THẦY VÀ TRÒ

Ngày đăng: 1/08/2022 10:43:50 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Trong hình số 1 chính là nhà toán học Hàn quốc, giáo sư June Huh nay đang làm việc tại đại học Princeton, Mỹ. Anh vừa nhận giải Field danh giá của ngành toán năm 2022. Và hình dưới là ân sư của anh, nhà Toán học lừng danh Nhật Bản Heisuke Hironaka. Ông cũng từng đoạt giải Field. Hai con người này rất có duyên phận với nhau khi cùng thành công trong Toán học. Nhưng xuất phát điểm của họ mới là đáng nói. Thày từng thi đại học mà chỉ là một trường bình thường ở quê thày ( Hirosima) và trượt thẳng cánh. Còn trò thì học Toán dốt tàn canh, từng nghĩ tới Toán là tìm mọi cách tránh cho nhanh. Vậy mà họ cuối cùng vẫn thành 2 nhà Toán học lừng lẫy thế giới.

Giáo sư June Huh

Chuyện bắt đầu từ cuộc gặp giữa hai thày trò khi trò đang là sinh viên của đại học Quốc gia Seoul. Khi đó thày đã trải qua nhiều thăng trầm, sau khi thi trượt đại học thì ráng cày và thi lại. Ai ngờ đậu luôn đại học Tokyo danh giá nhất nước Nhật, rồi trở thành giáo sư Toán lừng danh thế giới đoạt giải Field. Thày được Đại học quốc gia Seoul mời qua dạy Toán.

Trò hồi nhỏ học toán dốt tàn canh. Nghĩ tới toán là sợ chạy mất dép. Khi bố dạy kèm Toán cho con, bảo con làm bài tập thì ông con chỉ tìm cách chép sẵn đáp án rồi dán vào thành bài, do lười và dốt quá. Do đó anh chàng June Huh này tìm cách làm thơ và viết văn. Thậm chí đã viết cả 1 đống thơ luôn và tính bỏ học. Rồi may sao ráng học cho xong trung học và thi đậu vào Đại học quốc gia Seoul để học làm báo. Bữa đó thấy thày vào trường thì anh này bèn đi học dự thính theo thày một khóa. Mục tiêu là cố phỏng vấn cho được, để rồi đăng bài báo đầu tiên về thày.

Lớp ban đầu có cả trăm sinh viên, sau rụng hết chỉ còn một ít vì là môn học khó. Anh học trò thì vì muốn tiếp cận thày nhiều để viết bài báo, nên ngày nào cũng la cà ở lại chơi và ăn trưa cùng thày. Rồi nghe thày nói chuyện về Toán mà hiểu ít lắm. Tuy nhiên vì thày quá mê Toán và cũng quá giỏi, cuối cùng anh chàng ghét Toán kia từ từ thấy hóa ra Toán cũng hay lắm cơ. Hết bậc đại học, quên cả việc làm báo, anh ta thi vào học tiếp thạc sỹ Toán ở đại học quốc gia Seoul. Và sau đó, nhờ sự dìu dắt của thày, anh thi đậu để học lên tiến sĩ tại Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, Mỹ. Cũng là rất may mắn, là vì khi đó chỉ có mỗi một trường nhận. Các trường khác từ chối sạch bách.

Vì là dân ngoại đạo nhảy vào Toán, nên trò không theo thông lệ, trong khi các sinh viên khác bò ra học, anh chàng này chỉ nghĩ tới công trình mà thày còn đang dang dở nghiên cứu. Đó là áp dụng lý thuyết kỳ dị để nghiên cứu lý thuyết đồ thị. Cuối cùng trò tìm ra giả thuyết Read liên quan tới nghiên cứu của anh.

Nhà toán học Heisuke Hironaka (Nhật Bản)

Thế là anh đi thuyết trình về giả thuyết Read cho hàng trăm nhà toán học tại Mỹ. Rồi sau đó họ thừa nhận trò chính là một nhà Toán học xuất sắc. Đến thời điểm ấy, tài năng toán học của Huh đã bộc lộ rõ nét và được các nhà toán học nổi tiếng thế giới công nhận.

Thế là đại học Michigan sau đó mời học trò tới làm việc. Và kế tiếp, anh được mời vào làm giáo sư Toán tại đại học Princeton. Người thày nhận giải Field vào năm 1970. Người học trò nhận giải Field vào năm 2022.

Năm nay thày đã 91 tuổi còn trò 39 tuổi. Họ mãi mãi gắn bó thân thiết trong tình thày trò và tình yêu Toán học.

Câu chuyện thú vị này cho thấy không phải ban đầu thấy con mình dốt nát hay thi trượt đã là vấn đề nghiêm trọng. Có nhiều người không ngay lập tức thành công, mà có thể từ từ mới chín, như một trái cây chín muộn, nhưng đầy ngọt ngào.

Một điểm quan trọng nữa là tìm được một người thày giỏi là cả một may mắn lớn trong đời. Người thày giỏi như một ngọn đèn sáng, soi đường cho học trò đi tới thành công.

Nguyễn Thị Bích Hậu

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác