Sự trở lại ấn tượng của Nguyễn Mạnh Tuấn
Sau bộ ba tiểu thuyết Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển, Cù Lao Tràm và nhiều tiểu thuyết đình đám khác, Nguyễn Mạnh Tuấn bất ngờ bẻ lái sang lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, với Đồng tiền xương máu, Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô… Anh được đánh giá là cây bút sung sức trong số những tác giả kịch bản phim truyền hình dài tập.
Năm 2021, Nguyễn Mạnh Tuấn xuất hiện trở lại với tiểu thuyết Linh ứng, dày 728 trang, Nhà xuất bản Dân Trí. Một cuốn sách đồ sộ đáng nể về độ dày và bút lực – một sự trở lại ấn tượng, trước hết là lao động nhà văn.
Linh ứng bắt đầu từ câu chuyện tìm người thân là anh ruột nhà văn – Nguyễn Minh Khôi, một liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là vết thương vẫn còn hằn sâu trong cơ thể dân tộc và hiển hiện trong mỗi gia đình dù chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm. Đó là sự nỗ lực kiếm tìm hài cốt liệt sĩ không mệt mỏi của Nhà nước và của hàng vạn gia đình có thân nhân ngã xuống, nằm lại một nơi nào đó trên chiến trường. Khi những nỗ lực hành chính qua tư liệu chiến tranh và sổ sách vô vọng, họ phải tìm đến thế giới tâm linh và những nhà ngoại cảm với năng lực đặc biệt, mà đến bây giờ khoa học thực chứng vẫn chưa thể giải thích.
Song, Linh ứng không chỉ là chuyện đi tìm hài cốt thân nhân liệt sĩ. Vượt lên trên dòng chảy thứ nhất, là dòng chảy thứ 2 – dòng chủ lưu của cuốn tiểu thuyết, những ký ức lịch sử, văn hóa về một thời non trẻ của cách mạng, cái buổi ban đầu của một chính thể, vừa bước ra ánh sáng từ sau hàng trăm năm nô lệ dưới chế độ phong kiến, thực dân. Nổi bật trên bức tranh ấy là những chàng trai Hà Nội trượng nghĩa, hào hoa: Danh Hùng, Bá Vân, Huy Lạc…, mà ấn tượng hơn cả là chàng trai Nguyễn Minh Khôi.
Khôi khôn ngoan như Huy Lạc, biết lựa theo chiều nước chảy để đạt mục đích và thăng tiến trong cuộc sống, sự nghiệp. Khôi như con tàu cứ thẳng bước đi tới, giơ ngực ra đón mọi phong ba của cuộc đời và anh không ít lần bị trừng phạt vô cớ. Quá tam ba bận, bị kỳ thị, bôi nhọ, ganh ghét, hàm oan. Nhưng vượt lên trên mọi hoàn cảnh luôn là một chàng trai Nguyễn Minh Khôi nhân hậu, chịu đựng, sẵn sàng tha thứ và thể tất, bước qua lời nguyền chủ nghĩa lý lịch một thời, cả những ấu trĩ, thô sơ, thậm chí ngu dốt…
Nhân vật trung tâm của Linh ứng đã hiện ra như thế đó. Nguyễn Mạnh Tuấn cao tay ở chỗ đã không huyền thoại hóa nhân vật như trong các tiểu thuyết sử thi. Anh chỉ đơn giản là người kể chuyện. Và trong những câu chuyện hết sức bình thường, Nguyễn Minh Khôi đã được lột tả với đầy đủ phẩm chất của một thế hệ. Không chói lòa như hình tượng lãng mạn của các anh hùng, nhưng nhân vật chính được phác thảo vẫn đầy sức hấp dẫn bởi sự chân thực vốn có của đời sống.
Bên cạnh dòng chảy trung tâm, không thể không nhắc đến dòng chảy tâm linh trong Linh ứng. Nguyễn Mạnh Tuấn đã dành không ít trang cho cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi, theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư… Trong hành trình kiếm tìm gian nan và dài dằng dặc ấy, có biết bao bất ngờ và kinh ngạc. Có những chuyện rất khó tin, nhưng không thể không tin…
Vậy có thế giới tâm linh không? Người vô thần đương nhiên không thừa nhận. Nhưng liệu chuyện tâm linh có là mê tín dị đoan? Hay ép nó vào mê tín dị đoan là võ đoán và có phần khiên cưỡng?
Là một nhà văn, Nguyễn Mạnh Tuấn không thể lý giải hiện tượng bí ẩn đó. Anh chỉ đơn giản kể câu chuyện của mình, hành trình của mình và những điều mắt thấy tai nghe. Có lẽ, trong thâm tâm, anh cũng phân vân giữa tin và không tin. Nhưng kết thúc cuộc kiếm tìm, ít nhất, cũng giúp anh an tâm hơn với khát vọng của những người thân trên con đường thực hiện điều linh thiêng nhất trong đạo lý dân tộc.
DƯƠNG TRỌNG DẬT
(Bài đăng SGGP)