MÙA THU NẮNG KHÓC CỦA PHẠM ĐỨC MANH
“MÙA THU NẮNG KHÓC” là tập thơ mới cũng là tập thơ thứ 8 của bộ sưu tập thơ. Được biết nhà thơ đã ấp ủ trong lòng với những cảm xúc thương tiếc, mong nhớ quyện thành những chữ thơ để kính dâng hương hồn song thân đã khuất núi. Đặc biệt là nhân ngày giỗ của mẹ.
Tập thơ được đầu tư rất kỹ chăm chút từng ngôn từ, ý nghĩa từng câu thơ cũng như hình thức trình bày bìa tập thơ và từng trang viết bên trong. Tranh bìa của họa sĩ Đặng Can, ảnh người mẹ ngồi bên bờ sông quê, gam màu đẹp hài hòa, trang nhã, mỹ thuật Quốc Anh. Gồm 102 bài thơ in bằng giấy dầy màu sám khói nhạt cùng hoa văn. Sách dầy 160 trang, khổ 13,5 x 20,5. Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn cấp phép quý 2/2022.
Phạm Đức Mạnh là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, quê quán Xuân Trường, Nam Định, đã từng công tác ở Báo Pháp luật Việt Nam, Thời báo Tài chính Việt Nam và hiện thường trú tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh.
Người ta thường nói những người hành nghề viết báo lời văn khô vì phản ảnh nội dung về đời sống thực tế của xã hội. Nhưng với Phạm Đức Mạnh thì không khô chút nào, vẫn mượt mà theo cấu trúc vần, điệu, nhịp nhàng, có lúc thăng lúc trầm theo cảm xúc. Anh rất nghiêm khắc và sáng tạo, chọn lọc những mỹ từ pháp tỉ dụ, ẩn dụ, nhân cách hóa, so sánh, thay thế…đặt nét chấm phá ngôn từ, câu thơ trở nên mới hơn, lạ hơn, tạo cho người đọc ngẫm nghĩ rồi hiểu được ý của tác giả đã gởi gấm trong từng chữ thơ. Đối với anh, ngoài những người thân trong gia đình, thơ là người bạn đồng hành gần gũi, thân thương chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng những thăng trầm của cuộc đời trong phồn hoa đầy bất trắc và va chạm cư xử tình người.
Khi người ta trở về với thế giới bên kia, ai cũng ăn chén canh Mạnh Bà mà quên, không nhớ mình trước ở trần gian là ai và không biết ai là người thân của mình.
Cho nên ngày gia đình sum họp tưởng nhớ giỗ mẹ, không thắp hương thơm mời Mẹ, tác giả mời một vị khách vip mà tận chiều sâu cõi lòng mình luôn tôn kính, yêu thương, mong nhớ.
” Khách là… Mẹ
của chúng ta xa vắng
Ở bên kia thế giới vô thường “
…
” Mỗi năm Mẹ
chỉ một lần được nhớ
Gặp cháu con nơi thờ tự rồi đi “
Câu kết như mâm tiệc tàn thương tiếc, ngậm ngùi mà bất cứ ai trong chúng ta trót vay mượn làm người trong kiếp nhân sinh ở cõi ta bà không tránh khỏi bởi tất cả là vô thường. Mẹ có bao giờ muốn chứng kiến cảnh đau buồn con đứng tiễn đưa khi mình là người ra đi và các con cũng có bao giờ muốn xa mẹ. (Trích bài thơ ” Mẹ là khách “, trang 80 )
Tác giả cũng giống chúng ta khi còn nhỏ chỉ vô tư hồn nhiên, vui chơi đâu có bao giờ nghĩ biết đến những vất vả của mẹ hy sinh, dầm mưa dãy nắng lo cái ăn, cái mặc cho con đến trường hoặc những khi trở nắng trái trời không may con bị bệnh phải lo tiền thuốc, chăm sóc con mà quên đi giấc ngủ bẹo mời.
” Mẹ ơi ! Con quá sai rồi
Xưa con còn trẻ thi ngồi ghẹo trăng “
Nếu hai câu thơ trên thốt ra từ lòng tác giả lúc lên năm, lên sáu thì sau này đâu phải hối tiếc muộn màng. Đến khi trưởng thành tham gia quân đội, ngày vác ba lô lên đường thì chợt thốt biết cơ hội được gần bên mẹ để hiếu thảo, chăm sóc, yêu thương rất mong manh.
“ Cái ngày xa mẹ con đi
Đến miền bom đạn biết khi nào về “
Khi ở chiến trường giáp mặt với sự sống chết. Đêm nằm trăn trở, mặc cảm lỗi lầm, tự thân trách cứ như lời xin lỗi độc thoại nội tâm và mong mẹ nghe được tiếng lòng mình tha thứ. Nhưng có người mẹ nào hờn trách con, trái tim của mẹ luôn bao dung tha thứ.
“ Con sai cũng đã sai rồi
Thời gian lọm khọm mẹ ngồi đợi con
Sắc xuân chờ cũng héo mòn
Nỗi đau xưng tội…nếu con không về ! ” ( Trích bài thơ ” Con sai rồi “, trang 6 và 7 )
Khi mình biết sai thì cũng quá muộn trong hối tiếc bơ vơ, côi cút như chú gà con mất mẹ chim chíp gọi tìm dù đã biết nơi mẹ đến, nhưng vẫn hỏi với niềm an ủi tự thân, không tin và hy vọng mẹ còn ở đâu đó trên cõi trần này.
” Mẹ ơi – mẹ ở nơi đâu
Để con gọi mẹ trắng ngầu thời gian
…
Mẹ ơi – sao bỏ con đi
Khi con chưa đủ nghĩ suy thành người
…
Giờ đây con trở về nhà
Vắng tanh bóng mẹ, mắt nhòa nỗi đau
…
Có phải chăng chớm hoàng hôn, mặt trời lặn phía bên kia chân mây, ánh sáng tán xạ qua lớp mây mang hơi nước tạo ra màu đỏ ? Nhưng ở đây là màu đỏ không phải của mây mà là màu hoàng hôn trong đôi mắt mong nhớ thức trông, nhòa lệ của tác giả
” Mẹ ơi – mẹ vội đi đâu
Để con ngóng mẹ đỏ màu hoàng hôn…? ” trích ( Ôm đọt chuông chùa, trang 21)
Ngày xưa mỗi thứ từ cái đi, dáng ngủ, cái ăn cái mặc mẹ đều lo. Giờ không còn mẹ, ngồi kéo chỉ xỏ kim, công việc tỉ mỉ với bàn tay chai cứng phong trần, tuy công việc không nặng nhọc nhưng tác giả cảm thấy vụng về khó khăn mới biết thương mẹ với những vất vả làm mọi công việc ngoài đồng áng và trong nhà từ việc nặng nhọc đến nhỏ bé mà không hề than vản chỉ vì yêu thương con.
” Tôi ngồi vá áo cho tôi
Đường kim mũi chỉ bồi hồi nao nao
…
Con giờ mặc kiếp bơ vơ
Mảnh đời cũ rách xác xơ phai màu
…
Tim lòng nặng trĩu nỗi đau
Ngôi nhà không mẹ nát nhàu thời gian “, ( trích Tôi vá áo cho tôi, trang 20)
Khi còn nhỏ chơi nghịch bị cha phạt đòn, đánh 5 roi, lúc ấy chỉ biết đau òa khóc. Giờ trưởng thành, cha không còn nữa, tác giả tự cho mình còn nợ cha 5 roi. Không phải món nợ năm xưa mà giờ tác giả mong muốn, thèm khác được nằm sấp để cha đánh những ngọn roi yêu thương thời thơ ấu như tấm lòng hối tiếc hiếu thảo luôn mong muốn được sống vui vẻ bên cha mỗi ngày. Người ta thiếu nợ luôn mong trả cho xong, còn tác giả mơ ước món nợ từ những ngọn roi xưa mãi còn.
” Con nợ cha năm roi
Cả đời không trả được
…
Có bới tung trời người
Làm gì còn roi nhớ
Làm gì còn roi nợ
Để dành thành roi thương ! ? “
Tác giả đã trở về quê nhà, quỳ trước bàn thờ nói lời xin lỗi vì ngày xưa chỉ biết vui đùa cùng trăng, giờ không còn ham mê với trăng nữa mà hẹn lại kiếp sau cùng mẹ vui đùa với trăng.
“Ngõ thời gian mẹ đợi con
Mùa thu gió nhớ cũng mòn mỏi trông
…
Xa quê khổ lắm mẹ ơi
Hồn con xứ lạ chơi vơi một mình
…
Mẹ ơi ! Con đã về đây
Vườn thương nhớ Mẹ nắng gầy già nua
Đem trăng con gửi vào chùa
Kiếp sau gặp mẹ con đùa cùng trăng “, trích ( Ngõ thời gian mẹ đợi, trang 146.)
Tôi khép lại tập thơ nghẹn lòng ngùi buồn, nghe văng vẳng bên tai những lời thơ tác giả trải lòng về cuộc đời, sự hối lỗi, thương tiếc, nhớ mong song thân thật cảm động. Trang viết có hạn nên tôi không thể trích nhiều. Mong các bạn tìm mua tập thơ ” MÙA THU NẮNG KHÓC ” như mình đã giới thiệu.
HUỲNH DUY LỘC