DU LỊCH NGÀY XƯA KHÁC NGÀY NAY RA SAO?
Tôi chuyên đi du lịch khắp mọi nơi và du lịch cũng là sở thích khi về già, tuổi đã nghỉ ngơi. Do vậy khi nghe tin NXB Tổng hợp TP,HCM giới thiệu tác phẩm “Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo” do hai anh Võ Văn Thành và Trần Thành Trung sưu tầm, tại Thư quán Công viên Văn Lang, An Dương Vương, Quận 5, tôi liền đi ngay. Buổi giới thiệu do tác giả Võ Văn Thành cùng với Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến chủ trì rất hấp dẫn. Anh Phúc Tiến cho biết, sách đăng lại 25 bài du lịch, du khảo được lấy ra từ tờ Nam Kỳ tuần báo..
mà thời đó các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu Việt Nam đã có dịp đi chơi thấy được các vẻ đẹp của các vùng miền, trên cả nước và họ ghi chép lại đăng tải trên báo thời đó.
Nam Kỳ tuần báo ra đời khá muộn ở Nam Kỳ do Hồ Văn Trung tức nhà văn Hồ Biểu Chánh, làm Giám đốc, dưới sự bảo trợ của người Pháp. Dù tờ báo này in được 85 số rồi đình bản ( từ 1942 đến1944), nhưng cũng đã giới thiệu tới công chúng nhiều bài du lịch, du khảo của các tác giả đương thời. Những cây viết đó như: Vương Quý Lê, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Thị Tố Lan, Trúc Hà, Khuông Việt, Thiếu Sơn, Huỳnh Văn Chính,…
Những bài viết đó có thể kể đến những tác phẩm như: Những ngày dừng bước bên làng Tiên Điền – quê hương Nguyễn Du; và Ký gởi nắm xương tàn ngàn kiếp của Vương Quý Lê; Chuyện lạ xứ Lào của Khuông Việt (với các phần Giới thiệu xứ Lào, Vệ sanh và óc mê tín của người Lào, Một đám hỏa táng, Người Lào với ái tình); Chuyện xứ Chàm vì nước quên mình của Nguyễn Thị Tố Lan; Viếng Tây Đô của Thiếu Sơn.
Anh Phúc Tiến đánh giá cao bài của Khuông Việt như Hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa (đăng 19 số). Trong bài viết có đề cập về phương thức di chuyển qua các tỉnh thành như sau: “… Ròng rã hai mươi lăm ngày, chúng tôi hoàn toàn sống với tiền nhơn, cơ hồ quên cả đời hiện tại. Không xem báo, không để ý đến ngày giờ, mặc chiến tranh vang động khắp Đông Tây, thậm chí đến gia đình, chúng tôi cũng ít khi tường tin tức. Trải qua các tỉnh Cần Thơ, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long, Bến Tre, Mỹ Tho và Tân An, tấm lòng hiếu cổ của chúng tôi được thỏa mãn trước những đình, chùa miếu mộ, hùng vĩ nguy nga cũng có, bình dị điêu tàn cũng có, và những phong cảnh gấm vóc của non sông đất nước. Sự thỏa mãn ấy đã bù đắp lại bao nỗi nhọc nhằn vất vả. Di tích của người phần nhiều là những nơi thôn quê hẻo lánh, giữa bụi rậm, ruộng sâu, trên núi cao đồi vắng, xa đường thông thương thuận tiện… Muốn đến đó phải đi ghe, đi xuồng, đi xe máy và phần nhiều là đi chơn, ít khi được sung sướng ngả mình trên “băng” xe ngựa, xe “lôi” hoặc xe hơi, dầu là “băng” cây của những cái xe nhỏ chạy than thường hay nằm vạ giữa đồng…”
Bên cạnh những tác phẩm ghi nhận sự trải nghiệm các chứng tích, địa chỉ lịch sử – văn hoá một thời, khám phá địa chí, phong tục, lễ hội văn nghệ dân gian và dân tộc học là những hồi ức, kỷ niệm đẹp về tháng ngày ở trong nước và nước ngoài. Có thể kể đến các tác phẩm như: Đi coi vở tuồng “Chơn ái tình” của Trúc Hà; Ba lần đi xem hội chợ ở Sài Gòn của Thiếu Sơn; Chuyện lạ xứ Lào của Hoàng Tích Hoàn; Cao Miên du ký: Oudong của Trần Ngọc Lâu; Năm ấy ở Pháp tôi được ăn Tết một cách bất ngờ của Lê Văn Ngôn; Lệ Tết thầy hồi xưa của Nguyễn Hương Trà; Tết Paris năm ấy của Tây Đô Cát Sĩ… Nhưng bài viết gây tiếc nuối nhất là “Phóng sự về Thổ, Mèo, Mường, Mán và mọi ở miền thượng du Bắc Kỳ” mà theo lời tòa soạn là do tác giả bệnh nên không thực hiện tiếp được.
Nhìn chung, các tác phẩm trong sách Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo cung cấp nhiều kiến thức về địa chí, lịch sử, văn hóa, phong tục, dân tộc, dân gian, giúp người đọc ngày nay sống trong tâm thức “khảo cổ” và thực tại đời sống tinh thần dân tộc trong những năm đầu của thập niên 1940. Những tác giả này cũng thông qua bài viết để kêu gọi lòng yêu nước, bảo tồn văn hóa của nước nhà. Dù các bài báo được viết cách đây 80 năm, nhưng vẫn là những bài học nghiệp vụ hữu ích cho những người nhà báo, người làm công tác khảo cứu, văn hóa, du lịch… ngày nay.
PV đang phỏng vấn anh Võ văn Thành
Sau ba giờ đồng hồ trao đổi giữa diễn giả và đông đảo bạn đọc với những câu hỏi về du lịch, sử ký đều được tác giả Võ Văn Thành, một hướng dẫn viên lữ hành nhiều năm trả lời thỏa đáng và nhất là anh Trần Hữu Phúc Tiến, chuyên gia nghiên cứu về sử học, du lịch cung cấp nhiều kiến thức và vui nhất là gần như anh khuyến khích mọi người đi chơi trong nước, trong TP. Sài Gòn từ nhà cổ đến mộ cổ.
Tôi nghĩ, hôm nay mình bỏ ra một buổi nghe về những điều mình chưa biết, quả là không uổng vậy !
LƯƠNG MINH
Chuyên gia du lịch Phúc Tiến đang nói về sách
Đọc bài giới thiệu cuốn sách này rồi, lại rất muốn đọc nội dung những bài đăng trong ấy, một sắc nét văn hóa Việt Nam đáng được biết. Cảm ơn hai tác giả đã bỏ công sưu tầm.
Thu Vàng !phần nội dung sẽ tóm tắt lại giới thiệu sau.
Trong số các bài viết về du lịch có tác giả nào đi đến Long Xuyên chưa? nếu có xin nói rõ để tôi tìm đọc. cám ơn.
Trong bài: hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa của Khuông Việt có một chương nói về Long Xuyên (7 trang), sau đó tác giả đi Châu Đốc. Tác giả này đi hầu hết các tỉnh Cần thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tân An.. những nơi rất quen thuộc với chúng ta
Xin cho biết sách bán ở đâu? Giá một cuốn là bao nhiêu?
Sách dày 264 trang, giá bìa là 120.000 đ. Mới xuất bản tháng 4/2022 chắc còn nhiều ở các nhà sách. Anh có thể tìm mua ở nhà sach Vĩnh long.