TIỄN XUÂN
Ngày đăng: 6/07/2022 09:00:28 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)
Hai ba tháng nay, chúng ta đã đón xuân, mừng xuân, chúc xuân, rồi… vui với nàng xuân. Đến nay thì Xuân đã sắp tàn, sắp hết, sắp tận rồi ! Thôi thì , ta hãy cùng nhau “Đưa Tiễn Nàng Xuân” nhé !
Kính mời tất cả cùng đọc 2 bài thơ Tiễn Xuân sau đây, một Ngũ Ngôn Tuyệt cú và một Thất Ngôn Tuyệt cú, đều là Tuyệt cú nên cũng đều rất tuyệt vời. Nào, ta hãy đọc bài Ngũ Ngôn Tuyệt Cú của THÔI LỖ trước nhé !
三月晦日送客 TAM NGUYỆT HỐI NHẬT TỐNG KHÁCH
野酌亂無巡, Dã chước loạn vô tuần,
送君兼送春。 Tống quân kiêm tống xuân.
明年春色至, Minh niên xuân sắc chí,
莫作未歸人。 Mạc tác vị quy nhân.
崔橹 Thôi Lỗ
* Chú Thích :
1. Hối 晦 : là Đêm 30 Âm lịch, trời tối đen như mực. “Tam nguyệt Hối nhật” là ngày 30 tháng 3, ngày cuối cùng của mùa Xuân.
2. Dã Chước 野酌 : DÃ là Đồng trống, phần đất ở ngoài khu phố, chợ. CHƯỚC :
Ta đọc trại thành Chuốc, là Chuốc rượu. “Dã chước” là Rót rượu mời nhau ngoài đồng trống bên đường khi đưa tiễn ai. DÃ CHƯỚC cũng có thể hiểu là “Tiệc rượu ngoài đồng trống”.
3. Loạn 亂 : Ở đây không có nghĩa là rối loạn, mà là Không theo Thứ Tự nào cả. Cứ rót rượu mời tràn.
4. Tuần 巡 : là Đi một vòng. Ví dụ : Đi Tuần là đi kiểm soát một vòng. Rượu mời giáp vòng là Một Tuần Rượu. VÔ TUẦN 無巡 là có Không Tuần Tự gì cả.
5. Mạc Tác 莫作 : MẠC là Đừng, TÁC là Làm, Mạc Tác là Đừng làm…
Mạc Tác còn có nghĩa : Đừng cho là…
Bản viết tay của Đỗ Chiêu Đức năm 1972
* Dịch nghĩa :
Ngày 30 tháng 3 đưa khách.
Chuốc rượu tiễn đưa nhau bên đường, nên cứ rót mời tràn lan, không theo tuần tự gì cả. Hôm nay, đưa tiễn anh đi mà cũng tiễn cả nàng xuân đi nữa !(Vì là ngầy cuối cùng của mùa xuân rồi!) Mà này, sang năm thì nàng xuân lại mang xuân sắc về nữa đấy nhé, mong rằng bạn đừng làm kẻ không về,(mà hãy về cùng với nàng xuân !).
Mượn việc tiễn bạn để tiễn xuân và mượn việc tiễn xuân để nhắn nhủ bạn là hãy trở về với nàng xuân trong năm tới, chớ đừng làm kẻ bằng bặc chân trời một đi không trở lại !…
Diễn nôm :
TAM NGUYỆT HỐI NHẬT TỐNG KHÁCH
Rượu chuốc loạn không tuần tự
Tiễn anh, tiễn cả xuân đi.
Sang năm nàng xuân lại đến,
Nhớ đừng làm kẻ không về !
Lục Bát :
Chén đưa loạn chẳng thành tuần
Tiễn anh, tiễn cả nàng xuân một bề
Sang năm xuân sắc lại về,
Xuân về, anh nhớ lại về với xuân !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Trên đây là bài “Tam nguyệt hối nhật tống KHÁCH” của Thôi Lỗ. Sau đây, Xin mời cùng thưởng thức bài “Tam nguyệt hối nhật tống XUÂN” của Giả Đảo, một thi nhân thuộc phái quái đản của đời Đường.
三月晦日送春 TAM NGUYỆT HỐI NHẬT TỐNG XUÂN
三月正當三十日, Tam nguyệt chính đang tam thập nhật,
春光別我苦吟身。 Xuân quang biệt ngã khổ ngâm thân.
共君今夜不須睡 , Cộng quân kim dạ bất tu thụy,
未到曉鐘猶是春。 Vị đáo hiểu chung do thị xuân.
賈島 Giả Đảo
* Chú thích :
– Chính Đang 正當 : là Vừa đúng lúc, ngay lúc, ngay khi.
– Xuân Quang 春光 : Ánh sáng của mùa xuân, chỉ chung thời tiết của mùa xuân và cũng là từ chỉ Mùa Xuân đó.
– Khổ Ngâm Thân 苦吟身 : là Cái thân KHỔ NGÂM nầy. Giả Đảo đã tự xưng mình như thế theo truyện kể sau đây :
GIẢ ĐẢO (779-843) , một thi nhân thuộc xu hướng Quái Đản đời Trung Đường, nỗi tiếng “khổ ngâm” với bài thơ “Đề Thi Hậu 題詩后”. Giả Đảo đã viết bốn câu như thế nầy :
Lưỡng cú tam niên đắc, 两句三年得,
Nhất ngâm song lệ lưu. 一吟双淚流.
Tri âm như bất thưởng , 知音如不賞,
Qui ngọa cố sơn thu ! 歸卧故山秋!
Có nghĩa :
Ba năm làm được hai câu ,
Ngâm lên xúc động lệ sầu chứa chan ,
Tri âm hờ hững chẳng màng ,
Về nằm núi cũ thu vàng từ đây !
Tương truyền lúc làm bài thơ “Đề Lý Ngưng U Cư 题李凝幽居”, khi viết đến 2 câu :
Điểu túc trì biên thọ, 鳥宿池邊樹,
Tăng XAO nguyệt hạ môn. 僧敲月下門.
… ông đã lưỡng lự mãi là không biết nên dùng từ XAO 敲 hay từ THÔI 推 cho câu thơ trên, vì…
“Tăng XAO 敲 nguyệt hạ môn” là : Nhà sư GÕ cửa dưới ánh trăng, còn…
“Tăng THÔI 推 nguyệt hạ môn” là : Nhà sư ĐẨY cửa dưới ánh trăng,
Sự thật thì “THÔI” hay “XAO” gì thì câu thơ trên vẫn hay, vẫn gợi hình và thi vị như thường, nhưng Giả Đảo lại cứ đắn đo mãi, không biết phải chọn chữ nào, ngồi trên lưng lừa mà cứ do dự ngẩn ngơ, tay phải cứ đưa lên làm động tác GÕ cửa, và tay trái lại làm động tác ĐẨY cửa. Mãi lo ra, đến nỗi con lừa xuýt chút nữa thì đâm vào đầu ngựa của Lại Bộ Thượng Thơ Hàn Dũ; một trong “Đường Tống bát Đại Gia” (là Tám người giỏi thơ văn nhất đời Đường ,Tống) Bị quân hầu bắt lại. Hàn Dũ hỏi rõ nguồn cơn, mới cả cười và khuyên ông nên chọn từ XAO để cho câu thơ thực tế gợi hình và thi vị hơn.
Vì điển tích nầy mà hình thành nên thành ngữ “Hà Tất THÔI XAO 何必推敲” Có nghĩa : “Sao lại phải Thôi Xao như thế !” Ý là : “Sao lại phải ĐẺO GỌT lời văn đến như thế”. Thường để chỉ những người ĐẺO GỌT lời văn một cách quá đáng, thì trong văn học cổ thường sử dụng Thành ngữ nêu trên. Sau này dùng rộng ra thì THÔI XAO có nghĩa là :”Cân Nhắc thật cẩn thận một sự việc nào đó”.
Vì những tích trên, nên Giả Đảo mới nổi tiếng là thi sĩ KHỔ NGÂM của thời Trung Đường.
– Bất Tu 不須 : là Không cần phải, là không nên, là đừng nên.
– Hiểu Chung 曉鐘 : là Chuông sớm, là Chuông chùa công phu lúc canh năm khi trời vừa rựng sáng.
* Dịch Nghĩa :
Tiễn Xuân ngày 30 tháng 3.
Hôm nay đúng vào ngày 30 tháng 3; ngày cuối cùng của mùa xuân nầy. Sáng sớm mai thì nàng xuân sẽ bỏ cái thân khổ ngâm của ta mà ra đi rồi. Thôi thì, cùng bạn đêm nay ta đừng nên ngủ nữa (mà hãy cùng nhau thức để tiễn nàng xuân đi) Vì khi chuông chùa chưa công phu để báo sáng thì vẫn hãy còn là mùa xuân đó mà !
Chưa thấy ai Tiễn Xuân mà tiễn đến giây phút cuối cùng như thế cả, chỉ có cái anh chàng khổ ngâm quái đản là Giả Đảo mới nghĩ đến làm cái việc “quái đản” nầy mà thôi !
* Diễn nôm :
TAM NGUYỆT HỐI NHẬT TỐNG XUÂN
Tháng ba vừa vặn ba mươi đúng,
Giả biệt xuân hồng thân khổ ngâm.
Cùng bạn đêm nay ta thức trắng
Chuông chưa điểm sáng hãy còn XUÂN !
Lục Bát :
Tháng ba vừa đúng ba mươi
Khổ ngâm giả biệt xuân tươi mõi mòn
Cùng anh thức suốt đêm tròn
Chuông Chùa chưa điểm vẫn còn là XUÂN !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Giã biệt NÀNG XUÂN Nhâm Dần 2022, hẹn gặp lại NÀNG XUÂN của Quý Mão 2023 !
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức