GIẤC MƠ CỦA CỎ VÀ NHỮNG TÂM TÌNH MIÊN THẢO
Tôi nhận được quà tặng, là tập truyện ngắn đầu tay của tác giả Trần Thị Trúc Hạ, trong một ngày phương Nam đẹp trời, quãng độ trung tuần tháng 7, tại một quán cà phê dễ thương trên đường Pasteur, Đà Nẵng. Nhưng, mãi tới hạ tuần, tôi mới dành được thời gian để đọc nó, là vì, khi ấy Giấc mơ của cỏ – tên tập truyện – theo tôi ngược dòng ra Bắc, về xứ Thanh quê nội.
Con người ta, phàm là những kẻ xa quê, mỗi lần được về nhà, trong một quãng thời gian ngắn ngủi, người ta chỉ muốn được nghỉ ngơi, rồi gặp gỡ số ít bạn bè thân tình cố thuộc, rồi chạy lăng xăng thăm họ hàng, giềng xóm, huynh đệ thủ túc… hòng sống lại chút ít nhỏ nhoi của những năm tháng xưa cũ. Và, cũng sẽ là dễ chịu, khi, trong quãng thời gian ngắn ngủi này, đọc một cái gì đó nhẹ nhàng, có dư vị…
“…
có khi nằm ngửa mặt ngắm mây bay
nghìn năm mây bay bình thản
tôi chào đất nước tôi. Im lặng
nghe cỏ mềm mọc xuyên qua lưng
như ai đẩy mình bật dậy…”
(thơ Thanh Thảo, 1986)
- Giấc mơ của cỏ (Nxb Hội Nhà Văn, 2019) là một tập truyện ngắn, rất đáng để đọc! Tập truyện, có dung lượng vừa phải, với 21 tác phẩm được chia làm hai phần tương đối hài hòa.
Phần 1, mang chủ đề “Giấc mơ của cỏ”, gồm 11 tác phẩm: Chiều Sông Lau, Dấu chân Sa Di, Khi ngồi một mình bên biển, Nguyện, Đi về đâu, Ngày cá tháng Tư, Nước mắt chảy xuống, Ôi khỉ đột, Cười ra nước mắt, Viên sỏi buồn, Con sông tuổi nhỏ, Giấc mơ của cỏ.
Ở phần này, bằng một lối văn nhẹ nhàng, tác giả đã làm sống dậy những hồi ức, những kỷ niệm… về những năm tháng xưa cũ của tuổi học trò, của thời xuân tươi trẻ, mà, hầu như ai rồi cũng đã, đang và sẽ đón nhận. Đó là quãng thời gian dư thừa những trong trẻo, hồn nhiên; ăm ắp những xuyến xao, bồi hồi và không ít những nuối tiếc, hụt hẫng…
Phần 2, ít tác phẩm hơn một chút so với Phần 1, được thể thiện qua chủ đề “Quê hương ơi” với các tác phẩm: Quê hương ơi!, Kí ức tan nát, Nước mắt nhiệm mầu, Melboure ấm lạnh, Về với mây trời, Trải lòng với biển, Giấc mơ trôi về đâu, Chốn về?!, Những ngọn nến thắp lên từ Sơn Trà.
Có cảm giác, 9 tác phẩm này là những tâm tình thế sự ở phía… bên kia con dốc! Sở dĩ như vậy là vì, nếu Phần 1 mang cái hơi hướm của mùa Hạ, khi mà con người ta đang ở tuổi thanh xuân, dư thừa năng lượng… thì Phần 2 đã có sự chững lại, chất chứa cái suy tư của mùa Thu – mùa mở đầu cho con dốc còn lại của đời người! Vì thế, nhịp điệu chung ở phần này dường như hơn chậm và có phần nhấn nhá. Nó như hơi thở của người thiếu phụ đã nếm đủ đầy các thanh âm và xúc cảm cuộc đời. Sự nếm trải đó, không làm cho người ta bằng lòng hay chán chường!
—
Trong cách phân chia làm hai phần, có một điểm khá lý thú, là tác phẩm Giấc mơ của cỏ (cũng được lấy làm tên chung cho tập truyện) được đặt ở cuối Phần 1. Chắc hẳn đây không phải là sự ngẫu nhiên, khi ở vị trí này, nó giống như là bước đệm, mang tính chất chuyển tiếp và phần nào có hơi hướm như sự “chuẩn bị tâm lý” để độc giả bước vào Phần 2!
Là bởi: Nếu người đọc đang ở lứa tuổi ở lứa tuổi thanh xuân, lứa tuổi học sinh, những năm cuối cấp, hoặc ở ngưỡng cửa của cuộc đời… thì 11 tác phẩm đầu làm cho họ như đang sống trong thì “hiện tại tiếp diễn” (Present Continuous) với những chuyển động mà bản thân họ đang tham gia, chưa chấm dứt. Và, trước khi kết thúc Phần 1 để chuyển sang Phần 2, Giấc mơ của cỏ (tr.102 – 119) đã “tạo đà” cho họ để không quá bỡ ngỡ khi chạm vào cánh cửa ở thì tương lai (Future), nơi họ sẽ biết thế nào là bồi hồi, là chiêm nghiệm mà người đi trước đã, đang trải qua. Còn, nếu độc giả ở lứa tuổi trung niên và hơn thế nữa, thì 11 tác phẩm đầu tiên ở Phần 1 giúp họ được thấy được “quá khứ hoàn thành” (Past Perfect) của bản thân, 9 tác phẩm ở Phần 2 đưa họ tham gia cả vào “hiện tại” (Present) lẫn “hiện tại hoàn thành tiếp diễn” (Present Perfect Continuous), và, tất nhiên khi đó, Giấc mơ của cỏ là bước đệm, gạch nối!
Giọng văn Trúc hạ trong Giấc mơ của cỏ nhìn chung khá là dễ thương, hiền hậu. Từ đầu tới cuối tập truyện, có chỗ đau đáu nỗi niềm: “Nỗi đau của hậu chiến, người nằm xuống và người ở lại, ai buồn hơn ai?” (Quê hương ơi!), có chỗ tha thiết: “Anh nhớ ngôi trường hay nhớ ký ức?” (Giấc mơ của cỏ), có chỗ đúc kết: “Cỏ có một sức sống bền bỉ, người ta có thể vùi dập, có thể đốt cháy, nhưng cỏ vẫn bám vào nhựa sống từ đất, bám vào sự dịu dàng của gió, ngọt ngào của mưa, ấm áp của nắng… Và từ trong sâu thẳm của trái tim đầy yêu thương, cỏ vẫn tiếp tục hồi sinh.” (Giấc mơ của cỏ), rồi cũng có nhiều chỗ tự nhủ: “Không sao đâu, rồi sẽ qua thôi mà, thời gian sẽ lắng lại” (Ngày cá tháng Tư), “Sự bi lụy không làm cho người phụ nữ đẹp đâu con à, mà giá trị của người phụ nữ là ở ý chí, niềm kiêu hãnh và lòng nhân ái” (Về với mây trời)… Và hầu như không hề thấy bóng dáng của sự đắng chát hoặc căm hờn trong văn của chị. Điều này cũng được thể hiện qua một số tác phẩm khác mà tác giả đã đăng rải rác trên các tập san, tạp chí… trong suốt thời gian qua. Âu , văn cũng là người.!
3
Tất nhiên, nói vậy nhưng cũng không phải là vậy! Những cảm nhận về Giấc mơ của cỏ như trên, chỉ mang tính chất chủ quan!
Khi bàn về “Phương thức tồn tại của tác phẩm văn học”, nhà nghiên cứu lý luận văn học, PGS,TS Trương Đăng Dung, trong công trình Tác phẩm văn học như là quá trình, đã đặt ra một luận điểm hết sức ý nghĩa: “phương thức tồn tại của tác phẩm văn học qua sự cụ thể hoá của người đọc đã cho thấy sự tồn tại của tác phẩm không đơn giản là cái văn bản được viết ra mà còn phụ thuộc vào việc người ta tiếp nhận nó như thế nào” (Trương Đăng Dung, Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb Khoa học Xã hội, H, 2004, tr.105). Như vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc: khi bạn tiếp nhận Giấc mơ của cỏ, bạn sẽ có những khám phá của riêng mình. Vậy nên, mỗi một người đọc, tất nhiên sẽ có những cách tiếp nhận khác nhau, không ai giống ai, và, đều có thể tự xây cho mình, có quyền tạo cho riêng mình một hướng tiếp cận, một thế giới xúc cảm riêng!
—
Cá nhân tôi, Giấc mơ của cỏ không phải là một tập truyện mà khi cầm lên, tôi sẽ đọc liền một mạch từ đầu đến cuối. Nó cũng không thuộc type truyện mà chỉ cần đọc lướt qua một vài tác phẩm là có thể bỏ luôn đó! Nó, cũng không níu kéo tới mức khiến ta phải trăn trở, nhưng cũng đủ khiến lòng mình bồi hồi một cách nhẹ nhàng để sống dậy những tâm tình vốn dĩ rất khó đứt đoạn! Vậy nên, tôi cứ nhẩn nha đọc, xong một hoặc hai truyện, rồi dừng lại để làm những việc khác, tìm những thú vui khác… nhưng vui cái khác rồi cũng không dễ quên bẵng nó đi được! Bởi, đã đọc rồi, nếu bỏ lửng, sẽ có cảm giác mình đang thiếu thiếu một cái gì đó, không quá phức tạp để khiến mình mệt mỏi, cũng không giản đơn để chóng quên. Nó (tập truyện), giống như, những tâm tình miên thảo…
Thanh Hóa, 7/2019
BÙI TIẾN SỸ
Nhà văn Trần Thị Trúc Hạ
Mặc dù chưa tiếp cận được Giấc mơ của cỏ, song, khi đọc bài giới thiệu – cảm nhận của người viết cũng phần nào cảm nhận được tinh thần hồn hậu của tác phẩm. Văn chương và cảm nhận văn chương mà như thế, thật thú vị!