CÂU CHUYỆN SÁNG CHỦ NHẬT!

Ngày đăng: 26/10/2021 02:00:28 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Sáng nay, như thường lệ vào cuối tuần tui gọi điện thăm “chị Hai”. Chị Hai tui năm nay mới 78 tuổi chứ nhiêu! Mục đích cuộc gọi là vấn an sức khỏe và hỏi thăm thử chích đủ 2 mũi vac xin chưa? Được biết là khỏe, đã chích đủ 2 mũi vc pfizer. Ok quá! Vậy là yên tâm.

Câu chuyện tiếp tục với tâm tình về chuyện đời chuyện người, tình hình sức khỏe của mấy dì cậu, bà con…!

Số là nhà có 10 chị em. Ông ngoại dạy học thời Pháp thuộc. Các con không kể trai gái đều được học hành. Nhưng đến năm 1953 thì đột ngột ông được thông báo cho nghỉ dạy với lý do khó chấp nhận: Rằng thì là: Con đông, trả lương cao. Hồi này một người đi dạy thì đủ sống cho cả nhà. Các con sau khi khai sinh ra đều được cấp lương.

Ông ngoại (trụ cột của gia đình) thất nghiệp. Thế là gia cảnh trở nên túng thiếu. May mắn thay, ông ngoại là người thông minh tháo vát. Từ khi buộc phải gác viên phấn thì ông lao vào công việc ruộng vườn, chăn nuôi…những việc chưa hề trải qua nhưng vì thời thế mà phải bắt tay vào làm và làm gì cũng giỏi. Chả gì thì ông cũng thừa hưởng chút gen của tiền nhân. Bởi ông là hậu duệ của một vị có tài thao lược trong quân sự. Còn bà ngoại đều có ba và me là con nhà quan dưới triều Nguyễn nên chẳng biết động chân động tay vào việc gì to tát cả. Bà ngoại chỉ giỏi thêu thùa, nấu nướng thôi. Nếu không bị tịch thu thì nhà mỗi mùa 8 tấn lúa, cùng với cây lưu niên, rau quả, vật nuôi cũng đủ cho cuộc sống gia đình một vợ với 10 người con. Nhưng ruộng làm ra 8 tấn lúa mà phải nộp cho địa phương hết 7 tấn rồi. Có năm phải đổ cả thóc giống đi nộp luôn. Tôi hỏi lại:

– Khoan, cho con hỏi lại chút, cái này lạ quá:

-Thóc giống mà nộp thì lấy gì gieo trồng vụ khác?

“Chị Hai” tôi nói:

-Thì lại đi chạy vạy vay mượn người ta mà trồng trọt.

Vậy là sau khi ông ngoại bị cho thôi dạỵ thì cả nhà lâm vào cảnh túng thiếu. Vài dì lớn lọt qua giai đoạn này được học hành, gả chồng ngon lành rồi ! Còn những người trưởng thành lúc ông thất nghiệp thì không có điều kiện học hành tiếp, phải nghỉ học ngang xương để làm lụng nuôi em ăn học. Vì thế những ai lớn trước và những đứa em của “chị Hai” tôi được học hành cho đến khi kiếm được công ăn việc làm ổn định. Còn những người con của ông trưởng thành thuộc giai đoạn khó khăn này như “chị Hai” tui chuyện học hành đành dang dở. Từ năm 14 – 15 tuổi là phải đi làm rồi! Nhưng bả tự học nhiều, sách vở gối đầu giường. Văn thơ thuộc nhiều. Nói chuyện mà rà trúng chủ đề là tuôn như mưa rào. Tui ham mê văn chương cũng bắt đầu từ “chị Hai” tui. Đầu tiên là thừa hưởng từ bả chút gen, sau đó mượn sách của “chỉ” mà gặm nhấm. À lúc chưa biết chữ cũng được “chỉ” đọc thơ cho mà nghe roài. Những nhà văn tên tuổi, trước khi tui tìm hiểu thì đầu tiên là từ tác phẩm của họ mà “chị Hai” tui có. Sau dần dần đi vào viết lách mới có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với tác giả mà lúc nhỏ tui chỉ biết họ qua sách mượn từ “chị Hai” tui.

Trở lại câu chuyện, tui hỏi thăm tiếp mấy người bà con: dì Viên, dì Tiên, Dì Thủy, Cậu Tùng,… khỏe không? Thì “chị Hai” tui nói rằng:

-Nhà có 10 chị em mà 6 người có bằng cấp: kế toán tài chính, ngân hàng, GV toán có, văn có (họ nghỉ hưu đã lâu, có người sinh từ năm 1939 lận) mà không biết công nghệ thông tin gì cả. fb, messenger zalo, viber chi cũng không biết dùng nên không chuyện trò cập nhật thường xuyên được. Trong mấy chị em chỉ có 4 người học hành lở dở, bỏ học lao vào đời sớm thì rành công nghệ. Cập nhật thông tin hàng ngày, chuyện trò với nhau, lúc rảnh chém gió phần phật không thua gì các thế hệ sau.

“Chị Hai” tiếp:

  • Con cái lập fb rồi hướng dẫn cho nhiều lần rồi mà cũng trú trú trớ trớ, không rành nên không chát chít chi được cả, nản rứa thê!

(UI chầu chầu! May mà mình có biết sơ sơ chứ không sáng ni cũng bị gom vô và ăn mắng rồi ..he he..)

Cuối cùng bả nhắc lại câu (không biết “chỉ” đã đọc ở đâu): “Bộ óc thông minh có giá trị hơn bộ óc chứa đầy chữ”

Sáng ni nói chuyện với “chị Hai” nghe câu chốt cũng thú vị!

Sài Gòn ngày 24/10/2021

Lan Vy

Hình minh họa trên net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác