đến  nhà Vũ Kim Lộc, nghệ nhân phục chế mủ mão quan vua các triều đại An Nam gần như độc nhứt, thì gặp tay Quách Thanh Nhân. Anh ta đem cuốn Nghệ thuật Minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX. Đây là sách chuyên khảo của Trần Minh Nhựt , giảng viên ĐH Hoa Sen, tặng cho Kim Lộc. Nhìn quyển sách đẹp, in màu, máu mê sách của tôi nổi lên nhưng nghía thử giá trên bìa sách thì bằng 5 ngày lương hưu của tôi, hơn nữa nó không nằm trong lãnh vực nghiên cứu của tôi, nên máu mê trong người tôi đã từ từ hạ xuống.

Trò chuyện với các tay nghiên cứu về mũ mão, tôi thấy kiến thức của họ về sử học có nhiều, nhất là nói về các sách liên quan đến triều Nguyễn. Ngạc nhiên nhất là Quách Thanh Nhân còn nhỏ tuổi (khoảng 40) mà nói đến sách gì Nhân cũng biết. Tôi hình dung sức đọc của Nhân phải là hàng ngàn quyển về các lãnh vực, từ đó tôi tò mò muốn đến nhà Nhân để xem tủ sách người bạn trẻ này.

Trên gác có một kho sách

Nhà Thanh Nhân trong phường Phú Thọ Hòa, không lớn  nhưng có nhiều phòng , đặc biệt là có gác. Vào ngay tầng trệt , tôi thấy không biết cơ man nào là sách, rất ít tủ kiếng trưng bày nhưng kệ sắt chữ V thì nhiều, kệ nào cũng chứa ba lớp sách, cao trên 2 mét,  sách để như một hiệu bán sách cũ ở đường Trần Nhân Tôn hay ở đường Trần Huy Liệu vậy. Thanh Nhân đưa tôi lên gác, lại cũng gặp sách ơi là sách. Phần trên gác có lẽ sách được chủ nhân đọc nhiều hơn do chỗ ngồi thuận tiện. Trên đây tôi thấy toàn sách Mỹ thuật, in trong nước có, ngoài nước có mà sách mỹ thuật thì có nhiều tranh của họa sĩ nhiều màu nên giá chót hiện nay cũng vài triệu đồng/ cuốn, chưa nói đến sách in ở nước ngoài như Anh, Pháp, có cả sách tiếng Hoa. Nhân cho biết, ngôi nhà mà anh ở là nhà thuê, quê anh ở Sóc Trăng, mỗi lần dời nhà là đem theo khối sách khổng lồ này theo, người đâu của đó. Tiền chuyên chở, bốc vát khối sách phải tốn gần bốn chục triệu đồng !

Với hàng chục ngàn quyển sách, tôi chỉ “cỡi ngựa xem hoa” trong vòng 2 giờ , khó mà đánh giá được tủ sách gồm có những loại nào, chủ nhân thích loại nào(?) Nhưng theo tôi nghĩ thì các nhà nghiên cứu tranh Việt, tranh nước ngoài gặp được tủ sách này thì sẽ mê thôi. Thanh Nhân có nhiều sách với nhiều ngôn ngữ, ấy vậy mà anh đọc được hết, nên biết ai nói trúng, ai nói sai trong nhận xét về thế giới Hội họa, về Thiền học, …

Ở tầng dưới , trong tủ kính tôi thấy có nhiều sách về tình dục của Ấn Độ như Kama Sutra, của Nhật Bản. .. toàn nguyên tác. Nhân cho biết, sách mua ở nước ngoài tốn rất nhiều tiền , nhưng đã mê rồi thì phải chịu. Tôi thường tự hào mình là người mê sách, nhưng cường độ mê của tôi so với Thanh Nhân chưa được một phần mười. Có lẽ vì thế mà tôi cảm thông với Nhân, tán đồng cho việc mua sách dài dài.

oOo

Sáng nay, tôi nhận được cú điện thoại của Nhân kêu chú ra đường sách để cháu tặng sách mới. Quyển Nghệ thuật Minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX được trao cho tôi. Tự dưng tôi nhớ đến bài hát Ông Trăng Xuống Chơi của Phạm Duy

Ông trăng xuống chơi câу cau thì cau sẽ cho mo
Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút
Ông trăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa
Lương Minh xuống chơi Thanh Nhân thì Thanh Nhân cho sách.

Ừ thì đến chơi thôi, lại được sách chứ mình có xin xỏ chi đâu !

Quà tặng tại đường sách

 Sách

Nhận được sách, cám ơn người bạn mới thế nên, dù biết tác giả sách là Trần Minh Nhựt nhưng tôi phải nói qua vài dòng, để thấy là có đọc sách, không phụ lòng người tặng.

Sách dày 264 trang khổ lớn  của Thạc sĩ  Trần Minh Nhựt, giảng viên khoa thiết kế – nghệ thuật trường Đại Học Hoa sen. Ông đã khai thác từ bộ tranh 54 bức của Họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, trong cuốn Grande Tenue de la Cour d’Annam được thực hiện năm 1902. Quyển này đã lôi cuốn tác giả nghiên cứu chuyên sâu, nhờ vậy mới có quyển Nghệ thuật Minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.

Tôi không dám lạm bàn nhiều để đọc giả tìm đọc và thấy cái hay của người xưa: Nguyễn Văn Nhân ( ? ) ký lục tòa khâm sứ Trung kỳ sống trước ta hai thế kỷ nhưng nét vẽ tỉ mĩ về nghệ thuật khiến ta phải suy nghĩ và công phu tìm tòi của người nay: Trần Minh Nhựt. Xin nói thêm, phần tìm lai lịch Nguyễn Văn Nhân trong sách cũng rất thú vị.

Hóc Môn 25/2/2023

LƯƠNG MINH

sách sử học

Sách kiến trúc đình chùa

sách Triết 

Ra đường sách để tặng sách

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác