NHỚ TẾT.
Cu kêu ba tiếng cu kêu/ Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè.
Xem bài Sài Gòn ăn Tết sớm của Oanh Đoàn trên Trang nhà Tống Phước Hiệp, lòng chợt Nhớ Tết. Chuyện ăn với uống thì trong túi phải có tiền, không ít thì nhiều, còn nghèo kiết xác, viêm màng túi như tui thì sao ăn Tết được ? Có lẽ trong các văn, thi sĩ nghèo có ông Trần Tế Xương là người ghét Tết và bực tết nhất, ông ta nói :
– Chúng bảo nhau rằng mới với me./Bảo rằng năm cũ chẳng ai nghe ….
– Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo/Tiền để trong kho chửa lĩnh tiêu……
Sau này có nhà thơ Chế Lan Viên cũng sợ Xuân, sợ Tết :
– Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng/Những cánh hoa tươi, muôn cánh rã./ Đem về để chắn nẽo Xuân sang.
Hay:
– Ta có chờ đâu, có đợi đâu/ Mang chi Xuân đến gợi thêm sầu./Với ta tất cả là vô nghĩa.
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.
Thôi thì nằm võng đung đưa NHỚ TẾT vậy.
Thuở còn bé có hai điều mơ ước là Tết mau đến, lớn thêm tí nữa là mơ ước cưới vợ. Nay thì cũng đã qua 70 cái Tết và cũng đã cưới vợ, các mơ ước ngày xưa đều thực hiện được, tuy kết quả mang lại không như “mộng xuân thì “. Nhớ Tết xưa, dấu ấn đậm nhất trong tôi là Pháo và Bánh Phồng.
PHÁO :
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Tết là phải có Pháo, có Lân. Con Lân múa hay nhờ tiếng Pháo…..Thuở nhỏ, thập niên 1960- 1970, ở miền Nam, Tết đến thì pháo ôi là pháo, đủ loại : pháo kim, pháo tiểu, pháo trung, pháo đại….bán đầy ngoài chợ, mua bao nhiêu cũng có… ngoài các loại pháo cây, còn loại pháo cuồn, mỗi cuồn 100 viên rất vừa túi tiền đám con nít .
Pháo cuồn này, ngắt ra từng viên, để trên nền gạch hoặc đá, lấy 1 vật cứng đập xuống là nổ…thích nhất là mua cây súng bằng cây, thực tế là miếng gỗ nhỏ, cắt hình cây súng lục, có miếng ván nhỏ rời, kéo lùi ra phía sau bằng sợi dây thun, trên thân súng có gắn 1 miếng thiếc nhỏ (vừa với viên pháo), cò súng cũng thế, đặt viên pháo trên cây súng, kéo lui cái miếng gỗ ( cò súng), dùng ngón tay cái đẩy nhẹ, miếng gỗ bún tới đập vào viên pháo, nổ …chơi từng viên một. Giá tiến cây súng này rẽ, nhịn ăn quà một ngày là mua được. Thích nhất là cây súng máy, súng làm bằng hộp thiếc, có ổ chứa đạn ( nguyên cuồn pháo 100 viên), có cò súng, bóp có, pháo nổ và đẩy cuồn pháo chạy tới…bắn hết cả 100 viên pháo…đã lắm ! Tôi phải nhịn quà ( mẹ cho khi đi học) một tuần lễ, mới mua được cây súng này. Tuy thế, ở trong xóm cũng không có mấy đứa có được súng máy như tôi……
Đốt pháo không sướng bằng đốt ống Lói, ống lói được làm bằng gốc tre tươi hoặc thân cây đu đủ. Còn nhớ năm tôi,14 tuổi, thằng em trai kém tôi 3 tuổi, hai thằng ra sau vườn, hì hục đốn hai gốc tre già, rồi dùng cây “ xà beng” (cây sắt loại phi 14, có đầu nhọn), chọc cho thông mấy cái mắc tre, chừa cái mắc tre cuối, trên cái mắc tre khoan 1 lỗ nhỏ, rộng 1,5 cm. Mua khí đá đổ vào, chế nước cho có hơi, lấy cây rọi châm lữa vô lỗ, ống lói nổ vang trời như sung cối. Chiều hoặc tối mấy bạn ở xóm xúm lại đốt ống lói với anh em tôi….tiếng nổ thật lớn nghe đả cái lổ tai. Hạn chế của ống lói là đốt chừng 5 đến 3 tiếng là ống tre bị nức vì tiếng nổ lớn; phải bỏ cái ống lói đó phải thay cái ống khác….mê lắm…có bạn khi bỏ khí đá vào ống lói, rót tí nước vào, cầm cây rọi châm vô cái lổ…chờ lâu quá sao chưa nổ, cúi xuống đưa cái miệng chu mỏ thổi vào cái lổ cho nó thông, bất ngờ , nổ “đùng” ,nơi cái lổ nhỏ xẹt ra ánh lửa, thui rụi cặp chưn mày ….Có thằng cắc cớ lấy cái lon sữa bò hoặc cái miếng vùa để trên miệng ống lói, khi nổ nó tống hơi đưa cái hộp lon hoặc miểng vùa bay cao hơn 10 mét…. Cứ thế, khoãng chừng mùng 10 tháng chạp là tiếng pháo nổ lai rai, kèm theo tiếng ống lói…Mấy người lớn tuổi cũng chơi ống lói…đến khi hết Tết.
Chừng 30 năm sau này, mấy chóc nhóc cải tiến cái ống lói, chúng không phải sử dụng cái gốc tre nữa, mà là lấy 1 khúc ống nước bằng nhựa cũ, nhưng còn lành, dài chừng 60 cm, đường kính 5 cm là chơi được, sau nữa, chúng nó chỉ dùng cái chai nhựa Coca Cola dung tích 1,5 lít cũng chơi được luôn. Đốt ống lói kiểu này, Công An cũng thua, không bắt được…..Chừng vài năm trở lại đây, tiếng ống lói cũng thưa dần, có lẽ tại cái anh Smarphone (điện thoại thông minh), nên lớn, nhỏ bây giờ tối ngày đều dán điện thoại vào mắt, chúng nó không thú vị đến trò chơi đốt ống lói nữa…..
Sau tháng 4 năm 1975, chính quyền vẫn còn cho đốt pháo, nhưng đến ngày 08/8/1994 có chỉ thị cấm đốt pháo kể từ đầu năm1995 đến nay. Với tôi, thằng mê pháo, mà Tết không có pháo thì không còn là Tết nữa.
BÁNH PHỒNG :
Miền Bắc thì bánh chưng, miền Nam Bộ thì bánh phồng. Tết đến gần như nhà nào cũng có hai thứ bánh đó, chỉ có ít hay nhiều. Có lẽ do ngày xưa, người dân làm ruộng lúa mùa (lúa 1 vụ), đến tháng chạp thì thu hoạch lúa và nếp, mới có nếp làm bánh phồng. Thú vị của hương vị những ngày cận Tết là tiếng quết bánh phồng. Ngày thường, thôn quê êm ả tận sáng, gần Tết thì chừng 2 – 3 giờ sáng thì tiếng “bình, bình…” rộn cả xóm, đó là tiếng quết bánh phồng.
Thông thường, những nhà khá giả trong quê, gần Tết họ quết vài ổ bánh phồng, ăn Tết và làm quà biếu, nhà bình dân, hơi nghèo thì hùn lại 2 nhà một ổ hoặc 3 nhà hai ổ….tùy theo bánh phồng lớn nhỏ, mỏng dày, mỗi ổ chừng 150 – 200 cái. Mấy năm đó, vài ba năm thì nhà tôi có quết bánh phồng một lần, đa số là hùn…Nhà tôi có sẳn cái cối, chày, bếp xôi, khoãng sân rộng để ngồi cán bánh…nên ở xóm đến mượn chổ quết bánh…vui lắm.
Ngoài nếp loại tốt và ngon, món bánh phồng còn cần chất phụ gia là nước trái khóm, nhất là món “Men”, Men là bột gạo xay trộn với môt số vị thuốc bắc, vo lại phơi khô, loại men này khác với men nấu rượu, gần Tết thì những nhà sản xuất men này làm và bỏ mối cho các tiệm tạp hóa….
Việc quết bánh phồng thì đủ người chày ba ( ba người cầm chày quết), ít thì hai người. Một chị đàn bà lanh lẹ, có sức lực thì trộn , nhồi bánh trong cái cối, cứ thế liên tục đến khi xong ổ bánh, ngừng quết thì bột nguội…bánh bị hư….Tôi còn nhớ loại đường làm bánh phồng là loại đường Sắc, Đường này là đường viên ( tương tự như đường thốt lốt bây giờ), rẻ hơn đường cát trắng, nhưng khi làm ra bánh phồng có màu vàng bắt mắt. Có người sang hơn cho thêm tí mè vàng, mè đen…khi cán bánh. Men bánh rất quan trọng, nó làm cho cái bánh phồng to hay là chai (không nở) ….
Người chủ ổ bánh phồng, chuẩn bị hai chiếc chiếu mới mua ở chợ dùng để phơi bánh, phơi bánh xong, họ giặt chiếu rồi sử dụng trong nhà, thay cho những chiếc chiếu đã bị rách…Quan niệm là bánh phải được phơi trên chiếc chiếu sạch, vậy là bánh sạch để cúng Tết, cúng ông bà….
Giờ đây, ở quê không còn nghe tiếng quết bánh phồng nữa rồi, mười nhà đón Tết chưa hẳn một nhà có mua bánh phồng, nếu có là trong nhà ấy còn sót lại vài người lớn tuổi như tôi mà thôi, họ ăn bánh phồng để “hoài niệm cái tết xưa”, chứ có bánh phồng, chưa chắc mấy cháu trong nhà biết nướng bánh…Nướng bánh phồng cũng là một nghệ thuật đấy…..Bánh phồng giờ có mãn năm, vì có nhiều địa phương có nhiều lò bánh phồng, họ sản xuất công nghiệp…quết bánh bằng máy, cán bánh bằng máy…hàng được bán theo các chợ, các trạm dừng xe….
Ngồi viết mấy dòng sao mà nhớ nhất là : miếng bánh phồng nướng xong, để hơi dẽo, trét lên miếng chuối khô xắc mỏng ngào đường, trong mứt chuối có tí gừng, tí mè, tí đậu phộng rang….ba, bốn người khách cùng ăn, cùng trò chuyện và uống trà ngon….
Viết về Tết : Thơ, Văn, Nhạc, Tranh thì rất nhiều, nhưng hiếm thấy ai đem “Tiếng quết bánh phồng đón Tết” vào bài viết của mình….chỉ có 2 soạn giả tuồng cải lương Hoa Phượng và Ngọc Điệp, trong vở Tuyệt Tình Ca 1, theo tôi, tuy ngắn ngủi, nhưng đây là “Áng văn chương” tuyệt tác : Út Trà Ôn (vai ông cò quận 9) ..Bà khóc làm gì, thỉnh thoảng có giận hờn thì bà mới khóc, chứ còn tôi, tôi khóc suốt hai mươi năm rồi bà. Nhất là mỗi lần thấy bông Ô Môi nở hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang, mỗi lần có dịp về Vĩnh Long đi ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An, là mỗi lần tôi nhớ đến mùa xuân của đầu năm binh lửa. Nhớ tới dáng người vợ nhỏ chèo xuồng qua sông Mỹ Thuận để đưa tôi rời tỉnh Long Hồ.
19/01/2021
Trịnh Kim Thuấn.
H1
H2
H3