Úc Du Kỳ Ngộ

Ngày đăng: 2/11/2021 06:12:14 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Chuyện kỳ ngộ trong lần Úc Du năm 2005 mình đã kể cho các thân hữu Hội Ái Hữu CSH Tống Phước Hiệp hồi năm 2006, nhưng gần 2 năm nay bó gối trong nhà do bởi nạn cúm Tàu không đi đâu được nên không có chuyện gì mới mẽ, thôi thì kể lại chuyện Úc du kỳ ngộ vậy. Số là vào năm 2005, trong chuyến nghỉ hè 3 tháng, mình có làm chuyến du lịch sang Úc Châu một tháng, từ ngày 29/10 đến 29/11 năm 2005. Sau một chuyến bay dài từ Los Angeles đi Hongkong, rồi sang Sydney,  mất trên 25 giờ bay của Hãng Hàng không Cathay Pacific, tôi đến Úc vào lúc nửa đêm ngày 31/10 năm 2005. Trong suốt thời gian lưu lại Úc Châu, tôi lần lượt thăm viếng hầu hết các tỉnh bang và các thành phố lớn của Úc, từ Sydney, qua Melbourne, Aldelaide, Perth, Darwin, Brisbane, và Canberra. hầu như tại thành phố nào của Úc, tôi cũng đều gặp lại bạn cũ, cũng như những bạn hữu học cùng trường Tống Phước Hiệp, trước hoặc sau mình. Dù quen lâu hay mới quen qua hình ảnh của Đặc San Trường Trung Học TPH. Tại Sydney, tôi gặp lại một số học trò cũ đã trên 20 năm không gặp, giờ nầy thì đa số các em đã thành nhân chi Mỹ, có gia đình và con cái đầy đàn, nhất là các em cựu học sinh Bồ Đề Đà Nẳng, nơi tôi dạy Anh Văn từ năm 1971 đến năm 1973. Trong đó không thể nào không kể đến những học trò Anh Văn của tôi sau năm 1975 (sau khi ra tù năm 1983, tôi sống bằng nghề dạy Anh văn chui cho những gia đình sắp xuất cảnh). Tại Sydney, tôi cũng gặp lại các em Khả và Doanh, những học trò rất giỏi, năng động và dễ thương. Mấy em đã rước tôi về nhà và đưa đi dạo khắp Sydney trong khoảng thời gian khoảng 4 ngày. Sau đó, tôi đáp chuyến bay của hãng hàng không Virgin Blue đi Melbourne.

Tôi đến Melbourne vào buổi sáng sớm ngày 3/11/ 2005. Tuy là sáng sớm nhưng tiết mùa hè (ở Úc, tháng 11 là đúng vào mùa hè) nóng nực và khó chịu hơn bên Mỹ nhiều. Ở Úc cũng như các xứ trong khối liên hiệp Thịnh Vượng Anh đều lái xe bên tay trái, nên cái gì cũng ngược lại với bên Mỹ. Đường xá ở đây tuy nhỏ hơn bên Mỹ, nhưng cách cấu trúc cũng giống. Về phần cây trái thì hầu như ở Việt Nam có thứ gì là bên Úc cũng có thứ đó. Khi tới Melbourne, tôi được các em Kim Phượng, Kim Oanh, Kim Diệp và Kim Hữu, thuộc gia đình họ Lê Kim của anh Lê Kim Thành (San Jose, California) đón và đưa về nhà. Anh em chúng tôi tay bắt mặt mừng thể như anh em ruột đi xa lâu ngày nay lại gặp nhau vậy. Đêm 4/11, mấy anh em chúng thức gần trắng đêm, nói đủ thứ chuyện, chuyện nhà, chuyện đời, chuyện thầy cô và bạn hữu trong Hội Ái Hữu CSH TPH, mãi đến gần sáng mà anh em chúng tôi chưa ai muốn đi nghỉ. Mãi suy tư về chuyện hội ngộ ly kỳ nầy, dòng suy tưởng của tôi chợt trở về với những kỷ niệm của tôi và gia đình Lê Kim tại Việt Nam đầu năm 1983, khi tôi vừa bước chân ra khỏi lao tù, để bước ra ngoài cái xã hội kỳ hoặc, cái xã hội của những người anh em phía bên kia quyết định. Lúc đó chính Cô Dượng Hai Thoại (mà lối xóm còn gọi là ông bà hai Sang), hai vị tiền bối của họ Lê Kim ở xóm Kho Dầu Cũ đã hết lòng an ủi, đã nâng đỡ tôi về mặt tinh thần rất nhiều, nhờ đó mà tôi mới có thể vượt qua được những năm tháng nghiệt ngã nhứt trong những ngày tháng có thể tạm gọi là được. À thì ra anh em chúng tôi đã có duyên với nhau từ những năm đầu của thập niên 80s của thế kỷ trước, dù tôi và các em chưa hề quen biết nhau trước đó, nhưng ngay lúc này đây, anh em chúng tôi như những người thân, thân lâu từ kiếp nào! Kim Oanh và Kim Diệp mãi mê nhắc về những kỷ niệm giữa gia đình Cô Hai (má của Oanh) và Cô Sáu (má của bà xã tui). còn Kim Hữu thì nhắc lại những kỷ niệm vui buồn của em và Ban Giám Hiệu mới của trường TPH trong buổi giao thời khi người anh em phía bên kia vừa tiếp thu. Trong khi đó thì Kim Phượng cứ mãi thắc mắc không biết có phải tôi đã từng ở cùng xóm hay không mà chưa bao giờ Kim Phượng được biết hay nghe ai nói đế tôi, rồi đùng một cái ở đâu lù lù về cưới con gái Cô Sáu. Tôi mỉm cười nói: Hồi đó, anh em mình hổng biết nhau, bây giờ biết nhau lại cảm thấy thân thương hơn để bù lại nè! Suốt cả đêm, anh em chúng tôi thức trắng mà vẫn chưa thấy đủ để nói hết những gì mình muốn nói. Ôi tình cảm của anh em CHS Tồng Phước Hiệp sao mà dào dạt thế! Chúng tôi hiện vẫn đang ngồi chung với nhau đây, nhưng khi chạnh nghĩ đến ngày mai mình lại chia tay nhau, một cảm giác man mác buồn, buồn lắm đang lan tỏa trong hồn.

Rồi việc gì đến cũng đến, ngày 6 /11 thì tôi rời Melbourne để đi Aldelaide. Anh em chúng tôi chia tay trong lưu luyến. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng tàn, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng phải tới hồi chia tay. Chúng tôi hẹn nhau ngày tái ngộ, có thể là ngay trên đất nước Việt Nam thanh bình của mình.

Mấy anh em chúng tôi chụp rất nhiều hình chia tay trước khi tôi rời Melbourne để đi Aldelaide. Sau khi rời Melbourne, tôi đáp phi cơ đi Aldelaide và lưu lại đây cũng khoảng một tuần rồi lại bay sang Perth. Tại Perth, tôi gặp Lãng, bạn học hồi mới lên trung học Tồng Phước Hiệp, sau này Lãng qua Kỹ Thuật VL. Tại đây tôi cũng gặp 2 vợ chồng Be-Phước, bạn thân với người em vợ của tôi, nhưng Be lại rất thân với tôi, nhất là sau những năm tôi đi tù về (1983). Tại đây, gia đình Be-Phước tiếp rước tôi vô cùng thân mật và chu đáo như người thân ruột thịt đi xa mới về. Cả Be và Phước đều là những cựu học sinh của trường trung học Tồng Phước Hiệp, và em Phước, vợ của Be cũng đã từng ở chung đoàn hướng đạo với Kim Oanh. Ôi trái đất nầy quả là tròn thiệt! Tôi lưu lại nhà của Be khoảng một tuần rồi lên đường đi Darwin, Brisbane. Sau khi qua Brisbane, tôi lại gặp được một người đàn em cùng xóm tên Hùng, nhà qua khỏi Văn Thánh một chút. Chúng tôi tay bắt mặt mừng và lưu lại nhà Hùng trong những ngày tôi lưu lại Brisbane. Sau đó, tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Canberra, thủ đô của nước Úc, rồi về lại Sydney hôm 29/11/ 2005.

Những tháng ngày lưu lạc đã mòn mỏi đôi chân. Quê hương ngày trở về hãy còn xa xăm diệu vợi trong bóng mờ hoàng hôn. Tuy nhiên, nơi xứ lạ quê người này, chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn tình người, tình thầy trò, tình bạn đồng học chung trường, dù có cách nhau đến cả thế hệ vẫn còn nồng ấm như truyền thống Việt Nam thân thương của chúng ta ngày nào.

Một lần nữa, xin cảm ơn trường Tống Phước Hiệp đã tạo ra những thế hệ học sinh tài ba và nhân nghĩa, xin cảm ơn thây cô, xin cảm ơn các chị em cựu học sinh Tồng Phước Hiệp, nhất là các em bên Melbourne, Úc Châu đã dành cho người người anh chưa bao giờ biết mặt đến từ Mỹ một cuộc Úc du kỳ ngộ tuyệt vời. Xin cảm ơn và hẹn ngày tái ngộ!!!

 

bài và ảnh TRẦN NGỌC

H1: Hình trong buổi trà mạn đàm, từ trái sang: Kim Oanh, Kim Phượng, Kim Hữu và hai vợ chồng Kim Diệp

Hình 2:  chụp chung trước nhà Kim Oanh .

Hình 3  Chụp chung với Võ Văn Be tại Perth.

H4 Tác giả Trần Ngọc

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác